221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1232957
"Bước qua lời nguyền" để "đối mặt với tương lai"?
1
Article
null
'Bước qua lời nguyền' để 'đối mặt với tương lai'?
,

 - Trong nhiều trang viết, từ tập truyện "Bước qua lời nguyền"  hay những bài báo: Trẻ con, Thiên đường đầu tiên, Đối mặt với tương lai...,  sự thật của giáo dục hiện lên qua ngòi bút nhà văn Tạ Duy Anh trần trụi, nghiệt ngã, cay đắng. Dẫu vậy, vẫn thấm đượm chất nhân văn và những hy vọng về ngày mai.

Câu chuyện của anh với VietNamNet về những sự kiện đau lòng của ngành giáo dục diễn ra gần đây cũng phảng phất dư vị đó.
 

Nhà văn Tạ Duy Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những hành động như tạt axit, đánh trọng thương hoặc dọa giết thầy cô như báo chí nêu không thể được bao biện bằng bất cứ lý do nào.  

Nhưng cũng không khó để liệt kê những chuyện ở phía ngược lại:  cô giáo bắt hàng chục HS đánh một HS khác cho đến chết ngất, dán băng keo làm HStử vong; bắt một đứa bé chống đẩy cho đến kiệt sức... và sự kiện mới đây nhất là hiệu trưởng bị tố vì dẫn dắt mua dâm học trò.
 
Cả hai cách hành xử như vậy song song tồn tại, là hậu quả tất yếu, nhà trường đã đánh mất vai trò như là một thánh đường đạo đức và đã bị vẩn đục.

Nếu ví nền giáo dục như một cái cây, thì cái cây đó từ nhiều năm không còn được vun trồng theo đúng nghĩa trong sáng nhất của từ đó.

Vun trồng, một hành vi tuyệt đẹp. Cần những tấm lòng tuyệt đẹp, những tấm lòng cao cả, những tâm hồn trong sạch. Nhưng mà những tấm lòng như vậy cứ hiếm dần, rất hiếm. 

Khi trẻ con nghi ngờ người lớn... Bây giờ mình phải nói cái gì là lỗi của nền giáo dục, cái gì là lỗi của cả xã hội.

Những bài học bài học đạo đức, bài học nhân cách khô cứng, kém hấp dẫn, công thức mà trẻ con học thuộc dễ khiến cho  chúng nghi ngờ người lớn.
 
Cách giáo dục vụ lợi, quan niệm dạy những bài giảng, áp đặt những điều người lớn và xã hội muốn mà không thấy rằng, giáo dục học sinh là bằng toàn bộ hành vi của người lớn, của toàn xã hội mà người đại diện là thầy, cô. 
 
Những không gian mà trẻ sống hoặc đặt chân đến đều phải được bắt gặp những yếu tố giáo dục trong đó.

Mô tả ảnh.
Tiếc thay, những thứ đó tìm mãi không thấy, trong khi những thứ phản giáo dục thì đầy rẫy.
 
Chẳng hạn, những mánh múng, lừa người nọ, lừa người kia, nói dối, tham nhũng, chèn ép người thấp cổ bé họng...bố mẹ làm, tưởng là bọn trẻ không biết, nhưng mà nó biết hết. Cứ như vậy, ngấm dần.

Thành thử, quy trách nhiệm cho riêng nền giáo dục về những thói xấu của bọn trẻ thì không công bằng.

Khi xã hội trở nên vụ lợi, thực dụng, tàn nhẫn, những giá trị thiêng liêng không còn được đề cao nữa thì mọi thứ đều rẻ rúng chứ đâu chỉ tình thầy trò.
 
Nhưng nhà trường, thầy cô không thể dựa vào đó để gạt bỏ trách nhiệm.

Bởi vì nhà trường, thầy cô luôn được hưởng những siêu giá trị tinh thần từ cộng đồng và toàn xã hội. Nhà trường, thầy cô phải là bức tường kiên cố, không dễ bị để những thứ nhếch nhác thẩm thấu qua. 
 
Tiếc thay, nền giáo dục, trong đó thầy cô là đại diện, chưa bao giờ kém tin tưởng như hiện nay.

Và trong khi xã hội không quan tâm đến cái cây giáo dục thì nhiều nhà trường cũng bỏ mặc nó.

Những thù lao giá đắt

Không thiếu những hành vi như ngày 20/11, ngày lễ, ngày tết...bố mẹ học sinh đến biếu xén thầy cô, gặp thầy cô vì điểm chác, thành tích.

Khi những tình cảm yêu thương bị vật chất hoá, bị thô tục hoá, bị mục đích hoá thì thầy dưới mắt cha mẹ học sinh không khác gì một quan lại, còn phụ huynh thì đóng vai trò của những lái buôn.

Mô tả ảnh.
Có bao giờ, lái buôn bước vào cửa quan lại bằng tình cảm thiêng liêng, cho dù miệng luôn nói như vậy? Những món quà khi đó trở thành những vật đổi chác lạnh lùng.
 
Vậy mà, những chuyện đó diễn ra năm này sang năm khác, thế hệ này sang thế hệ khác, suốt một đời học trò từ lớp 1 cho đến khi học đại học.

Những đứa trẻ như vậy mà không tàn nhẫn, lạnh lùng... mới là chuyện lạ. 
 
Khi quan hệ giữa học sinh và thầy cô giáo trở thành quan hệ mua bán thì việc bắt chúng nó phải coi người đó như là những bậc thầy, như những bậc cha mẹ tinh thần, thật khó mà công bằng.

Làm thầy khó lắm. Nếu mà hiểu đúng chữ thầy thì làm thầy còn khó hơn là làm cha.
 
Xã hội không minh bạch làm thay cho các thầy những điều đó, khiến chính thầy cô cũng phải  nói dối.

Học thêm, dạy thêm, bày ra chuyện nọ chuyện kia, khoản này khoản kia là hình thức thầy cô phải chống lại thực tế nghèo khó so với những người giầu có đầy rẫy xung quanh mình.
 
Số tiền mà cha mẹ học sinh phải bỏ ra cho những việc thêm nếm trá hình như vậy-thực chất là trả thù lao miễn cưỡng cho thầy, suy cho cùng, không phải quá lớn so với nhiều khoản chi khác. Số tiền thầy nhận cũng không ghê gớm gì so với thu nhập của nhiều đối tượng khác.

Nhưng tất cả chúng ta, trong đó có cả các thầy cô bị trả thù lao rất đắt cho việc phải học lại những điều đơn giản nhất là phải làm một người đàng hoàng.
 
Dạy trẻ con nói dối, tạo ra một thế hệ mang ơn giả vờ thì hậu quả không thể lường được đâu. 

Một đứa trẻ con nó cầm cái đinh vạch thẳng lên vỏ chiếc ô tô đắt tiền, phá huỷ tài sản người khác, phá huỷ một cách rất thích thú thì không thể bảo nó là đứa không có giáo dục, mà là mình không giáo dục cho nó, mình không dạy cho nó việc làm như thế là đáng xấu hổ. 
 
Ai làm điều đó, khi mọi người còn mải kiếm tiền bằng mọi giá để chứng tỏ mình có giá, kể cả các thầy cô?
 
Giáo dục là nguyên nhân hay "nạn nhân"? Để mà phân tích ra thì có rất nhiều nguyên nhân rất nhiều hệ quả, hệ quả này cứ giằng kéo hệ quả kia.

Để thoát cái mớ bòng bong này thì phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và lòng dũng cảm.

Chính bản thân chúng ta đã đẩy nhau đến chỗ bây giờ quay lại là rất khó.
 
Một ví dụ đơn giản là tại sao khi HS của mình ra nước ngoài, vẫn là em ấy, nhưng khi trở về, tất  cả những hành vi đều khác, văn minh hơn hẳn và cái phản ứng trước xã hội nó cũng khác. Nó vừa tự tin nhưng không kiêu ngạo. 
 

Tôi không muốn nói đến từ tuyệt vọng. Nhưng ngay bây giờ, tôi chưa thấy loé lên chút hy vọng nào ở cuối đường hầm.

Mà sao lại hỏi tôi một vấn đề không chỉ của cả đất nước hiện tại mà còn của cả đất nước trong tương lai như vậy?

Thời tôi đi học 

Mô tả ảnh.
Nhà văn Tạ Duy Anh qua nét vẽ của HS Khoái.
Có lẽ, cái thời của tôi là cái thời ở ranh giới cuối cùng của một sự trong sáng trong quan hệ thầy trò.

Ở trong nhà trường lúc đó, nhắc đến tiền thì thấy rất xấu hổ.

Ngay bản thân bọn tôi ,muốn tặng thầy một cái gì làm kỉ niệm cứ thậm thà thậm thụt, không biết làm thế nào để bày tỏ với thầy rằng em tặng thầy bởi vì em quý thầy. Tức là mình phải làm cho ý nghĩa của món quà ấy nó là tinh thần. 

Bọn tôi đi ngoài đường, gặp thầy phải chuẩn bị áo xống, đầu tóc từ rất xa, đang đi xe phải xuống từ rất xa, chờ thầy đến chào xong thì mới lại dám lên xe đi tiếp.

Chúng ta đi lên từ nghèo khó, cho nên phấn đấu để sung túc về vật chất có giá trị nhân bản của nó.

Trong sạch mà nghèo khó thì cũng chẳng hay ho gì, nói khác đi, cứ lấy lý do giữ trong sạch để cỗ vũ sự nghèo khó là nhẫn tâm.

Thế nhưng từ nghèo khó, từ cái chỗ nhắc đến tiền là đỏ mặt, từ cái chỗ mà giáo dục trẻ con ghét đồng tiền cho đến chỗ mắt sáng lên khi nói đến tiền, không nói ra mồm nhưng vẫn coi tiền là tất cả, tiền là chìa khoá vạn năng, tiền là tiêu chí để đánh giá sự thành đạt thì lại là chuyện khác.

Tôi nghĩ thế này này, một xã hội chuyển đổi thì nó đều giống nhau, nó đều phải đi qua những bước như vậy.

Chỉ có điều rằng cái tác nhân để nó đảm bảo cho cái xã hội đấy vẫn trong cái khuôn đạo đức chính là sự trung thực.

Chúng ta làm hỏng - nếu chưa hỏng thì cũng sẽ hỏng- làm mọi thứ thành ra nguy hiểm, đáng sợ chính vì tạo hẳn ra cộng đồng chỉ quen nói dối.

Nói dối được coi như một hành vi khôn ngoan. Không thể nói thật thì rất nguy hiểm. Càng sung túc về vật chất càng nguy hiểm.

’Đối mặt với tương lai"

Tôi đang nghiền ngẫm viết một chuyên luận: Người Việt hư hỏng từ bao giờ và vì cái gì?

Người Việt Nam mình, nếu tin vào lịch sử, không đến mức như thế đâu, đặc biệt văn hoá phương Đông có nhân tố Phật giáo, lại càng không khuyến khích sự dối trá. 
 
Bây giờ cái xấu có quá nhiều nơi để ẩn nấp, cái xấu có quá nhiều khu vực sẵn sàng che chở, cái xấu có đầy đủ tiêu chí để trở thành cái an toàn.

g
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Lê Anh Dũng
Dần dần, đám đông sẽ tạo ra cái luật gọi là "luật khôn ngoan" và mọi người chả dại gì mà bị nằm ngoài số những người khôn ngoan.

Phản ứng HS tạt axit thầy giáo không phải là cái phản ứng chống lại nền giáo dục, mà nó chống lại điểm tốt cuối cùng của nền giáo dục -hoặc một trong những điểm tốt hiếm hoi của nền giáo dục.

 


 Nếu mọi người đọc xong bài trao đổi này chắc là sự bi quan càng tăng lên?

Ở đây, mình không nói là bi quan hay không bi quan, mà là một thực tế.
 
Cứ còn những bài giảng rời rạc, những bài giảng công thức, vẫn còn những bài giảng chết cứng về lịch sử thì còn đua xe bạt ngàn trên đường phố.

Những hành động của bọn trẻ là phản ứng lại trạng thái bất bình thường của xã hội.

Khi không trung thực về tất cả mọi thứ để cho chúng nó tiến về tương lai thì chúng nó sẽ coi cái hiện tại đó là tương lai của nó. 

Thầy có bao giờ cho nó một niềm tin rằng các em là thế hệ của ngày mai không hay chỉ khiến HS thấy các em đang là đối tượng kinh doanh, là tiền của chúng tôi?
 
Nói đơn giản là một cô giáo được đứng lớp, nếu là một nhà sư phạm thì đấy là một niềm vinh hạnh vô cùng lớn, nhưng hãy thử hỏi xem có bao nhiêu cô giáo có ý thức như vậy?

Chính phụ huynh học sinh đã góp phần làm cho họ có một tâm thế như thế?
 
Là người làm cha, làm mẹ thì đôi khi nỗi lo lớn nhất lại là hình như chỉ còn mình chưa làm như mọi người, tức là chỉ còn con mình chưa được đảm bảo. Nước đục thì cá phải ngoi lên mà thở. 
 
Phụ huynh học sinh đã góp phần làm cho nền giáo dục lùng bùng như hiện nay. Nhưng chúng ta không đủ thẩm quyền để phán xét khi mà họ là nạn nhân bị mục tiêu "con buôn hoá nền giáo dục " săn đuổi ráo riết nhất.

Vậy, là phụ huynh anh làm gì?

Gia đình chỉ là một phần rất nhỏ trong xã hội. Con mình chỉ chống lại được phần nào sự ô nhiễm của xã hội, không  thể chống lại hết được.

Không ai có thể nói tôi đã bao bọc cho con sự vô trùng, dù cố gắng bao bọc, tạo ra một môi trường gia đình trong sạch. 

Nhưng sự cố gắng ấy cũng là một hành động dối lòng mình thôi. Bởi vì một giọt nước có trong sạch đến đâu mà ném vào một bể nước đục ngầu thì cũng chẳng đáng kể gì.

Đấy chính là một vấn đề rất lớn trong cộng đồng. 
 
Tương lai của chúng ta chỉ có thể tốt, chỉ có thể an toàn khi cả một cộng đồng, một xã hội cùng phấn đầu, cùng nỗ lực cho mục tiêu của mỗi gia đình.

Một đứa trẻ sẽ sống với xã hội nhiều hơn, giỏi lắm cha mẹ cũng chỉ bao bọc được con khi nó còn thơ bé.

Kết lại, đã là giáo dục thì phải giáo dục cộng đồng.

Còn nếu giáo dục cộng đồng thất bại thì đa số giáo dục gia đình cũng thất bại.

Cảm ơn anh!

  • Sơn Khê (Thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
img").setAttribute("src", stats_src.replace("_referrer_", r));