221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1224182
Từ đề văn: Ngành giáo dục có dám trung thực?
0
Article
null
Từ đề văn: Ngành giáo dục có dám trung thực?
,

- Mới qua một thay đổi nhỏ, đã xuất hiện nhiều chuyện “lùm xùm” nảy sinh xung quanh. Nhưng tôi hy vọng không vì thế mà các nhà lãnh đạo giáo dục “chùn chân” với những sự thay đổi. Dám đối mặt, dám sửa sai và dám thay đổi, cũng là một cách hành xử TRUNG THỰC – điều mà hàng nghìn con em chúng ta vừa đặt bút thảo luận trong bài thi của mình. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đặt vấn đề như vậy xung quanh đề thi đại học vừa qua.

Sẽ có một thế hệ dạy văn và học văn theo kiểu khác?

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
Trong khi dư luận đang xôn xao về nghi án bức thư của Lincoln hay không của Lincoln, thì tôi đã tìm trên Google một tài liệu rất hay của một sinh viên Ân Độ viết về lá thư này.

Anh ta đã mở đầu bài viết của mình như sau: Lincoln đã viết những điều của thời đại ông ấy, còn bây giờ tôi sẽ viết lại bức thư này theo tiếng nói của thời đại mà tôi đang sống.

Tôi đang hồi hộp chờ đến ngày công bố kết quả thi đại học với mong mỏi sẽ có những bài văn đạt điểm cao với lối suy nghĩ như vậy. Tâm trạng này không xuất hiện trong tôi ở những kỳ thi trước vì tôi biết, những bài văn đạt điểm cao sẽ là những bài đúng và trúng với đáp án. 

Như vậy, trước tiên, phải khẳng định: Việc đưa đề văn  nghị luận xã hội vào kỳ thi đại học năm nay của Bộ GD-ĐT là hay, cần thiết và nên tiếp tục vì những lý do sau: 

Thứ nhất, khi đề văn nghiêng về nghị luận xã hội, học sinh có thể cập nhật những vấn đề của đời sống đương đại để đưa vào bài viết. 

Thứ hai, đề văn "mở" sẽ khai phá những khoảng không gian sáng tạo mà ở đó, thí sinh có cơ hội giãi bày suy nghĩ chân thực của mình, chứ không chỉ đơn thuần là học thuộc và chép lại kiến thức như một cái máy. 
Giải trình của Bộ GD-ĐT về điểm văn thấp của khu vực Tây Nam Bộ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là do giáo viên chấm quá sát với đáp án. Liệu, cách chấm này có quay trở lại với kỳ thi đại học, khi giáo viên nghĩ rằng cách tốt nhất là chấm an toàn theo đáp án? Và những em học sinh thật sự giỏi với một năng lực tư duy độc lập sẽ nhận nhiều thiệt thòi?

Sau giờ thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng


Giả sử, có những học sinh sẽ viết là: "Em thấy đức tính trung thực là cần thiết nhưng theo quan sát của em, những người trung thực trong cả thi cử lẫn cuộc sống đều phải chịu nhiều thua thiệt" thì bài văn đó sẽ được chấm như thế nào?

Cũng không loại trừ trường hợp, nếu
chấm không khéo thì sẽ không khuyến khích thí sinh sáng tạo. Và năm sau, các em sẽ đi thi với những ngân hàng câu hỏi, những đề thi đề văn mở được soạn sẵn và cứ thế mà đem vào bài thi cho chắc chắn. 

Cách tốt nhất, theo tôi,
chỉ chấm về cách hành văn xem là thí sinh phát triển các ý tưởng của mình có sinh động hay không, có nhiều ví dụ hấp hẫn hay không, bố cục bài viết, ngôn ngữ được sử dụng như thế nào… 

Nếu Bộ GD-ĐT tiếp tục đưa những đề văn mở vào thi đại học và kèm theo đó là những cải cách triệt để trong khâu chấm thi, đánh giá thì tôi tin rằng, cách ra đề này sẽ tác động mạnh mẽ đến cách dạy và
học văn trong tương lai gần. 

Thiếu sót lớn nhất trong cách dạy văn hiện nay là không kích thích được sự trung thực và tính sáng tạo của người học. Với những bài văn mẫu, những đáp án mẫu, chúng ta đang dạy con em mình cách nói dối, nói giả, nói khác đi những gì mà các em suy nghĩ. 

Nhưng, việc đưa vào những đề văn nghị luận xã hội, cùng với đó là thay đổi sách giáo khoa với việc đưa nhiều những vấn đề gần gũi của đời sống nhiều hơn, thầy giáo cải tiến phương pháp giảng dạy sinh động, gần gũi, hơn, cách thi đánh giá năng lực tư duy nhiều hơn là học thuộc kiến thức, thì chúng ta sẽ có một thế hệ dạy văn và học văn theo kiểu khác. 

Vì sao học sinh được điểm 5 môn Văn lại viết blog hay? 

Lại nói về đề văn mở, tôi đã rất ngạc nhiên khi tính trung thực - một vấn đề rất nóng và căn bản của xã hội hiện nay được đưa vào để kích thích, gợi mở suy nghĩ cho học sinh.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, một anh bạn cũng là giảng viên đại học gọi đến trao đổi với tôi rằng: Theo anh, đề thi có ba điểm không trung thực. 

Sách giáo khoa Ngữ văn 10 khi in bức thư đã cắt một số câu không đáng phải cắt như:

“Xin thầy hãy dạy cho cháu biết nếu cháu gặp một kẻ vô lại thì cứ tin rằng ở nơi khác sẽ có những người anh hùng. Nếu cháu gặp một chính trị gia ích kỷ thì hãy tin rằng ta cũng sẽ có những lãnh tụ tận tâm”…

(Ông Nguyễn Hùng Vỹ, giảng viên Khoa Văn, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội)

Thứ nhất, người biên soạn đã không trung thực khi đưa vào SGK một văn bản không đúng với nguyên bản được lấy từ quyển sách của NXB Trẻ. 

Thứ hai, đề thi không trung thực vì đã cắt xén từ “ở trường” trong câu nguyên gốc (Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi). 

Từ cách cắt xén không trung thực dẫn đến một đáp án không trung thực vì không xét câu nói trong ngữ cảnh của nó, mà ở đây, ý nghĩa đầy đủ theo cách: ông bố muốn nói đến trách nhiệm và sứ mệnh của người thầy, rộng ra của nhà trường là tạo nên những nhân cách trung thực.

Nền giáo dục hiện nay của chúng ta có thể đảm nhận sứ mệnh đào tạo ra những con người trung thực theo một triết lý toàn diện như bấy lâu vẫn nói? Những mục tiêu và mục đích về mặt lý thuyết đặt ra có thể rất hoàn hảo, nhưng cách tiến hành của giáo dục thì quả là dở. 

Cái dở thứ nhất là bản thân triết lý giáo dục, phương pháp giáo dục đang chi phối cách biên soạn SGK, cách giảng dạy… đã và đang bó buộc, đóng khung cho những người thầy muốn tạo ra “sản phẩm” trung thực và sáng tạo. 

Cái dở thứ hai là môi trường để dung dưỡng nền giáo dục hiện tại. Vì sao, một HS được điểm 5 môn văn ở trường mà về nhà, các em lại viết blog hay như thế, hấp dẫn, cảm động đến thế? Phải chăng, vì chỉ ở thế giới đó, các em được nói thật những điều chúng nghĩ trong một không gian không giới hạn sức sáng tạo. 

Để rồi khi đến trường, các em lại chất đầy kiến thức một cách giả dối để đối phó với những kỳ thi đem lại thành tích cho bố mẹ và nhà trường.

“Xuê xoa, dễ dãi” với khoa học 

Lại thêm một chuyện lùm xùm nữa xung quanh đề thi văn khối C năm nay là những nghi vấn liệu bức thư được Bộ GD-ĐT đưa vào SGK và sử dụng làm đề thi ĐH có đúng là lá thư của A.Lincoln? Chưa bàn đến chuyện ai đúng, ai sai, nhưng theo tôi, Bộ GD -ĐT đã căn cứ vào một quyển sách của một NXB rồi đưa vào chương trình giảng dạy mà không có một động thái kiểm chứng, thì đó là việc sai hoàn toàn, dù đó chỉ là ngẫu nhiên.

SGK đã được nhà nước công nhận là một pháp lệnh, lại là giáo trình được giảng dạy cho hàng triệu học sinh thì không thể có những sai lầm tắc trách như vậy.

Đặc biệt, câu nói này lại là phát ngôn của một danh nhân, một chính khách lừng lẫy thì ý nghĩa và phạm vi ảnh hưởng của nó đã vượt ra khỏi những ranh giới thông thường khác.

Kể cả bây giờ Bộ GD-ĐT có phát hiện được lỗi sai và có đính chính thì để lại văn bản này thành bài học trong SGK cũng là một điều không thỏa đáng. Vì vị thế phát ngôn của một người cha bình thường với người cha là danh nhân, là chính khách lừng lẫy của một quốc gia vĩ đại đã là hai chuyện khác biệt.   

Xét về mặt tâm lý và đặc tính văn hóa thì chúng ta đang “mặc định” và hồn nhiên, dễ dãi với nhau về quá nhiều điều hệ trọng mà văn bản đang được tranh cãi nói trên là một ví dụ điển hình. 

Nếu giả sử lá thư kia được minh chứng bằng những chứng cứ khoa học xác đáng là không phải của Lincoln thì đây sẽ là bài học đắt cho các nhà làm giáo dục và khoa học của Việt Nam.

Công cụ thông tin giúp cho chúng ta tra cứu được nhanh hơn, nhiều hơn nhưng cũng kiểm chứng, giám sát chặt chẽ hơn, do đó sự thận trọng và trung thực không bao giờ là thừa.

Mới qua một thay đổi nhỏ mà đã xuất hiện nhiều chuyện “lùm xùm” nảy sinh xung quanh. Nhưng tôi hy vọng không vì thế mà các nhà lãnh đạo GD “chùn chân” với những sự thay đổi. Dám đối mặt, dám sửa sai và dám thay đổi, cũng là một cách hành xử TRUNG THỰC – điều mà hàng nghìn con em chúng ta vừa đặt bút thảo luận trong bài thi của mình.

  • Sơn Khê (ghi)

******************************************

Ho ten: Nguyễn Đức Huyền
Dia chi: 67, Núi Trúc, Kim Mã, Hà Nội
Tieu de: Những sai sót có thể sửa khi trung thực

Tôi nhớ, khi còn làm việc ở Viện Thiết kế Công nghiệp TP.HCM, có một anh tên là Hoàng Hiển rất vui tính. Mỗi khi phát biểu ý kiến,  muốn mọi người dễ nghe thì anh hay dùng cụm từ "như nhà văn nổi tiếng Liên Xô IACOPLEP đã nói...". Những anh em quen thân biết ngay là chẳng có ông nhà văn IACOPLEP nào trên cõi đời này. Nhưng hội nghị lại thích nghe những câu trích dẫn từ một danh nhân, những nhân vật nổi tiếng...Cũng những câu nói như vậy, nếu đặt vào mồm một nhân vật nổi danh.

Vấn đề là một sự nhận lỗi trung thực thì chẳng ai còn trách cứ làm gì! Sự trung thực cần có lòng thành và cả thái độ nghiêm túc.

Ho ten: Nguyễn Thành Phương
Dia chi: Gò Vấp, TP.HCM

Tôi thấy người viết chưa đề cập chính xác khi nói đến cách chấm điểm.

Ho ten: Cao Hồng Thụy
Dia chi: TP Thái Nguyên.
Tieu de: Hãy để cho tâm hồn các em có cơ hội bay bổng cùng sáng tạo

Tôi cho rằng, cái gì cũng cần phải có quá trình. Sau nhiều trăn trở, việc học văn và dạy văn đã bắt đầu có những khởi động tốt hơn trước. Hãy để cho tâm hồn các
em học trò có cơ hội được bay bổng cùng những suy nghĩ chân thành của các em. Đấy là tiêu chí tốt nhất để soạn sách giáo khoa văn học,dạy văn học, ra đề thi và kiểm tra đối với môn văn học trong nhà trường.

Ho ten: Ngoc Anh
Dia chi: CLC - Văn K55 - ĐH Sư phạm Hà Nội
Tieu de: Đổi mới phần ngọn - liệu có ăn thua?

Phải thừa nhận, đề thi ĐH môn Ngữ văn năm nay đã phần nào đáp ứng được những yêu cầu cấp bách của sự đổi mới. Dư luận đa phần đồng tình, thí sinh đi thi về phấn khởi. Ai cũng thấy hướng đi này là khả quan, cho thí sinh được thử sức một cách sáng tạo.

Vấn đề đề thi đặt ra cũng vào loại đang "hot" trong XH : tính trung thực. Đọc đề thi này, tôi lại nhớ đến đầu bài thi Hội năm 1868: "Quân xâm lăng (Pháp) hiện nay càng ngày càng gây hấn, đồn luỹ dựng lên khắp nơi, vậy nên đánh hay nên hoà?" (Giai thoại làng Nho toàn tập, tr. 534). Vấn đề của kì thi năm 1868 là quốc gia đại
sự, còn vấn đề của đề thi năm 2009 cũng đang trở thành nỗi nhức nhối không chỉ trong ngành giáo dục mà trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Nếu như kì thi năm 1868, nếu người chấm bài thi là người chủ hòa, thì những bài thi cho rằng "phải đánh" sẽ đậu hay trượt?

Cũng thế, năm nay, nếu người chấm thi cho rằng, bài viết về đức tính trung thực chỉ được ca ngợi một chiều mới là chuẩn, mới đáng được chấm điểm cao, vậy thì lẽ công bằng nằm ở đâu?

Và như vậy, kì thực nó là đề thi về đức tính trung thực cho học sinh hay là đề thi về sự công bằng, về cái nhìn thoáng, biết khích lệ tính trung thực và sự sáng tạo của học sinh cho người chấm?

Tóm lại, đề có tốt bao nhiêu mà công tác chấm thi vẫn chưa được quán triệt cho đúng thì vẫn cứ hỏng mà thôi.

Có ai lo ngại một nguy cơ, đến một ngày, những đề thi "mở" kiểu này sẽ sinh ra một thế hệ học trò chỉ biết tán dương một cách máy móc, thậm chí còn hay hơn máy về những chuẩn mực đạo đức với những mĩ từ ’tính trung thực", "lòng dũng cảm", "tính cao thượng" ...trên giấy mà chẳng buồn nghĩ xem, sống ở đời, có nên trung thực (dũng cảm, cao thượng,...) 100% hay không? Chẳng buồn nói thật suy nghĩ của mình rằng, có nên trung thực (dũng cảm, cao thượng) hay không? Hay viết thì vẫn một đằng, mà sống ngoài đời thực thì vẫn là một nẻo?

Ho ten: Do Phuoc Hau
Dia chi: TP.HCM


Tôi thấy tựa đề bài viết chẳng có gì gọi là xúc phạm cả, bằng chứng là xã hội vẫn trân trọng những thầy cô giáo "trung thực" như thầy Tran Xuan Hoa ở trên, nhưng không phải vì thế mà có thể "bỏ qua" những điều chưa đúng, thậm chí, có thể cả sự sai lầm.

Ở đó là cả 1 tảng băng chìm ngày càng lộ dần lên để cảnh báo rằng ngành giáo dục đã làm được những gì so với quá khứ, tầm nhìn hiện tại và trong tương lai ở sứ mệnh giáo dục của mình đến đâu:

Làm sao để học sinh luôn trung thức với bản thân mình? Làm sao để tính sáng tạo của học sinh được phát huy cao nhất?

Làm sao để học sinh hiểu rằng đất nước ta còn nghèo khó và chính các bạn là nhân tố đóng góp to lớn để thay đổi điều đó bằng niềm tin để cống hiến, bằng sức lao động và tri thức được bồi đắp từng ngày?

Làm sao để học sinh hiểu nguồn tài nguyên đất nước không phải "của biếu" và cũng "không vô tận"? Đây phải chăng là những điều quá khó?

Ho ten: letan108
Dia chi: Hải Phòng

Đã có bao người được như thầy Khoa, đã có bao người dám lên tiếng ủng hộ thầy hay chỉ chê trách hoặc im lặng, cúi xuống, thở dài và lắc đầu?

Thực ra, tất cả xã hội đều mong muốn thế hệ tương lai của con em mình đủ sức để gánh vác lấy đất nước này, nhưng các cấp, các ngành, các ban, đoàn thể có đủ trung thực để làm gương cho con em mình không. Và ngành giáo dục là đại diện cho tất cả ban ngành trên đứng trước thể hệ mầm non đó có đủ sự tự tin và trung thực để dạy dỗ được hay không? Điều này thực ra là rất khó. "Nằm ở trong chăn mới biết chăn có rận". Tôi cũng là một giáo viên.

Ho ten: Nguyễn Hoà
Dia chi: Hà Nội

Chúng tôi cho rằng tiêu đề bài báo của Phạm Xuân Nguyên chẳng có gì xúc phạm những người trong ngành giáo dục.

Ho ten: Hà Thành
Dia chi: Hà Nội

Tôi thấy hình như VietNamNet chỉ thích ném đá ngành giáo dục thì phải. Những ý kiến thế này mà cứ trưng ra tranh luận, chỉ bảo thì đến bao giờ mới đổi mới cách học, cách thi.

Đa phần các ý kiến mà VietNamNet đăng tải đều xa vời vợi ở đâu ấy, toàn đại ngôn thôi. Chẳng nhẽ, các vị không thấy thực tế chất lượng của các giáo sư, các nhà này, nhà nọ của Việt Nam như thế nào à? Tranh luận xem đấy có đúng là của ông Lincoln hay của Napoleon thì có thay đổi được bản chất câu chuyện đâu? Rồi chuyện đề thi lại sang sách giáo khoa.

Cái mới, cái có ích thì nên khuyến khích, động viên, cần thì chỉ ra các điểm chưa được để cảnh báo, có thêm giải pháp khả thi thì tốt.

 

Ho ten: Nguyễn Liên
Dia chi: Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tieu de: Nên hướng đến bồi dưỡng suy nghĩ độc lập, sáng tạo

Tôi thấy không có gì là khó chấm kiểu bài văn này. Văn nghị luận như vậy không có cái gọi là đúng, sai trong quan điểm, ví dụ người ta nói: "Em thấy đức tính trung thực là cần thiết
nhưng theo quan sát của em, những người trung thực trong cả thi cử lẫn cuộc sống đều phải chịu nhiều thua thiệt" thì không thể nói người ta sai được, cái quan trọng là xem các ý tổ chức trong bài văn có logic không, các luận cứ đưa ra có chứng minh thuyết phục quan điểm người viết hay không.

Nếu các ý logic, mạch lạc, cách hành văn sáng sủa, biểu cảm, ý tưởng phong phú thì có thể chấm điểm cao được. Với câu hỏi mở như thế này chấm điểm chỉ nên dựa trên tiêu chí (ví dụ như trên), chứ không thể có cái gọi là đáp án được. Nếu các nhà giáo Việt Nam chưa có kinh nghiệm chấm kiểu bài văn này thì Bộ GD có thể tổ chức các khóa huấn luyện cho họ. Kiểu làm văn này không mới, bây giờ các đề thi TOEFL, IELTS, GRE, GMAT đều có, và người ta đều chấm điểm được dựa trên các tiêu chí đưa ra đó thôi.

Tôi nghĩ nên khuyến khích kiểu ra đề như thế này. Đồng thời, các đề văn yêu cầu học sinh phân tích, phát biểu cảm tưởng về những tác phẩm văn học có giá trị vẫn cần được đưa ra, tuy nhiên chấm điểm cũng nên dựa trên cách chấm của bài văn nghị luận về các vấn đề xã hội, tức là người viết có quyền có quan điểm riêng về tác phẩm văn học đó, miễn là lập luận họ đưa ra chặt chẽ, thuyết phục. Chứ không nên bắt người ta phải nói những điều đã được lên khuôn, làm mẫu. Giáo dục nên bồi dưỡng suy nghĩ độc lập, tính sáng tạo cho con người chứ không nên giáo điều, áp đặt về tư tưởng, quan điểm.

Ho ten: Hoang
Dia chi: Dong Nai

Theo tôi bài này rất hay. Tôi đồng ý với việc học Văn là để cảm nhận của riêng từng người. Đừng nghĩ là chúng tôi không hiểu mà có chắc là bài văn hay thơ đó tác giả viết về vấn đề đó hay không?

Ho ten: Vu Anh Nam
Dia chi: Lam Dong
Tieu de: Bàn luận về đề thi ĐH khối C

Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần quán triệt hội đồng chấm về đáp án của đề thi. Nếu vì trách nhiệm mà BGK chấm theo đáp án thì thật thiệt thòi cho nhiều học sinh có mạch văn rõ ràng nhưng các em lại nhìn nhận vấn đề trung thực theo khía cạnh khác đáp án. Như chúng ta biết, "trung thực" thường kèm theo "thiệt thòi". Tôi đồng ý với bài viết của Vietnamnet là có 1 học sinh viết: "Em thấy đức tính trung thực là cần thiết nhưng theo quan sát của em, những người trung thực trong cả thi cử lẫn cuộc sống đều phải chịu nhiều thua thiệt" thì bài văn đó sẽ được chấm như thế nào?

Ho ten: Tran Xuan Hoa
Dia chi: 7E Hoang Hoa Tham, Nha Trang
Tieu de: Văn hóa trong báo chí

"Từ đề văn: Ngành giáo dục có dám trung thực" - Tiêu đề bài báo của các bạn dường như xúc phạm đến đông đảo những người trung thực trong ngành giáo dục?

Ho ten: Pham Quyet Chien
Dia chi: Thi xa Bac Kan, tinh Bac Kan
Tieu de: Tu luan

Qua bài báo và tìm hiểu thông tin kỳ thi môn Văn vừa qua của các em tôi thấy:- Hoan nghênh ngành GD có hướng đi đúng nhưng việc thay đổi nội dung của đề thi phải song trùng với phương pháp dạy học, sách giáo khoa, tài liệu liên quan.
- Hãy tìm cách tháo gỡ dần cách chấm Văn còn cứng nhắc của ngành.
- Các em không có cơ hội tìm tòi, sáng tạo để phát triển thêm phần nhận biết của mình về xã hội đương đại.
- Ngành GD cần tham khảo các nhà khoa học, phê bình Văn học để hoàn thiện mọi vấn đề liên quan đến vấn đề Văn học ở nước ta hiện nay. Cần có diễn đàn học sinh sinh viên về các vấn đề này.

Ho ten: Trần Điền
Dia chi: 97 Trần Hưng Đạo - Hà Nội

Tieu de: Hãy xem xét việc bỏ thi vào đại học

Bài ở trên mới chỉ đang tranh cãi phân tích sự sai đúng của một đề Ngữ văn trong kỳ thi năm nay. Đấy là ta mới chỉ đang bàn cái phần ngọn. Nhưng gốc rễ của vấn đề là gì? Sao ta không mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật: Việc quá tải trong thi cử, lình xình lúng túng của cơ chế, hệ thống giáo dục yếu kém từ dạy đến học.

Ta nên cương quyết tìm lấy hướng đi mới, đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý giáo dục ở nước nhà. Sao ta lại cứ phải so bì với các nền giáo dục các nước khác, mà ta không tự tìm lấy đường đi riêng, phát triển nền giáo dục theo cách mang đặc thù của xã hội VN ta, đậm tính XHCN mà đảng đặt ra và dân đang xây dựng.

Theo suy nghĩ tôi: Ta nên bỏ các kỳ thi tuyển không cần thiết, tổ chức xét tuyển vào học tiếp từ cấp 3 trở nên, thực hiện cơ chế bán và mua kiến thức. Những người không có tiền được Ngân hàng chính sách cho vay để đủ sống và theo học, sau khi tốt nghiệp sẽ tham gia cống hiến lại cho xã hội, để trả tiền đã vay cả vốn lẫn lãi. Nguồn vốn để cho vay không phải nhỏ, nhưng rõ ràng là không phải không có, cứ làm đi, cứ tìm đi chắc chắn sẽ có.

Đừng để mọi người nghĩ: Bỏ thi cử thì các "quan" giáo dục sẽ làm gì? Các vị hãy rời ghế và ra đứng ở bục giảng đi! Ta còn thiếu giáo viên nhiều lắm lắm, nhất là ở các vùng sâu vùng xa.
Mấy ý nhỏ góp thêm cùng quý vị.

Ho ten: Hoàng Anh
Dia chi: Thanh Hoá
Tieu de: Muốn trẻ con trung thực thì trước hết người lớn phải trung thực 

Tôi rất tán thành những ý kiến trong bài viết trên của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Theo tôi muốn dạy cho học sinh trung thực thì thầy giáo và người lớn phải trung thực. Chúng ta không thể muốn người khác trung thực mà bản thân mình lại không trung thực. Hiện nay nghịch lý này vẫn tồn tại và chính những kẻ không trung thực lại được lợi. Cách dạy học hiện nay và cách đánh giá là một trong những nguyên nhân làm xơ cứng sự
sáng tạo của học sinh.

Ho ten: Tran Xuan Tuong
Dia chi: Thi xa Thai hoa - NA
Tieu de: Người ra đề không sai

Tôi hay lên mạng đọc báo thấy nhiều người khen đề văn này hay, tôi nghĩ rằng lỗi không thuộc về những người ra đề mà thuộc về những người soạn SGK. Nên chăng qua việc này Bộ GD nên cho kiểm tra lại và đính chính cho những năm học sau.

Ho ten: Vĩnh
Dia chi: Bắc Giang
Tieu de: Đồng tình!

Tôi đồng tình với quan điểm về cái dở của đề Văn và từ đó suy ra cái dở của học Văn là học theo thư viện câu hỏi để rồi đối phó với các kỳ thi, làm hạn chế và thậm chí giết chết suy nghĩ thực của học sinh.

Ho ten: phan zung
Dia chi: hanoi
Tieu de: Cảm ơn ông Nguyên

Cảm ơn ông Nguyên, bài viết rất hay. Chỉ mong rằng các nhà lãnh đạo ngành giáo dục có cơ hội và thời gian đọc được bài viết của ông, và nhìn lại mình một cách... TRUNG THỰC!

Ho ten: Hà Ngọc Trần
Dia chi: TP.HCM
Tieu de: Tu de van toi cuoc song

Thật buồn cười, có cái đề văn thôi mà lôi ra làm ầm ĩ.

Ho ten: Hoàng Công Tâm
Dia chi: Hội Văn nghệ Ninh Thuận
Tieu de: Sao lại khác biệt và tại sao lại dám?

Tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của Phạm Xuân Nguyên khi cho rằng ngành giáo dục cần phát đối mặt với sự thay đổi này. Tuy nó không mới nhưng đó là sự dũng cảm khi dám từ chối những loại đề văn mẫu.

Tuy nhiên, tôi llại không đống ý với Phạm Xuân Nguyên khi cho rằng phát biểu của một người cha bình thường và một người cha chính khách, nỗi tiếng là 2 chuyện khác biệt. Có sự khác biệt nào ở đây khi cả 2 đều là người cha và đều muốn con mình học được tính trung thực cho dù có gặp thất bại.

Còn như tiêu đề bài báo thì đúng là một sự xúc phạm đến những người trong ngành giáo dục. Chẳng lẽ bấy lâu nay, những người thầy người cô đều giả dối đến mức độ tác giả phải đặt câu hỏi" Có dám trung thực!"

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,