221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1171924
Sẽ cảnh cáo toàn ngành cô giáo đánh các HS 400 roi
1
Article
null
Kiên Giang:
Sẽ cảnh cáo toàn ngành cô giáo đánh các HS 400 roi
,

 - Cô Lê Hoàng Thụy Anh Thư, giáo viên nhiều lần được huyện khen thưởng ở Trường THCS Mai Thị Hồng Hạnh, thị trấn Giồng Riềng (Kiên Giang) đang bị đề nghị phạt cảnh cáo sau việc “quất” học sinh 400 roi vì các em không thuộc bài. 

Sự việc xảy ra vào chiều ngày 16/2/2009 khi cô Thư có tiết dạy môn âm nhạc ở lớp 6/2 và 6/3. Khi vào lớp, cô Thư hỏi em nào chưa học thuộc bài tự giác đứng dậy. Thấy cả lớp đồng loạt đứng dậy, cô quá bực mình quát: em nào không thuộc bài, cô đánh 5 roi. 

Tiếp đó, cô bắt học sinh lần lượt nằm úp lên bàn lấy thước đánh vào mông, tổng cộng cả 2 lớp có 86 em bị cô “xử nghiêm” như vậy.    

Việc cô Thư dùng thước “dạy” học trò nhanh chóng lan truyền. Một số phụ huynh được con em phản ánh đã kéo đến trường phản đối việc làm của cô.  

Hôm nay (4/3), nguồn tin từ Trường THCS Mai Thị Hồng Hạnh cho biết, Hội đồng kỷ luật của trường đã thống nhất hình thức “cảnh cáo toàn ngành” và buộc chuyển công tác sang trường khác đối với cô giáo Thư.  

Phòng GD&ĐT huyện Giồng Riềng vẫn chưa họp và chuyển hồ sơ qua UBND huyện để ra quyết định dù UBND huyện này đã có ý kiến chỉ đạo.  

Theo nhận xét của một số giáo viên trường THCS Mai Thị Hồng Hạnh, cô Thư là một giáo viên có năng lực, nhiều lần được huyện khen thưởng. Trường cô Thư đang giảng dạy là trường chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Kiên Giang. 

  • Mai Trâm

*************************

Ho ten: Huỳnh Kiều Nhi
Dia chi: Phú Yên

Tôi là một giáo viên đang công tác tại một trường THCS. Tuy tuổi nghề chỉ gần 10 năm, nhưng tôi là một giáo viên rất quan tâm tới các phương pháp giáo dục học sinh. Quan niệm của tôi là: thà rằng giáo dục một người nông dân có đạo đức chứ không giáo dục một kĩ sư, bác sĩ, hay có tài mà không có đức.

Đọc qua các ý kiến của mọi người, tôi rất vui, vì có nhiều người đã không hững hờ với ngành giáo dục của nước nhà.Tuy vậy, tôi vẫn còn buồn vì vẫn còn nhiều giáo viên nhận thức chưa đúng trong cách xử phạt của cô giáo Thư.

Ở đây, tôi chỉ nói các thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục nước nhà. Đọc qua bài báo viết về cô Thư, ban đầu tôi cũng bất ngờ vì con số "400 roi"! nhưng đọc qua rồi thì nhận định đúng là con số có thể! Bởi tôi biết, thực tế hiện nay, còn nhiều giáo viên (đứng trên lớp), giáo viên (làm công tác giám thị) ở các trường vẫn còn hiện tượng phạt học sinh vi phạm (nói chuyện thường xuyên trong giờ học, phá hoại tài sản nhà trường, vô lễ với giáo viên, người lớn hoặc không thuộc bài, làm bài tập, soạn bài ở nhà,... bằng cách "thương cho roi cho vọt" như kiểu cô Thư vậy.

 Hiện tượng này ngay chính đơn vị của tôi vẫn còn đang diễn ra. Tuy vậy, không phụ huynh nào bức xúc, khiếu kiện, bởi ngay từ đầu năm họp phụ huynh học sinh, các phụ huynh đều đồng tình bảo rằng: "Em nào mà không thuộc bài, lì lợm, nghịch ngợm, thầy cô nói không nghe thì nhờ cô thầy cứ thẳng tay trừng trị, phụ huynh không có nói gì cả, nhờ các thầy cô cứ thay ba mẹ dạy bảo".

Bạn đọc thấy thế nào? Điều này cũng có nghĩa là, đây là một hình phạt mà phụ huynh chấp nhận có thông qua hội họp (tất nhiên là hiện nay không có nhà trường nào triển khai hình thức phạt HS như thế). Và cũng chứng tỏ rằng, hình thức phạt con trẻ kiểu này không phải là mới. Nó đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu!

Tôi không rõ các ban, phòng, sở trong ngành giáo dục của tỉnh sẽ xử lí như thế nào, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi: Thứ nhất: Đây là hiện tượng mà từ trước đã tồn tại trong ngành giáo dục. Vậy hiện nay các thầy cô làm công tác quản lí đã quán triệt, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, giáo viên trong trường tốt chưa? Vì sao 86 HS bị đòn roi từ cô Thư mà chỉ khi phụ huynh phát kiện thì trường mới vỡ lẽ?

Thứ hai: Việc cô Thư phạt HS như thế trong thời cuộc hiện nay, với nhận thức về việc giáo dục HS theo phương pháp đổi mới hiện nay, với sự tiến bộ của xã hội hiện nay và với chỉ thị của Bộ GD-ĐT thì rõ ràng là hoàn toàn sai phạm.

Tuy vậy, tôi nghĩ: cô Thư chưa nhận thức đúng về phương pháp giáo dục HS chứ không phải cố ý làm vậy. Nhận thức lệch lạc, dẫn đến hành vi sai phạm.

 Có thể cô ấy nghĩ rằng, ngày xưa thầy giáo của mình cũng phạt các bạn như thế và thấy rằng nó có hiệu qủa nên ngày nay áp dụng lại với HS của mình. Vậy là do đâu? Nhận thức sai chưa được sửa chữa kịp thời! Kiến thức trong sách giáo khoa do Bộ phát hành còn sai, luật còn sai còn sửa huống chi là... vấn đề sai phạm của cô Thư.

Vậy nên, mong rằng các cấp quản lí chỉ cần khiển trách trong trường và nhắc nhở, đôn đốc thấu đáo, nâng cao nghiệp vụ giáo dục trong mỗi giáo viên trong công tác quản lí, giáo dục HS cho tốt là được, chưa đến nỗi phải cảnh cáo toàn ngành. Bởi vì, hiện tượng này vẫn còn ở các đơn vị trường học (mặc dù ít hơn). Như thế là không công bằng. Các ban, ngành giáo dục cần có biện pháp phối hợp, hỗ trợ giáo viên nâng cao nghiệp vụ, kĩ năng sư phạm, giáo dục HS có hiệu quả và đồng bộ hơn. Vì nền giáo dục của nước nhà.

Ho ten: Nguyễn Đức Vĩnh
Dia chi: Huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An

Tôi không đồng tình với việc làm của cô giáo Thư, vì trong giáo dục hiện nay của trẻ còn có rất nhiều phương pháp. Tôi muốn lật lại vấn đề ngành giáo dục nơi cô công tác đã có những hội thảo, chuyên đề về đạo đức nhà giáo trong giai đoạn hiện nay chưa? Toàn thể cán bộ giáo viên đã có ký cam kết với nhà trường với ngành schưa? Nếu những điều trên đã thực hiện thì việc xử lý cô Giáo thư Cảnh cáo toàn Ngành có thể chấp nhận được. Nếu Ngành GD & ĐT và nhà trường nơi cô Thư công tác mà chưa làm điều đó thì việc kỷ luật cô giáo là quá vội vàng. Bởi lẽ các nhà quản lý Giáo dục hẳn còn biết khi chúng ta đưa ra quyết định vội vàng chắc chắn sức thuyết phục không cao, bản thân cô giáo Thư sẽ không thoả mãn. Hơn nữa việc làm cô giáo Thư cũng chỉ vì tất cả vì sự tiến bộ của học sinh mặt khác cô giáo thư mới vi phạm lần đầu nên cần xem xét kỹ.

Ho ten: giang coi
Dia chi: Vinh - Nghệ An

Tôi đã đọc tất cả ý kiến của bạn đọc về chuyện cô giáo đánh học sinh 400 roi. Cũng như có bạn đã nêu, nếu một học sinh bị đánh 400 roi thì đúng là quá đáng. Nhưng mỗi em chỉ bị 5 roi vì không thuộc bài, mà lại là cả lớp thì... tôi cho còn nhẹ. Một cô giáo có trách nhiệm thì việc dạy dỗ học sinh không thuộc bài bằng 5 roi cảnh cáo thì đâu có gì là ghê gớm đến mức bị cảnh cáo toàn ngành! Tôi cũng nghĩ rằng có lẽ một số phụ huynh đã bị lây nhiễm tư tưởng xem việc đánh học sinh dù nặng hay nhẹ cũng đáng bị lên án như một phong trào rồi! Chúng ta phải biết rõ nguyên nhân và nhìn nhận khách quan từ sự việc chứ! Nếu làm thế thì có lẽ sau này chẳng ai dám dạy dỗ học sinh của mình, chẳng ai dám động đến sợi tóc của mấy ông trời con này nữa! Vì có thể sẽ bị "cảnh cáo toàn ngành".

Ho ten: Thạch Lê
Dia chi: Quảng Nam

Tôi không làm trong ngành giáo dục. Tôi thấy có rất nhiều người thông cảm với hành động của cô Thư nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy một số người cho rằng thầy cô đánh trò vài roi là hành động bạo hành hay bạo lực. Tôi nghĩ rằng sau tiết dạy không vui vẻ đó, cô Thư chắc chắn sẽ rất hối hận vì trong phút giây đã không kiềm chế mà có hành động thái quá đối với học trò, những người mà mình luôn quan tâm dạy dỗ. Những người đang đọc những lời tôi viết ra này, ai là người chưa có con, em ruột hoặc cháu ruột. Ai trong đời chưa từng một lần bực mình vì con cái, em hoặc cháu của mình không ngoan, bướng bỉnh, cố chấp. Hẳn là sau một lần quá tay với người mà mình có trách nhiệm giáo dục như vậy bản thân mình cũng sẽ cảm thấy ân hận, để mà càng yêu thương hơn. Tôi mong mọi người hãy có cái nhìn xa hơn mà thông cảm với cô Thư. Một biện pháp kỷ luật quá khắt khe như vậy đối với cô Thư sẽ để lại một tình cảm không mấy tốt đẹp trong quá trình hình thành nhân cách của những học trò mà cô giáo này đã từng dạy dỗ.

Ho ten: Phạm Thị Thúy
Dia chi: Bình Thuận

Quả thật khi đọc tiêu đề bài báo tôi rất sốc, nhưng khi xem nội dung, tôi thấy việc xảy ra không đến mức phải kỷ luật cô giáo Thư. Tôi nghĩ, một lớp mà toàn bộ học sinh đứng lên với lý do không thuộc bài thì phải xem lại tư cách đạo đức của các em trước, đó là thái độ coi thường giáo viên, nếu không nói là hỗn láo. Lẽ ra trong trường hợp này, theo tôi, các phụ huynh nên tìm hiểu kỹ trước khi phản ảnh với nhà trường và nghiêm trọng hóa vấn đề này. Con tôi đang học lớp 2, mặc dù không thích việc đánh đòn học sinh, nhưng tôi vẫn đề nghị cô giáo nếu cần thiết vẫn cứ phạt roi cháu, tất nhiên là nếu là quất vào mông như trường hợp cô giáo Thư. Chúng ta ai cũng đã qua thời học sinh, và tôi đồng ý với anh Nhân, việc bị cô giáo đánh đòn chưa hẳn là biện pháp xấu, mà ở một mức độ thích hợp cũng làm học sinh hoàn thiện mình hơn.

Ho ten: Nguyen Son Nam
Dia chi: Hai Phong

Tôi không phải là giáo viên, có thể không hiểu hết sức nặng của công việc này nhiều, tuy nhiên, để dạy các em hoc sinh lớp 6, có cần thiết cô Thư phải đánh học sinh hay không? Cô không còn cách nào để phạt các em hay sao? Nếu như trên toàn quốc, các thầy cô đều dạy các em theo cách của cô Thư thì các em học sinh sẽ nghĩ gì về người thầy cô kính yêu của mình. Một ngày trên toàn quốc có bao nhiêu em học sinh lớp 6 không thuộc bài, vậy các thầy cô khác có biện pháp như thế nào? Tôi đồng ý các em mắc lỗi thì phải có biện pháp, tuy nhiên, biện pháp như thế nào để các thầy, các cô vẫn là người mà các em kính yêu nhất. Tôi thiết nghĩ nên có một diễn đàn về phương pháp dạy và học của học sinh để tất cả mọi người cùng đóng góp ý kiến xây dựng cho ngành giáo dục. Không nên công kích hay đàm tiếu về các thầy, các cô, dù sao cũng là người đào tạo con người cho đất nước.

Ho ten: Hoàn
Dia chi: Hà Nội

Tôi nghĩ việc cô giáo đánh học sinh chứng tỏ phương pháp sư phạm chưa được tốt, vẫn còn tính chất phong kiến. Thầy giáo tôi đã được học rất nhiều khóa đào tạo về kiến thức sư phạm ở một số nước trên thế giới, và tôi thấy cách dạy của thầy rất hay. Thầy luôn làm cho chúng tôi vui khi đến lớp, và có cảm thấy hứng thú với việc học. Từ đó, lượng kiến thức chúng tôi nhận được là nhiều hơn, và nó rất gần với những gì hàng ngày tôi phải đối mặt. Chúng ta không nên bắt trò làm 100 bài toán và đến bài toán thứ 101 lại không giải được, mà làm cho học sinh cảm thấy thích thú với môn học, từ đó thầy dạy 1 thì trò sẽ hiểu được 1,5 là thành công rồi.Tôi cảm thấy là cô giáo đã hết kiến thức sư phạm mới dùng đến biện pháp đó. Vì trong trường đại học sư phạm không dạy cô giáo đánh học sinh bao giờ cả. Tôi rất mong là bạo lực học đường sẽ giảm đi, và chúng ta sẽ có một phương pháp sư phạm tốt hơn!

Ho ten: Nguyễn Long
Dia chi: Đà Nẵng

Tôi không ủng hộ việc giáo viên đánh học sinh. Nhưng tôi nghĩ việc này không có gì mà phải làm lớn chuyện đến mức phải cảnh cáo toàn ngành, chuyển trường...Tôi cũng không nhất trí cách lập luận của chị Huỳnh Thị Ngọc Anh (Q9-TP.HCM). Nói như chị nếu học sinh sau khi đọc bài viết của chị rồi chắc lại không học bài quá. Phải xem lại thái độ của học sinh lớp đó. Tất nhiên, cô giáo lúc đó quá bức xúc do học sinh cả lớp đồng loạt đứng lên do không học bài. Nếu về nhà không học bài thì đến trường để chơi à? Hiện nay tình trạng đạo đức của học sinh ở một số nơi đã đến mức phải báo động. Tình trạng bỏ học, về nhà không học bài, chat, đánh bài, đánh nhau tại trường, uống rượu (kể cả con gái) đã xảy ra. Lâu nay, Bộ Giáo dục cũng không có quy định cụ thể nào về hình thức xử phạt đối với học sinh. Nhưng mỗi khi giáo viên đánh học sinh vài roi thì lại làm ầm lên. Nếu vậy thì Bộ Giáo dục có quy định cụ thể, sau này giáo viên cứ thế mà làm.

Ho ten: Nguyễn Tuấn Ngọc
Dia chi: Ba Đình- Hà Nội


Bài báo giật 1 cái tít quá giật gân, khiến cho người đọc ban đầu có cảm giác ghê sợ cô giáo này, nhưng sau khi đọc bài báo, tôi thấy rằng việc làm của cô giáo Thư không đến nỗi nặng nề như vậy. Đành rằng, việc xử phạt cả 86 HS với cùng 1 hình thức đòn roi là không nên, thế nhưng chúng ta cũng phải xem xét lại. Ngày xưa, Chu Văn An, thầy giáo của muôn đời, ngoài việc dùng lễ nghĩa để dạy học trò, thì cũng dùng cả hình phạt là đòn roi. Trước đây, khi chúng tôi đi học, việc không thuộc bài phải đứng góc lớp và ăn vài cái roi vào mông là chuyện thường, và bố mẹ chúng tôi còn thường xuyên nhờ cô giáo "nếu cháu có hư hay học dốt, cô cứ nọc ra đánh thật đau". Tại sao bây giờ chúng ta lại quá mẫn cảm với những việc này như thế? Điều đó vô hình trung sẽ tạo cho các em sự ích kỷ, không tốt cho sự hình thành tính cách các em sau này. Tôi vẫn luôn có quan điểm rằng: Hình phạt đòn roi vẫn luôn cần thiết kể cả bây giờ hay sau này, nhưng đó phải là những đòn roi xuất phát từ trách nhiệm, tình yêu thương của thầy với trò.

Ho ten: Tô Thế Huy
Dia chi: Cali, Hoa Kỳ

Việc cô giáo đánh học sinh dù ở bất kỳ nơi nào cũng khó chấp nhận. Là một nhà giáo dục, cô cần phải biết kiểm soát "ức chế" của mình để học sinh có thể noi gương. Ấy là chưa nói đến tâm lý của các em còn bị ảnh hưởng lâu dài sau những trận đòn này. Theo một số nghiên cứu giáo dục ở các nước tiên tiến, việc sử dụng "hình phạt nặng" chỉ có thể được áp dụng ở một mức độ rất hạn chế. Nhưng nếu đến 86 em đồng loạt bị phạt thì có thể thấy vấn đề dạy phải xem lại. Cô có hỏi lý do tại sao các em lại không thuộc bài hay không? Giáo dục không đơn giản chỉ là học thuộc kiến thức mà còn là cách đối phó với những tình huống khó xử, sự thông cảm, v.v... Chỉ vì từ trước đến nay thầy cô giáo phạt học sinh bằng roi mà ngày nay ta tiếp tục rập khuôn như thế. Phải tìm một biện pháp xử phạt kiểu khác, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn.

Ho ten: Việt Hằng
Dia chi: Kiên Giang

Tôi nghĩ cô giáo Thư đã biết rõ và hiểu kỹ luật giáo dục, và đã biết rất nhiều vụ việc giáo viên đánh học sinh, và cô đã biết được hậu quả của việc mình làm. Tôi nghĩ là cô biết rõ được ý nghĩa của việc làm của cô. Việc làm đó của cô, tôi cho là đúng. Bởi vì, nó không phải nghiêm trọng như báo chí nêu và thổi phồng đến mức "giật gân" như thế. Có phải cô Thư thích đánh trẻ con? Có phải cô Thư không sợ kỷ luật? Có phải cô Thư không muốn được mọi người tôn trọng cô là một người có tâm huyết với nghề giáo? Tôi nghĩ trả lời được những câu hỏi đó, tất cả phụ huynh và lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm sẽ thông cảm và đồng tình với cách làm của cô Thư mà thôi. Nếu cứ một mực kết luận cảnh cáo cô một cách mù quáng, không suy xét thì những người có trách nhiệm ấy không xứng đáng làm người lãnh đạo, quản lý, vì họ chẳng qua chỉ là những người "vô giáo dục".

Ho ten: Trần Thái Tuấn
Dia chi: 173 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội

Tôi còn nhớ, hồi nhỏ đi học tôi hay bị đánh vì không thuộc bài, không làm bài. Đến năm lớp 9 rồi mà tôi vẫn bị thầy dạy văn đánh vì lười học. Không chỉ mình tôi bị đánh, cả lớp đều bị. Kết quả toàn lớp chúng tôi đỗ tốt nghiệp với điểm văn rất cao. Thầy đánh đau, nhưng tuyệt nhiên tôi không ghét gì thầy, tôi chỉ thấy sợ và cố học để không bị đánh. Tôi cũng không dám kể lại với bố mẹ, vì tôi biết với tội lười học thì bố mẹ tôi còn đánh thêm và cảm ơn thầy chứ không bao giờ có chuyện đi tố cáo thầy giáo đánh tôi. Chúng ta là nước Á Đông, đều thấm nhuần tư tưởng và tính cách Á Đông, hãy dạy theo phương pháp Á Đông. Truyền thống Á Đông là học trò sợ thầy hơn bố mẹ, phụ huynh nể thầy mà thúc con học, thương cho roi cho vọt. Tôi thấy chán nhất là cải cách xưng hô, thầy/cô - con sang thầy/cô - em. Nó ảnh hưởng lớn lắm đến việc tôn sư trọng đạo mà sao ít người để ý.

Ho ten: Anh Đức
Dia chi: Quảng Trị

Thật sự mà nói, hồi chúng ta đi học, như bạn Long bảo là thầy cô giáo đánh đòn là một phần hình phạt cho các HS không học bài. Nhưng với ngày nay, ngành giáo dục đã có rất nhiều biện pháp và tài liệu trong việc đào tạo giáo viên chứ không có hướng dẫn giáo viên sử dụng biện pháp bạo lực. Nhân đây tôi xin nói, hầu như rất nhiều trường, lớp khắp nơi trong cả nước vẫn tồn tại tình trạng giáo viên đánh học sinh, ở đây một phần là do bức xúc cá nhân của giáo viên, và ngay cả bệnh thành tích cũng góp phần. Giáo viên cấp 1, 2 hay chạy đua thành tích và vì cái chứng nhận giáo viên dạy giỏi mà quên đi đạo đức nghề nghiệp thì không phải giáo viên tốt. Theo tôi, chỉ cần các cấp trên đi thanh tra, thăm dò ý kiến học sinh sẽ biết tình trạng này rất phổ biến trong ngành giáo dục. 

Ho ten: Bùi Tất Lợi
Dia chi: Khoa Sư phạm kỹ thuật - ĐH Bách Khoa Hà Nội
 

Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Ông cha ta dạy quả không sai. Học sinh không học bài chịu "hình phạt" như vậy theo ý kiến của tôi là đúng. Lười học thì chịu phạt. Giống như các em học sinh lớp 6 này, khi còn là học sinh tôi cùng từng bị "ăn roi". Chính những "roi" đó giúp tôi trưởng thành hơn. Mong các phóng viên đưa bài đừng quá phóng đại con số. Mỗi em chỉ bị 5 roi, tiêu đề bài viết dễ làm người ta lầm tưởng 1 hay một vài em học sinh bị đánh 400 roi. Kính mong các bậc phụ huynh hãy nhìn sự việc này theo hướng tích cực.

Ho ten: huy
Dia chi: San Francisco California

Việc dùng thước đánh vào mông HS là đúng đắn. Mình cũng là một HS được dạy dỗ và lớn lên trong môi trường Việt Nam. Khi ra nước ngoài mới thấy cách giáo dục ở các nước châu Á về nhân phẩm con người đều tốt hơn ở nước ngoài. Nếu chỉ vì dạy dỗ con em, giúp các bậc cha mẹ mà lại vì kỷ luật thì tốt nhất, những bậc cha mẹ đó nên xem lại chính bản thân mình.

Nếu con em họ tự giác và có trách nhiệm đối với việc học hành của các em thì đâu đến nỗi nào cô giáo phải đánh HS?

Việc cả lớp đứng dậy hô hào không thuộc bài thì đây là một hành động "chơi trội" của học sinh Việt Nam ta. Các bạn thường thích "chơi trội cho vui" để chọc tức cô giáo. Mình cũng từng như vậy. Ví dụ, trường mình có 18 lơp 12, tụi mình rủ nhau tất cả nghỉ học cùng lúc để đi Vũng Tàu. Có tất cả 400 HS rủ nhau đi nghỉ, bỏ tiết học. Các bậc cha mẹ đừng quá thương con em mình, để rồi lòng yêu thương đó có thể dẫn tới những hư hỏng sau này.

Ho ten: Anh Tuấn
Dia chi: TP.HCM

Mình cũng xin đưa ra ý kiến chủ quan. Mọi người xem có đúng không nhé:) + Thứ 1: Cô giáo Thư luôn được được khen thưởng. Và chỉ có những cô giáo có thành tích thì mới được khen thưởng chứ đúng không các bạn? Từ đo,́ mình xin mạn phép được bác bỏ đi ý kiến là xem xét lại năng lực của giáo viên này (khả năng giảng dạy học sinh trên lớp) + Thứ 2: cũng xin hỏi, mọi người sẽ nghĩ như thế nào khi một trường chuẩ̀n mà cả lớp không một ai thuộc bài. Như vậy là sao? Có phải có vấn đề gì ở đây không?. Chuyện cả lớp không thuộc bài (nhắc lại 0/86 học sinh không thuộc bài) là không thể xảy ra. Vì thế mình nghi ngờ có sự chống đối cô giáo ở đây (Thường những cô giáo nghiêm khác thường hay bị). Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi các em mới ở tuổi này, mà đã có những tư tưởng không tốt như vậy. Kết bè phái theo tư tưởng không tốt.

Vì sao mình có thể đưa ra cái ý nghĩ chủ quan của mình như vậy. Bởi mình đã nghe và thấy rất nhiều trường hợp như thế. nên xin cảnh báo với các phụ huynh học sinh hãy lưu ý tới những đứa con của mình.

Hành động đánh học sinh như vậy thì không có gì là nặng nề hết. Bởi thực ra nó chỉ là biện pháp tình thế không thể tránh được. Tôi đồng tình với cô giáo trong tình huống này. Và các bậc phụ huynh không nên vì quá thương con mà bức xúc quá, hãy xem lại con mình trước.

Tuy nhiên, qua việc này thì ngành giáo dục cũng nên xem xét lại cách nhìn nhận về cách thức dạy của mình. Chúng ta không phủ định sự tiến bộ của nền giáo dục phương Tây, nhưng giữa Tây và Đông vẫn có sự khác nhau nên không thể so sánh.

Ho ten: Long
Dia chi: Thủ Đức. HCM

Chuyện dùng roi để dạy học sinh cần nhìn từ nhiều góc độ. Tôi cũng đồng ý rằng, hồi đi học, đã nhiều lần bị "dạy dỗ" bằng đòn roi. Có thầy, cô đánh, mình chả thấy buồn hay oan ức mà chỉ thấy...hơi đau. Nhưng đó là những đòn roi thật xứng đáng. Cũng từng nhận những đòn roi mà chẳng hiểu vì sao giáo viên lại đối xử với mình như thế. Những lúc đó, bao nhiêu ấm ức, hờn tủi chẳng biết nói cùng ai. Giờ thì đã đủ lớn để có thể nhìn nhận về những đòn roi từ giáo viên. Đó là một phần không thể thiếu trong thời đi học của học sinh.

Chúng ta nên nhìn nhận hành động của cô giáo Thư từ nhiều góc độ. Mới đọc vào tiêu đề, tôi cảm thấy hơi "sốc" vì tưởng là cô cho .....1 học sinh ăn 400 đòn. Nhưng khi đọc lại thì thấy đó là chuyện  thường và nó còn bình thường hơn khi biết được cái lý do của những đòn roi đó.

Đành rằng, không phải lúc nào đánh học sinh cũng tốt nhưng trong trường hợp này, chúng ta cần thêm chừng đó số đòn cho các.....bậc phụ huynh nữa.

Các bạn à, những điều tôi nói ra đây có thể động chạm đến ai đó nhưng mà nó ...quá đúng để mà làm ngơ.

Đặt tình thế bạn là sếp của một công ty, bạn đến cơ quan và nhận được câu trả lời từ tất cả nhân viên là...chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Tức, giận hay buồn nhưng đó là lứa tuổi bạn không thể dùng roi để đe nạt nữa và cách khả thi nhất để trừng phạt cho việc này là trừ lương hay thưởng.

Đem so sánh với việc cô giáo đánh đòn, dù là 2 việc khác nhau nhưng về cơ bản, cả 2 đều là không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vậy các em có đáng bị phạt không? Có lẽ các em còn quá nhỏ để có thể hiểu được thái độ của cô giáo trong lúc đánh đòn. Đó là một yếu tố quan trọng để đánh giá về hành động của cô Thư.

Ở đời, ai chưa từng bị đánh đòn, đặc biệt là từ ba mẹ: Đánh thì đánh. Con đau, cha mẹ cũng đau nhưng không đánh, dạy dỗ thì sợ con hư. Cô giáo Thư cũng vậy.

 Chúng ta hãy xét về vấn đề tất cả học sinh không thuộc bài. Đừng vội đánh giá là cô dạy không tốt nên học sinh không thuộc (nếu dạy không tốt sao nhiều lần được huyện khen). Một vấn đề nên lưu ý ở đây chính là cách phụ huynh hướng chuyện học tập của con cái.

Chỉ có ở Việt Nam, chúng ta mới có định nghĩa môn Chính môn Phụ. Môn chính thì đầu tư nhiều thời gian hơn, môn phụ thì có cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Tôi không nghĩ là bài học quá khó để mà tất
cả các em đều không thuộc.  Chuyện ở đây chính là việc dành thời gian cho nó. Đã đến lúc đưa ra một định nghĩa và giá trị mới cho mỗi môn học chứ không phải theo mãi quan niệm chính, phụ.
 

Ho ten: Hải Đăng
Dia chi: Hà Nội

Lứa tuổi chúng tôi (1980) ngày đi học nếu không thuộc bài thì  nhẹ sẽ bị đứng ở góc lớp quay mặt vào tường cả tiết để làm gương cho các bạn khác cũng như để cho mình xấu hổ mà không dám như thế nữa, nặng thì ăn thước kẻ vào mông, vào tay... hoặc về nhà mời bố mẹ lên để thầy cô giáo thông báo. Cách giáo dục như cô giáo Thư cũng không hẳn là "cực đoan" hay "phản giáo dục". Các bậc cha mẹ hãy nghĩ lại mình và theo tôi không nên kỷ luật cô giáo mà chỉ nên nhắc nhở để lần sau làm sao cho coi được. Nếu Phòng GD Giồng Riềng mà làm như vậy thì tôi nghĩ chắc từ giờ trở đi chả thầy cô nào lại "mua dây buộc mình" như thế và chúng ta lại tạo ra một sản phẩm giáo dục chỉ có "ghi và chép", chỉ có "phục tùng" mà không có "tranh luận, phản biện". Rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét lại quyết định gây "khó chịu" cho nhiều người như trên.

Ho ten: Thai Giam
Dia chi: Ba Lan

Việc một cô giáo đánh HS tôi nghĩ hoàn toàn sai vì tôi thấy, ở những nước tiên tiến, việc giáo dục HS không bao giờ được phép dùng roi vọt.

Ho ten: Nguyễn Công Tân
Dia chi: TP.HCM

 Tôi thấy anh Nhân nói đúng, chúng ta phải nhìn nhận lại tại sao nguyên lớp không học bài?  Sự dạy dỗ của người Á Đông khác với Tây phương nhiều không thể rập khuôn được. Nếu được tôi xin ngành giáo dục làm rõ việc này vì nếu vậy sau này học sinh sai ai xử phạt đây?

Ho ten: Hồ Tiên Thủy
Dia chi: Phòng 101B3, KTX Bách khoa Hà Nội

Cô giáo bắt học sinh nằm lên bàn rồi đánh thì thật là không đúng. Nhưng đọc lại, thì thấy cũng chưa đến nối nào. Ở một trường chuẩn quốc gia, mà cả lớp "tự giác" không học bài, mà lại chỉ mới lớp 6 thì nên coi lại đạo đức của các em và chất lượng giáo dục của trường. Việc cô giáo Thư xử lý như vậy, là do quá bức xúc khi gặp thái độ quá "xấc xược" của học sinh. Học sinh miền Nam thường gọi cô và xưng con, nghĩa là coi cô như mẹ rồi, thế mà xảy ra như vậy, liệu đạo đức của các em nằm ở mức nào? Còn nhớ hồi tôi học trung học, cô giáo cũng hỏi như kiểu của cô Thư vậy, cả lớp cũng chỉ lác đác vài cánh tay giơ lên. Trong những cánh tay đó, cũng có người học bài nhưng chưa thuộc. Mà trường tôi chỉ là một trường của xã, chất lượng chỉ ở mức trung bình thôi...

Tôi nghĩ việc cảnh cáo cô Thư là hành động một chiều, cũng cần có biện pháp để cho học sinh không được có những hành động như thế. Nếu không, học sinh trung học càng ngày càng coi thường giáo viên.

Ho ten: Ngô Phong
Dia chi: TP.HCM

Có lẽ cô giáo này đang có một nỗi bức xúc riêng của mình. Chúng ta không phải người trong cuộc nên không thể hiểu bản chất vấn đề nằm ở đâu. Nhưng dù sao hình phạt của cô giáo là không thích hợp với những học sinh lớp 6 này.

Ho ten: Hoa Cúc Vàng
Dia chi: Boston - USA

Phân tích một vấn đề phải xét ở nhiều khía cạnh, thành ra chỉ mạn phép có vài dòng chia sẻ. Anh Đỗ Văn Nhân nói vậy khiến tôi mường tượng đến một ngày nào đó, thầy cô giáo đánh học sinh là chuyện bình thường, thì 5 roi, 50, hay 500 roi cũng như nhau phải không?

Tôi không đứng về phía nào hết, tôi chỉ muốn chúng ta loại bỏ một vài hành động mang tính cổ hủ để góp phần cho sự tiến bộ hơn. Thử đặt mình vào trường hợp cô Thư, xem mình có thể cầm roi và quất vào mông 86 em học trò liên tục như vậy không? Với tôi, xin thưa là tôi không có can đảm.

Có lẽ cô Thư "lỡ tay" đánh mấy em rồi, dừng lại giữa chừng thì "không công bằng" chăng? Nói như vậy để thấy rằng việc dùng roi để dạy học là một biện pháp theo tôi là hạ sách. Chính bản thân mình khi mình cầm roi lên để đánh một đưá trẻ mình đã thấy bất an.

Những tháng năm học trò, tôi có một lần bị thầy dùng thước khẽ vào mông vì thầy gọi lên bảng để làm toán và tôi không làm được. Không đến mức ám ảnh, nhưng thật sự đến bây giờ tôi vẫn không quên cảm giác đó, dù lúc đó tôi mới học lớp 3.

Điều đó ảnh hưởng đến việc học của tôi thế nào ? Xin thưa với quý vị, tôi đảm bảo điều đó không giúp gì được cho tôi trong học tập cả, tôi tiến bộ trong học tập vì tôi muốn vậy, chứ không phải vì tôi sợ thầy đánh, có chăng chỉ là nỗi mặc cảm với bạn bè trong lớp mà thôi.

Ho ten: An Phạm
Dia chi: Bình Thạnh

Đánh người khác không phải do tự vệ đã là sai, đánh trẻ em lại càng sai hơn. Không có lý do gì bào chữa được cho việc đánh trẻ em. Khi uốn nắn trẻ bằng cách đánh trẻ ta đã vô tình dạy các em rằng, chỉ có thể giải quyết cái sai bằng vũ lực, đó là biểu hiện của thất bại trong giáo dục. Cô Thư không nên dạy học nữa.

Ho ten: Nguyễn Văn Doanh
Dia chi: Hà Nội

Tôi không rõ cô có đánh đau hay không hay chỉ có tính răn đe làm phép. Khi còn nhỏ, chúng tôi cũng thường bị các thày cô đánh nhưng không bao giờ thấy hận thù gì với thày cô vì hiểu đó chỉ là thầy cô mong mình chăm học. Sau này, khi về thăm thày cô, nhiều học sinh vẫn nhắc lại những câu chuyện như thế như một kỷ niệm vui chứ không phải không vui. Vấn đề là cách đánh để học sinh biết là cảnh cáo chứ không phải nhục hình.

Ho ten: Nguyễn Anh Thơ
Dia chi: Tp Hồ Chí Minh

Tôi thấy rất ngạc nhiên khi cô Thư lại chịu hình thức kỷ luật tòan ngành, một hình thức rất nặng. “Vào lớp thuộc bài, ra lớp hiểu bài” là nhiệm vụ của học sinh. Vậy cả lớp đồng lọat không thuộc bài như cố tình chống đối lại giáo viên thì rất đáng bị phạt. Cô Thư chỉ muốn các em nhớ và lần sau phải thuộc bài chứ không phải có ý ngược đãi học trò, cũng như câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Hơn nữa, “thầy nghiêm trò mới giỏi”, nếu không phạt các em thì sau này khó lòng các em nghe lời, không có ai nên người nếu không được uốn nắn răn dạy từ nhỏ.

Sau sự việc này, các thầy cô không còn dám phạt học sinh vì sợ bị kỷ luật toàn ngành, các em cũng không kiêng nể thầy cô giáo nữa. Điều này đã vô tình gây khó khăn cho việc giáo dục thế hệ trẻ. Nếu không được phạt học sinh bằng cách đánh khẽ, xin hãy đưa ra 1 hình thức phạt hợp lý, hiệu quả để các em tự giác học hành trở thành con ngoan trò giỏi.

Ho ten: Sơn Hà
Dia chi: Thành phố Sơn La

Tôi cũng là một giáo viên nhưng không bao giờ đồng tình với cách xử phạt của cô giáo Thư. Khi cô hỏi các em đã tự giác đứng dậy, đó là 1 ưu điểm về tính thật thà, dũng cảm. Hơn nữa, cô giáo phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại có hiện tượng cả lớp không thuộc bài có nguyên nhân nào từ cô giáo không? Cho dù thế nào đi nữa, cũng không được đánh học sinh, như vậy là vi phạm pháp luật. Có thể do tính kiềm chế của cô giáo kém thì đó là khuyết điểm của cô và cô cần phải sửa.

Hành vi đó là phản giáo dục, cũng may là không có em nào bị thương tật, nếu không, hậu quả còn lớn hơn. Theo tôi, mức cảnh cáo toàn ngành là phù hợp.

Ho ten: Huỳnh Thị Ngọc Anh
Dia chi: 87C Tây Hòa, Phước Long A, Q 9, TP.HCM

Tôi hoàn toàn không tán thành việc cô giáo Thư đánh học sinh dù xuất phát từ bất cứ lý do gì. Đánh đập không bao giờ là biện pháp giáo dục tốt. Nó chỉ giúp cô giáo đạt được mục đích tức thời là "thành tích dạy giỏi" theo chuẩn đánh giá của người lớn chứ không giúp trẻ em đạt được điều chúng thực sự mong muốn.

 Mong muốn tự nhiên ấy của chúng là được tìm hiểu, khám phá thế giới trong sự yêu thương chứ không phải bị bắt buộc học trong đòn roi. Quan niệm “chấp nhận việc đánh học sinh xuất phát từ động cơ mong muốn học sinh học giỏi hơn” là hoàn toàn sai lầm, hoàn toàn không xuất phát từ quyền lợi thực sự của trẻ em. Chính quan niệm sai lầm này đã cướp đi tuổi thơ thần tiên của các em.

Một số người có thể cho rằng cô giáo Thư chỉ phạt mỗi học sinh 5 roi, không gây đau đớn lắm về mặt thể xác nên đây là hình phạt chấp nhận được. Đây là sai lầm thứ hai. Trẻ dù không đau đớn lắm về mặt thể xác nhưng bị sẽ bị tổn thương về mặt tinh thần vì bị bạo hành. Trẻ cũng sẽ học được lối cư xử bạo lực của người lớn khi không đạt được mong muốn của mình.

Điều thứ ba đáng lưu ý nhất trong việc đánh giá hành động của cô giáo Thư là hiện tượng “cả lớp không thuộc bài”. Tại sao tình trạng này lại xảy ra đối với cả lớp chứ không phải chỉ cá biệt một vài trường hợp? Có thể do bài cô giáo dạy không hấp dẫn? Có thể do cô cho học sinh học bài nhiều quá? Hay có thể đó là hành động của cả lớp phản ứng với các hình phạt không hợp lý của cô? Rất nhiều lý do có thể lý giải cho hiện tượng tập thể này và hầu hết các lý do đó có rất nhiều khả năng xuất phát từ sự yếu kém của giáo viên.

Nếu là tôi trong trường hợp của cô giáo Thư, tôi sẽ tự đánh mình trước khi đánh học trò. “Trẻ em như búp trên cành”. Tôi mong muốn cả xã hội hãy lên án quan điểm “thương cho roi cho vọt” để những búp non của chúng ta được tự do hít thở không khí tự nhiên và cho ra hoa thơm trái ngọt chứ không phải là những trái cây chín ép vừa chua vừa chát như hiện nay. 

Ho ten: Nguyễn Xuân Nam
Dia chi: Kunshan_Jiangsu

Thủa nhỏ, từng ngồi ghế nhà trường, tôi đã từng không ít lần bị roi cô giáo. Cô giáo tôi cũng chỉ quất vào mông đít như cô Anh Thư. Những lần đó tôi cũng hiểu rằng chẳng vì vô cớ mà mình bị đánh.Ấy là những lần không học bài, những lần trốn học đi chơi ....

Tuy nhiên sau những lần bị vụt ấy, tôi cũng hiểu ra rằng mình sẽ chẳng dám như vậy nữa. Lớn lên, tôi mới hiểu câu "Thương cho roi cho vọt"là như thế nào (nhưng roi vọt thế nào cho phải).

Thực sự, tôi không hiểu nổi một trường học "là trường chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Kiên Giang" lại có thể xảy ra hiện tượng cả lớp không thuộc bài. Hay các em tuy còn nhỏ đã có tư tưởng môn nhạc là môn học phụ, không cần học? Các vị phụ huynh trước khi kéo đến trường đã hỏi rằng :"Vì sao con mình không thuộc bài, cô giáo phạt ra sao không?" Hiệu trưởng trường THCS Mai Thị Hồng Hạnh có thực sáng suốt khi cảnh cáo toàn ngành một cô giáo trong khi thực trạng của một trường chuẩn quốc gia là như vậy?

Tôi đồng ý kiến với độc giả Đỗ Văn Nhân và ủng hộ cho việc làm này của cô giáo Anh Thư. Nếu như cô là người không có trách nhiệm thì việc đánh học trò có được lợi gì cho cô đâu, hay là Trường THCS Mai Thị Hồng Hạnh muốn rằng tuy cả lớp không học bài nhưng vẫn cần có điểm cao, vẫn cần có biện pháp "rắn" để đảm bảo cho danh hiệu
cho trường.

Ho ten: Đỗ Kỳ Anh
Dia chi: Yên phúc - Hà Đông

Không hiểu các bạn bình luận những câu trên là có ý đồ gì? Tôi chỉ muốn nói một điều, thước kẻ là dụng cụ để kẻ bài kẻ bảng chứ không phải vũ khí mang đến lớp đánh học trò, mọi hành động vũ lực trong nhà trường đều là sai phạm.

Học trò không học thuộc bài, trước tiên phải trách bản thân mình không có phương pháp dạy cuốn hút HS. Chẳng vậy mà ông bà ta có câu tiên trách kỷ, hậu trách nhân đó sao. Hành động đánh toàn bộ học sinh của cả 2 lớp là một hành vi không thể chấp nhận đối với một nhà sư phạm.


Ho ten: Nguyễn Hoàng Anh
Dia chi: Q.Ninh Kiều-TP.Cần Thơ

Việc cả lớp không thuộc bài là điều không thể chấp nhận được. Nếu không có biện pháp cứng thì sẽ dẫn đến sự ỉ lại của học sinh và sự đơn giản của phụ huynh nghĩ là môn không cần thiết.Việc cô Thư đánh học sinh cần phải xem cô phạt ở mức độ nào. Nếu chỉ giơ cao đánh khẽ thì không nên có hình thức xử phạt mà chỉ nên nhắc nhở trong nhà trường, nên có hình phạt khác nghiêm khắc tế nhị hơn.

Hiện nay, nhiều nhà  trường chưa có biện pháp cứng với học sinh, không kiểm tra cách ghi chép, làm bài tập của học sinh. Mới chỉ kiểm tra thuộc bài của học sinh là chưa đủ. Các trường phải có Qui chế thưởng phạt, thông báo cho phụ huynh học sinh biết để thống nhất giáo dục giữa nhà trường và gia đình.

Ho ten: Sy Sang
Dia chi: Munich

Thời đại văn minh ngày nay mà vẫn có người chấp nhận hình thức đánh học sinh? Tất cả học sinh hai lớp không thuộc bài, thì phải xem
lại năng lực của giáo viên. Liệu có phải cô giáo dạy không hấp dẫn dẫn đến tình trạng như vậy?

Ho ten: Trịnh Duy Khánh
Dia chi: 13/21 Lĩnh Nam Hoàng Mai -Hà Nội

Chuyện này chả có gì là to tát mà phải cảnh cáo toàn ngành cả. Hai lớp học mà có đến 86 học sinh không thuộc bài thì có lẽ phải xem lại học sinh thế nào. Hơn nữa mỗi học sinh chỉ bị 5 roi thì chẳng thấy gì là quá đáng. Tôi là người miền Bắc, nhưng đã từng theo học tiểu học ở miền Nam và tôi cho rằng 5 roi cho mỗi học sinh cũng chẳng có gì là ghê gớm cả. Nhất là đánh cả loạt hơn 80 học sinh thì cô giáo cũng chả có sức mà đánh mạnh được.

Ho ten: Vinh Quang Tran
Dia chi: Azalealaan 25 - 4401 GS - Yerseke - Netherland

Tôi nhấn mạnh khẳng định rằng hành động của cô Lê HoàngThuỵ Anh Thư là rất thiếu suy nghĩ. Bởi giải quyết bằng cách đánh đòn học sinh không bao giờ là giải quyết khôn ngoan. Cô Anh Thư đã đánh 86 học sinh, mỗi học sinh 5 roi, vậy cô đã bỏ ra bao nhiêu thời gian cho hành động này, trong khi đó một tiết học chỉ kéo dài 45 phút? Đã đến lúc cần phải chấm dứt bạo lực học đường, đây là thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn đọc.

Ho ten: Nguyễn Công Bình
Dia chi: Hà Nội

Theo tôi, hành động đánh học sinh của cô Thư là không đúng. Việc đánh học sinh trong trường là một thực trạng đáng lên án. Đó không phải là cách để các thầy cô dạy dỗ học sinh theo đúng nghĩa. Tuy nhiên, học sinh và phụ huynh cũng phải nhìn nhận lại trách nhiệm của mình. Cả 2 lớp đều không học bài cũ là do đâu? Hay là một cách để tỏ thái độ chống đối với giáo viên? Đề nghị nhà trường cũng phải có hình thức kỷ luật đối với học sinh 2 lớp nói trên để đảm bảo tính nghiêm minh cần có trong nhà trường.

Ho ten: Nguyễn Xuân Trường
Dia chi: Đà Nẵng

Nếu sự việc như báo chí đưa tin về chuyện cô giáo Thư đánh học sinh như vậy đâu có gì gọi là quá đáng. Cái đó xuất phát từ cái tâm, cái tốt của người giáo viên, muốn mang đến sự hoàn thiện cho học sinh. Với mỗi học sinh chỉ có 5 roi như vậy mà cô giáo Thư phải bị kỷ luật toàn ngành thì có quá lắm không? Cần nên xem xét lại, đừng nên quá vội vàng, làm ảnh hưởng đến cả 1 ngành giáo dục. Hãy cân nhắc hơn khi giải quyết 1 vấn đề
 

Ho ten: Quạnh
Dia chi: Khánh Hòa

Việc cô giáo quất vài roi vào mông đít mỗi học sinh lười, thiếu chuyên cần, kém hạnh kiểm là việc bình thường trong đời tất cả học
sinh của thế hệ tôi. Ngay cả ngày nay thì cũng không có gì mà ầm ĩ. Một cô giáo có trách nhiệm và có chuyên môn cao, hết lòng với học trò,
lúc trách phạt cũng rất kềm chế (chỉ đánh vào mông) thì không thể thi hành kỷ luật cô giáo ấy được. Những phụ huynh nào vừa nghe thế đã
bức xúc thì nhiều phần là bênh con thái quá, chẳng có lợi gì cho việc giáo dục con em họ đâu. Xin gởi một lời động viên và chia sẻ với cô giáo.

Ho ten: Võ Minh Châu
Dia chi: Tiền Giang

Trời, chuyện này có gì đâu mà ầm ĩ? Chuyện thầy cô giáo xử phạt học sinh bằng roi với cây thước như vậy thì có đáng bị xử lí như
thế? Tôi không cổ xúy cho việc dạy bằng đòn roi nhưng có 1 điều là hiện nay học trò ngày càng không ngoan, không tôn trọng thầy cô giáo mà
lỗi phần lớn là thuộc về các bậc làm cha làm mẹ. Hình như do quá cưng con nên mỗi khi con mình bị giáo viên phạt thì làm ầm ĩ cả lên.

Không giáo viên nào muốn phạt học trò vì "niềm vui" cả? Mục đích chính chỉ là muốn học sinh của mình chịu học và ngoan hơn. Ngày xưa khi chúng tôi đi  học còn bị đòn roi hơn nhiều nhưng không bao giờ dám kể với cha mẹ vì sợ bị... phạt thêm vì chúng tôi hư nên mới bị thầy cô phạt. Chúng tôi
dù bị thầy cô phạt nhưng rất tôn trọng, không muốn nói là tôn thờ. Ngày nay, học sinh ngày càng không tôn trọng thầy cô, bằng chứng là không
thèm học bài của cả lớp, phụ huynh cũng thế, sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với thầy cô giáo nếu đụng đến con em của họ. Mặt khác, vị trí xã hội của giáo viên ngày càng mất đi cũng vì đồng lương mà ra cả! Ngày xưa, vai trò "ông giáo" được cả vùng tôn kính và học trò noi theo vì học
cao và đặc biệt lương bổng rất hậu hĩnh.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, cải cách giáo dục được đưa ra liên tiếp gần đây nhằm vực dậy nền giáo dục nước nhà...nhưng theo tôi chỉ cần nâng mức lương cho giáo viên để cho họ đủ sống, nuôi nấng con cái, cha mẹ già, để giáo viên  "toàn tâm, toàn lực" cho công tác giảng dạy , không còn lo chuyện "cơm áo, gạo tiền" thì chắc chắn sự nghiệp giáo dục sẽ phát triển tốt đẹp.

Học trò sẽ kính yêu thầy cô hơn, xã hội nhìn thầy cô giáo với cái nhìn kính trọng hơn.

Ho ten: Nguyễn Tấn Dũng
Dia chi: 12A Ba Đình, Hà Nội

 

Tôi cho rằng việc cô giáo Thư đánh học sinh như vậy là việc nên làm. Thực sự việc trò không thuộc bài, không học bài thì cần có biện
pháp giáo dục. Ở đây, cô Thư đánh 5 roi vào mông đít thì cũng rất phù hợp, không hề ảnh hưởng, mà lại còn giáo dục các em có ý thức
học tập.

Việc kỷ luật cô giáo e rằng tạo ra một tiền lệ xấu, học sinh thấy vậy sẽ càng coi thường thầy cô và không có ý thức trong học tập, nhiệm
vụ chính của các chủ nhân tương lai của đất nước.


Ho ten: Trần Thành
Dia chi: TP Hồ Chí MInh

 

Tôi rất bức xúc mỗi khi thầy cô mà đánh các em học sinh là bị lên án, hình như đã trở thành phong trào để lên án thầy cô . Mình coi cách dạy thầy cô như thế nào? Tôi thấy khẽ tay hay đánh vào mông là chuyện bình thường. Phụ huynh nào không muốn con em mình giỏi, cho nên thầy cô cũng vậy. Theo tôi nghĩ, mình đừng có quan trọng hóa vấn đề mà phải nhìn nhận thầy cô đã làm.
 

Ho ten: Trần Trung Trí
Dia chi: 333 Trần Bình Trọng

Theo tôi, cô Thư không đáng để bị kỷ luật nặng như vậy. Bài báo viết đánh 400 roi có phần hơi quá đáng. Khi đọc tựa bài báo, tôi tưởng là cô đánh một em học trò đến 400 roi, nhưng thật ra chỉ đánh mỗi em 5 roi. Tôi không tán hành vi răn dạy trẻ mà phải dùng tới đòn
roi, nhưng 5 roi đánh vào mông thì không đáng để cô bị kỷ luật nặng như vậy. Theo tôi, cô Thư nên bị kỷ luật nhẹ hơn.

Cô nên được giữ lại  trường, và cam kết sẽ không đánh học trò nữa. Cả lớp không học bài thì thật đáng trách, nhưng phải coi lại cô đã bắt trẻ học những gì đến nỗi không em nào học nổi. 86 em là một con số không nhỏ. Thêm vào đó, nhạc không phải là môn chính. Không nên vì nghĩ các em chỉ lo học môn chính mà đánh các em vì không quan tâm tới môn của cô.
 

Ho ten: Đỗ Văn Nhân
Dia chi: Krông Năng - Dak Lak

Việc cô giáo đánh học sinh do không thuộc bài trong trường hợp này, theo tôi là cần thiết và đúng đắn. Cả lớp không thuộc bài thì đúng là chỉ có ở Việt Nam!?

Chúng ta cũng cần phải có biện pháp nào đó (tuỳ trường hợp, tuỳ hoàn cảnh và mức độ) để bảo vệ chính những người thầy, người cô như cô giáo Thư.

Tôi thật sự khó hiểu việc kỷ luật cô Thư khi mà việc xử phạt học sinh của mình chỉ 5 cái đánh bằng thước kẻ vào mông đít ...! Tôi mong rằng các ông bố, bà mẹ cần xem lại con em mình và xem lại cả chính mình.

Hãy bảo vệ những thầy cô giáo hết lòng vì học sinh như cô giáo Thư, vì việc đánh, phạt học sinh đó chỉ xuất phát với tất cả mong muốn của một nhà giáo là học sinh ngoan và giỏi hơn.
 

 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,