221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1128959
Nguyễn Văn Huyên: Vị Bộ trưởng thực tâm, thực tài
1
Article
null
Nguyễn Văn Huyên: Vị Bộ trưởng thực tâm, thực tài
,

- "Ông một lòng một dạ với giáo dục, những việc làm cụ thể đều xuất phát từ thực tâm", ông Vương Cát Định, trầm ngâm khi được hỏi về "điều ấn tượng nhất" với cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Ông Định là cán bộ của Bộ Giáo dục qua 4 đời Bộ trưởng.

Cùng với khoảng 100 khách mời, ông Định có mặt trong buổi kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên chiều 15/11 do Bộ GD-ĐT và Hội cựu giáo chức Việt Nam tổ chức.

Ấn tượng khó phai

Bác Hồ và GS Nguyễn Văn Huyên (người đầu tiên từ bên trái) đi thăm một lớp dạy tiếng Nga 1955-1956 (ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)

Với GS 90 tuổi Nguyễn Văn Chiển, nhà khoa học đầu ngành của ngành địa chất, nhiều quyết định ở "ngã ba đường" trong cuộc đời ông đều có dấu ấn của cố Bộ trưởng Huyên.

Năm 1946, khi đang nghiên cứu và giảng dạy ở Trường CĐ Khoa học (ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội bây giờ), ông được gọi lên làm Đổng lý Văn phòng Bộ Giáo dục, dù chưa hề quen biết GS Huyên. Được một tháng, anh cán bộ văn phòng quay trở lại phòng thí nghiệm. "Ông đã đoán trúng tâm lý thích làm khoa học của tôi và giúp tôi thoát khỏi câu chế giễu "anh cạo giấy" của vợ", GS Chiển hóm hỉnh.

9 năm sau đó, GS Chiển lại có cơ hội trở lại quan trường khi Vụ Tổ chức cán bộ muốn đề bạt ông làm Phó Giám đốc Nha học vụ phổ thông. Bộ trưởng Huyên đã mời lên gặp trực tiếp và khuyên ông nên trở lại xây dựng ngành khoa học địa chất.  "Tôi thầm cảm ơn ông đã điều động cán bộ đúng với khả năng chủ quan và yêu cầu khách quan của đất nước, không như ai đó đề bạt cán bộ chỉ vì phe cánh thân quen".

Đặc biệt hơn cả là câu chuyện khi Nhà nước quyết định xây dựng Trường ĐH Bách khoa, trong đó có ngành Địa chất thăm dò. Nghĩ rằng ĐH Bách khoa cần hơn nên GS Chiển sau khi gặp hiệu trưởng, đã chuẩn bị sẵn một văn bản quyết định điều động toàn bộ cán bộ và cơ sở vật chất từ ĐH Tổng hợp sang Bách khoa. Khi đem văn bản trực tiếp lên trình bày, Bộ trưởng Huyên ký ngay. "Với tình hình của bộ máy quan liêu và phổ biến hành là chính hiện nay, chắc chắn không có Bộ trưởng nào dám giải quyết bất cứ việc gì vượt qua đầu của cấp dưới và dự thảo quyết định của tôi it nhất phải chờ hàng tháng mới được ký là may mắn lắm rồi", GS Chiển so sánh.

Một câu chuyện khác trong buổi gặp mặt còn được nhiều người nhắc tới. Ở một tỉnh nọ, Tỉnh ủy đề bạt một tỉnh ủy viên làm trưởng ty giáo dục. Nhưng Bộ trưởng Huyên kiên quyết không duyệt, dù vị tỉnh ủy viên có phẩm chất đạo đức tốt. Lý do không duyệt ở đây là trình độ văn hóa của ứng cử viên mới ở bậc Tiểu học, khó có khả năng chỉ đạo hiệu quả sự nghiệp giáo dục của một tỉnh đồng bằng với đầy đủ ngành mẫu giáo mầm non phổ thông sư phạm chuyên nghiệp. Tỉnh ủy sau đó đã rút quyết định và sắp cho ông này một công tác phù hợp hơn.

Câu chuyện cái ngăn tủ 

GS Nguyễn Văn Huyên (16/11/1908 - 19/10/1975) là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ văn khoa tại Trường ĐH Tổng hợp Sorbonne - Paris với kết quả xuất sắc.  Từ 1937-1940, ông có gần 20 công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Từ tháng 11/1946 cho tới khi mất, ông đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục. "Dân chủ, dân tộc và khoa học" là 3 nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục mới mà ông là kiến trúc sư trưởng gây dựng nên.
Gần 90 tuổi, ông Nguyễn Hữu Nghinh vẫn lọc cọc đạp xe đến buổi lễ. Vị cựu Chánh văn phòng bộ này vẫn còn nhớ như in cái ngăn tủ phòng làm việc của Bộ trưởng sau ngày mất. Khi đó, cơ quan đã mời đại diện gia đình đến kiểm kê, giao lại tiền và quà mà ông để trong ngăn tủ. Món quà của những lần đi công tác, tiền nhuận bút duyệt sách, phụ cấp đại biểu Quốc hội...được Bộ trưởng để lại, thăm hỏi giúp đỡ những người làm việc lương thấp, cán bộ nhân viên dưới quyền khi họ gặp khó khăn.

Một cán bộ Bộ Giáo dục có điều kiện làm việc lâu và gắn bó với gia đình GS Huyên, ông Lê Văn Chung cho hay, các phương tiện làm việc trong phòng của cố Bộ trưởng từ năm 1954 đến khi ông mất (1975), vẫn được giữ nguyên bởi còn tốt, ông không cho thay. Thậm chí, đám cưới của các con, ông không mời cán bộ ở Bộ vì không muốn phiền đến mọi người.

Ông Vương Cát Đinh thì không quên được câu chuyện chiếc máy catset mà luật sư Phan Anh, khi đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương tặng Bộ trưởng Huyên khi tới nhà chơi. Mang về nhà được một vài hôm, ông Huyên mang tới cho phòng Tổng hợp và Vụ Hợp tác quốc tế dùng, vì máy catset lại có ghi âm được, lúc đó quý lắm.

"Có một việc làm đến bây giờ, hơn 33 năm sau ngày mất, tôi vẫn còn ghi đậm trong tâm khảm về sự kiên quyết lẫn nhân hậu ở con người cụ" - ông Trần Đình Thi, thư ký của cố Bộ trưởng hồi tưởng. Người thư ký trước ông Thi mắc sai phạm nên bị phê bình nghiêm khắc. Bộ trưởng Huyên yêu cầu anh đó nghỉ việc, không được đến cơ quan cho đến khi nhận quyết định chuyển sang cơ quan khác. Tuy nhiên, lần nào thăm địa phương nơi người cán bộ ấy sinh sống, ông đều gửi quà hoặc trực tiếp đến thăm.

Ông Nghinh thì mãi không quên được những lần anh em văn phòng chuẩn bị báo cáo chưa kỹ, khi phát biểu, Bộ trưởng vẫn cầm giấy đọc trơn tru, mạch lạc và bổ sung không ít thông tin vào những văn bản đó. "Làm việc nghiêm túc, yêu cầu cao nhưng cũng rất rộng lượng", đó là những điều không chỉ ông Nghinh mà những người làm cùng đều thấm thía ở Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Bài học còn nguyên giá trị

"Bông hoa của chế độ" là từ ngữ quen thuộc nói về thành quả nền giáo dục mà cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã dầy công xây dựng trong suốt 29 năm.

Chẳng hạn, trong chỉ đạo và phát triển giáo dục một việc rất quan trọng là xây dựng và phát triển đúng "tháp giáo dục. Bài học này vẫn còn nóng hổi vì "tháp giáo dục" hiện nay đang tồn tại nhiều nhiều bất hợp lý, có chỗ đảo ngược so với thời cụ Nguyễn Văn Huyên.

Một giá trị thời sự khác là "cuộc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, ngày nay được gọi là giáo dục cho mọi người". Khuyến cáo mới đây của UNESCO với Việt Nam về khả năng không đạt được xóa mù chữ vào năm 2015 đưa ra trong báo cáo giam sát toàn cầu năm 2008 là một lưu tâm rõ nét nhất.

Tâm đắc với "công đầu khai phá dân tộc học và nghiên cứu con người Việt Nam" của cố Bộ trưởng Huyên, GS  Phạm Minh Hạc còn nhắc tới "bài học" về giáo dục nhân cách - một vấn đề ngày càng trở nên ráo riết với thực trạng giáo dục hiện nay.

Một trong những dự định khi về hưu của GS Huyên khi nghỉ hưu là sẽ viết sách về tấm gương những giáo viên đã vượt qua gian khổ đào tạo nên một thế hệ trưởng thành. Ít ai biết, mong ước giản dị lúc đó của GS Huyên là có một cái máy chữ để thực hiện điều này.

Mới đây, những người con của ông đã trở lại Tuyên Quang, nơi Bộ GD-ĐT đặt trụ sở lâu nhất thời kháng chiến. Bà con ở đây vẫn nhắc tới những kỷ niệm thân tình giữa những nhân sĩ yêu nước cùng GS Nguyễn Văn Huyên đã gắn bó với họ thời đó là GS Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng.

TS Nguyễn Văn Huy, con trai cố Bộ trưởng cho biết, nguyện vọng của gia đình là hệ thống 3 trường mầm non, tiểu học và Trung học cơ sở ở đây được mang tên của 3 GS đó. "Đây sẽ là sự kết nối giữa quá khứ hiện tại và tương lai và rất mong Bộ GD-ĐT lưu tâm", ông Huy bày tỏ. Hiện nay, tên của cố GS Nguyễn Văn Huyên đã được đặt cho con đường, 2 ngôi trường ở Hà Nội và 1 trường THPT ở Tuyên Quang.

Buổi dự giờ đặc biệt

Việc Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đến thăm trường được báo trước 3 ngày. Nhưng việc đến thăm lớp 6Đ thì tôi mới biết lúc 6h sáng ngày ông đến. Tôi nhắc thầy Nguyên, Phó chủ nhiệm xem lại giáo án, phân công các Phó chủ nhiệm khác đi tìm cho đủ học sinh. Một lúc sau, anh Xủng từ bãi nhãn gần trường về báo "bốn đứa đang làm thịt rắn", tôi khuyên mãi mới được 3 em về. Anh Sanh từ sông Đáy đưa về 5 em và nói "5 em đang câu cá, cự nự không chịu về lớp. Tôi khuyên, các em mới chịu nghe". Mấy chị nuôi đi gop khắp trường được 6 em. Tôi nhẩm tính: 22 em, cứ đưa chúng lên lớp kẻo trễ.

 Vào thăm lớp, Bộ trưởng nhìn các HS to lớn ăn mặc kỳ dị, quá đỗi ngạc nhiên. Ông dừng lại, đảo mắt nhìn: 19 em đứng, 3 em ngồi. Kỳ lạ hơn là 3 em ngồi trong tư thế khác thường với 3 chiếc ruột chăn màu cháo lòng, khoét lỗ ở giữa để chui đầu vào, phủ kín người.

Khi thầy Nguyên sắp giới thiệu khách thì bỗng một HS đội mũ phớt, cầm can mây từ ngoài lừng lững đi vào, đứng giữa 2 dãy bàn. Cậu ta đưa tay cầm điếu thuốc đang bốc khói lên mồm, giọng tỉnh bơ: "Hôm nay Bộ trưởng về thăm lớp ta, chắc thầy Nguyên dạy Toán hay lắm. Ta thử học 1 tiết xem sao". Nói xong cậu ta điềm nhiên về chỗ. Tôi đứng phía sau đoàn khách, cúi xuống nền phòng học, chẳng có cái lỗ nào mà chui xuống.

Tôi vừa buồn vừa lo: thế nào trường tôi, do lỗi của lớp 6Đ, sẽ bị khiển trách. Nhưng sau đó một thời gian, chúng tôi nhận được thông báo của Đảng ủy khu trường về nhận xét của Bộ trưởng "những thầy giáo dạy trường HS miền Nam, nhất là các lớp có nhiều HS cá biệt, là những anh hùng".

(Theo lời kể của giáo viên Huỳnh Thảng, trường học sinh miền Nam số 27 ở Chương Mỹ, Hà Tây cũ)

  • Hạ Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,