221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1019700
Những tín hiệu chấn hưng giáo dục
1
Article
null
Những tín hiệu chấn hưng giáo dục
,

(VietNamNet) - Hiện nay, đang có những tín hiệu cho thấy nền giáo dục nước ta có thể sẽ sớm chuyển sang giai đoạn chấn hưng. Cần đối thoại cởi mở giữa các cơ quan có trách nhiệm của ngành giáo dục với dư luận xã hội quan tâm để tạo đồng thuận cần thiết. Song song với đó là lấy ý kiến về một chiến lược giáo dục mà thực chất là một cuộc cải cách cơ bản.

GS Lê Văn Giạng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trong bài viết "Nền giáo dục Việt Nam 2008 và các năm tiếp theo" gửi tới VietNamNet đã đề xuất như vậy. Dưới đây là nội dung bài viết (tựa do toà soạn đặt lại).

Bối cảnh thuận lợi

’SV

SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) trong lễ nhận bằng tốt nghiệp. Từ năm 2008, ngành giáo dục phát động cuộc vận động "đào tạo theo nhu cầu xã hội" ở bậc đào tạo sau phổ thông. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong lịch sử hơn 1.000 năm, nền giáo dục nước ta đã tiếp thu nhiều kinh nghiệm phong phú của 3 nền giáo dục lớn trên thế giới: giáo dục phong kiến của Trung Hoa, giáo dục tư bản chủ nghĩa của Pháp và sau đó là  mô hình giáo dục khác hẳn về bản chất là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của Liên Xô.

Gần 20 năm lại đây, chúng ta có thêm điều kiện để tham khảo nhiều nền giáo dục khác, đặc biệt là nền giáo dục rất đặc sắc và độc đáo vì rất đa dạng của Hoa Kỳ. Đó là thuận lợi lớn cho sự phát triển giáo dục không những trước đây mà còn cả cho hiện nay và sau này nếu biết khai thác đúng đắn và vận dụng cho phù hợp với thực tế.

Nền giáo dục từ sau Cách mạng tháng Tám tới nay là một nền giáo dục do nhân dân làm chủ và để phục vụ lợi ích của nhân dân thông qua sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Đây là nguyên tắc tối cao, bất di bất dịch và mãi mãi từ nay về sau, dù có trải qua cải cách, đổi mới, hội nhập, tiếp thu kinh nghiệm gì gì đi nữa.

Những tín hiệu chấn hưng

Nền giáo dục nước ta trong khoảng 20 năm vừa rồi đã thực hiện đổi mới. Tuy có giải quyết được một số khó khăn cấp bách nhưng về cơ bản, công cuộc đổi mới đó không thành công (khác với những đổi mới về kinh tế). Không những thế, còn làm cho nền giáo dục bị sa lầy triền miên mà biểu hiện cơ bản và tổng quát nhất là sự suy thoái toàn diện và rộng khắp về chất lượng giáo dục (trừ ở một số trường hợp rất nhỏ và cá biệt). Hiện tượng này đã được một bộ phận trong xã hội cảm thấy từ lâu nhưng đến nay đã rõ ràng và ảnh hưởng tiêu cực của nó tới xã hội, tới phát triển kinh tế thời hội nhập đang được báo động. Khắc phục nhanh chóng và cơ bản tình hình này là nhiệm vụ trung tâm của ngành giáo dục trong thời gian trên dưới 10 năm trước mắt. Đó là nội dung của công việc được gọi rất đúng: “chấn hưng giáo dục”.

Hiện nay, đang có những tín hiệu cho thấy nền giáo dục nước ta có thể sẽ sớm chuyển sang giai đọan chấn hưng.

Đó là các tín hiệu vui mừng về một số chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục được đại bộ phận dư luận xã hội đồng tình, như cuộc vận động “hai không” chống những hiện tượng tiêu cực trái với đạo đức thông thường nhưng khá phổ biến. Hoặc như nêu ra yêu cầu phải là đương nhiên nhưng đã gần như bị lãng quên trong 20 năm “đổi mới”:  yêu cầu việc đào tạo từ dạy nghề đến ĐH và sau ĐH phải đạt chuẩn và phù hợp với thị trường lao động của xã hội.

Làm thế nào để đạt được yêu cầu này còn là một vấn đề lớn đối với cán bộ quản lý. Nhưng cần ghi nhận đây là một bước ngoặt lớn đối với công tác đào tạo vì đã nêu ra rõ ràng và dứt khoát như một nhiệm vụ chính trị lâu nay  bị xem nhẹ và chạy theo sự phát triển hình thức về số lượng nhằm có “thành tích".

Một tín hiệu khác rất đáng được chú ý và nếu các cơ quan có trách nhiệm biết khai thác tốt thì sẽ thành một động lực lớn làm chuyển biến nền giáo dục nước ta sang giai đoạn chấn hưng mà cả nước đang mong chờ lâu nay.

Đó là sự tham gia sôi nổi, rộng khắp và đầy nhiệt tình của nhiều bộ phận khác nhau trong xã hội đóng góp ý kiến vào công việc giáo dục nói chung và đối với những chủ trương cụ thể mà ngành giáo dục dự kiến sắp thực hiện nói riêng.

Ở đây, điều đáng vui mừng và hoan nghênh là có nhiều trí thức Việt kiều tham gia nhiệt tình. Trước đây, vẫn có những lo lắng và hiến kế đầy tâm huyết, nhưng đó mới chỉ là những tiếng nói lẻ loi chìm trong âm hưởng chủ đạo của “chủ nghĩa thành tích”. Hiện nay, chủ nghĩa thành tích (giả tạo hoặc ảo tưởng) đã và đang cần được tiếp tục phê phán. Mong điều đó sẽ tạo môi trường thuận lợi cho việc đối thoại cần thiết và có hiệu quả trong công việc chấn hưng.

Hai mong ước

Tôi có hai mong ước muốn đề đạt với các cơ quan  có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục nói chung và với Bộ GD-ĐT nói riêng.

Một là, đề nghị nên tham khảo đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao các ý kiến đã và sẽ được đóng góp của xã hội về một số chủ trương đang dự định sắp thực hiện như: học phí; minh bạch hóa và hợp lý hoá việc sử dụng các nguồn kinh phí về giáo dục; thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh vào ĐH; phân ban và phân luồng HS phổ thông; chương trình và sách giáo khoa; chất lượng sau đại học nói chung và vấn đề đào tạo 2 vạn tiến sĩ nói riêng; công nhận chức danh GS và PGS nói riêng và vấn đề nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ thầy và cô nói chung; mở thêm nhiều trường ĐH, v.v.. Cần đối thoại cởi mở giữa các cơ quan có trách nhiệm của ngành giáo dục với dư luận xã hội về các vấn đề nói trên để tạo ra một sự đồng thuận cần thiết cho việc chấn hưng giáo dục.

Hai là, cần đồng thời chuẩn bị để đưa ra lấy ý kiến về một chiến lược giáo dục mà thực chất là một cuộc cải cách cơ bản. Trong đó, nội dung quan trọng là làm sáng tỏ một số vấn đề về quan điểm và đường lối giáo dục (mà các nước phương Tây gọi là triết lý giáo dục) như vấn đề mẫu con người lý tưởng nhưng hiện thực; định hướng xã hội chủ nghĩa và tính chất của công tác giáo dục (thí dụ giáo dục có phải là hàng hóa đem ra mua bán trên thị trường theo nguyên tắc lợi nhuận tối đa không, vị trí của hệ thống trường công và trường tư, vấn đề xã hội hóa giáo dục, vai trò và nhiệm vụ của nhà nước trong vịệc xây dựng và quản lý giáo dục, giống và khác gì với việc xây dựng và quản lý hệ thống kinh tế quốc dân v.v)

Chắc ai cũng thấy đó là những vấn đề vừa cơ bản vừa rất thời sự của giáo dục nước ta, cần được làm sáng tỏ để tạo ra sự nhất trí cao trong xã hội,một điều kiện không thể thiếu để  động viên và tập trung mọi trí tuệ và sức lực của nhân dân ta vào sự nghiệp chấn hưng giáo dục, một điều kiện đã từng có ở nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám tới cuối những năm 70 của thế kỷ trước và từ đó tới gần đây, càng ngày càng mất dần trong lĩnh vực giáo dục (hiện nay đang có tín hiệu có thể được hồi phục).

  • Lê Văn Giạng (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục)

**************

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,