221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1019556
Quy hoạch đất cho giáo dục phải đi trước một bước
1
Article
null
Quy hoạch đất cho giáo dục phải đi trước một bước
,

(VietNamNet) - "UBND các tỉnh, thành phố (TP) trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quy hoạch đất đai cho hệ thống giáo dục phổ thông, hệ thống giáo dục dạy nghề sơ cấp, trung cấp thep phân cấp quản lý giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cho địa phương..."

Ảnh Lê Anh Dũng
Ảnh Lê Anh Dũng
Đó là một trong nhiều nội dung tại công văn số 270 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về vấn đề quy hoạch sử dụng đất cho GD-ĐT mới đây.

Công văn nêu, sau khi Bộ GD-ĐT báo cáo kế hoạch, nhu cầu sử dụng đất cho GD đến năm 2020 và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan - Phó Thủ tướng kết luận:

"Để ngành GD có thể đáp ứng nhiệm vụ chuẩn bị nguồn nhân lực cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo của thế kỷ 21, việc quy hoạch đất đai cho ngành GD-ĐT có ý nghĩa quyết định và phải đi trước một bước, trên cơ sở các quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các quy định hiện hành về phân cấp quản lý của Nhà nước".

Theo đó, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quy hoạch đất đai cho hệ thống giáo dục phổ thông, hệ thống GD dạy nghề sơ cấp, trung cấp thep phân cấp quản lý GD-ĐT cho địa phương.

Ở cấp Trung ương, căn cứ vào quy hoạch mạng lưới các trường ĐH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GD-ĐT chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện đề án quy hoạch các trường ĐH, CĐ do Bộ, ngành Trung ương quản lý đến năm 2020 và làm việc với UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về quy hoạch các trường ĐH, CĐ và TCCN trọng điểm ở mỗi vùng. Trên cơ sở đó, xây dựng đề án về quy hoạch quỹ đất cho các trường ĐH, CĐ đến năm 2010 và sau đó.

Quy hoạch quỹ đất cho sự phát triển hệ thống trường ĐH, CĐ phải bảo đảm các nguyên tắc: Trong điều kiện đất hẹp, người đông, cần phải sử dụng đất đai tiết kiệm, xác định quy mô đất đai hợp lý cho từng loại trường; đồng thời phải đảm bảo môi trường sư phạm.

Các trường ĐH, CĐ hiện đang đóng ở trong nội thành của các TP, nhưng không có đủ diện tích đáp ứng yêu cầu phát triển, cần được quy hoạch đưa ra những địa điểm phù hợp. Đối với các trường mới thành lập, cần được quy hoạch phù hợp để có diện tích xây dựng và địa điểm xây dựng đáp ứng yêu cầu về giao thông và môi trường sư phạm cho quá trình phát triển.

Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan tổ chức hội thảo quốc gia (có thể mời chuyên gia quốc tế) về quy hoạch, xây dựng quả lý, sử dụng các trường, cụm trường ĐH, CĐ quý 1/2008.

Việc quy hoạch đất cho GD-ĐT chủ yếu phải lựa chọn các khu vực có giá trị sử dụng đất nông nghiệp thấp, không ảnh hưởng đối với an ninh lương thực. Trường hợp những địa phương không có điều kiện, phải sử dụng đất nông nghiệp thì Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất (5 năm hoặc 10 năm) của tỉnh, TP trình duyệt theo đúng quy định của luật pháp.

Bộ GD-ĐT tổng hợp trên cơ sở các ý kiến hoàn chỉnh Đề án quy hoạch sử dụng đất và cơ chế chính sách phát triển hệ thống hạ tầng GD-ĐT đến năm 2020, cùng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề  này trình Chính phủ trong quý 1/2008.

  • Kiều Oanh  

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,