221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1014112
Trực tuyến với "cha đẻ" của học liệu mở ĐH Rice, MIT
1
Article
null
Trực tuyến với 'cha đẻ' của học liệu mở ĐH Rice, MIT
,

(VietNamNet) - Vào lúc 14h ngày 12/12, TS. Joel Thierstein, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Rice (Hoa Kỳ) và TS. Cecilia d’Oliveira, Giám đốc Điều hành của Học liệu Mở Viện Công nghệ Massachusset (MIT) - 2 tổ chức có đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển công nghệ, tạo nên bước đột phát trong phong trào học liệu mở quốc tế đã có mặt tại VietNamNet, tham gia trực tuyến với bạn đọc. 

 

Các khách mời tại buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng
Các khách mời tại buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng
Hai khách mời tham gia trình bày về Học liệu Mở tại Hoa Kỳ, những cam kết cũng như hỗ trợ của họ dành cho Chương trình Học liệu Mở Việt Nam.

 

Lễ ra mắt Trang tin điện tử Học liệu mở Việt Nam sáng 12/12 sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trong sự phát triển của chương trình Học liệu Mở Việt Nam.

 

Chương trình được bắt đầu từ năm 2005 với sự phối hợp của ba tổ chức chính là VEF, Bộ GD-ĐT, và Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC.

 

Ngoài ra, chương trình còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như: sự trợ giúp về nội dung môn học của dự án Học liệu Mở - Viện Công nghệ Kỹ thuật Massachusetts (MIT), các công cụ phần mềm Connexions của Trường Đại học Rice, và các hỗ trợ khác từ Hiệp hội Học liệu Mở Quốc tế.

 

Mục tiêu của chương trình là tạo điều kiện cho người dùng Việt Nam tiếp cận các tài liệu giảng dạy và học tập có sẵn trực tuyến và miễn phí với chất lượng cao, cập nhật từ nguồn học liệu mở có sẵn từ các trường ĐH hàng đầu trên thế giới.

 

Chương trình sẽ cung cấp nguồn Học liệu Mở có nội dung phong phú, có khả năng sử dụng, tái sử dụng và miễn phí đến trước tiên với môi trường giảng dạy, nghiên cứu và tiếp theo là mọi đối tượng tại Việt Nam.

 

Một mục tiêu khác cũng rất quan trọng là cung cấp cơ sở hạ tầng, nội dung các khoá học mẫu và các khoá đào tạo cho các giảng viên, SV và người sử dụng để họ có thể tự xây dựng, sử dụng và tái sử dụng thông tin cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

 

“Theo xu hướng toàn cầu về sử dụng Học liệu Mở, VOCW sẽ tạo ra một bước đột phá giúp các giảng viên, sinh viên và người học Việt Nam có cơ hội tuyệt vời tiếp cận với nguồn tài liệu học tập hàng đầu thế giới có sẵn trực tuyến và miễn phí”, GS.TSKH Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận xét.

 

GS.TS Võ Văn Tới, Giám đốc Điều hành của Quỹ Giáo dục Việt Nam cho biết: "Không còn nghi ngờ gì nữa, chương trình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam”.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC nói: “Đây là một cơ hội tuyệt vời để người Việt Nam có thể hiểu về kho tàng tri thức quý giá sẵn có trên mạng và miễn phí".

 

************************

 

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:

Thành công

TS. Cecilia d’Oliveira
TS. Cecilia d’Oliveira
Linh Bui - Nữ 19 tuổi - Amherst, MA (USA)
- Chào bà, Tôi là SV năm thứ 2 trường CĐ Amherst, MA. Cá nhân tôi đã thu được rất nhiều lợi ích từ các khoá học OCW miễn phí trên website của MIT, đặc biệt là trong lĩh vực Ngôn ngữ và Tâm lý học. Ông bà có thể chia sẻ những phản hồi của người dùng về MIT OCW, chẳng hạn 1 số những câu chuyện thành công? Tôi cũng muốn cảm ơn và chúc bà thành công với nỗ lực trển khai dự án Học liệu mở Việt Nam.

Bà Cecilia d’Oliveira: Xin chào bạn! Tôi rất mừng vì bạn thích website MITOCW. Chúng tôi đã nhận được khoảng 20.000 thư từ khắp nơi trên thế giới.

Những câu chuyện thành công chúng tôi được nghe từ những nhà giáo dục, những người sử dụng tài liệu của chúng tôi để xây dựng chương trình đào tạo. Chúng tôi cũng nhận tin từ những cá nhân không có đủ tiền để học ĐH và OCW cung cấp cho họ những cơ hội đi học.

Chúng tôi cũng nhận tin từ những SV giống như bạn nói rằng trang web OCW rất hữu ích. Tôi khuyến khích bạn nên tiếp tục tìm kiếm trên website của chúng tôi để tìm những trường hợp đã sử dụng OCW thành công. 

Nguyễn Viết Trường - Nam 20 tuổi - Sơn La - Việt Nam
- Chương trình của trường các ông/bà đã rất thành công. VOCW có thể học hỏi được những kinh nghiệm gì từ chương trình của ông/bà. Xin ông/bà cho biết những gợi ý về hướng đi tiếp theo của VOCW.

 

TS. Joel Thierstein
TS. Joel Thierstein
Ông Joel Thierstein: Có nhiều điều thú vị sẽ diễn ra nhanh hơn so với những gì  mọi người mong đợi từ OCW. Ban đầu sinh viên sẽ rất quan tâm tới việc khai thác các thông tin từ học liệu mở song họ khá thận trọng và bỡ ngỡ khi tham gia và đóng góp vào học liệu mở. Chúng tôi mong đợi kế tiếp sẽ là sự tham gia của các trường trung học.

Các nhóm phê chuẩn nội dung của học liệu mở nên là một bộ phận của VOCW. VOCW sẽ đưa vào các ứng dụng ủa truyền thông đa phương tiện.

Bà Ceicilia d'Oliveira: Lời khuyên đầu tiên của tôi là sẽ phải tìm những giảng viên quan tâm và có năng lực để xây dựng những môn học có chất lượng. Không chỉ tìm thấy họ mà còn hỗ trợ để họ tham gia, tạo ra những kinh nghiệm lần đầu tiên tốt.

Nếu nhóm giảng viên đầu tiên thành công, họ sẽ nói lại với những đồng nghiệp của mình và đưa nhóm giảng viên khác tham gia chương trình khác.

Lời khuyên thứ 2 là tìm cách để SV cũng giúp đỡ. SV chính là đối tượng làm cho dự án này phát triển. Họ có thể giúp giảng viên học công nghệ như giúp cung cấp nội dung môn học và SV có thể là những người hỗ trợ rất nhiệt tình. Con người là yếu tố then chốt.

Nam Nguyen - Nam 19 tuổi - Stanford
- Là một SV ở ĐH Stanford University, tôi cảm thấy rằng tất cả GS ở các trường ĐH bậc cao như Stanford và MIT rất giỏi giang và tuỵêt vời khi làm nghiên cứu. Tuy nhiên, họ không thực sự giỏi khi giảng dạy. Hầu hết thời gian tôi cảm thấy bài giảng của họ thực sự là rối. Bà nghĩ sao?
- Bà Ceicilia d'Oliveira: Để thay đổi quan điểm của bạn, tôi khuyên bạn xem video của 1 giáo sư chuyên ngành vật lý của MIT giảng dạy mẫu. Tên của giáo sư đó là Walter Lewin. Đây là 1 bài giảng rất xuất sắc!

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều email phản hồi từ SV là họ rất mong có được giáo sư giỏi như ông Lewin. Video này cũng đã có trên MITOCW.

Nguồn học liệu mở của MIT cũng giúp giảng viên chú ý nhiều hơn đến giảng dạy. Vì nguồn tài liệu được mở cho toàn thế giới nên họ chịu áp lực phải làm sao để nguồn tài liệu ngày càng tốt hơn.

Nam Khanh - Nam 20 tuổi - Quang Ninh
- Hôm nay, tôi có tham gia lễ ra mắt trang web học liệu mở Việt Nam ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tôi nhận thấy sẽ rất hữu ích nếu chúng ta xây dựng được một hệ thống lưu trữ tư liệu giảng dạy tại Việt Nam cho giảng viên và sinh viên Việt Nam. Vậy kế hoạch của VEF để phát triển dự án này trong tương lai như thế nào?
- Ông Võ Văn Tới, Giám đốc điều hành VEF: Trong giai đoạn khởi động của chương trình, VEF, Bộ GD-ĐT và Công ty VASC đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng rất tốt cho sự phát triển của VOCW.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích người dùng sử dụng những tài liệu mà VEF tài trợ xây dựng trong thời gian qua đồng thơi tập trung vào các hoạt động phát triển nội dung ví dụ xây dựng thêm nội dung mới, mở các buổi tập huấn để hướng dẫn các giảng viên đưa giáo trình của họ từ tài liệu MS Word lên VOCW cũng như hợp tác với các trường đại học để chuyển đổi thư viện giáo trình điện tử của các trường sang VOCW.

Trở ngại?

Phạm Trung Hiếu - Nam 29 tuổi - Hà Nội
- Việc đưa học liệu mở vào VN hiện nay có thể nói là rất cần thiết, mở ra một kho tàng về kiến thức cho những người biết sử dụng nó nhưng ngược lại một bộ phận không nhỏ sẽ sử dụng theo mục đích khác, ví dụ rất nhiều học viên cao học và NCS sẽ copy nguyên văn hoặc một bộ phận nào đó vào luận văn của mình và chỉ sửa một đôi chỗ, những vấn đề còn tồn tại trên chúng ta nên hạn chế thế nào cho hợp lý? Đặc biệt rất nhiều luận văn thạc sỹ hay tiến sỹ của chúng ta hiện nay chất lượng có thể nói là rất kém. Ông/bà nghĩ gì về hiện tượng này?

Ông Võ Văn Tới (giữa)
Ông Võ Văn Tới (giữa)
Bà Ceicilia d'Oliveira: Đạo văn là 1 việc có thể xảy ra kể cả khi có ƠCW hay internet hay không. Sự cởi mở sẽ tạo ra điểm tích cực như nếu giáo sư nghi ngờ có sự đạo văn thì có thể dễ dàng kiểm tra, chỉ cần lên Google tìm kiếm.

Một kinh nghiệm của tôi ở Mỹ là khi bắt đầu sử dụng nguồn tư liệu trên mạng thì giảng viên phải hướng dẫn cho SV những điều gì có thể chấp nhận được và phải có quy định rất rõ ràng.

Hòa - Nam 25 tuổi - Hà Nội
- Xin chào, tôi thấy Học liệu mở rất hữu ích và đã từng học 1 môn dạng này. Tôi có băn khoăn là hầu hết các môn học liệu mở đều sử dụng tài liệu tham khảo là những quyển sách có giá rất đắt và hiếm thấy ở các nước đang phát triển. Điều này làm giảm hiệu quả học tập rất nhiều. Bà có giải pháp gì cho vấn đề này? Xin cảm ơn.

Bà Ceicilia d'Oliveira: Đây là 1 câu hỏi rất thú vị!

Có rất nhiều trở ngại ảnh hưởng khi sử dụng học liệu mở. Đây chính là 1 trong các trở ngại. Có những tổ chức đang tìm giải pháp để giải quyết vấn đề này. Có 1 số tổ chức đã tiếp cận với chúng tôi . đây là 1 vấn đề dài hạn.

Đây cũng chính là 1 trong những quan ngại lớn nhất của tôi về học liệu mở.

Khi nguồn học liệu mở trở nên phổ biến hơn. Chúng tôi hy vọng các giảng viên sẽ nhạy cảm với vấn đề này. Ở MIT hiện nay chúng tôi nhận thấy giảng viên rất nhạy bén với những tài liệu sử dụng trên lớp và xem xét những tài liệu đó có bị hạn chế bởi bản quyền không. Hy vọng ngày càng có nhiều sách giáo khoa sử dụng trong lớp được mở và miễn phí cho mọi người.

Học liệu mở: Mở cho mọi người!

Đinh Văn Thành - Nam 23 tuổi - Cầu Giấy - Hà Nội
- Chào bà, Học liệu mở MIT đã ảnh hưởng như thế nào đến cách tiếp cận kiến thức của SV?
- Bà Ceicilia d'Oliveira: MIT OCW chính là 1 thư viện trực tuyến. Như vậy, khi giới thiệu thư viện này tới SV, thư viện sẽ có 1 loạt chuyên ngành xuất phát từ trường công nghệ hàng đầu.

VD như có những SV không may mắn học với những giảng viên chưa tốt lắm vẫn có cơ hội tiếp cận với tài liệu của những giảng viên giỏi. Nó không thay đổi về cách thức nhưng nó tạo ra nhiều cơ hội hơn cho SV.

Nguyễn Quốc Mạnh - Nam 21 tuổi - ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội
- Tôi đã từng tìm một số tài liệu tại học liệu mở MIT và cảm thấy rất có ích với việc học tập của mình. Vậy khi có một học liệu mở Việt Nam thì điểm khác biệt của nó với học liệu mở MIT sẽ như thế nào để phù hợp với tình hình giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Học liệu mở tại Việt Nam sẽ quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp như thế nào?

Ông Võ Văn Tới: Học liệu mở Việt Nam (VOCW) có một số điểm khác biệt so với Học liệu mở MIT và một số chương trình học liệu mở khác ở các điểm sau:

Thứ nhất, Học liệu mở MIT cung cấp một bộ khung sườn của môn học còn VOCW dùng bộ khung sườn đó và dùng phần mềm Connexions để đưa vào các chi tiết làm thành môn học hoàn thiện.

Thứ hai, Học liệu mở Việt nam không những cho phép người dùng tra cứu, truy nhập mà còn cung cấp các công cụ để toàn xã hội có thể đóng góp nội dung.

essica Chu - Nữ 21 tuổi - Singapore
- Có phải chương trình này chỉ dành cho người Việt Nam? Liệu những SV Việt kiều như tôi có cơ hội sử dụng cơ sở dữ liệu này không?

Bà Ceicilia d'Oliveira: Chúng tôi đang nỗ lực vượt qua một số trở ngại về công nghệ để hình thành một cơ sơ dữ liệu chung giữa Mỹ và Việt Nam. Khi đó, mọi người có thể tiếp cận thông tin cùng một lúc. Đó là mục tiêu của chúng tôi. Và thông tin trong cơ sở dữ liệu đó sẽ được chuyển dịch sang tiếng Việt.

Nguyen Duc Danh - Nam 34 tuổi - TP.HCM
- Chào các đồng nghiệp, Lễ ra mắt Học liệu mở Việt Nam đánh dấu một bước chuyển trong giáo dục ĐH Việt Nam, nhưng hiện tại mới chỉ có các dữ liệu trong các ngành Công nghệ. Tôi băn khoăn không biết liệu những dữ liệu trong các ngành khao học xã hội và các nghiên cứu về giáo dục có sớm được chia sẻ trên website này?
- - Bà Ceicilia d'Oliveira:Thông tin về khoa học xã hội và các nghiên cứu về giáo dục hiện sẵn có tại địa chỉ www.cnx.org. Đặc biệt chúng tôi có rất nhiều thông tin về nghiên cứu giáo dục đã được đánh giá và phê chuẩn bởi hiệp hội giáo dục. Khi Mỹ và Việt Nam có cơ sở dữ liệu hợp nhất, các thông tin này sẽ xuất hiện trong VOCW.

Ông Võ Văn Tới: Trong giai đoạn khởi động của chương trình, Học liệu mở Việt Nam xây dựng mô hình thí điểm dựa trên các ngành khoa học công nghệ theo sứ mệnh của VEF và cũng theo đề xuất của Bộ GD-ĐT.

Về nguyên tắc, khi đã có một mô hình chuẩn về xây dựng nội dung thì có thể áp dụng cho bất cứ ngành nào. Hiện tại chúng tôi đã có một số kinh nghiệm trong việc phát triển nội dung và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ cho các tác giả trong các chuyên ngành khác để họ có thể tự xây dựng nội dung của chính mình.

Đỗ Quỳnh Hương - Nữ 33 tuổi - Hà Nội
- Xây dựng học liệu mở là rất quan trọng song ai cũng biết trong giáo dục - đào tạo yếu tố con người vẫn được đặt lên hàng đầu. Vậy dự án có kế hoạch đào tạo các giảng viên đại học để họ tiếp cận với nguồn kiến thức khổng lồ này không? Dự án có dự định xây dựng các chương trình e-learning (đòi hỏi sự hỗ trợ của các tutor qua tương tác với người học và dựa trên các hoạt động theo nhóm) từ nguồn học liệu mở hay không?

GS Võ Văn Tới: Trong thời điểm hiện tại, Học liệu mở Việt nam chủ yếu cung cấp kho kiến thức dùng chung và các công cụ phần mềm để mọi người có thể sử dụng và chia sẻ nội dung.

Học liệu mở Việt nam cũng đang kết hợp với dự án Connexions để xây dựng các công cụ kết nối giữa kho kiến thức dùng chung này với các hệ thống e-learning có sẵn để có thể hỗ trợ nhau tạo điều kiện tốt nhất cho người học.

Pham Ngoc Hoang - Nam 32 tuổi - 2/84 Pham Van Bach, P. 15, Q. Tan Binh, TP.HCM
- Tôi muốn tham gia chương trình này nhưng chưa biết như thế nào? Chương trình kéo dài bao lâu và lợi ích của nó? Những tài liệu liên quan đến luật học, macrobiotic... có trong dữ liệu không? Thể thức tham gia và cách truy cập như thế nào?
- GS Võ Văn Tới: Việc tham gia chương trình học liệu mở Việt Nam rất dễ dàng, chỉ cần một máy tính có kết nối Internet là bạn có thể sử dụng nội dung tại website của chương trình: http://www.vocw.edu.vn. Tuy nhiên nếu bạn muốn chia sẻ kiến thức của mình với cộng đồng thì bạn phải đăng ký một tài khoản trên hệ thống, việc này có thể được thực hiện trong vòng vài phút.

Hiện tại kho kiến thức dùng chung của Học liệu mở Việt nam đang có nội dung trong các ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, Khoa học Máy tính và Công nghệ Sinh học. Tuy nhiên với sự đóng góp kiến thức của cộng đồng, kho kiến thức này sẽ bao trùm lên nhiều ngành khác trong thời gian ngắn. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng đóng góp nội dung để kho học liệu ngày càng phong phú. 

Phạm thị Hiền - Nữ 18 tuổi - xóm Quang Hải _xã Hoằng Đại _huyện Hoằng Hóa _tính
- Học liệu mở này có được dành cho học sinh đã học hết lớp 12 nhưng thi không đậu vào các trường ĐH không? Và nó được áp dụng với những đối tượng nào?
- GS Võ Văn Tới: Hiện tại nội dung học liệu mở chủ yếu dành cho bậc Đại học. Tuy nhiên từ năm 2009, chúng tôi sẽ mở rộng kho học liệu tới nhiều bậc học, nhiều ngành học và nhiều đối tượng khác nhau.

Ngô Minh Hoàng - Nam 20 tuổi - 4B Hàng Giấy, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Làm sao để chúng tôi có thể tiếp cận hoặc tham gia vào dự án này?
- Bà Ceicilia d'Oliveira: Bạn có thể tiếp cận với nguồn tư liệu trên website www.vocw.edu.vn để xem nội dung. Nếu bạn muốn đóng góp nội dung cho website, bạn sẽ đăng ký 1 tài khoản miễn phí.

Nguyễn văn Tuấn - Nam 23 tuổi - Hà Nội
- Nếu tôi đã tốt nghiệp một truờng Đại học ở Việt Nam, nếu tôi muốn học tiếp Học liệu Mở MIT thì có đuợc không, cần có những điều kiện gì?Xin cảm ơn Bà!
- Bà Ceicilia d'Oliveira: MITOCW không yêu cầu bạn phải đăng ký học ở MIT. Nhưng nếu bạn muốn trở thành SV của MIT, bạn phải làm thủ tục xin học.

MITOCW không cung cấp 1 khoá học có bằng cấp hoặc tích luỹ tín chỉ. MITOCW cung cấp rất nhiều thông tin, môn học từ trường MIT miễn phí.

nguyen thi huong - Nữ 25 tuổi - ha noi
- Xin cho biết, những đối tượng nào được sử dụng Học liệu mở Việt Nam?
- Bà Ceicilia d'Oliveira: VOCW mở cho tất cả mọi người, trước tiên là cho các giảng viên, SV trong môi trường học thuật. 
1 kinh nghiệm ở MIT là hơn 50% người sử dụng là những người tự học không phải trong môi trường học thuật.

Nam Nguyen - Nam 19 tuổi - Stanford University
- Tôi có nhiều nội dung bài giảng của các GS ĐH Stanford. Liệu tôi có được phép upload chúng lên website của Học liệu mở Việt Nam?
- GS Võ Văn Tới: Hiện nay VOCW hoan nghênh sự đóng góp về nội dung của mọi người nhưng bạn nên xin phép giáo sư của bạn trước khi làm điều này.

  Nguyễn Hiến Thuận - Nam 21 tuổi - Thành phố Huế
- Rice Connections hiện "phủ sóng" ở bao nhiêu trường ĐH, bao nhiêu quốc gia?
- Ông Joel Thierstein: Rice Connecxions có thông tin của mọi lĩnh vực. Nội dung thông tin lớn nhất là khoa học toán học ở mọi cấp, từ tiểu học tới đại học. Mỗi tháng chúng tôi có hơn 2 triệu lượt người truy cập.

Những người truy cập này tới từ hơn 200 quốc gia và mọi người khắp thế giới đóng góp vào cơ sở dữ liệu của chúng tôi. 99% nội dung bắt nguồn từ các nguồn bên ngoài ĐH Rice.

Mai Linh - Nữ 30 tuổi - Hà Nội
- Tôi xin được hỏi TS. Joel Thierstein: Qua trang web học liệu mở, tôi được biết trang web này đang sử dụng công nghệ của Connexions. Vậy tôi xin được hỏi trong tương lai Connexions và trường Rice có cam kết hỗ trợ dự án này lâu dài hay không?
- Ông Joel Thierstein: Chúng tôi đang bắt đầu Hiệp hội học đường mở quốc tế. Hiệp hội này hỗ trợ cho mọi bên sử dụng kết nối học liệu mở, bao gồm cả VOCW. Cho tới lúc hiệp hội này chính thức hỗ trợ cho VOCW, ĐH Rice sẽ tiếp tục hỗ trợ cho VOCW như chúng tôi đang làm hiện nay.

Mai Lan, Nữ - 27 tuổi - Hà Nội
- Thưa ông, Học liệu mở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Rice Connections. Với những kinh nghiệm thu được khi triển khai hình thức này ở ĐH Rice, ông nghĩ chúng tôi sẽ thu được những lợi ích gì khi triển khai Học liệu mở Việt Nam?
- Ông Joel Thierstein: Đối với các giáo sư và các  tác giả đóng góp vào nội dung học liệu mở, họ sẽ được quốc tế thừa nhận.

Một lợi ích khác là sinh viên sẽ được tiếp cận với các thông tin giáo dục mới nhất. Toàn bộ quốc gia sẽ có cơ hội tiếp cận và đóng góp vào cơ sở dữ liệu hiểu biết này.

Các  trường đai học ở VN sẽ cơ hội để quyết định nội dung nào là quan trọng nhất bằng cách phê chuẩn nội dung đó. 

 

  • VietNamNet
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,