221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
997364
Mở trường ĐH: 20ha, 30 tỷ đồng, 3 ngành đào tạo?
1
Article
null
Mở trường ĐH: 20ha, 30 tỷ đồng, 3 ngành đào tạo?
,

(VietNamNet) - Việc mở trường ĐH tới đây sẽ được rút ngắn trình tự thủ tục. Các điều kiện tối thiểu không thay đổi là: Diện tích xây trường ĐH đạt 20ha; Số lượng cán bộ giảng dạy cơ hữu đảm nhận 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành, nghề đào tạo...

Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định tại hội thảo lấy ý kiến cho Quyết định "Điều kiện và Thủ tục thành lập trường ĐH" sáng 24/10.

Quy định ban hành áp dụng đối với các loại hình trường ĐH công lập, tư thục, trường ĐH có yếu tố đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, không ít vấn đề đặt ra đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải thảo luận kỹ.

Rút ngắn thủ tục

Quang cảnh hội thảo (Ảnh K.O)
Quang cảnh hội thảo (Ảnh K.O)

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam Phan Quang Trung nhìn nhận, việc mở trường ĐH là tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tìm được việc. Nếu nhìn không xa, không có nhiều trường để lựa chọn sẽ dẫn tới một bộ phận không nhỏ học sinh sẽ "chạy" sang các nước trong khu vực để theo học. Trong khi nhu cầu mở trường ở trong nước hiện nay là rất lớn...

Do vậy, các nhà hoạch định chính sách cần suy tính để giảm bớt thủ tục hành chính để việc thành lập trường được đơn giản nhất - ông Trung đề xuất. Khi đủ điều kiện thành lập, bước tuyển sinh đi vào hoạt động mới cần "xiết" chặt để đảm bảo chất lượng.

Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) Nguyễn Việt Hồng cho rằng: "Chúng ta đang tiến tiến hành cải cách hành chính nên đơn giản hóa thủ tục mở trường ở mức đơn giản nhất. Sau 2 năm theo quy định của Luật Đất đai, nếu đất quy hoạch không sử dụng được thì ra quyết định thu hồi và không thành lập trường nữa và công bố công khai".

Ông Nguyễn Ngọc Châu, Ban sáng lập Trường ĐH dân lập Đại Nam kiến nghị, nên đơn giản hóa thủ tục thành lập trường, rút ngắn các bước triển khai. Lâu nay, để "ra đời" 1 trường ĐH phải qua 5, 6 bước với nhiều thủ tục rất rườm rà...

Nên chăng, quản lý nhà nước nên có thay đổi đột phá, rút ngắn còn 2 bước: Căn cứ các điều kiện gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... quy định để thành lập. Sau đó, Bộ tiến hành kiểm tra nếu đảm bảo thì cho trường tuyển sinh, ông Châu đề xuất.

Còn ông Hồng nhìn nhận, khi trường được thành lập thì khâu kiểm tra của Bộ được coi là "giấy phép con" quyết định cho phép trường được tuyển sinh và đi vào hoạt động.

30 tỷ đồng không đủ

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển  Nông thôn Việt Nam Bùi Thiện Nhiên cho rằng, với quy định vốn điều lệ thành lập trường quy định 30 tỷ đồng là quá thấp, rất khó đảm bảo các điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị... Tiền ít, trường xây dựng "lem nhem" thì thôi không nên thành lập nữa. Ông dẫn chứng, riêng để mở thư viện, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã phải đầu tư đến 140 tỷ đồng.

Một số điều kiện thành lập trường:

- Tùy ngành đào tạo phải đảm bảo từ 5-25 SV/cán bộ giảng dạy.

- Cán bộ giảng dạy cơ hữu đảm nhận 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành.

- Diện tích xây trường phải đạt tối thiểu 20ha.

- Trường thành lập phải có ít nhất 3 ngành đào tạo.

- Vốn ban đầu thành lập trường tối thiểu là 30 tỷ...

(Trích dự thảo quy định "Về điều kiện và Thủ tục thành lập trường ĐH)

Nên một trường ĐH hoạt động đảm bảo chất lượng thì ngoài điều kiện học tập tối thiểu còn phải đầu tư cả sân chơi giải trí cho SV. Những mô hình trường như này ở nước ngoài rất nhiều, còn ở Việt Nam không biết đến khi nào mới có?

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Kim Loan, quy định vốn điều lệ thành lập trường ĐH là 30 tỷ đồng sẽ không đủ trang trải ban đầu.

Nếu diện tích 1 trường ĐH phải là 20 ha thì tiền đền bù, tính giá đất ở Hưng Yên so với giá đất ở đồng bằng sông Hồng vào khoảng 700.000 đồng/m2 thì đã hết khoảng 14 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ còn 16 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất.

Số tiền này chỉ đủ để đáp ứng điều kiện học cho 900 SV theo quy định diện tích 9m2/SV, bà Loan tính toán. Và không còn kinh phí để xây dựng nhà điều hành và các điều kiện khác đảm bảo giảng dạy...

Ông Hồng nêu thực tế, "chiếc bánh" ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Nếu tất cả đều đưa vào "chiếc bánh" đó thì rất khó thực hiện.

Giảng viên cơ hữu: 40, 50 hay 60%?

Đó là vấn đề gây tranh cãi, thậm chí có quan điểm ngược vì lo không đủ đội ngũ giảng viên.

Ông Nguyễn Việt Hồng cho rằng, cần có quy định cụ thể về giảng viên cơ hữu. Vì, lâu nay, báo chí đã phản ánh nhiều tình trạng "các trường tư thục thiếu giảng viên cơ hữu mà chủ yếu là giảng viên thỉnh giảng. Đã là thỉnh giảng kiểu "chạy sô" thì rất khó đảm bảo chất lượng!".

Nên quy định số lượng cán bộ giảng dạy cơ hữu đảm nhận 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành, nghề đào tạo... là hợp lý, không hạ thấp hơn. Vì nhiệm vụ của giảng viên ĐH ngoài giảng dạy còn nghiên cứu khoa học. Nếu cứ "chạy sô" thì không có thời gian nghiên cứu nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy...

Nhưng ông Bùi Thiện Nhiên lại có quan điểm, tinh thần của văn bản sắp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cần có cách nhìn khác về "trường".

Có nghĩa "trường là trường" chứ hiện nay nhiều trường ĐH của ta còn lèm nhèm quá. Cần có những quy định cụ thể về điều kiện, cơ sở vật chất...

Một trong những vấn đề cần làm rõ là tỷ lệ giảng viên cơ hữu được tính theo đầu người hay theo chuẩn. Và đội ngũ GS, PGS được quy chuẩn thể nào... ông Nhiên đặt vấn đề.

Dự thảo quy định giảng viên cơ hữu của trường ĐH tối thiểu 60% là hơi nhiều. Bởi, thực tế nhiều trường có trùng chuyên ngành giảng dạy nên có thể luân phiên giảng viên rất hiệu quả. Có thể giảm xuống 40% hoặc 50% là vừa?

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Phan Công Nghĩa cho hay, giảng viên của trường đi dạy ở các trường khác rất nhiều và không thể kiểm soát được. Nếu kiểm soát mạnh thì lại ảnh hưởng đến hoạt động của trường khác.

Do vậy, nên có quy định cụ thể về tỷ lệ giảng viên cơ hữu. Nếu đội ngũ giảng viên cơ hữu thấp rất bị động khi giảng dạy và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, ông Nghĩa nói.

Ngành đào tạo: không nên "cứng"?

Theo Vụ trưởng Vụ ĐH & Sau ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà, trường ĐH được thành lập phải có ít nhất 3 ngành đào tạo. Chương trình thiết kế theo hướng liên thông giữa các trình độ, các phương thức tổ chức đào tạo; Đồng thời, có đủ giáo trình, tài liệu học tập cho các môn học...

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng "khi trường được thành lập và đi vào hoạt động thì việc đào tạo bao nhiêu ngành là do trường quyết".

Ông Nguyễn Việt Hồng đề xuất, không nên quy định "cứng" là 3 ngành mà 2 ngành cũng được. Nhưng, trước khi tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cần phải thanh kiểm tra tất cả các điều kiện và ban hành quyết định đồng ý cho trường tuyển sinh về mặt pháp lý. Tránh tình trạng, cứ để trường tuyển sinh sau mới "hậu" kiểm và xử lý dẫn đến hiệu quả xã hội lớn.

Về mặt quản lý nhà nước đang tiến tới chỉ quản lý "đầu ra" không quản lý "đầu vào". Do vậy, ngành đào tạo không nhất thiết phải quy định cụ thể mà nên giao tự chủ cho các trường căn cứ vào năng lực đào tạo và nhu cầu điều chỉnh của xã hội.

Ông Phan Công Nghĩa cũng cho rằng, không nên quy định "cứng" về số ngành. Vì dưới ngành còn có chuyên ngành. Đối với trường lớn thì cần đa ngành, nhưng cũng cần có những trường chuyên ngành để có đào tạo chuyên sâu.

Ông Lê Hồng Phương, Viện Chiến lược Chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT) đề xuất, cần phải có những quy định rõ ràng trong quản lý các trường ĐH, CĐ có yếu tố nước ngoài. Tránh tình trạng vừa làm vừa điều chỉnh, khó cho người thực thi.

Thêm vấn đề nữa cần xem xét bổ sung vai trò các hội đồng trường khi thành lập, ông Phương kiến nghị. Quyết định cũng cần bổ sung một chương quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản - là Bộ GD-ĐT - trong việc giám sát, kiểm tra hoạt động của các trường...

Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết, ngay sau khi tập hợp các ý kiến Bộ GD-ĐT sẽ đưa dự thảo lên mạng, tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện trình Thủ tưởng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Kiều Oanh 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,