221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
975502
Gánh nặng đầu năm của phụ huynh
1
Article
null
Gánh nặng đầu năm của phụ huynh
,

Những ngày này, khi HS bắt đầu tập trung để vào năm học mới, phụ huynh HS lại bắt đầu “chạy” tiền cho các khoản mua sắm, các khoản tiền phải đóng đầu năm. Với nhiều người, đó là cả một nỗi lo.

Gần đến ngày tựu trường nhưng nhiều trẻ em ở xã Eatrul, huyện Krông Bông, Đắc Lắc vẫn mò cua bắt ốc phụ cha mẹ tiền mua sách vở - Ảnh: Văn Ký
Gần đến ngày tựu trường nhưng nhiều trẻ em ở xã Eatrul, huyện Krông Bông, Đắc Lắc vẫn mò cua bắt ốc phụ cha mẹ tiền mua sách vở - Ảnh: Văn Ký
Niềm vui vì đứa con gái duy nhất vừa đậu vào lớp 10 Trường THPT Phú Nhuận chưa dứt, chị Hoàng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã ngay ngáy lo các khoản mua sắm đầu năm học cho con. Chị than: “Hết gần 400.000 đồng cho một bộ áo dài mặc chào cờ ngày thứ hai và hai bộ áo váy. Rồi bộ sách giáo khoa cũng đã 170.000đ. Chưa kể những khoản thu đầu năm trường chưa thông báo. Tính sơ hết gần tháng lương của ba cháu.

Con gái đã lớn mà chỉ sắm hai bộ đồng phục để mặc suốt tuần thì không dễ chịu chút nào, nhưng tôi khuyên cháu chịu khó một thời gian, từ từ có tiền mua thêm”. Nhưng gánh lo của chị cũng không nặng bằng gia đình anh Tư ở cách đó vài nhà. Công việc phụ hồ khi có khi không nên hai đứa con anh phải gửi bớt một cho ông cậu nuôi giúp. Đứa lớn mới học lớp 2, tới giờ anh cũng chưa sắm sửa được gì. đầu năm học nào hàng xóm cũng thấy anh đi vay tiền đóng tiền học cho con. Mấy hôm trước, phụ hồ cho một nhà hàng xóm anh đã rụt rè đánh tiếng mượn trước lương để lo đóng tiền đầu năm cho con.

Cái gì cũng tiền!

Đứng trước một gian bán quần áo và đồng phục HS trong chợ Trương Minh Giảng (Q.3), ba bà cháu tần ngần tính toán. Loay hoay chọn, thử, trả giá, cuối cùng mỗi đứa cháu được bà mua hai chiếc áo trắng bằng loại vải rẻ tiền với giá 35.000đ/chiếc. Thiên Thanh - tên cô cháu gái năm nay vào lớp 8 Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 - giải thích: “Em còn ba cái váy, hai cái mua năm ngoái và một cái mua năm kia. Tuy có ngắn một chút nhưng còn mặc lại được. Còn áo cũ bị vàng quá phải mua mới”. Mua sắm cho năm học mới chỉ có vậy, nhưng cô cháu gái đã bỏ ống heo mấy tháng nay từ tiền ăn sáng. Còn khoản mua sắm cho em và đóng góp cho trường, bà nội phải gánh bằng khoản tiền trợ cấp hằng tháng dành cho người có công với cách mạng mà bà được nhận từ đầu năm nay.

“Cũng may hai đứa đều học trường nhỏ nên các khoản thu không quá nhiều như ở một số trường điểm. Nhưng như vậy đầu năm cũng tốn ngót nghét cả triệu đồng chứ đâu có ít. Ba cháu làm bảo vệ, công việc không ổn định. Còn má cháu bán vé số đâu gánh nổi nên năm nào cũng giao khoán cho tôi lo” - bà cụ thổ lộ.

Trong khi đó, ở nhà sách Phan Đăng Lưu, một số phụ huynh đắn đo lựa chọn trước các nhãn hiệu tập vở với đủ giá. Chị Thu Hồng, nhân viên kế toán một công ty TNHH, mất khá nhiều thời gian để chọn những cuốn tập giấy dày, ô carô bởi: “Cháu bắt đầu viết bút mực, lại tập viết nét thanh nét đậm nên cần phải chọn tập tốt”. Những cuốn tập như vậy có giá đến 5.200đ/cuốn, sắm 20 cuốn cho hai cậu con tốn trên 100.000đ. “Nhưng dù sao dụng cụ tập vở chưa phải là khoản nặng ký - chị nói - hồi hộp nhất là các khoản đóng đầu năm”.

“Nói học phí tiểu học không đóng nhưng học phí có là bao, các khoản khác như tiền trang bị cơ sở vật chất bán trú, tiền học ngoại khóa rồi lắt nhắt một số khoản tiền khác và nhất là tiền hội phụ huynh HS... mới nặng ký. Năm rồi đầu năm phải đóng cho hai đứa hết 1,7 triệu đồng. Năm nay giờ này chưa tập trung nên chưa biết đóng bao nhiêu nhưng mua sắm các khoản linh tinh cũng đã hết 800.000 -900.000đ rồi” - chị Hồng nói.

Cái gì cũng tăng giá

Ông chủ sạp quần áo chợ Trương Minh Giảng nói: “Đồng phục HS năm nay chúng tôi bán rất chậm. Năm nay giá đồng phục đã tăng 5-10% so với năm rồi. Có lẽ do giá cả thứ nào cũng tăng nên phụ huynh cắt giảm bớt các khoản chi tiêu và tiết kiệm cho con, nhiều người tận dụng lại đồng phục của năm trước”.

Anh Ngọc Nhân, nhân viên Công ty giấy Thuận Tiến, cho biết từ tháng năm đến giờ tập vở đã tăng giá hai lần. Hồi tháng năm tăng 50-100đ/cuốn, từ tháng tám tới giờ tăng khoảng 200đ/cuốn nữa. “Giá tập của chúng tôi qua nhà phân phối còn tăng trung bình 30% nữa. Nhưng dù tăng đến cỡ nào, phụ huynh cũng phải mua vì đây là mặt hàng thiết yếu”.

Sách giáo khoa không rẻ

Ngay sách giáo khoa (SGK), từng được Nhà xuất bản Giáo Dục tuyên bố giá rẻ hơn các loại xuất bản phẩm khác 5-7 lần vì in số lượng lớn. Tuy nhiên, thực tế phụ huynh phải mua với giá cao hơn giá thông báo của NXB rất nhiều do những cuốn sách đi kèm. Bộ SGK lớp 11 phân ban mới phát hành gồm 13 cuốn giá của NXB là 102.600 đồng, nhưng để dùng đủ phụ huynh phải mua trọn bộ 21 cuốn bao gồm cả SGK và sách bài tập... với giá (tại nhà sách Phan Đăng Lưu) là 186.000 đồng.

Mới đây, nhiều phụ huynh còn bất ngờ hơn khi nghe trường thông báo khoản thu bảo hiểm y tế đột ngột tăng từ 60.000đ lên 90.000đ. Tuy đây không phải là khoản thu bắt buộc nhưng thực tế trường nào cũng “khuyến khích 100% HS tham gia”, hoặc tự động thu gộp chung các khoản đầu năm. Trường nào thu ít đều được cơ quan chủ quản “nhắc nhở” bởi Sở GD-ĐT TP.HCM đã ký kết liên tịch với bảo hiểm xã hội thúc đẩy các trường phải “tích cực cho HS tham gia đạt kết quả cao”. Ngay nhà trường cũng bức xúc trước việc tăng giá này. Một hiệu trưởng ở Q.3 cho biết: “Trước đây khi rục rịch tăng học phí, báo chí lên tiếng, dư luận ai cũng biết và có ý kiến nên HĐND TP.HCM quyết định ngưng. Nay bảo hiểm đột ngột tăng không báo trước với mức khá cao như vậy, chúng tôi thu hộ mà còn sốc nói gì phụ huynh...”. 

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,