221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
926460
ĐHQG phải là "trọng điểm của trọng điểm"
1
Article
null
ĐHQG phải là 'trọng điểm của trọng điểm'
,

(VietNamNet) - Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: phải xây dựng ĐHQG TP HCM và Hà Nội thành hai trường "trọng điểm của trọng điểm".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với ĐHQG-HCM
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với ĐHQG-HCM. Ảnh N.B
Sáng 26/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với các cán bộ chủ chốt của ĐHQG TP.HCM. Trước khi cùng làm việc với đại diện trường, Thủ tướng và đoàn công tác đã đến thăm và thị sát khu vực quy hoạch xây dựng ĐHQG TP.HCM tại Thủ Đức - Dĩ An: Khu công nghệ Phần mềm, Cơ sở Linh Trung - ĐH Tự nhiên, Đường Bắc-Nam và đường Đông-Tây, KTX.

2010: 50% lao động qua đào tạo

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác, GS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết: "Trong những năm tới, ĐHQG TP.HCM sẽ phát triển nhanh đào tạo sau ĐH, giữ quy mô đào tạo ĐH và ngày càng thu hẹp đào tạo CĐ. Năm 2010, ĐHQG TP.HCM sẽ chấm dứt đào tạo CĐ."

Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của ĐHQG TP.HCM là phát triển các chương trình đào tạo có chất lượng cao như chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng; chương trình kỹ sư Việt - Pháp.... Dự kiến số SV sau ĐH chiếm 20% quy mô đào tạo của toàn trường, số chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng nước ngoài chiếm tỷ lệ 10-15%.

Công việc tiếp theo mà ĐHQG TP.HCM sẽ thực hiện là xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị hiện đại đạt chuẩn quốc tế để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Về xây dựng đội ngũ, đến năm 2010, trường sẽ có khoảng 2.500 cán bộ giảng dạy, nâng tỷ lệ sinh viên trên giảng viên là 20SV/1CBGD; tối thiểu 80% cán bộ có trình độ sau đại học. Trong đó 100% cán bộ lên lớp có trình độ sau đại học, có không dưới 50% là tiến sĩ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nguồn lực lớn nhất của Việt Nam hiện nay là con người.  Để đất nước phát triển, không có cách nào khác là đẩy mạnh giáo dục đào tạo. Sức mạnh quốc gia phụ thuộc vào dân trí.

Thủ tướng nêu lên một thực trạng: Việt Nam mới có khoảng 27% lao động qua đào tạo, trong khi nhiều nước trong khu vực con số này là 50%. Vì thế, Thủ tướng đưa ra mục tiêu: "Chúng ta phải phấn đấu 50% lao động qua đào tạo vào 2010."

Trong những năm tới, Chính phủ sẽ dồn sức cho 3 khâu: Cải cách hành chính; đẩy mạnh giáo dục đào tạo gắn với nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực trình độ cao và phát triển hạ tầng.

giaoduc
Thủ tướng: "Nhiệm vụ của ĐHQG là  trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ, trung tâm nghiên cứu đại học đẳng cấp quốc tế."

Tự chủ cao hơn 

Để thực hiện được chiến lược phát triển của mình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng chính phủ cho trường tiếp tục thực hiện nhất quán quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG. Theo đó, ngoài quyền tự chủ lâu nay dành cho các trường quốc gia vẫn được thực hiện sẽ bổ sung thêm những quy chế hoạt động cần thiết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, ĐHQG TP.HCM cần rà soát lại quy chế hoạt động, các nghị định để xem những quy chế nào còn phù hợp, những quy chế nào cần bổ sung theo hướng phân cấp quản lý. Thủ tướng cũng cho biết, sắp tới Thủ tướng sẽ làm việc tiếp với ĐH Quốc gia Hà Nội. Hai ĐHQG sẽ rà soát lại, để chỉ đạo sửa đổi hoặc bổ sung quy chế, phân cấp quản lý, tạo điều kiện cho các trường này tự chủ nhiều hơn nhưng trách nhiệm cũng cao hơn.

GS-TS Phan Thanh Bình còn mong muốn Thủ tướng và các bộ hữu quan quan tâm tạo điều kiện để ĐHQG TP.HCM có thể xây dựng thành công Khu công nghệ phần mềm trong khu đại học đầu tiên của cả nước. Sau khi nghe các Bộ trưởng: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch đầu tư... đóng góp ý kiến, Thủ tướng đã đồng ý để khu Công nghệ phần mềm hoạt động như một doanh nghiệp.

"Trọng điểm của trọng điểm"

Năm 2013 sẽ là thời hạn chót để ĐHQG TP.HCM hoàn tất dự án xây dựng và phát triển thành một ĐH trọng điểm. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc vẫn là nguồn vốn để thực hiện dự án này. Theo kế hoạch của dự án, từ nay đến năm 2013, ĐHQG TP.HCM cần 5.800 tỷ để hoàn thành việc xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết sẽ khó có đủ kinh phí để đầu tư. Chính vì thế, phương án xã hội hoá giáo dục, kêu gọi đầu tư được nhiều đại biểu đề ra. Thủ tướng gợi mở: "Tùy từng hạng mục, sẽ thu hút theo nhiều hình thức, từ ngân sách, xã hội hóa, vốn ODA hoặc liên hết với các đơn vị nước ngoài. Các ĐH Quốc gia cũng nên xem xét thành lập chi nhánh ở những khu vực khác, đơn cử như Tây Nguyên để tạo điều kiện cho sinh viên dễ theo học và giảm tải về nhà ở, giao thông cho các thành phố lớn và địa phương lân cận."

Một trong những khó khăn mà ĐHQG đang gặp phải là giải phóng mặt bằng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo dứt khoát: "Việc giải phóng mặt bằng giao về cho địa phương thực hiện, cụ thể là UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Trong năm 2007 phải dứt điểm giải phóng mặt bằng. Hiện trong phần mặt bằng cần giải phóng có 4 doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không di dời thì phải giải thể  và Nhà nước sẵn sàng chi ngân sách để đảm bảo đời sống người lao động. "

Về vấn đề học phí, GS-TS Phan Thanh Bình kiến nghị: "Chất lượng đào tạo phải đi đôi với kinh phí đầu tư. Vì vậy, mong Thủ tướng cho phép ĐHQG TP.HCM thí điểm điều chỉnh mức học phí sao cho phù hợp."

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: "Sẽ có một quy chế học phí chung cho cả nước. Tuy nhiên, ĐHQG TP.HCM sẽ được thí điểm điều chỉnh mức thu học phí.". Thủ tướng còn đưa ra tiêu chí: Hộ nghèo được miễn giảm học phí; hộ thoát nghèo sẽ được giải quyết vay học phí (việc này sẽ được thực hiện vay tại trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học); còn lại sẽ phải đóng tiền học. Những SV giỏi, xuất sắc sẽ được cấp học bổng.

Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng "chốt" lại về 2 ĐHQG: "Bộ Giáo dục Đào tạo cần xác định đây là 2 trường trọng điểm, mũi nhọn của ngành. Hai đại học phải có sự đầu tư đúng mức để có hướng đào tạo chất lượng đẳng cấp quốc tế. Sinh viên sau tốt nghiệp, dù sang Singapore, Thái Lan, Mỹ hay bất cứ nước nào cũng sử dụng tốt từ ngoại ngữ đến chuyên môn. Mục tiêu là biến hai ĐH thành hai trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo theo bằng cấp quốc tế."

  • Đoan Trúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,