221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
797168
Trường phổ thông quốc tế, quốc tế đến đâu?
1
Article
null
Trường phổ thông quốc tế, quốc tế đến đâu?
,

(VietNamNet) - Sau một năm cho con học lớp 10 tại một trường phổ thông mang tên quốc tế tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, anh Nguyễn Văn M. ngụ Bình Dương quyết định chuyển con về trường trong nước.

Một giờ học tại trường tiểu học dân lập Việt Úc. Ảnh: Vĩnh Hào

Lý do: “Trường quảng cáo dạy chương trình quốc tế nhưng thực chất là chương trình Việt Nam cộng thêm vài môn học học bằng tiếng Anh. Chi phí mỗi HS là 375 USD hàng tháng cho chương trình này thì khá đắt”. Không riêng anh M., thời gian qua, nhiều phụ huynh ngộ nhận về các trường mang tên quốc tế do hiện nay có nhiều dạng trường quốc tế được mở ra và từ "quốc tế" cũng được sử dụng khá dễ dãi.    

Quốc tế = Tăng cường tiếng Anh?

Ngày 4/5, chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân lập Quốc tế để tìm hiểu. Tại đây, khi đề nghị giải thích từ "quốc tế" trong tên gọi của trường, ông Lê Đức Ánh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường chỉ cho biết chung chung: Học sinh của trường được học buổi sáng theo chương trình Bộ GD-ĐT Việt Nam như tại bất kỳ trường trung học nào khác, buổi chiều học chương trình tăng cường tiếng Anh, học các môn tự nhiên theo chương trình Hoa Kỳ, Canada …

Ông Anh nhấn mạnh: Trường có 58 giáo viên với 3 giáo viên nước ngoài. Giáo viên nước ngoài chủ yếu dạy HS phát âm, đàm thoại tiếng Anh.

Trường Tiểu học dân lập Úc Châu đưa chương trình của Úc vào dạy với mục đích cho HS Việt Nam tiếp cận với chương trình tiên tiến của Úc chứ không phải là bằng cấp được chứng nhận ở nước này. Trường Pittwater House (Úc) chỉ hỗ trợ cho trường về chương trình học.

Theo ông Bùi Ngọc Âu, phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TP.HCM), hiện trên địa bàn TP.HCM có 13 trường quốc tế, trong đó chủ yếu là các trường quốc tế dạy chương trình của Bộ GD-ĐT.  

Hiện nay, dạng trường quốc tế như trên phát triển rất nhanh. Điểm giống nhau giữa các trường là đều đầu tư phòng học máy lạnh, lớp chỉ khoảng 20-25 HS, phương pháp giảng dạy nhẹ nhàng, tạo sự chủ động cho các em, luyện nhiều tiếng Anh, đi dã ngoại nhiều…  

So với các trường công lập, hình thức hoạt động của các trường này nổi trội hơn nên  thu hút được các phụ huynh có điều kiện. Tuy nhiên, xét tính quốc tế như  tên gọi của các trường thì còn phải xem lại.

 Trong buổi làm việc gần đây với ngành giáo dục TP.HCM, các đại hiểu Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT phải làm rõ tính chất quốc tế của các trường mang tên quốc tế hiện nay.  

Thậm chí, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng Nhân dân còn cho rằng: Nhiều trường dùng chữ "quốc tế" chỉ để chiêu dụ phụ huynh. 

Đó là chưa kể, cơ sở vật chất một số trường chẳng “quốc tế” tí nào. Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng Nhân dân đã lo lắng cho sức khỏe HS khi khảo sát cơ sở của một trường dạng “làm quen quốc tế”. Ngoài phòng học với khoảng 20 HS, có gắn máy lạnh, tranh ảnh sinh động thì bên ngoài lớp học là cảnh trường chật hẹp, trần thấp, hành lang chỉ rộng khoảng 6 tấc.   

Trường đúng chuẩn quốc tế không liên thông được với trường công

Bên cạnh các trường “làm quen quốc tế” nói trên, hiện có dạng trường quốc tế hoàn toàn, sử dụng chương trình tiên tiến của nước ngoài như chương trình trung học của Mỹ (Trường trung học quốc tế APU, quận 11), chương trình trung học của Anh (Trường quốc tế Nam Sài Gòn, khu Phú Mỹ Hưng, Trường Quốc tế song ngữ ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3)... 

Các trường trung học quốc tế thường có sĩ số lớp học ít hơn sĩ số lớp học của trường Việt Nam (khoảng 16 người). HS tự học nhiều hơn. Thời gian biểu được cấu trúc và sắp xếp khoa học giúp học viên cân bằng giữa việc học và vui chơi thư giãn, giữa việc tiếp thu lý thuyết và thực hành. 

Mức học phí của các trường này cao hơn các trường quốc tế dạy chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam.

Học phí tại Trường Quốc tế song ngữ khoảng 5.900 - 6.900 USD/năm (lớp 9 - lớp 12). Trường trung học quốc tế APU thu học phí theo từng cấp lớp, khoảng 12-14 triệu đồng/tháng (gồm cả tiền ăn, đồng phục). Phụ huynh cho con học những trường này thường là để chuẩn bị cho con du học bậc ĐH vì HS tốt nghiệp tại đây có đủ khả năng vào học chương trình ĐH nước ngoài và bằng cấp cũng được công nhận.

Nhưng chẳng may, nếu chỉ học được thời gian ngắn do gia đình đột ngột mất nguồn thu tài chính, việc chuyển đổi về trường công lập sẽ hết sức khó khăn.  

Đặt vấn đề tại sao trường công không liên thông được với các trường có chương trình quốc tế này, ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Văn phòng Đại diện phía Nam Bộ GD-ĐT cho biết: Do các em ở trường quốc tế không học chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam, ví dụ như không học lịch sử, địa lý… thì khó mà chuyển về trường công lập. 

Vẫn là đích ngắm của nhiều phụ huynh

Vẫn có nhiều trường quốc tế thu hút được phụ huynh vì những lợi ích rõ ràng mà loại hình trường này mang lại, nhất là loại hình trường quốc tế dạy chương trình của Bộ GD-ĐT.

Trung bình, mỗi tháng chi phí cho việc học của một HS tại trường khoảng 4-6 triệu đồng, số tiền không nhỏ. Anh Đ.V.T, có con đang học ở một trường quốc tế cho biết: "Tôi gửi con vào đây và hoàn toàn yên tâm về con mình". Anh cho rằng, so với các trường bình thường, anh chọn trường quốc tế vì cơ sở vật chất khá hơn nhiều. Anh sẽ không phải nghĩ đến cảnh con mình bị té cầu thang, phải bịt mũi khi vào toilet hay nhịn đến khi về nhà. Anh cũng không phải lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm trước cổng trường.

Một điều nữa mà anh "chấm" ở các trường quốc tế là mối tương quan giữa gia đình và nhà trường rất mật thiết. Giáo viên và phụ huynh gặp nhau hằng ngày, thông tin về việc học của con được anh cập nhật mỗi ngày.

Khác với trước đây, con anh không phải học theo lối cũ, suốt ngày phải học thuộc cái này, nhớ cái kia. Cũng không thấy cháu phải học thuộc lòng bản cửu chương mà được học theo lối tư duy, sáng tạo. Các bài tập cũng thiên về nghệ thuật, sáng tạo. HS được dạy nhiều về môi trường, thiên nhiên. Anh khoe: "Mới lớp 1, nhưng cháu đã biết được những động vật nào tuyệt chủng, động vật nào đang tồn tại ở rừng nào...". Và điều nay vui nhất là con mình có thể đứng trước đám đông để thuyết trình về 1 đề tài, giới thiệu với cả lớp một món đồ chơi mới mua.

Với chị M.Đ, cho con học trường này còn bởi lý do "không phải chạy trường". Từ ngày học ở đây, con chị không phải học bài nhiều và có nhiều sáng kiến khiến chị ngạc nhiên. Con chị có thể bắt chuyện với giáo viên, trao đổi với giáo viên một cách tự tin.

  • Thực hiện: Hoàng Hà - Đoan Trúc – Vĩnh Hào

Ý kiến nhà chuyên môn

TS Mai Ngọc Luông, Viện Nghiên cứu Giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM): Không được thả nổi quản lý trường quốc tế!

* Hiện nay, xu hướng phụ huynh muốn cho con học trường quốc tế ngày càng nhiều. Theo ông, phụ huynh nên cho con học ở cấp lớp nào và cần lưu ý điều gì?

 Nếu phụ huynh có điều kiện nên cho con em mình học trường trình quốc tế càng sớm càng tốt, có thể là từ bậc mẫu giáo. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong gia đình phải giáo dục nhân cách, con người Việt Nam cho các em. Để sau này các em lớn lên, dù học gì, ở đâu cũng có ý thức quay về phục vụ quê hương. Chỉ lo đông đầy kiến thức và kỹ năng thì tính cách Việt Nam của các em sẽ mờ nhạt. Điều này rất nguy hiểm khi hòa nhập quốc tế.  

* Nếu học trường quốc tế từ mẫu giáo, các em cùng lúc vừa học tiếng Anh vừa tiếng Việt liệu có ổn không, thưa ông?

- Về ngôn ngữ, dạy song song tiếng Anh và tiếng Việt  không có ảnh hưởng gì.  

* Hiện nay loại hình trường quốc tế nhưng dạy chương trình của Bộ GD-ĐT và dạy thêm một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh phát triển rất mạnh, theo ông phụ huynh cần lưu ý gì khi chọn trường dạng này?

- Tâm lý phụ huynh hiện nay muốn cho con hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến điều này thể hiện tinh thần hiếu học của dân ta. Tuy nhiên phụ huynh cũng không nên cực đoan mà thiếu suy tính. Hiện nay, nhiều chương trình của trường quốc tế không hơn gì chương trình trường trong nước nhưng học phí lại cao hơn gấp nhiều lần. Có thể các trường này hơn trường trong nước về dạy nhiều tiếng Anh và phương tiện giảng dạy nhưng so với học phí cao như vậy thì liệu có xứng đáng? Tốt nhất là phụ huynh phải tìm hiểu kỹ và có sự so sánh trước khi đăng ký cho con học. 

*Nhưng thật khó cho phụ huynh khi trường nào cũng quảng cáo mình tốt ?

- Tôi cho rằng ngành giáo dục phải can thiệp nếu không sẽ đi đến hỗn lọan, thật giả không phân biệt được. Ngành giáo dục phải công bố đâu là trường quốc tế thực sự để phụ huynh tham khảo. Ngành cũng phải kiểm tra toàn diện chuyên môn, tài chính xem chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất như vậy  có tương xứng với mức học phí thu vào. Thả nổi quản lý trường quốc tế là không được.

  • Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoài Chương,  Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Sẽ thay đổi một số tên trường khỏi bị lầm tưởng... quốc tế?

Sở GD - ĐT quản lý giống nhau tất cả các trường, kể cả quốc tế và trường trong nước. Tuy nhiên, đối với những trường quốc tế, chủ yếu Sở GD - ĐT quản lý và kiểm tra về chương trình học. Đối với những HS Việt Nam học các trường quốc tế có dạy chương trình của Bộ  GD-ĐT và đảm bảo đúng theo quy định thì vẫn đư
ợc chuyển sang học các trường bình thường. Tuy nhiên, vẫn phải xem xét cụ thể từng trường hợp.

Đối với các trường chỉ mang tên quốc tế nhưng thực chất không phải là trường Quốc tế thì các "giáo trình" mà các trường nói là của nước ngoài cũng chỉ là sách tăng cường tiếng Anh cho môn học đó thôi. Các trường tự cho là quốc tế chứ đâu có văn bản chính thức nào công nhận là trường quốc tế.

Trên thực tế vẫn có nhiều trường mang tên mà phụ huynh lầm tưởng là trường quốc tế nên sau đợt kiểm tra liên ngành sắp tới sẽ ra soát lại tất cả các trường mang tên dễ lầm tưởng là quốc tế và sẽ đề nghị UBND chỉnh đổi lại tên trường cho phù hợp với đúng loại hình trường đào tạo.

  • Vĩnh Hào

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,