221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
793174
"Đề án một ngoại ngữ": Thụt lùi 50 năm?
1
Article
null
'Đề án một ngoại ngữ': Thụt lùi 50 năm?
,

"Thụt lùi 50 năm, thiếu tính khả thi, gây lãng phí...", TS Nguyễn Hữu Thọ (ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội) bày tỏ ý kiến về đề án dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường.

Bộ GD-ĐT đang xem xét phê duyệt các chương trình môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông từ tiểu học tới THPT.
Trên tay tôi là công văn số 1646/BGD&ĐT-GDTrH do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trưởng ban xây dựng Chương trình và biên soạn sách giáo khoa THPT Nguyễn Văn Vọng ký phê duyệt các chương trình môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình này được biên soạn theo Luật Giáo dục 2005, đảm bảo sự thống nhất của các môn từ Tiểu học tới THPT. Chương trình quy định ngoại ngữ được dạy từ THCS (với thời lượng 3-3-3-2) tới THPT (3-3-3/một tuần). Chương trình đang chờ Bộ trưởng quyết định ban hành.

Một chương trình thường được dùng trong khoảng 10 năm. Như vậy, nó sẽ có giá trị tới 2016 nếu được ban hành chính thức trong năm nay.

Ấy vậy mà, qua VietNamNet, tôi được biết một đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân mới sẽ được triển khai từ năm học 2007-2008 với tổng kinh phí 16.000 tỷ đồng.

Theo đề án này, hệ thống chương trình, SGK đã và đang được biên soạn theo chương trình mới với sự đầu tư không nhỏ về trí tuệ và kinh phí từ nguồn vay nước ngoài sẽ bị đảo lộn.

Thụt lùi 50 năm

Ngoại ngữ là một môn học đặc biệt: nó cung cấp cho HS một công cụ giao tiếp mới đồng thời mở ra một nền văn hoá, một thế giới mới.

Ngày 1/4/1968, Chính phủ ban hành chỉ thị số 43 về dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông và chuyên nghiệp: dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp. Ngoài ra, cần chú trọng một số thứ tiếng khác như tiếng Tây Ban Nha, Nhật, Đức, Triều Tiên, Ảrập, Campuchia.

Tiếp đó, ngày 7/9/1972, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số ngày 251/TTg, nêu “Hướng phấn đấu trong một thời gian không xa lắm, tổ chức được việc dạy ngoại ngữ ở cấp II và cấp III theo mức ở cấp III học hai ngoại ngữ (một chính, một phụ)”.

Như vậy, đề án hiện nay là thụt lùi 50 năm nếu tính tới mốc 2020 (lúc đó mới xét để dạy ngoại ngữ 2).

Toàn cầu hóa có một số lợi ích chung về phát triển kinh tế và thương mại nhưng cũng có những mặt cần cảnh báo dưới góc độ ngôn ngữ và văn hoá. Toàn cầu hoá đè nặng lên nhân loại nguy cơ nhất thể hoá, làm phai mờ bản sắc dân tộc và làm nghèo đi các ngôn ngữ.

Thế giới, vốn đa dạng và phong phú, sẽ tiếp tục tồn tại trong sự đa dạng và phong phú của nó. Tiếng Anh đang trở thành một tiếng quốc tế.

Nhưng xu thế chung là nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì giảng dạy các thứ tiếng khác, trong đó, có cả tiếng các dân tộc ít người.

Quan điểm dạy đa ngoại ngữ, trong đó có dạy ngoại ngữ 2, là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh VN.

Một chính sách ngoại ngữ phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có văn hoá và chính trị. Nếu chỉ dựa vào các lợi ích trước mắt mang tính thực dụng, sẽ có tội với các thế hệ tương lai.

Thiếu tính khả thi

Việc thay đổi kế hoạch dạy-học của một môn học phải được tiến hành trong một kế hoạch chung của tất cả các môn. Nếu dạy tiếng Anh từ cấp tiểu học thì phân bố thời gian của tất cả các môn sẽ dần dần bị thay đổi. Câu hỏi đặt ra là giảm thời lượng của môn nào để dành cho môn ngoại ngữ mới?

Nếu triển khai theo đề án, cần một đội ngũ giáo viên tiếng Anh rất lớn. Theo báo cáo của Vụ THPT tại hội thảo khoa học quốc gia tháng 2/2001 về đào tạo giáo viên ngoại ngữ phổ thông, ‘Hiện nay, đội ngũ giáo viên tiếng Anh được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, được các địa phưng tuyển dụng hoặc hợp đồng giảng dạy ồ ạt; một mặt gây mất cân đối nghiêm trọng về tỷ lệ biên chế giáo viên đối với các thứ tiếng nước ngoài khác; mặt khác, chưa đảm bảo tốt chất lượng dạy-học môn tiếng Anh". Triển khai đề án trong điều kiện nhân lực như vậy, có khả thi?

Đề án cũng dự kiến tới năm 2020 sẽ xét để dạy một số ngoại ngữ 2. Nhưng nếu Đề án mới được triển khai từ năm học 2007-2008 thì đội ngũ giáo viên tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung hiện nay sẽ không tồn tại, cũng sẽ không thể triển khai dạy ngoại ngữ 2.

Gây lãng phí

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đang tiến hành đổi mới chương trình và SGK phổ thông. Đối với ngoại ngữ, toàn bộ SGK các môn tiếng Anh, Nga, Pháp từ PTCS tới THPT được biên soạn lại, tiếng Trung được biên soạn mới. Bộ sách THCS đã được thí điểm và chính thức đưa vào sử dụng đại trà vào năm học 2005-2006, bộ sách THPT cũng đã hoàn thành và đang triển khai thí điểm. Đồng thời, Bộ cũng đang triển khai dạy thí điểm ngoại ngữ 2.

Việc đổi mới chưng trình và SGK ở THCS và THPT hiện nay là nằm trong khuôn khổ của một nghị quyết của Quốc hội với vốn vay nước ngoài (Dự án THCS của Ngân hàng phát triển châu Á với tổng kinh phí 70 triệu USD). Nếu triển khai đề án mới thì toàn bộ SGK ngoại ngữ vừa được biên soạn sẽ bị bỏ đi.

Lý do đưa ra trong bài phỏng vấn của TS Nguyễn Lộc là “dân ta còn nghèo nên phải dành nguồn lực để học một thứ tiếng được coi là thông dụng”. Đúng là nền kinh tế chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, lại càng không nên dùng 16.000 tỷ đồng để triển khai một đề án mà kết quả chắc chắn là làm nghèo đất nước về ngôn ngữ và văn hoá.

TS Nguyễn Lộc còn cho rằng “Vẫn còn tồn tại suy nghĩ cũ như học ngoại ngữ là học tiếng của kẻ thù. Do vậy, phải có hội nghị đả thông tư tưởng để nâng cao nhận thức về lợi ích học ngoại ngữ’’. Không hiểu, số người được hỏi ý kiến và nghĩ như vậy là bao nhiêu, nhưng chắc chắn trình độ nhận thức của xã hội hiện nay không "ngây thơ" như thế.

Điều cần lưu ý là nếu theo đề nghị này, sẽ phải tổ chức hội nghị, hội thảo. Như vậy, lại thêm một lãng phí nữa. Điều này hoàn toàn trái với quyết định số 25/2006QĐ-TTg ngày 26/1/2006 về việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

  • TS Nguyễn Hữu Thọ

Các tranh luận

16.000 tỷ đồng để thanh niên VN thạo ngoại ngữ năm 2020

"Một ngoại ngữ" hay làm nghèo đất nước về văn hóa?

Tiếng Việt cũng phải cạnh tranh!

"Tiếng Anh là sự lựa chọn duy nhất!"

Chọn tiếng Anh có làm nghèo đất nước?

"Đề án một ngoại ngữ": Đâu là tính chiến lược?

Một hay nhiều ngoại ngữ? Lựa chọn để vứt bỏ!

Ý kiến của bạn:


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,