221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
553450
Học phí: lại điệp khúc "tăng hay không"!
1
Article
null
Học phí: lại điệp khúc 'tăng hay không'!
,

Sở GD-ĐT TPHCM vừa tổ chức lấy ý kiến hiệu trưởng các trường bán công (BC) về vấn đề tăng học phí BC để tiếp tục đệ trình HĐND TPHCM. Ở những lần đề nghị trước đây của Sở GD-ĐT, Thường trực HĐND vẫn chưa quyết định vì đây là vấn đề “nhạy cảm”, tác động lớn đến xã hội.

Trường THPT bán công Marie Curie xây dựng theo vốn kích cầu. Bên cạnh học phí hệ bán công, học sinh còn phải đóng tiền kích cầu.

Tại cuộc họp vừa qua, lãnh đạo các trường BC chia làm 2 khuynh hướng: ủng hộ và… không ủng hộ tăng học phí.

“Nước” lên, “thuyền” chưa lên!

Gần 10 năm qua, mức học phí BC vẫn không thay đổi, trong khi hệ số lương công lập (CL) đã tăng mấy lần (từ 180.000 đồng lên 290.000 đồng/tháng). Cô N, giáo viên (GV) Trường THPT BC Hàn Thuyên, cho biết: “Những năm đầu trường mới chuyển sang BC, lương GV cao hơn so với trường CL nên nhìn chung GV hài lòng vì công sức mình bỏ ra được bù đắp tương xứng. Nhưng, sau mấy lần điều chỉnh lương, thu nhập của GV CL cao lên mãi, còn BC thì vẫn y như cũ, thậm chí có phần sụt giảm. Lương BC không tăng, trong khi vật giá biến động, thử hỏi làm sao chúng tôi yên tâm đứng lớp?”.

Đó cũng là nỗi lòng chung của nhiều GV BC hiện nay. Ông Lê Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT BC Nguyễn Thái Bình, cho biết thêm: “GV hệ nào thì bằng cấp đào tạo cũng như nhau, chỉ khác là dạy CL hay BC. Nhưng GV công lập được ngân sách nhà nước lo hết, còn BC chỉ lĩnh tiền theo tiết, phụ cấp ưu đãi 35% đứng lớp cũng không có”. HS BC đầu vào chất lượng thấp, phải tổ chức lớp học từ 50 em trở lên “thu mới đủ chi”, nên dạy trường BC vất vả gấp 3 lần dạy trường công.

Lãnh đạo một trường BC đã không ngại cho biết “cứ đến phòng GV vào giờ tan tiết, người nào cũng bơ phờ hết”. Chưa kể, khi về hưu, cùng thâm niên công tác nhưng GV CL lĩnh tiền cao hơn BC. Nguồn thu trường BC thu trong 9 tháng nhưng phải tính toán nhiều bề: trả lương căn bản, lương 3 tháng hè cho GV biên chế... vì hầu hết các trường BC của TP đều từ công lập chuyển đổi thành, do vậy có khoảng 50% GV thuộc biên chế. Khó khăn quá, nhiều trường phải tiết kiệm nhiều thứ, đèn, quạt cũng phải bật theo giờ.

Tăng hay không tăng?

Sở GDĐT TP.HCM kiến nghị tăng mức thu học phí ở các trường bán công: Bậc tiểu học: 70.000 đồng/tháng/HS nội thành; 60.000 đồng/tháng/HS ngoại thành. Bậc THCS: 100.000 đồng/tháng/HS nội thành; 80.000 đồng/tháng/HS ngoại thành. Bậc THPT: 120.000 đồng/tháng/HS nội thành, 100.000 đồng/tháng/HS ngoại thành. Riêng học phí mầm non bán công vẫn giữ mức đóng như cũ.

Trước những khó khăn của các trường BC, Sở GD-ĐT đã nhiều lần kiến nghị với TP điều chỉnh mức học phí hệ BC. Tờ trình gửi HĐND và UBND TP của sở nêu rõ việc tăng học phí cho hệ bán công (tăng từ 70.000 – 120.000 đồng/tháng tùy theo các cấp học) là cần thiết. Đó là do hệ BC không thuộc đối tượng thực hiện điều chỉnh tiền lương mới, kinh phí hoạt động của các trường đều từ nguồn học phí của phụ huynh đóng góp.

Tuy nhiên, gần đây nhất, trong cuộc họp do Sở GD - ĐT tổ chức lấy ý kiến về vấn đề tăng học phí BC, lãnh đạo các trường đã chia làm 2 khuynh hướng: ủng hộ và không ủng hộ tăng học phí. Mặc dù rất tha thiết được tăng thu nhập nhưng nhiều người không đồng tình việc tăng học phí vì sẽ có một bộ phận HS không có khả năng đóng. Lãnh đạo của một trường BC trước đây rất “mặn mà” với đề xuất tăng lương nhưng mới đây đã thay đổi quan điểm: “Tăng học phí thì cần cho GV nhưng lại thành gánh nặng cho dân”.

Ngay cả bên đề nghị tăng cũng… phân vân “không biết tăng như thế nào hợp lý”, nên đề nghị một giải pháp “nước đôi”: chỉ tăng 20.000 đồng/tháng/HS THPT thay vì 30.000 đồng/tháng như trước đây.

Trước đề nghị tăng học phí BC của ngành GD- ĐT, nhiều PHHS đã tỏ ra rất lo lắng. Chị Quỳnh Nga, quận 1, bức xúc: Dự báo hệ số lương còn phải lên đến 400.000 đồng/tháng mới đáp ứng được nhu cầu đời sống, “chẳng lẽ khi lương tăng thì lại tiếp tục kêu tăng học phí?”. Đối với những gia đình thu nhập trung bình, tăng thêm 30.000 đồng/tháng không phải là ít. Mặt khác, ngoài học phí, HS còn phải chịu những khoản phí khác: tiền tăng tiết, tiền học thêm, tiền CSVC kích cầu…

Tiến sĩ Mai Ngọc Luông, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục – phát triển phía Nam, bày tỏ quan điểm: Tăng học phí sẽ tác động lớn đến xã hội. Các HS BC thuộc các gia đình lao động nghèo. Học phí đóng cao quá, HS có khả năng nghỉ học và lúc đó nhà nước lại bỏ tiền ra để làm công tác phổ cập giáo dục, huy động HS trở lại trường.

Rõ ràng, tăng học phí không phải là giải pháp tối ưu. “Nếu như các trường BC được ngân sách TP hỗ trợ tiền lương giáo viên, đầu tư về cơ sở vật chất, sách - thiết bị như ở hệ công lập thì chúng tôi không cần phải tăng học phí”, nhiều hiệu trưởng BC khẳng định như thế.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,