221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1163936
Mobile World Congress 2009: Nhan nhản "bản sao" iPhone
1
Article
null
Mobile World Congress 2009: Nhan nhản 'bản sao' iPhone
,

"Sao chép" một vài trang trong chiến lược phát triển iPhone hiển nhiên không phải là sự lựa chọn tối ưu để đánh bại Apple, nhưng đó lại chính là điều mà nhiều đại gia di động đang cố làm.

Không đâu cả, nhưng ở khắp mọi nơi

HTC Touch Diamond 2, một "đối thủ" mới của iPhone. Nguồn: Gizmodo
Có thể nói, cái cách mà Apple tạo ra iPhone, tiếp thị iPhone và rồi xây dựng nên cả một "hệ sinh thái" bao quanh nó gần như là một mô hình kinh doanh chuẩn mực trên thị trường di động hiện đại.

Chính vì thế, dù có muốn hay không, các hãng đối thủ cũng phải "học theo" Apple, không phần cứng, tính năng thì cũng là quầy ứng dụng đi kèm.

Điều này có thể dễ dàng nhận thấy tại Mobile World Congress (MWC) 2009 đang diễn ra tại Barcelona - Triển lãm thường niên lớn nhất trong năm của ngành công nghiệp không dây.

Bản thân Apple thì vắng mặt nhưng bóng dáng của họ thì lại lấp ló ở khắp mọi nơi. Công ty của ngài Steve Jobs đã tuyên bố rút lui của sự kiện này, bởi họ thích tự công bố sản phẩm ở những sự kiện do chính mình tổ chức hơn.

Nhưng dù khách tham quan đang đứng ở gian hàng của Sony, của LG Electronics hay Asus, HTC... họ thường xuyên phải giật mình khi bắt gặp những bản sao giống đến kỳ lạ với iPhone.

"Trí tưởng tượng là điều quá xa xỉ vào một thời điểm như thế này", chuyên gia công nghệ Richard Windsor bình luận.

Ngành công nghiệp di động sản xuất không dưới 1 tỷ ĐTDĐ mỗi năm, nhưng cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang làm lung lay nghiêm trọng niềm tin nơi họ. Chẳng ai dám mạo hiểm với một mô hình kinh doanh mới, hay một tính năng quá cách mạng.

Chính vì thế, những gã khổng lồ như Nokia, Samsung, LG, Sony Ericsson và HTC cũng chẳng cảm thấy xấu hổ khi đi "bắt chước" một đối thủ mà thị phần trên thị trường di động chỉ chiếm vẻn vẹn có 1 %.

Không giành được thiện cảm

Quầy ứng dụng di động Ovi Store của Nokia. Nguồn: Let’s Go Digital
Một năm trước, những hãng điện thoại có đội ngũ thiết kế nhanh nhạy đã kịp tung ra thế hệ "bản sao iPhone" đầu tiên, với đặc điểm nổi bật là màn hình cảm ứng.

Giờ thì khó có thể tìm thấy một mẫu smartphone trung đến cao cấp nào mà lại không sở hữu tính năng này, cứ như thể không có nó thì không thể bán được hàng vậy.

Năm nay, các hãng còn đi xa hơn khi tìm cách mô phỏng phần mềm giao diện người dùng của iPhone.

Lãnh đạo một mạng di động lớn tại châu Âu phàn nàn: "Ai cũng cố đuổi theo iPhone. Họ liên tục tuồn sản phẩm mới vào một thị trường chưa thực sự sẵn sàng. Giữa bối cảnh khó khăn này, có mấy người nghĩ đến chuyện bỏ cả 500-600 USD để sở hữu một chiếc smartphone cao cấp cơ chứ?".

Giới phân tích cũng tỏ ra chẳng mấy thiện cảm với các "chú cừu Dolly". Theo họ, các bản sao thường chạy chậm hơn và giao diện cũng không mang tính trực quan, đơn giản như iPhone.

Trường hợp điển hình là việc LG Electronics giới thiệu một mẫu smartphone "bình dân", sử dụng hệ điều hành Windows Mobile của Microsoft và sở hữu giao diện trông cực giống iPhone có tên "3D S-Class".

Sự khác nhau dễ thấy nhất giữa LG GM730 với iPhone là nó mang đến cho người dùng hình ảnh 3 chiều của các tính năng và ứng dụng bên trong.

Tức là thay vì xuất hiện dưới dạng các "trang" như ở iPhone, biểu tượng menu sẽ xuất hiện trên màn hình GM730 dưới dạng các khối hình lập phương.

Nghe có vẻ hấp dẫn đấy chứ? Nhưng thật tiếc khi GM730 lại mắc phải một lỗi điển hình mà người dùng máy tính nào cũng từng gặp.

Logo của LG, sau đó là nhãn hiệu Windows sẽ xuất hiện liên tục trên màn hình sau 5, 10,15 và cuối cùng là 30 giây đầu. Điện thoại đang khởi động nhưng theo cách của một chiếc máy tính, ì ạch và chậm chạp - chứ không nhanh như iPhone.

"Cừu Dolly"

Apple đã dọa sẽ kiện ra tòa nếu các hãng còn tiếp tục "học theo" iPhone kiểu này. Hiển nhiên, hãng muốn bảo vệ hàng trăm bằng sáng chế đã áp dụng cho sản phẩm cưng của mình. Các hãng đối thủ sẽ lách qua rừng bằng sáng chế này như thế nào luôn là một câu hỏi lớn.

Sự sinh sôi nảy nở chóng mặt của những sản phẩm "tôi-cũng-giống-thế" chẳng khác gì một cái bẫy, bởi nhà sản xuất sẽ phải hy sinh lợi nhuận để thách thức Apple về giá bán.

Điều này sẽ đẩy các hãng điện thoại vào hố sâu hơn, bởi smartphone vốn là thị trường tăng trưởng nhanh và đạt lợi nhuận cao hơn so với điện thoại thông thường.

Cũng nên nhớ rằng Apple chẳng chịu ngồi yên đâu. Một số chuyên gia phố Wall tin rằng Apple đang phát triển một phiên bản iPhone tinh giản với mức giá 299 USD (không khóa) để kịp tung ra vào tháng 6 tới.

Còn nếu mua qua một mạng di động nào đó, người dùng sẽ chỉ phải trả số tiền khiêm tốn là 99 USD mà thôi.

Có thể "con dế" này sẽ chạy trên các nền mạng chậm hơn, không phải 3G, có bộ nhớ nhỏ hơn, độ phân giải màn hình và camera thấp hơn. Nhưng hiện tại, "giá rẻ chính là vua".

Lợi nhuận cho mỗi chiếc iPhone bán được lên tới 55%, cao gần gấp đôi so với mức trung bình của cả thị trường di động. Nhưng nếu bày bán những chiếc điện thoại 99 USD, Apple sẽ phải chấp nhận tỷ lệ lợi nhuận giảm xuống còn 40%. Dù sao, thế cũng đã cao hơn đáng kể so với con số 30% của "cả làng" lắm rồi.

Không chỉ ghen tỵ với thành công choáng ngợp của iPhone, ngành công nghiệp di động còn choáng váng với mô hình quầy ứng dụng App Store của Apple.

Từ trang web này, người dùng iPhone và máy nghe nhạc iPod Touch sẽ có thể tải hàng ngàn ứng dụng khác nhau để cá nhân hóa việc chơi game, nghe nhạc hay tìm đường.

Việc cho phép người dùng tự quyết định phần mềm nào nên "góp mặt" trong điện thoại của mình là một bước đi "cách mạng", bởi trước đây, các hãng di động luôn tỏ ra áp đặt và kiểm soát chặt chẽ các tính năng/ứng dụng đưa vào.

Căn cứ để nhà sản xuất quyết định là ý kiến chủ quan của chính họ, cộng với yêu cầu từ phía các mạng di động - những khách hàng lớn và quan trọng nhất.

Sự tự do của App Store đã thực sự chinh phục được người dùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, mô hình cởi mở này đã bay vút như diều gặp gió. Thế nên không có gì bất ngờ khi Nokia, Microsoft, LG và mạng di động Orange của Pháp đồng loạt khai trương những dịch vụ tương tự.

Có thể nói, truyền thống áp đặt quen thuộc của ngành công nghiệp di động đã chết rồi.

Trọng Cầm (Tổng hợp Reuters, AP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,