221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
962750
1000 tỉ đồng/năm cho Viễn thông công ích: Nhiều hay ít?
1
Article
null
1000 tỉ đồng/năm cho Viễn thông công ích: Nhiều hay ít?
,

(VietNamNet) - Sau hai năm hoạt động trù bị, tại Hội nghị hai ngày vừa được tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Bộ BCVT đã chính thức đưa quỹ Viễn thông công ích (VTCI) đi vào hoạt động. VietNamNet đã có bài phỏng vấn thứ trưởng Trần Đức Lai, chủ tịch quỹ VTCI; cùng đại diện khối DN Viễn thông và đại diện Sở BCVT tỉnh thành về những trăn trở trong thực tế hoạt động của quỹ.

"Còn nhiều trăn trở..." (Ông Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ BCVT trưởng - Chủ tịch quỹ VTCI)

Thứ trưởng Trần Đức Lai tại Hội nghị
Thứ trưởng Trần Đức Lai: "Sẽ dựa vào hoạt động thực tế của quỹ VTCI để luôn linh động, quản lý sát thực tế để hiệu quả cao nhất..." (ảnh Thế Phong)

Đầu tiên, phải khẳng định quỹ VTCI thành lập và đi vào hoạt động là rất phù hợp xu thế, vừa tạo điều kiện cho DN phát triển mà vẫn đảm bảo được các dịch vụ công ích cơ bản. Với quỹ này, nắm trong tay nguồn vốn, nhà nước sẽ chủ động hơn rất nhiều trong giải quyết vấn đề công ích. Đây là những thuận lợi lớn!

Về mặt tiêu chí, hoạt động của quỹ thực chất là DN hoạt động có lãi, thể hiện một phần trách nhiệm bằng cách đóng góp một phần lãi suất để phát triển các dịch vụ viễn thông cơ bản ở những vùng kinh tế khó khăn, mang cơ hội sử dụng các dịch vụ viễn thông cơ bản cho người dân.

Sau hai năm trù bị, dịp này chính thức đi vào hoạt động, quỹ VTCI đã có sự chuẩn bị tốt, nhưng trăn trở cũng còn nhiều.

Trước khi thành lập và đưa quỹ vào hoạt động, chúng tôi đã sang một số nước như Philipin, Indonexia... những nước đã có quỹ VTCI từ 5, 7 năm nay, nhưng thực tế hoạt động cùa họ rất thiếu hiệu quả. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy do các vấn đề về pháp lý của quỹ không được xây dựng chặt chẽ, nên nó hầu như không thể hoạt động được.

Chính vì thế, trăn trở lớn nhất của tôi là việc xây dựng các hệ thống văn bản pháp quy và cơ sở pháp lý cho việc hoạt động của quỹ phải cụ thể, minh bạch, đầy đủ.

Hai năm nay, tôi đã quyết liệt chỉ đạo việc tập trung xây dựng các hệ thống văn bản này, cho đến nay đã tương đối đầy đủ. Nhưng chắc chắn sẽ còn phải có những điều chỉnh, bổ sung... cho phù hợp với quá trình hoạt động thực tế.

Một trăn trở khác mà chúng tôi nhìn thấy trước, là năng lực hoạt động của các Sở BCVT ở địa phương.

Nhìn qua cơ chế hoạt động của quỹ, sẽ thấy việc chi của quỹ dựa vào kết quả triển khai dịch vụ và cung cấp dịch vụ của các DN ở vùng công ích, sẽ quyết định DN được quỹ hộ trợ như thế nào. Nhưng ai sẽ đóng vai trò thẩm định, giám sát, báo cáo các kết quả công việc mà DN làm được ở vùng công ích?

Nếu là quỹ, sợ rằng sẽ có những ý kiến cho rằng thiếu khách quan, càng thiếu khách quan hơn nếu do DN tự làm, rồi tự báo cáo. Vì thế trách nhiệm này sẽ thuộc về các Sở BCVT địa phương. Trăn trở là ở chỗ, các Sở có đủ nhân lực, trình độ, và tài chính để hoàn thành nhiệm vụ này không? Nói về tài chính, đúng ra đây là trách nhiệm của UBND các tỉnh, nhưng thực tình mà nói, những tỉnh đã có các vùng công ích, thì rõ ràng là những tỉnh còn nhiều khó khăn...

Trước trăn trở này, sắp tới, Bộ sẽ triển khai nhiều hoạt động tập huấn cho các Sở để giải quyết vấn đề năng lực trình độ. Bộ cũng đang làm việc với Bộ tài chính để ra các quy định liên quan đến kinh phí hoạt động của Sở BCVT trong VTCI.

"Làm không tốt, vài tháng sau bàn làm việc của tôi sẽ ngập đơn thư khiếu nại của dân" (Ông Trần Gia Long - Giám đốc Sở BCVT Vĩnh Phúc)

Ông Trần Gia Long - giám đốc sở BCVT Vĩnh Phúc
Ông Trần Gia Long - giám đốc sở BCVT Vĩnh Phúc: "Lo lắng nhiều về trọng trách của Sở trong hoạt động của quỹ VTCI tại địa phương..."

Sở BCVT các tỉnh sẽ là cầu nối hết sức quan trọng, giữa quỹ VTCI và DN. Vừa giúp quỹ xác định các vùng công ích, giúp DN triển khai hạ tầng, dịch vụ viễn thông, vừa giám sát, thẩm định quá trình triển khai viễn thông công ích để quỹ dựa vào đó thanh toán, quyết toán cho DN.

Nếu các Sở làm không tốt, sẽ có thể nảy sinh tiêu cực, thất thoát tài chính từ quỹ, đây là điều tôi lo nhất.

Về các khó khăn khác có thể lường trước, tôi đồng ý với thứ trưởng Trần Đức Lai, trình độ và nhân lực của các Sở BCVT là một trong những trở ngại trong quá trình hoạt động của quỹ VTCI. Cá nhân tôi mong Bộ sớm sửa đổi thông tư 02 về các vấn đề trách nhiệm và tổ chức của các Sở để phù hợp với tình hình mới.

Chẳng hạn như xem lại quy định về việc Sở chỉ có 15 - 20 biên chế, trong khi chức năng nhiệm vụ ngày càng nhiều (nếu Bộ đổi tên và quản lý các vấn đề về báo chí, nhiệm vụ các Sở sẽ còn nhiều hơn nữa), hay thêm các quy định cụ thể về ngân sách trong tham gia hoạt động quỹ VTCI...

Khó khăn tiếp theo là việc nắm bắt tình hình và kiểm soát sự hoạt động của VTCI ở địa phương chắc chắn sẽ rất phức tạp. Chưa nói tới việc ở các vùng công ích miền núi, địa hình hiểm trở trải dài, dân thưa, DN chưa chắc mặn mà và việc triển khai VTCI sẽ vô cùng khó khăn. Chỉ nói riêng ở tỉnh tôi, đã thấy trước nhiều vấn đề...

Vĩnh Phúc có 3 huyện và 57 xã thuộc vùng công ích, nhưng có nơi cùng 1 huyện, xã A thuộc vùng công ích, trong khi xã B liền kề thì không, do đó quá trình phối hợp với DN quản lý cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, tính cước sẽ vô cùng phức tạp. Chẳng hạn, người dân xã B muốn sử dụng dịch vụ, kéo dây từ xã A về là gần nhất, thì DN có cho phép không? và dân xã B có được hưởng "ké" mức cước công ích không?

Những vấn đề này nếu không giải quyết tốt, chỉ vài tháng sau là các Sở sẽ ngập đơn thư khiếu nại của dân, và quỹ cũng không thể hoạt động không hiệu quả. Các Sở chắc chắn sẽ phải đầu tư thật tốt cho nhân lực có trình độ tham gia vào hoạt động của quỹ.

"Mong quỹ luôn linh động trong hoạt động thực tế"
(Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó giám đốc Viettel Telecom)

Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó giám đốc Viettel Telecom: Doanh nghiệp sẽ ủng hộ hết sức mình
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó giám đốc Viettel Telecom: "Doanh nghiệp sẽ ủng hộ hết sức mình"...

Thứ nhất, về mặt quan điểm, chúng tôi khẳng định sẽ hết sức quyết tâm và sẽ luôn tham gia với khả năng tốt nhất trong việc triển khai các dịch vụ viễn thông công ích.

Thứ hai, tôi cho rằng quỹ nên tập trung ưu tiên vào việc triển khai hạ tầng mới ở các địa phương chưa có dịch vụ, bên cạnh việc hỗ trợ duy trì ở những nơi đã có dịch vụ từ trước.

Thứ ba, tôi cho rằng quá trình làm việc tại địa phương với các Sở BCVT, DN sẽ không gặp trở ngại gì. Quỹ VTCI mỗi năm chi ra khoảng 1000 tỉ đồng, trung bình 51 tình thành có vùng công ích, mỗi tỉnh được hưởng khoảng 20 tỉ đồng ngân sách. Đây là một con số không nhỏ, chắc chắn vai trò của Sở BCVT sẽ được nâng lên, và các Sở sẽ thể hiện tốt vai trò phối hợp hướng dẫn và giúp đỡ DN.

Cuối cùng, tôi cho rằng để phát triển các dịch vụ viễn thông công ích nói riêng và các dịch vụ viễn thông nói chung, yếu tố thúc đẩy cạnh tranh trong DN là rất quan trọng. Chúng tôi mong trong quá trình điều hành và hoạt động thực tế, quỹ sẽ luôn linh động và bám sát tình hình để DN tham gia hiệu quả nhất.

Hiện tại trong cơ chế đóng góp cho quỹ của các DN viễn thông, chủ yếu vẫn là trích phần trăm từ doanh thu các loại hình dịch vụ. Di động thì không nói, vì loại hình kinh doanh này vẫn có lãi, nhưng điện thoại cố định đường dài (liên tỉnh), thì hầu như không có lãi. Với các DN mới tôi nghĩ là còn bị lỗ, nên tôi mong Bộ xem xét và có sự điều chỉnh về tỉ lệ phần trăm phải đóng góp cho quỹ trong doanh thu của loại hình dịch vụ này.

Quỹ viễn thông công ích:

- Được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Đã hoạt động trù bị hai năm, từ 2007 sẽ đi vào hoạt động chính thức.

- Cơ chế hoạt động: Hỗ trợ mạng lưới viễn thông cơ bản ở các vùng công ích thông qua doanh nghiệp viễn thông. (Vùng công ích: các địa phương có độ phổ cập viễn thông thấp hơn mức trung bình cả nước - hiện tại gồm 180 huyện thuộc 51 tỉnh thành + 583 xã vùng sâu vùng xa)

- Thu: từ % doanh thu mỗi năm các loại hình dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp. Chẳng hạn năm 2007, DN phải đóng góp cho quỹ VTCI 5% doanh thu di động, 4% cố định quốc tế, 3% cố định liên tỉnh...

- Chi: Hỗ trợ doanh nghiệp bằng: 1/ Vay ưu đãi để phát triển mạng lưới ở vùng công ích; 2/ Cấp không hoàn lại để duy trì các dịch vụ tại các vùng công ích, nhằm giảm cước cho dân.

- Tài chính: Vốn điều lệ 500 tỉ. Mỗi năm thu từ các doanh nghiệp khoảng 1000 tỉ. Con số này sẽ được duy trì ổn định. (nếu năm sau doanh nghiệp thu lãi nhiều hơn, sẽ giảm các tỉ lệ đóng góp xuống sao cho con số thu được vẫn chỉ khoảng 1000 tỉ.)

- 2007, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá đã trao quyết định cung cấp dịch vụ VTCI 7007 cho 4 doanh nghiệp đầu tiên là VNPT, Viettel, SaiGonPosttel và EVN Telecom.

- Mục tiêu đến 2010: Vùng công ích có ít nhất 5 máy cố định trên 100 dân. 100 % các xã trên toàn quốc có điểm phục vụ BCVT công cộng, 70% số xã có internet công cộng.

  •  Thế Phong (thực hiện)

Quan điểm của quý độc giả:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,