221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
953390
"Chẩn bệnh" giới blogger Việt
1
Article
null
'Chẩn bệnh' giới blogger Việt
,
(VietNamNet) - Năm nữ sinh một trường cấp 3 tại Hà Nội dồn một bạn nữ khác cùng lớp vào lề đường ngay tại cổng trường và bắt đầu vừa đấm đá, vừa mắng chửi. Những học sinh khác - cả nam và nữ làm hàng rào đứng... xem, một cô bé dùng điện thoại di động quay lại toàn bộ, phỏng vấn các "nhân vật" tham gia và nói tỉnh bơ "để cho lên blog"...

Nguồn: Infotech
Nguồn: Infotech

Đoạn video quay toàn bộ cảnh tượng không mấy đẹp đẽ trên đang phát tán với tốc độ tên lửa trong giới blogger Việt Nam.

"Ở Việt Nam bây giờ, người ta đang phát sốt lên vì hai thứ: viết blog và chơi chứng khoán!" - Một blogger - là giảng viên ngành báo chí, viết trên blog của ông!

Loại hình web cá nhân, nhật ký trực tuyến và các mạng xã hội ảo đã quá quen thuộc với cư dân mạng VN từ hàng năm nay! Đã và đang gây ra những tác động đáng kể với thế giới mạng. Tích cực có, nhưng tiêu cực cũng không hiếm!

Những biểu hiện tiêu cực có tính hệ thống của một bộ phận boger mà VietNamNet đề cập dưới đây có thể chưa toàn diện, nhưng có tác động rất lớn đối với dân mạng, cũng như đối với việc nhìn nhận thế nào về blog của cả xã hội.

"Câu khách" rẻ tiền

"Đừng bao giờ coi blog là nhật ký, vì chẳng ai muốn cả thế giới đọc nhật ký của mình!" - Tuyên ngôn của một phóng viên CNTT trên cái blog... trống trơn của anh!

Thế nhưng đại đa số những người khác, nhất là các bạn trẻ, không nghĩ như vậy. Họ coi blog là nơi không những trải tất tần tật suy nghĩ của mình, còn là nơi họ đưa cái tôi cá nhân lên thật cao.

Ai cũng muốn blog, trang cá nhân của mình được nhiều người quan tâm, có số lượng ghé thăm (page view) khổng lồ, thật nhiều phản hồi (comment) sau mỗi bài viết (entry).

Và nhiều người trong số đó dùng mọi cách để "câu kéo" lượng người xem: Spam bạn bè "xin" comment, "ăn trộm" các bài viết hay của người khác, tạo xì căng đan chiến tranh trên mạng... đã trở thành những chuyện thường ngày.

Nhưng kích thích bản năng mới là một thứ hấp dẫn nguyên thuỷ, vì thế người ta không ngại ngần đưa lên blog những nội dung câu khách rẻ tiền: Sex, bạo lực, soi mói ác ý đời tư những người nổi tiếng...

Năm nữ sinh một trường cấp 3 tại Hà Nội dồn một bạn nữ khác cùng lớp vào lề đường ngay tại cổng trường và bắt đầu vừa đấm đá, vừa mắng chửi. Những học sinh khác - cả nam và nữ làm hàng rào đứng... xem, một cô bé dùng điện thoại di động quay lại toàn bộ, phỏng vấn các "nhân vật" tham gia và nói tỉnh bơ "để cho lên blog"...

Đoạn video quay toàn bộ cảnh tượng không mấy đẹp đẽ trên đang phát tán với tốc độ tên lửa trong giới blogger Việt Nam.

Những chuyện giật gân khác: Ảnh vụ giết người chặt đầu ở gần trường Thương mại (Hà Nội), vụ tỏ tình ầm ỹ ở một trường Đại học, moi móc những điểm xấu xa qua các bức ảnh của một cô hoa hậu mới đăng quang, đăng tải ảnh ăn chơi trác táng và khoe thân xác của một bộ phận thanh niên thành phố hư hỏng... luôn là những nội dung "hàng độc" được nhiều blogger "săn lùng" để đưa lên blog của mình.

Bệnh "ngây ngây thơ thơ"...

Anh Trung, trưởng phòng kinh doanh một công ty tư nhân chuyên bán đồ mỹ nghệ tại Hà Nội kể, công ty anh đã mất một mối làm ăn, chỉ vì một trong các nhân viên nữ trẻ post lên blog các bức ảnh trong bữa ăn tối của đại diện công ty anh với đối tác nước ngoài tại một nhà hàng sang trọng. Sau khi cuộc tiếp xúc bí mật lần đầu tiên với với đối tác nhiều tiềm năng bị lộ, công ty đối thủ đã nẫng tay trên toàn bộ hợp đồng.

Một blogger khác thì công khai đường dẫn đăng nhập đến phần mềm xuất bản thông tin của toà soạn báo điện tử nơi mình làm việc một cách rất "hoành tráng" trên phần tự giới thiệu tại blog của mình!

Sự thực là chúng tôi không biết chọn tên gọi gì phù hợp cho những biểu hiện của nhiều blogger hồn nhiên đến mức ngờ nghệch: Họ lên mạng, tiết lộ thông tin cá nhân, gia đình, nguời thân, thậm chí cả bí mật kinh doanh, các thông tin nội bộ của công ty, tổ chức nơi mình làm việc một cách rất "ngây thơ"...

"Trả thù" qua mạng, "bắt nạt" tập thể... 

d
Clip do một cô bé dùng điện thoại di động quay, phỏng vấn các "nhân vật" trong vụ các nữ sinh cấp 3 hành hung một bạn gái cùng lớp ngay tại cổng trường "để cho lên blog" phát tán ầm ỹ.
Sau những "tọc mạch" và "nói xấu", các cuộc đấu khẩu không có hồi kết trên blog là thói "bắt nạt" hội đồng, hay "trả thù" qua mạng... ngày càng trở nên phổ biến.

Điền hình nhất là một cuộc chiến nổ ra giữa giới trẻ Sài Gòn - Hà Nội cách đây không lâu, xuất phát từ bài viết của một cô bé người Sài Gòn, than phiền về những sự khác biệt trong thói quen ẩm thực, giao thông và văn hoá ứng xử khi cô ra Hà Nội, với một cái title và giọng điệu gây phản ứng. Hàng ngàn blogger Hà Nội sau đó đã vào comment và tạo nên một cuộc "khủng bố tinh thần" quy mô lớn trên blog của cô bé.

Sau những tranh luận vô bổ ở những "cuộc chiến" online như thế, có cả những lời lẽ đe doạ và lăng mạ gây tổn thương lớn cho các cá nhân. Mà hậu quả của nó không ai lường hết!

"Nghiện" blog

"Có gì lên blog comment nhé, tớ bận lắm" - câu nói đã thành câu cửa miệng của một người bạn tôi. Từ nhiều tháng nay, Hương không gặp gỡ bạn bè, vừa rời cái máy tính trên cơ quan là ngồi ôm laptop trong phòng riêng. Bạn bè muốn biết cô dạo này ra sao, chỉ cần lướt qua blog là hiểu. Còn tìm cô thì khó hơn gặp... Bill Gates.

Mỗi ngày Hương đều viết blog, có ngày tới 3, 4 entry, từ những chuyện buồn phiền, cho đến mua cái áo mới, tất tần tật. Mọi liên lạc cá nhân trước đây, Hương đều hướng về đó, "có gì cứ lên blog comment, 5 phút là tớ trả lời ngay!"

"Nghiện blog"?! Vâng, đây mới thực sự là căn bệnh phổ biến nhất trong giới blogger hiện nay. Nhiều người thừa nhận, trong khi làm việc, họ thường xuyên truy cập blog để xem bạn bè có hỏi han, phản hồi các bài viết của mình chưa, có ai có thông tin gì mới không... Tối về nhà cũng vậy, quỹ thời gian online với những người này dường như không bao giờ đủ.

Chuyện thật như... bịa, một blogger nhịn cả ăn trưa tại cơ quan chỉ để tranh thủ phúc đáp các comment trên blog. Người "nghiện" blog sẵn sàng miễn các nhiệm vụ tối thiểu ngoài đời thật, để hoàn thành các nhiệm vụ trên xã hội ảo trước?!

Cần được định hướng?

Trong khi, tại một số nước, blog được quản lý như một loại hình truyền thông có ảnh hưởng đến cộng đồng, hoặc như Malaysia, blogger phải khai báo tên thật với nhà chức trách, thì trước nay, blog hoạt động tại Việt Nam không nằm trong khuôn phép nào. Có chăng chỉ là những thoả thuận riêng với nhà cung cấp dịch vụ.

Trước trào lưu mạnh mẽ và những bất cập phát sinh từ blog, mới đây, Vụ trưởng Vụ phổ biến pháp luật Nguyễn Tất Viễn, từng khẳng định khi trả lời phỏng vấn trên báo chí: Bộ Tư pháp sẽ cùng bàn luận với Bộ Văn hóa Thông tin để có giải pháp quản lý blog vì có nhiều lỗ hổng trong vấn đề này. Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin Vũ Xuân Thành cũng nói sẽ sớm có thông tư điều chỉnh để tránh những tiêu cực của blog.

Thế nhưng, ngoài mặt quản lý, có lẽ việc giáo dục định hướng cho các blogger cũng là điều quan trọng không kém. Vì nó giải quyết về gốc rễ vấn đề. Đó là chưa nói, blog là nơi tương đối riêng tư, cho phép có các nội dung công khai, cũng có thể đưa những nội dung mà chỉ một nhóm người nào đó, bí mật được xem.

Có ý kiến cho rằng chính các nhà cung cấp dịch vụ blog nên tạo ra các cuộc thi, các chuyên đề... trên trang chủ để blogger tham gia và hướng sự quan tâm của mình theo định hướng tích cực...

Giới blogger Việt Nam không phải không biết đến những xu hướng tích cực của blog. Chẳng hạn, đó là một môi trường tuyệt vời để chia sẻ thông tin có ích đến cộng đồng và hoạt động xã hội.

Bạn đã bao giờ ghé thăm blog Khoa học máy tính của một vị giáo sư người Việt đang giảng dạy tại ĐH Mỹ - nơi chia sẻ những thông tin tuyệt vời về nhiều mảng liên quan đến CNTT và khoa học cơ bản? Hay blog bảo mật máy tính của một sinh viên ĐH BK TPHCM, nơi chứa nhiều thông tin tuyệt vời về hacking và cổ suý phong trào mã nguồn mở. Hay blog của một phóng viên thường trú tại Đài Loan, chuyên dịch những câu truyện đầy ắp nhân văn chia sẻ miễn phí cho cộng đồng?...

Bạn cũng có thể thấy rất nhiều blogger dùng các trang cá nhân của mình như một công cụ kết nối cộng đồng để làm từ thiện, vận động mọi người đấu tranh cho các nạn nhân chất độc gia cam, hiến máu nhân đạo...

Tuyệt vời nhất là blog "An toàn giao thông" do Đài Truyền Hình Việt Nam kết hợp với một số đơn vị xây dựng mới đây, đã thực sự trở thành nơi cộng đồng cư dân mạng đóng góp những kiến thức, hiểu biết và chỉ ra những sai phạm về giao thông, thiết thực vì lợi ích chung...

Đó là những ví dụ rất thiết thực về khả năng đóng góp các giá trị rất thật từ thế giới ảo!...

(Kỳ II: Chuyên gia tâm lý và nhà quản lý nói gì về blog?) 

  • Thế Phong

    Quan điểm của quý độc giả:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,