221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
943430
Bảo vệ cáp quang biển: Giải pháp nào?
1
Article
null
Bảo vệ cáp quang biển: Giải pháp nào?
,

(VietNamNet) - Ngày Chủ nhật vừa qua, 10/6, tàu chuyên dụng ASEAN Restorer đã tiến vào lãnh hải Việt Nam và bắt đầu sửa chữa hệ thống cáp quang biển TVH bị cắt trộm, dự kiến hoàn thành vào 5/7 tới. Nhưng để bảo vệ hệ thống cáp quang biển không tiếp tục bị xâm hại, thì các cơ quan quản lý vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

VietNamNet xin xâu chuỗi lại sự kiện cắt trộm tuyến cáp quang TVH để giúp độc giả phần nào hình dung được bức tranh tổng thể của sự việc.

Cáp TVH được thu giữ tại BR-VT. Ảnh: VietNamNet.

Ngày 25/3/2007, "nhát cắt" đầu tiên vào tuyến cáp quang TVH đã được những kẻ "khai thác" thực hiện tại biển Cà Mau, tại vĩ độ 07043.709’N và kinh độ 104017.492’E. Lập tức, toàn bộ tuyến cáp biển giữa Việt Nam và Thái Lan bị mất tín hiệu hoàn toàn. Ngay sau đó, Đài quốc tế cáp biển Vũng Tàu đã báo về công ty VTI và Tập đoàn VNPT để tìm hiểu nguyên nhân, khắc phục sự cố. Một tàu sửa cáp của Singapore đã được thuê để rà soát toàn bộ tuyến TVH.

Nhưng trong điều kiện tàu phải di chuyển xa trên biển Thái Bình Dương, cùng các thủ tục xin phép vào lãnh hải Việt Nam và dò tìm lần theo đường cáp TVH, tới ngày 5/5/2007, tàu sửa cáp mới phát hiện cáp quang đã bị cắt trộm với con số giật mình: 11km cáp quang đã... mất tích.

Trộm cáp biển "chuyên nghiệp", có tổ chức

Chỉ nhìn 2 mốc thời gian này, cũng có thể thấy những kẻ trộm cáp đã "ra tay" chuyên nghiệp như thế nào. Trong vòng chưa đầy 40 ngày, để cắt nhỏ và chở 11km cáp quang về đất liền cũng phải cần tới hàng chục chuyến tàu ra khơi "đánh" cáp và không thể chỉ do một tàu thực hiện. Đầu đoạn cáp bị cắt được ghi lại toạ độ cẩn thận (vì thay đổi liên tục sau mỗi lần cắt trộm), được buộc lốp ôtô cho chìm xuống đáy biển để tránh bị phát hiện.

Các công cụ trộm cáp được "chế" khá tinh vi, từ mỏ neo rà đáy và cào xuống đáy biển để móc vào đường cáp được chôn ở độ sâu 1-2m dưới cát (từ độ sâu 1000m so với mặt biển, cáp quang mới được thả nằm ngay trên mặt biển), cho tới tời để móc cáp từ đáy lên, dùng máy cắt sắt, môtơ điện và lưỡi cưa máy để cắt từng cáp thành từng đoạn 2-5m, thuận tiện cho việc bốc dỡ, cất giấu khi đưa vào bờ.

Một đường dây tiêu thụ các đoạn cáp biển bị cắt trộm cũng được hình thành trên bờ. Chỉ cần tàu cá trốn qua được sự kiểm tra của biên phòng biển khi vào bờ, mọi chủng loại cáp ngầm đều sẽ được mang đi tẩu tán dưới dạng phế liệu.

Đứt tuyến TVH - Vẫn còn... "may mắn"?

Theo một góc nhìn nào đó, thì có thể xem việc tuyến cáp quang TVH bị đứt vẫn còn là... may. May mắn ở chỗ đây là tuyến cáp quang đã khai thác được 12 năm, dù là một trong 2 kênh cáp kết nối viễn thông quốc nhưng chỉ có dung lượng thấp (560Mb/s) chứ không phải là "một nửa sức mạnh kết nối của Việt Nam" đã mất. Các hoạt động truyền dẫn của TVH lập tức đã được chuyển sang dùng tuyến cáp SE.ME.WE.3 (SMW3) tại Đà Nẵng và không ảnh hưởng gì tới hoạt động thông tin liên lạc quốc tế của Việt Nam.

Sẽ là rất không may nếu tuyến cáp SMW3 tại Đà Nẵng lại trở thành "nạn nhân" đầu tiên của nạn khai thác cáp biển tự phát không thể kiểm soát tại các tỉnh miền Nam. Trả lời phỏng vấn VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Khánh - Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế VTI cho biết tuyến SMW3 cập bờ tại Đà Nẵng cũng chỉ có đường kính gần bằng bắp chân người lớn, thậm chí có thể cắt đứt bằng một chiếc cưa sắt thông thường.

Nếu SMW3 bị cắt đứt đầu tiên, lập tức toàn Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng bị cô lập thông tin hoàn toàn với thế giới giống như vụ động đất làm đứt cáp ngầm tại biển Đài Loan. Đó là vì SMW3 là tuyến cáp có dung lượng 80Gb/s, chịu tải 80% dung lượng kết nối quốc tế. Khi tuyến đường viễn thông huyết mạch này bị cắt đứt, các kênh kết nối khác như cáp đất liền và kết nối vệ tinh lập tức sẽ quá tải và nghẽn hoàn toàn.

Thiệt hại lúc đó sẽ không chỉ là những giá trị vật chất về sửa chữa, khôi phục tuyến cáp, mà cả những ảnh hưởng gián tiếp từ tình trạng bị cô lập hoàn toàn về thông tin và Internet với quốc tế. Đơn cử như các doanh nghiệp gia công phần mềm cho đối tác nước ngoài, hay các công ty viễn thông có dịch vụ kết nối quốc tế, thiệt hại về kinh doanh sẽ là vô cùng lớn. Với thời gian sửa chữa kéo dài hàng tháng trời do phụ thuộc tiến độ vào tàu cáp nước ngoài như với tuyến TVH hiện tại, tổng thiệt hại chung sẽ không thể tính bằng đơn vị triệu dollar nữa, mà là hàng tỷ USD.

Muốn biết có phải cáp quang hay không, phải... cưa!

Nếu nói về khả năng phân biệt giữa cáp quang viễn thông và những đường cáp đồng trục của chế độ cũ bỏ lại dưới biển, các chuyên gia viễn thông cũng khó xác định nếu chỉ quan sát bên ngoài.

Thực tế, các đường cáp quốc tế này đều được tàu cáp của đối tác tiến hành rải và chôn dưới cát đáy biển, và công ty đồng sở hữu như VTI cũng chỉ có các đoạn cáp quang mẫu được đối tác gửi sang.

Khi cáp quang được thả xuống biển và hoạt động qua hàng năm trời, lớp vỏ ngoài sẽ bị hàu bám, xơ cũ không khác gì cáp thời trước. Nên để xác định chính xác có phải cáp quang hay không, chỉ có cách là... cưa ra để đối chiếu lõi bên trong với nguyên mẫu.

Những ngư dân đi "khai thác" cáp phế liệu thậm chí chẳng biết cáp quang là gì, cũng như không ý thức tới việc phải bảo vệ tài sản quốc gia quan trọng. Đối với họ, mỗi kg cáp là 2000 - 15000 đồng, cứ rà được, vớt lên là cắt đoạn, mang vào đất liền bán ngay cũng được tiền trăm triệu, vừa nhàn vừa có lãi hơn đi đánh cá.

Sảy một li, "đi" cả tuyến cáp biển

Khởi đầu từ những hoạt động vớt cáp phế liệu tự phát nhỏ lẻ của ngư dân các tỉnh phía Nam, ngày 16/8/2006, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn số 4669/UBND-VP đồng ý cho phép ông Nguyễn Văn Hoà được tổ chức thu gom cáp phế liệu trên biển, sau khi BCH bộ đội biên phòng tỉnh BR-VT có công văn số 110/BCHBP báo cáo với UBND ngày 10/8/2006.

Nghe truyền tai về một cách "làm ăn" mới chắc ăn hơn đánh cá ngoài khơi của ông Hoà, lại được UBND tỉnh BR-VT cấp phép cho thu gom phế liệu, các tàu cá đánh bắt xa bờ cũng "vác mai đi đào", sắm tời, cưa máy, neo rà đáy để ra khơi "đánh cáp biển" vì lợi nhuận mỗi chuyến cũng tới hàng trăm triệu đồng.

vf
Đoàn công tác của Bộ BCVT xem xét số cáp quang được thu giữ tại Đồn biên phòng 518, TP. Vũng Tàu.

 

"Khai thác cáp phế liệu trên biển" lập tức trở thành một "phong trào làm ăn" được nhân rộng dẫn tới không thể kiểm soát nổi. Những công ty chuyên thu gom, tiêu thụ cáp biển do ngư dân cắt về cũng tức thời xuất hiện. Và hậu quả tất yếu là ngày 25/3/07, tuyến cáp quang biển TVH đã bị coi là một thứ "phế liệu" có giá.

Không chỉ tự đi rà đáy, tời cáp lên mặt biển để cắt, các chủ tàu cắt trộm cáp còn bán lại cho nhau  toạ độ có đầu tuyến cáp đã cắt trên biển với giá 15-20 triệu đồng. Điều này lý giải vì sao chỉ trong vòng 40 ngày, hàng chục km cáp quang TVH đã bị cắt trộm.

Nhìn lại sự việc, có thể thấy việc trao đổi thông tin giữa UBND các tỉnh và các bộ ngành chức năng đã không được thông suốt. Các tỉnh như BR-VT lại quá chủ quan khi "tự quyết" việc cấp phép khai thác cáp phế liệu mà không lường trước được những hậu quả nguy hiểm do quyết định đó gây ra.

Cần xử phạt nghiêm theo pháp luật

Theo báo Lao Động đưa tin, Chiều 8/6, PA24 Công an BR-VT đã thi hành lệnh khởi tố bắt tạm giam 3 bị can là Trần Văn Hoàng, SN 1981, trú 60/2 Bạch Đằng, phường 5, TP.Vũng Tàu, thuyền trưởng; Phạm Văn Kế, SN 1965, Gò Công Đông, Tiền Giang, thuyền viên tàu cá BV9244 TS BR-VT; Nguyễn Đặng Quang, SN 1967, Vạn Thắng, Vạn Ninh, Khánh Hoà, thuyền viên tàu cá BV 5714 TS.

Ba bị can trên đã xâm hại hàng chục tấn cáp quang ngầm để bán phế liệu, bị PA24 Công an BR-VT khởi tố bắt tạm giam theo Điều 231 BLHS tội "Phá huỷ công trình quan trọng về an ninh quốc gia".

Những đối tượng trực tiếp, cắt trộm, tiêu thụ cáp quang biển này cần phải xử phạt nghiêm theo pháp luật để mang tính răn đe, giáo dục ý thức người dân. Những đối tượng trục vớt cáp khác, cho dù là cáp đồng trục từ thời chế độ cũ, cũng là hành động trái phép và cần phải xử phạt để loại bỏ tư duy "không cắt cáp quang, chỉ vớt cáp phế liệu".

Trước đó, khi có thông tin về tuyến cáp quang TVH bị cắt trộm, Bộ Bưu chính Viễn thông (BC-VT) cũng đã triển khai lập tức các đoàn công tác đi về các tỉnh ven biển có tuyến cáp quang đi qua, phối hợp với UBND các tỉnh và công an địa phương để tuyên truyền, vận động ngư dân không khai thác cáp biển phế liệu.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân, Cục Cảnh sát biển đều được huy động tăng cường giám sát, kiểm tra, bắt giữ các tàu thuyền khai thác, trộm cắp phá hoại cáp viễn thông biển dưới bất kỳ hình thức nào. Các phương tiện như radar cũng được sử dụng để phát hiện các tàu thuyền di chuyển vào vùng biển có các tuyến cáp quang trọng yếu của Việt Nam và quốc tế.

Nhưng về lâu dài, việc tuần tra, canh gác trên mọi vùng biển có tuyến cáp quang rải trên thềm lục địa Việt Nam là điều rất khó thực hiện. Các quốc gia phát triển trên thế giới có nhiều hệ thống cáp quang cũng không thể tuần tra, canh gác liên tục vì chiều dài của các tuyến cáp trên mặt biển rất rộng lớn.

Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục người dân ý thức bảo vệ tài sản quốc gia của các bộ ngành, các UBND tỉnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Đây là công việc không đơn giản một sớm một chiều, và đòi hỏi sự phối hợp và kiên trì của nhiều bộ ngành.

Khi mọi ngư dân đều đã loại bỏ được ý định "khai thác cáp biển lợi nhuận cao hơn đánh cá", cùng tham gia vào công viêc bảo vệ tuyến cáp quang trọng yếu và phối hợp với các lực lượng hải quân, biên phòng biển... thì hiệu quả bảo vệ các tuyến cáp quang sẽ được phát huy hơn rất nhiều.

Quan điểm của quý độc giả:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,