221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
752061
Triển khai dự án ứng dụng CNTT: Vì sao bế tắc?
1
Article
null
Triển khai dự án ứng dụng CNTT: Vì sao bế tắc?
,

(VietnamNet) - Bất cứ khi nào đề cập đến chuyện triển khai các dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách, các chuyên gia và nhà quản lý trong ngành của nước nhà đều có chung "một cái lắc đầu ngao ngán". Vì sao lại như vậy?

Chỉ đầu tư ưu tiên cho phần cứng trong các dự án ứng dụng CNTT sẽ là điều bất hợp lý! (Ảnh: HC)

Cho đến cuối năm 2004, các dự án trong "Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển CNTT đến 2005" mới giải ngân được khoảng 12%. Đặc biệt, các dự án của Bộ Công An quy mô hơn 200 tỷ đồng, của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn trên 70 tỷ đồng, đã xây dựng xong nhưng không triển khai được. Theo người viết bài này, các dự án sẽ còn bế tắc nếu không thay đổi cơ chế xây dựng và cơ chế tài chính.
 
Phần cứng lấn át phần mềm
 

 Nói đến việc triển khai các dự án CNTT sử dụng vốn ngân sách, các chuyên gia và các nhà quản lý trong ngành đều lắc đầu ngao ngán. Ở đâu có dự án là lại thấy mua sắm phần cứng ào ào. Chuyện này trong làng CNTT đã "xưa như trái đất". Ai cũng đồng ý đầu tư về CNTT chủ yếu phải là phần mềm (PM), ứng dụng, tỷ lệ giữa phần cứng và PM ít nhất phải đạt 1:4. Nhưng bạn bè, đồng nghiệp vẫn thường rỉ tai nhau: khi xây dựng dự án "đừng có vẽ PM vào đấy, không thanh toán được đâu". Ở nhiều nơi khi mua PM, người ta chỉ thích PM ngoại, dù biết rằng sử dụng hàng nội sẽ giúp công nghiệp CNTT nước nhà phát triển hơn. 
 
Cơ chế tài chính lỗi thời
 

Cố nhiên, việc quản lý các dự án CNTT và truyền thông (TT) không thể thoát căn bệnh chung của đầu tư xây dựng cơ bản là kỹ năng quản lý, hiệu quả đầu tư kém, hay bị thất thoát. Nhưng tình trạng mua sắm phần cứng nhiều hơn PM tương đối khó giải thích, khi thị trường phần cứng như máy tính đã gần bão hòa, chênh lệch chỉ chừng vài chục USD trên một máy, trong khi lợi nhuận buôn bán PM vẫn có thể "du di" được nhiều hơn. 

Có người giải thích: "Các cấp phê duyệt kế hoạch tài chính có coi CNTT ra gì đâu, PM lại càng khó hiểu. Họ cứ đóng chặt túi tiền lại thì làm sao lấy ra". Cách giải thích này xem ra chỉ có lý một phần. Các quan chức tài chính có vẻ rất quan tâm tới ứng dụng CNTT đấy chứ. Ngay ở Bộ Tài Chính, tổng cộng giá trị các dự án về ứng dụng CNTT đã phê duyệt cho thời gian tới cũng đã lên tới trên 5000 tỷ đồng.
 
Đa số các chuyên gia quản lý dự án hiện nay nhận định cơ chế đầu tư vào các dự án CNTT theo quy chế đầu tư xây dựng cơ bản ( Nghị Định 52) là bế tắc. Một số người thì cho rằng phải có định mức cao hơn về PM. Định mức ngày công cho kỹ sư PM không thể tính như công thợ nề trong xây dựng cơ bản! Tại phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT tháng 11/2005, vấn đề xây dựng một cơ chế tài chính mới, phù hợp với CNTT lại được đặt ra. Trước đó, các chuyên gia trong ngành đã thảo luận nhiều mà vẫn chưa tìm được "lối thoát".
 
Định mức hay không định mức?
 

Từ hai năm nay, Bộ BCVT đã quan tâm tới vấn đề xây dựng định mức về CNTT-TT nhằm khai thông một số ách tắc trong đầu tư và triển khai các dự án trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, định mức về phần cứng và các thiết bị viễn thông đã xây dựng xong, nhưng định mức về PM, dịch vụ tư vấn và thiết kế vẫn còn dang dở.
 
Các chuyên gia đang tranh luận xem nên tính định mức theo dòng lệnh, theo các điểm chức năng hay theo ngày công! Không có định mức thì không thể xây dựng thiết kế thi công kỹ thuật và tổng dự toán để phê duyệt.
 
 Một số đơn vị triển khai các dự án ứng dụng CNTT mạnh mẽ nhất là Đề Án 112, TP Hà Nội, TP.HCM và ngành tài chính - ngân hàng đều có quy chế đặc biệt về định mức đầu tư. Đề Án 112 xin được cơ chế "Chương trình mục tiêu". Các thành phố lớn có quyền ban hành các quy chế đặc biệt. Ngành tài chính - ngân hàng có thể dễ dàng ban hành các quy định cho ngành khi nào cảm thấy có ách tắc theo kiểu "cây nhà lá vườn". Các đơn vị còn lại chỉ biết kêu khổ! Nhiều người cho rằng phải có một Nghị Định 52 "phẩy" và các văn bản định mức mới đi kèm, trong khi một số quan chức trong ngành kế hoạch - đầu tư lại tỏ ý lo ngại các định mức như của TP.HCM, Đề Án 112 nếu áp dụng rộng rãi sẽ có những hậu quả khó lường. 
 
Thực ra, định mức đặc biệt là hết sức cần thiết nhưng chỉ giải quyết vấn đề trong một khoảng thời gian nhất định. Đề Án 112, Bộ Tài Chính đưa ra định mức cho kỹ sư PM trên 1 triệu đồng/ngày, đến nay đã cảm thấy không đáp ứng nổi yêu cầu thực tế nên dự định sẽ tiếp tục nâng định mức. TP.HCM đã ngừng áp dụng định mức đặc biệt mà chuyển sang sử dụng ngân sách chi thường xuyên cho các dự án ứng dụng CNTT. Theo đó, định mức không thành vấn đề, mà thanh toán theo thực chi. Tất nhiên cách làm này chỉ áp dụng cho các dự án nhỏ gọn, vì vậy đối với các dự án lớn được "xé nhỏ” đến tận cấp quận, huyện thậm chí phường, xã... thì cách này xem ra không ổn về lâu dài. Việc chia các dự án manh mún ra sẽ khó quản lý, dẫn tới vấn đề tương thích khi phải tích hợp các ứng dụng và nhất là sẽ lãng phí, trùng chéo vô kể.

Soạn: AM 639891 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đề án quản lý Tin học hóa hành chính nhà nước 112 là một trong hiếm các dự án ứng dụng CNTT có riêng cơ chế định mức đặc biệt. (Ảnh: HS)

Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Bế tắc lớn nhất, nhiều khả năng chính là ở đặc thù của CNTT: không thể áp dụng bất cứ quy chế đầu tư hiện hành nào cho dù có "cải biên" ít nhiều bằng các định mức. Có lẽ cần thay đổi ngay từ khâu xây dựng dự án. Quy trình đầu tư dự án theo Nghị Định 52 đòi hỏi phải có "Thiết kế thi công kỹ thuật và tổng dự toán" trước khi phê duyệt. Mức chi phí cho xây dựng dự án khả thi là từ 0,3-0,5%, cho thiết kế thi công kỹ thuật và tổng dự toán là dưới 2%. Bản thiết kế thi công kỹ thuật sẽ là chuẩn mực để giám sát và nghiệm thu công trình.

Đối với các dự án ứng dụng CNTT, đặc biệt là các dự án PM, khâu thiết kế kỹ thuật không thể theo mô hình "thác nước" như trong xây dựng cơ bản, mà phải thường xuyên điều chỉnh trong triển khai theo mô hình "xoáy trôn ốc" và thường chiếm 50-70% chi phí dự án. Như vậy, với mức chi phí quá thấp theo Nghị Định 52, chất lượng bản thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt sẽ rất kém vì không đủ đầu tư và cũng không thực tế do không được xây dựng trong thực tiễn triển khai. Bám vào bản thiết kế kỹ thuật thi công tiền kiểm này để triển khai các dự án về CNTT thì hiệu quả kém là điều không tránh khỏi.

Trong thực tiễn, thiết kế kỹ thuật thi công của các dự án CNTT liên quan nhiều đến PM, tư vấn thiết kế chỉ còn là hình thức. Tệ hại hơn, bế tắc này biến quy trình đấu thầu trở thành hình thức. Do quy định mức chi phí cho thiết kế kỹ thuật quá ít ỏi, không doanh nghiệp (DN) nào muốn tư vấn thiết kế cho các dự án CNTT, nếu không muốn bôi bác cho qua chuyện. Chính vì vậy các chủ đầu tư phải "nhắm mắt làm ngơ”, đôi khi cố ý đồng lõa với việc các DN lập thành các liên minh tranh giành dự án. Các liên minh này sẽ tài trợ (hoặc hứa hẹn) một phần béo bở trong dự án cho một doanh nghiệp chịu đứng ra làm thầu tư vấn thiết kế. "Ăn cây nào rào cây ấy", nhà tư vấn cố nhiên sẽ phải phục vụ quyền lợi cho người thuê mình - các nhà thầu tương lai, chứ không phải chủ đầu tư.

Kết quả của tình trạng này là việc đấu thầu chỉ còn là hình thức, tốn kém và tiêu cực. Chất lượng của bản thiết kế thi công sẽ tương tự một mớ giấy lộn. Áp dụng mớ thiết kế-giấy lộn đó thì thất bại là cầm chắc. Như vậy, chế độ tài chính "tiền kiểm", có thiết kế và dự toán rồi mới phê duyệt hoàn toàn không thích hợp với các dự án PM và tư vấn thiết kế các hệ thống thông tin. Cho dù có định mức cao ngất hay một Nghị Định 52 "phẩy" mà vẫn theo lối "tiền kiểm" thì vấn đề vẫn tồn tại.

Như vậy, có lẽ các nhà quản lý CNTT tại TP.HCM đã đi trước một đoạn khá xa và hoàn toàn có lý khi áp dụng chế độ hậu kiểm.

CNTT như xà phòng, giẻ lau?

Vấn đề chi cho PM và tư vấn về CNTT đã từng là thách thức ở các nước trên thế giới. Từ năm 1957-1983, Mỹ xếp chi PM vào mục chi thường xuyên chung với các vật tư tiêu hao. Sau nhiều năm, Văn Phòng Ngân Sách và Kế Hoạch mới nhận ra việc xếp chung như vậy có ảnh hưởng tới tính toán về tích tụ tài sản quốc gia và GDP. Hiện nay, chi về CNTT tại Mỹ đã được xếp thành chương riêng trong hạng mục đầu tư và mua sắm quốc gia. Ở Hàn Quốc, ngân sách được chia làm 3 mục riêng rẽ: chi thường xuyên, sự nghiệp do Bộ Tài Chính quản lý, chi đầu tư chung do Bộ Kế Hoạch - Đầu Tư quản lý và Quỹ Đầu Tư về CNTT do Bộ Viễn Thông quản lý. Mỗi mục chi đều có các quy định sử dụng phù hợp.

Hiện nay, trong ngân sách chung của Việt Nam gồm có chi đầu tư áp dụng chế độ tiền kiểm, chi sự nghiệp, chi thường xuyên áp dụng chế độ hậu kiểm.

Một số ngành như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, quản lý - tổ chức đã sớm có mục chi sự nghiệp của mình trong luật ngân sách. Áp dụng chế độ "hậu kiểm", làm xong mới quyết toán theo thực chi, là phù hợp với những lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị vô hình, cần mềm dẻo sáng tạo trong quá trình triển khai. Hơn nữa, khi "hậu kiểm" có thể áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả một cách sát sao với thực tế là điều mà cơ chế "tiền kiểm" đang rất yếu.

Riêng về CNTT, do chưa được khai sinh trong luật ngân sách, hiện tại vẫn phải chịu cảnh "ăn nhờ ở đậu". Có nơi vẫn có quan điểm sai lầm cho rằng chi về CNTT phải lấy từ chi sự nghiệp về khoa học công nghệ. Có nơi "tạm gửi" CNTT vào chi đào tạo hay các khoản vặt vãnh như văn phòng phẩm, xà phòng, giẻ lau và giấy vệ sinh. Nếu Luật CNTT sắp tới không đưa đầu tư PM và tư vấn về CNTT vào mục chi sự nghiệp trong phân bổ ngân sách thì các dự án về CNTT vẫn tiếp tục manh mún và bế tắc!

Lệnh Lỗi Dương (Theo PCWorld)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,