Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) cho DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (DNVVN) là vấn đề đang được mọi người, mọi ngành rất quan tâm.
Ngay trong năm 2005, đã có hàng loạt chương trình hỗ trợ các DN ứng dụng CNTT được thông qua, trong đó có chương trình "Máy tính thông minh - doanh nghiệp thành đạt" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với công ty Intel và các đối tác triển khai. Một cuộc tọa đàm xoay quanh những khó khăn và hiệu quả trong ứng dụng CNTT trong DNVVN cũng đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 20/12/2005.
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Phó tổng thư ký VCCI, đề án phát triển ứng dụng CNTT trong DN do VCCI (đề án 191) đã được Chính phủ phê duyệt và hiện đang bắt đầu được triển khai. Cũng ngay sau đó 1 tháng, ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thêm 1 đề án nữa (Quyết định 222) về Kế hoạch phát triển thương mại điện tử đến 2010, như vậy chỉ trong 2 tháng liên tiếp, Chính phủ đã “mở đường” cho CNTT thâm nhập vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
Những chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ phát triển luôn được kỳ vọng về hiệu quả thiết thực và sự thành công. (Ảnh: HS) |
Quan trọng nhất là nhận thức của DN
Tuy nhiên, bức tranh ứng dụng CNTT trong các DN hiện cũng chưa mấy sáng sủa bởi Việt Nam hiện có khoảng 200.000 DN và thậm chí còn cao hơn rất nhiều nếu tính thêm cả 2 triệu hộ kinh doanh cá thể. “Nếu số lượng này ứng dụng CNTT hiệu quả thì sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế và chính DNVVN mới là đối tượng cần thiết nhất phải ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Thảo nhấn mạnh.
Có rất nhiều lý do khiến cho bức tranh chưa mấy sáng sủa ấy, và một trong những lý do chủ yếu lại nằm ở chính vấn đề nhận thức của các DN.
Theo số liệu của VCCI, tại Sàn giao dịch điện tử đã được đơn vị này thiết lập cách đây vài năm, hiện đang có khoảng 4.000 DN tham gia giao dịch nhưng chủ yếu sôi động lại nằm phần lớn ở khối các công ty nước ngoài. Thậm chí các chào mời, đặt hàng từ phía các công ty nước ngoài không hề được các công ty trong nước để ý đến (dù có đăng ký trên sàn giao dịch). Điều đó cho thấy rằng, bản thân các DNVVN cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT hay sử dụng thương mại điện tử vào công việc kinh doanh của mình.
Đại diện một số DNVVN có mặt tại tọa đàm lại cho rằng, họ cũng chưa hề được biết đến việc đã có một Sàn giao dịch điện tử để hỗ trợ cho các DN và cũng chưa biết cách thức như thế nào để có thể quảng bá được các sản phẩm của mình cho nhiều khách hàng và đối tác được biết.
Như vậy, một trong những vấn đề khó khăn mà các DNVVN gặp phải lại là làm sao tiếp cận nguồn thông tin về ứng dụng CNTT?. Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh lĩnh vực thiết bị y tế đề xuất: các cơ quan và đơn vị hỗ trợ DN như VCCI có thể gửi thường xuyên các thông tin về các chương trình hỗ trợ ứng dụng CNTT cũng như các kiến thức về ứng dụng CNTT cho các DNVVN. Điều đó sẽ giúp họ vừa có được thông tin, kiến thức, từ đó có thể ra những quyết định đầu tư hợp lý cho ứng dụng CNTT.
Cần lực đẩy: Hỗ trợ của nhà nước!
Ông Nguyễn Văn Thảo: "Các DN phải nhận thức được, ứng dụng CNTT là công cụ để nâng cao sức cạnh tranh". (Ảnh: HS) |
Ông Hoàng Quốc Lập, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT cho rằng, còn một số lý do liên quan đến vấn đề tài chính, nguồn nhân lực của các DNVVN. Đây thường là các DN có tiềm lực tài chính thấp nền phải cân nhắc trong việc đầu tư cho CNTT và nhân lực cho CNTT.
Về phía Intel - công ty khởi xướng chương trình Máy tính thông minh - Doanh nghiệp thành đạt thì cho rằng: con đường đến với CNTT của các DNVVN cũng có nhiều khó khăn. Nếu nói về độ sẵn sàng, không ai có thể bắt DN ứng dụng CNTT nếu như chính họ không nhận thấy đấy là điều cần thiết.
Nhận thức của DN chưa “thông” mới là điểm mấu chốt hơn các vấn đề liên quan đến nguồn lực và tài chính. Các DN phải coi trang bị CNTT là một khoản đầu tư để có thể thu lợi qua hoạt động sản xuất kinh doanh (thu lợi gián tiếp). Quan trọng nhất là nhà lãnh đạo DN cần nhận thức được điều đó.
Để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong các DN vừa và nhỏ, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Vũ Đức Đam khẳng định: Nhà nước luôn tạo điều kiện để các DN vừa và nhỏ tiếp cận nhanh hơn với CNTT. Vấn đề là DN cần phải có ý kiến của mình, đưa ra những khó khăn, khúc mắc để kịp thời giải quyết. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT trong các DN vừa và nhỏ là cần đến cả lực kéo và lực đẩy.
Lực kéo chính là những chương trình như đề án 191 hay các chương trình hợp tác kiểu như "Máy tính thông minh - Doanh nghiệp thành đạt", còn lực đẩy chính là sự hỗ trợ và đi đầu của Nhà nước. Nếu như các chính sách của Nhà nước được phát hành trực tuyến, các cơ quan liên quan đến hoạt động kinh doanh sản xuất như: thuế, ngân hàng... đều thực hiện các giao dịch qua CNTT thì bắt buộc DN sẽ phải theo.
(Theo TBKTVN)