221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
569130
Người dựng "nhà khách" cho Việt kiều
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Người dựng 'nhà khách' cho Việt kiều
,

(VietNamNet) - Ông cũng là một Việt kiều. "Căn nhà khách" ông dựng gần 5 năm nay đã là nơi "trú ngụ" của hàng trăm Việt kiều khi hồi hương. Khiêm tốn chỉ nhận mình là "người bắc cầu", Chủ nhiệm CLB Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ, người vừa "chủ trì" chuyến "Hành trình xuyên Việt" cho các doanh nhân Việt kiều đã có cuộc trò chuyện với VietNamNet nhân dịp đầu xuân.

Gặp chủ "nhà khách"

Chủ nhiệm CLB Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ: "Tôi chỉ là người bắc cầu"... Ảnh Nguyệt Minh

Cho rằng mình đã tích luỹ được "vốn kinh nghiệm kha khá" trong 5 năm về nước hoạt động kinh doanh, ý tưởng thành lập CLB Doanh nhân Việt kiều của Nguyễn Ngọc Mỹ bắt đầu từ năm 1997 với "tham vọng" chia sẻ sự hiểu biết, mối quan hệ cũng như kinh nghiệm thực tế cho những anh em Việt kiều.

Ba năm sau đó, CLB chính thức có giấy phép mở cửa tại TP.HCM và hiện CLB đã hoạt động ở Hà Nội, Vũng Tàu, Cần Thơ.

- Giai đoạn đầu thành lập CLB, ông có nhận được nhiều sự cổ vũ của kiều bào không?

- Hỗ trợ trên tinh thần thì có và cũng có một số anh em Việt kiều giúp đỡ, hỗ trợ bằng vật chất. Tôi cũng có cậy nhờ những anh em Việt kiều đã về đây lâu, lại có sự hiểu biết sâu sắc về nhiều chuyên ngành, lĩnh vực mà tôi không nắm hết được để nhờ họ lo giúp khâu hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm cho những anh em mới.

- Ông tự tin rằng mình có đủ uy tín để thành lập một CLB như vậy?

- Uy tín và lòng tin thì tôi không có thể khẳng định được nhưng vì ý tưởng của tôi xuất phát từ mục đích tốt, có ích nên có nhiều anh em Việt kiều ủng hộ thôi.

- Xây dựng một mô hình CLB Doanh nhân Việt kiều như hiện nay, điều gì làm ông tâm đắc?

- Điều tâm đắc thứ nhất của tôi là đã làm được những việc tôi thấy ấm lòng và có ích cho mọi người. Còn nhiều việc mình cũng đã làm, nó không hiện hữu bằng những kết quả cụ thể, có thể chỉ là vô hình thôi mà mình không nắm hết được. Ví dụ như khi một Việt kiều muốn gặp gỡ, trao đổi với một anh TNHH trong nước, thì tôi làm người bắc cầu cho họ. Sau đó, họ thoả thuận, ký kết, hợp tác làm ăn ra sao, lợi nhuận, kết quả thu được thế nào, cái đó tôi không nắm rõ. Chỉ biết rằng, mình đã làm được điều có ích cho cả hai bên là đã thấy mãn nguyện lắm rồi.

Với những anh em thành viên gặp khó khăn, rắc rối về vấn đề này, thủ tục kia... thì CLB, với tư cách pháp nhân, đã đứng ra gửi thư hay đơn từ đi chỗ này chỗ nọ, hoặc trực tiếp đề đạt, kiến nghị với các cấp chính quyền để tìm cách tháo gỡ.

Ngoài ra, mỗi khi có chủ trương, chính sách gì của Nhà nước, CLB doanh nhân Việt kiều đều vận động anh em thực hiện, hưởng ứng. Điều này nó mang tính tập thể chứ không phải cá nhân đơn lẻ và có đường hướng rõ ràng.

"Thời gian ở VN chiếm 90% quỹ thời gian sống hiện nay của tôi"

Cùng gia đình định cư ở Úc từ năm 1978, đến năm 1983, sau chuyến sang Trung Quốc công tác, bồi hồi vì bắt gặp một số phong cảnh không khác gì Việt Nam, ông bắt đầu nung nấu ý định trở về quê hương.

Đến năm 1992, tôi mới có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Và từ đó đến nay, hành trình Việt Nam - Australia - Việt Nam cứ đều đặn trong thời gian biểu của ông. Nguyễn Ngọc Mỹ tâm sự: "Với tôi, càng ngày thời gian dành cho Việt Nam càng nhiều, chiếm tới 90% tổng quỹ thời gian sống và làm việc của tôi hiện tại".

- Đang điều hành một công ty riêng với khoảng 300 nhân viên ở Australia, ông có phải đắn đo nhiều không khi quyết định về Việt Nam đầu tư?

- Tôi không đắn đo vì không hề có ý định từ bỏ công việc làm ăn ở bên đó. Khi về Việt Nam, tôi thu hẹp quy mô để dồn sức phát triển ở trong nước. Sau khi có thế đứng bài bản của một doanh nhân ở trong nước, tôi sẽ quay trở lại Australia để đưa Công ty tăng tốc phát triển với một tư cách mới, một tâm thế và sức mạnh mới - đó là sức mạnh từ sự hợp tác, liên minh với các doanh nhân trong nước để cùng phát triển, vươn tới nắm bắt cơ hội làm ăn trên toàn cầu. Và để thực hiện được dự định đó, cần ít nhất 10 năm nữa để tích lũy, chuẩn bị.

- Công việc hiện nay có ảnh hưởng đến đời sống gia đình ông không?

- Gia đình tôi hiện đã về Việt Nam hết rồi. Bốn đứa con của tôi đã trưởng thành và đều lập Công ty riêng, làm ăn sinh sống tại Việt Nam. Hiệu quả làm ăn cũng rất tốt. Danh nghĩa là đôi quê nhưng giờ hầu như tôi chỉ ở một chốn.

- Ngoài CLB doanh nhân Việt kiều, ông còn hoạt động nào khác ở VN?

- Có chứ. Tôi có đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, đến nay cũng xây được 4 - 5 ngôi nhà cao tầng rồi. "Trainning" cũng được cỡ ngàn thợ thầy rồi. Rồi thì đầu tư vô trường đua chó, đua ngựa... Nhìn chung, việc đầu tư của tôi ở VN rất hiệu quả.

Việt kiều là những nhà marketting tốt nhất...

- Bản thân là "cầu nối" giữa Việt kiều với quê hương, ông có dự định gì để gắn kết chặt chẽ sợi dây tình cảm của kiều bào với đất nước mình hoặc thu hút nhiều người trong số đó trở về quê không?

- Tôi lại không có ý tưởng lôi kéo, thu hút Việt kiều trở về quê hương. Vì như tôi đã nói ở trên, trong hiện tại và tương lai, Việt kiều sẽ là những nhà marketting tốt nhất cho các mặt hàng, sản phẩm chiến lược trong nước vươn ra thị trường quốc tế nhờ lợi thế cũng như sự hiểu biết của họ ở khắp năm châu, bốn biển. Vậy tại sao mình phải lôi kéo họ về trong khi ở nước ngoài, họ sẽ giúp ích được rất nhiều cho đất nước?

Tôi tin rằng trong những năm tới, qua hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, những mặt hàng chiến lược để xuất khẩu nó cũng rất cần một số anh em Việt kiều giúp đỡ về đầu ra. Bởi vì, họ là những người tiền phương trong nền kinh tế chiến lược toàn cầu. Tại mỗi nơi họ sống, họ nắm vững thông tin về thị trường, kinh tế, chiến lược và marketting hơn.  

- Ông có nhận xét gì về tính hiệu quả của các dự án mà Việt kiều đang đầu tư tại Việt Nam?

- Tôi nghĩ rằng sự đóng góp của Việt kiều thì kiều hối là vấn đề quan trọng nhất, là thành quả lớn nhất. Tuy hiện tại số lượng Việt kiều đầu tư trong nước khá lớn, lên tới hàng ngàn người nhưng do một chốn đôi quê cho nên rất khó khăn trong vấn đề quản lý, điều hành, chăm sóc công việc, định hướng phát triển cho Công ty, dự án... Điều này cũng làm giảm tính hiệu quả của các dự án chương trình đầu tư trong nước của nhiều anh em Việt kiều.

Đóng góp lớn thứ hai là vai trò của nhà marketting. Tôi cho rằng, trong hiện tại và tương lai, đây sẽ là đóng góp quan trọng, quyết định khá nhiều đến sự thành bại của chiến lược phát triển kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt kiều có lợi thế là vừa nắm rất rõ thị trường tiêu thụ ở các nước, vừa biết kỹ xuất xứ mặt hàng ở nước mình. Chứ còn đưa một ông Tây vô đây cho ông ta hiểu hết về Việt Nam cũng mất tới 3 năm, ngược lại tham tán thương mại mà cho hiểu hết về nước ông ta đến cũng mất tối thiểu chừng đó thời gian. Tận dụng chất xám và kinh nghiệm của Việt kiều trong lĩnh vực này là hiệu quả hơn cả.

- Theo ông, động lực nào để hút Việt kiều và kiều hối gửi về ngày một nhiều, xuất phát từ tình cảm hay vì cơ hội kinh tế?

 - Tôi không tin hiện tượng đó xuất phát từ vấn đề tình cảm, vì tình cảm của Việt kiều đối với quê hương trước sau như một - vẫn vậy. Cách suy nghĩ logic ở đây là lượng Việt kiều ngày một đông. Ví như một gia đình trước kia chỉ có một cặp vợ chồng và một đứa con thì nay có hai, ba, rồi thì thế hệ cháu chắt. Tương tự như vậy, gia đình tôi trước chỉ có hai người làm, bây giờ có tới 6 người làm, lẽ tất nhiên số lượng tiền dư trong gia đình cũng theo đó mà tăng lên thì tiền gửi về Việt Nam sẽ ngày một nhiều hơn.

Ngoài ra, lượng người về đầu tư nhiều hơn còn do chính sách mở cửa thông thoáng của Nhà nước, Chính phủ cũng như sự thuận tiện hơn hẳn của các phương tiện đi lại giữa Việt Nam và các nước.

Tôi tin theo đà này, kiều hối sẽ ngày một tăng cao. Hiện số lượng kiều hối gửi về nước cũng tương đương với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong khi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam người ta còn lấy lãi, thu hồi vốn thì kiều hối gửi về phần lớn là sự đầu tư "một đi không đòi hỏi ...trở lại", ít ra là một nửa cho gia đình, một nửa cho tương lai con cháu và bản thân Việt kiều khi về hưu, muốn quay về sinh sống tại quê hương.

Để nguồn kiều hối đó không bị phung phí, sinh lời đúng mục đích, tôi cho rằng, Nhà nước cũng nên tính toán thế nào để nghiên cứu, hướng dẫn cho luồng nước chảy nó vô những chỗ trũng cần thiết, để làm cho guồng máy kinh tế càng ngày càng mạnh, đừng để cho nó phung phí, bốc hơi.

Chúng tôi đã thực sự bất ngờ...

Bất ngờ và cảm động. Đó là cảm giác của chúng tôi khi trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các địa phương qua hành trình xuyên Việt vừa qua. Sự hiểu biết và tâm thế chủ động của họ làm chúng tôi phải ngạc nhiên, không như hình dung ban đầu. Họ đã chủ động tìm hiểu và tự đổi mới cách nghĩ, cách tư duy.

Ông Mỹ tâm sự.

- Qua hành trình này, liệu sự hiểu biết, cập nhật đầy đủ thông tin sẽ giúp bà con Việt kiều mạnh dạn hơn để triển khai những dự án đầu tư ở quê hương mà bấy lâu họ ấp ủ?

- Sau chuyến đi, chúng tôi rút ra rằng, nếu ai chỉ có ý định đầu tư ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thì quả là sai lầm. Chính các địa phương, với chi phí đầu tư rẻ và nhiều lợi thế khác mới đem lại nhiều cơ hội đầu tư, làm ăn hiệu quả cho Việt kiều cũng như các nhà đầu tư khác. Thực lòng mà nói, chuyến hành trình xuyên Việt lần này đã giúp quy trình thủ tục đầu tư của nhiều anh em Việt kiều đã được rút ngắn, giản tiện rất nhiều lần. 

- Bản thân ông có dự định gì sau chuyến đi này?

- Anh em chúng tôi sẽ bắt tay sàng lọc, tổng hợp những cơ hội, kinh nghiệm đầu tư tại mỗi địa phương mình đi qua để xây dựng một thư viện về các cơ hội đầu tư tiềm năng, trong đó phân loại rõ từng lĩnh vực, cấp độ để không chỉ các thành viên tham gia hành trình mà Việt kiều ta khắp thế giới đều có thể tìm hiểu cơ hội đầu tư về Việt Nam qua thư viện đó.

- Nếu được "tiếp thị" Việt Nam với người nước ngoài và chính những kiều bào sống xa tổ quốc, ông sẽ nói gì?

- Có đi hết VN mới biết đất nước mình tuyệt đẹp, không đâu sánh bằng... 

- Xin cảm ơn ông!

  • Nguyệt Minh
    thực hiện
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,