221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
744488
Cái giá của việc "lỡ tàu" WTO
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Cái giá của việc 'lỡ tàu' WTO
,

(VietNamNet) - Chúng ta không vào WTO bằng mọi giá nhưng cái giá ở đó là gì không thấy ai nói đến. Và cũng chưa ai trả lời xác đáng câu hỏi: VN phải trả giá như thế nào nếu tiếp tục chậm chân.
>>
"Lỡ tàu" WTO: nguyên nhân không từ một phía

Bài toán được mất: ai giải?

Báo chí đã nói khá nhiều đến chuyện được mất, cơ hội và thách thức khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, có một thực tế là VN gia nhập WTO được hay mất, được và mất như thế nào, giá rẻ hay đắt chưa bao giờ được phân tích một cách kỹ lưỡng và đưa ra đáp số thuyết phục.

"Khi vào thì ai cũng phải trả giá. Tất nhiên, không ai bằng mọi giá để mua một món hàng quá đắt. Nhưng ở đây cái giá để vào WTO chưa được phân tích một cách đầy đủ hoặc những người đưa ra ý tưởng đó cũng chưa phân tích thấu đáo. Cái giá phải trả là giá nào để nói chúng ta không chấp nhận bằng mọi giá. Ở đây cái giá do ai đưa, đến mức nào để xem nền kinh tế của chúng ta có chịu đựng được không?".

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia tư vấn của Thủ tướng đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA nhận xét:

"Bài toán được mất này ta chỉ giải bằng phương pháp suy đoán. Các đáp số chỉ được đưa ra dưới dạng định tính. Người VN mình vốn quen với các phép tính của tiểu nông, kiếm được một đồng thì bo bo giữ một đồng cho chắc ăn. Mọi người chỉ sợ mất, chỉ lo giữ cái của mình đã có, rào sân mình cho kín".

Căn cứ trên những lời phát biểu của người trong cuộc, dư luận cũng chỉ mơ hồ: đối tác đặt ra yêu cầu quá cao, nếu đáp ứng nền kinh tế sẽ đổ vỡ. Vì thế: Chúng ta không thể gia nhập bằng mọi giá!

"Trong lúc đó đứng trên bình diện tổng thể lại không có ai làm trọng tài, không có bộ lọc xử lý xem những cái mất đó là có mất thật không, cái mất đó là của xã hội, của nền kinh tế hay là cái mất cục bộ. Giữa cái mất cục bộ với cái được của xã hội cái nào lớn hơn"?

Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA

Ngoài ra, cho đến nay, ở VN vẫn hoàn toàn thiếu vắng những nghiên cứu thực sự và đầy đủ về cái được và cái mất, chỗ nào là lợi ích cần phải bảo vệ đến cùng, chỗ nào là lợi ích có thể nhân nhượng được hoặc nhân nhượng đến mức nào thì nền kinh tế có thể chịu đựng được.

Chuyên gia Lê Kim Sa, hiện đang làm việc cho Trung tâm mới thành lập để đánh giá tác động của việc gia nhập WTO thừa nhận, công tác nghiên cứu hiện nay hạn chế. Ông này cho biết, giới chuyên gia chủ yếu tiếp cận thông tin qua báo chí để phục vụ công tác nghiên cứu.

Trong khi, thông tin trên báo chí về nội tình hết sức hạn chế. Thậm chí, chưa ai được tận mắt nhìn thấy những thoả thuận song phương mà VN đã ký kết với một số đối tác như EU, Nhật Bản, Trung Quốc.

Lỡ chuyến 2005: không có gì phải thất vọng?

Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Hongkong đã diễn ra được hai ngày với những tín hiệu tích cực về khả năng hoàn tất vòng đàm phán Doha trong năm 2006. Khi đó, cái giá VN phải trả để vào được Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ như thế nào?

Nếu như nửa đầu năm nay, người ta hào hứng và lạc quan nói tới khả năng gia nhập WTO ngay trong năm 2005 thì những tháng cuối năm, khi Hội nghị Bộ trưởng WTO đang tới gần, bầu không khí nguội đi một cách đáng ngạc nhiên. Cảm nhận chung từ những ý kiến phát biểu trên báo chí thì dường như VN không có gì phải thất vọng và rằng không nên coi gia nhập WTO là mục tiêu.

Tuy nhiên, nhìn lại, không chỉ một lần, VN đặt ra thời hạn phải gia nhập WTO trong năm 2005. Năm 2004, VN đã lên tiếng bày tỏ muốn gia nhập WTO vào tháng 1/2005. Sau đó, thời hạn này được lùi lại cho tới tháng 12. Nhiều chuyên gia cho rằng, không phải vô cớ mà VN tự đặt mục tiêu gia nhập WTO trong năm nay.

Trước hết, về lợi ích của ngành dệt may đang chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của VN. Năm nay, tất cả các thành viên WTO đều được hưởng cơ chế xuất khẩu tự do vĩnh viễn, thay vì phải chịu áp đặt hạn ngạch như trước. Sự cởi bỏ này đã tạo điều kiện mở toang cánh cửa cho hàng dệt may của nhiều nước chiếm lĩnh thị trường thế giới, đi đầu là Trung Quốc. Trong khi đó, VN vẫn phải chịu áp đặt hạn ngạch. Kết quả nhìn thấy được là dệt may VN đang đối mặt với nhiều sức ép mất thị phần tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU.

Có lập luận cho rằng, vừa qua, EU đã bỏ quota dệt may cho VN nhưng tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này vẫn không tăng lên đáng kể, "chứng tỏ quota có hay không chỉ là một nhân tố". Nhưng bà Phạm Chi Lan cho rằng, phải đặt vào vị trí đối tác để hiểu, họ vẫn cảm thấy quan ngại những rủi ro nếu các cam kết song phương thay đổi. Vì thế, "sẽ ít có doanh nghiệp dám đầu tư lớn, làm ăn lâu dài với VN", bà Lan giải thích.

Trên bình diện chính trị, VN trở thành thành viên WTO năm 2005 sẽ là cái kết đẹp cho giai đoạn phát triển năm năm và mở ra một giai đoạn mới. VN đã tự đặt mục tiêu năm 2010 là thời điểm cất cánh của nền kinh tế, cũng là hầu hết các cam kết WTO được thực thi. Không ai dám đảm bảo, việc lui lại này sẽ không dẫn tới lùi lại nhiều việc khác, một chuyên gia bình luận.

VN lỡ chuyến vào WTO 2005, giới cảm thấy thất vọng nhiều nhất là cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và những người cổ xuý mạnh mẽ cho tiến trình hội nhập.

Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, bà Virginia Foote cho rằng, việc VN và Mỹ không kết thúc được đàm phán trong năm nay không phải là một thảm hoạ. Song, bà này cũng nói thêm, "tôi nghĩ, cộng đồng DN Mỹ và ngay cả cộng đồng DN Việt Nam đều ít nhiều thất vọng với hai chính phủ".

Chậm chân = bị gạt ra rìa cuộc chơi

Phát biểu trên báo chí về những thiệt thòi khi chậm gia nhập WTO, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Chủ nhiệm UB Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế đã thừa nhận:

"Càng muộn thì yêu cầu càng cao. Nếu vòng đàm phán Doha thoả thuận được thì tiêu chuẩn gia nhập ngày càng căng hơn đối với mình. Điều đó nghĩa là những điều kiện đòi hỏi mình mở cửa rộng hơn, sâu hơn. Cái khó lớn nhất là chỗ đó".

Trước đó, có ý kiến cho rằng, vòng đàm phán Doha đang gặp trục trặc, khó có khả năng kết thúc trong năm 2006. Do đó, VN không phải quá vội vàng để vào sân chơi chung trước khi WTO đạt được thoả thuận mới.

Thế nhưng, thông tin từ Hội nghị Bộ trưởng WTO đang diễn ra tại Hongkong cho thấy,các thành viên WTO đang quyết tâm kết thúc vòng đàm phán Doha trong năm 2006. Vậy khi đó, giá VN vào WTO sẽ như thế nào?

Có một sự thật là: VN đã lỡ mất cơ hội chủ động tham gia và có tiếng nói trong vòng đàm phán tự do thương mại toàn cầu.

Mặt khác, trong hai năm qua, thế giới cũng chứng kiến sự nở rộ của các khu vực thương mại tự do, hiệp định tự do thương mại song phương (FTA). Lý do đơn giản: với nhiều nước, chiếc áo WTO nay đã trở nên quá "chật".

Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan, Malaysia đã "đánh lẻ" đi ký kết Hiệp định Tự do Thương mại với Mỹ, Australia...bất chấp sự không mấy hài lòng của các thành viên còn lại. Lập luận của những nước này: không thể chờ đợi các nước còn lại. Với họ, lợi ích quốc gia là tối cao, là cái thiêng liêng nhất phải giành lấy.

EU cũng đang xúc tiến đàm phán FTA với ASEAN. Nhưng trong tính toán của họ, lại là ba nước Thái Lan, Singapore, Malaysia. Trong danh sách, không có VN!

Hai ngày trước, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nhật Bản Koizumi, hai bên đã đồng ý bắt đầu đàm phán ký kết FTA.

VN có đủ sức chơi FTA như các nước khác hay không khi bản chất của FTA là WTO ++, tức là mở rộng hơn dựa trên những luật chơi của WTO? Nếu chưa vào được WTO, làm sao VN có được FTA?

VN không thể đứng ngoài WTO và cũng không hề có ý định đứng ngoài WTO. Nhiều chuyên gia tổng kết quá trình đổi mới đã nói rằng mở cửa càng thông thoáng thì nền kinh tế càng phát triển nhanh.

Trung Quốc, nước láng giềng lớn của VN đang mở cửa nhanh theo hướng đó và đang trở thành người khổng lồ được đánh thức.

  • Việt Lâm

Gia nhập WTO - Bài toán được mất
Gia nhập WTO, được nhiều hơn mất
“Gia nhập WTO cũng là để bảo vệ mình”

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,