221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1312783
Nói và làm như Hồ Chí Minh
1
Article
null
Nói và làm như Hồ Chí Minh
,

Nói và làm như Hồ Chí Minh bằng một cương lĩnh phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, nhất định Đảng sẽ giữ vững vị trí tiên phong dẫn dắt Tổ quốc ta, dân tộc ta vượt qua mọi trở ngại...

LTS: Sau loạt bài tranh luận nhân góp ý về dự thảo cương lĩnh của tác giả Bùi Đức Lại và Nguyễn Đức Bách, VietNamNet nhận được bài viết có tựa đề “ Nói và làm như Hồ Chí Minh”.

Tác giả bài viết này từng nắm giữ vị trí lãnh đạo tại một cơ quan công quyền. Bài viết của ông, tuy có những điểm cần được tranh luận để sang tỏ thêm, song có những góc nhìn riêng đáng suy ngẫm. Trên tinh thần tôn trọng những ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi, tôn trọng không khí tranh luận cởi mở, VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết này.

>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI

Trước khi khai cuộc Đại hội Đảng, kể từ thời đổi mới, dân ta lại có dịp đặc biệt hiếm hoi để thể hiện mọi ý kiến khác nhau tâm huyết và thẳng thắn để góp cho các dự thảo văn kiện của Đảng. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, lại còn Đảng của toàn dân tộc như Đảng nhiều lần nhấn mạnh, như đã được ghi trong Hiến pháp và đã được đa số nhân dân thừa nhận.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ gần đây nói cuộc đóng góp ý kiến này là không có vùng cấm. Bác Hồ đã từng nói Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ… Thế nên ý kiến khác nhau, thậm chí xung đột nhau không hề có lý do đặc biệt nào mà không hoan hô. Và trong Công luận đại Diên Hồng mở rộng này, các thái độ khác nhau là một sự hiển nhiên và đều được hoan hô cả.

Cái gì là giáo điều, cái gì là cũ kỹ, cái gì là lý tưởng mới, thực tiễn mới lồ lộ

Mô tả ảnh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015. Ảnh: Trang thông tin điện tử Đại hội XI

Tuy vậy, phải là người nghe có thái độ như thế nào mới là người biết hoan hô và thật lòng hoan hô. Thái độ ấy là thái độ gì? Chỉ có mấy ngày, mấy bài viết được công bố gần thôi đã thấy thái độ nghe là cực kỳ phức tạp, cực kỳ tế nhị và cực kỳ nhạy cảm. Kể ra không nên dùng cái chữ nhạy cảm đầy che chắn này. Chữ này dùng trong cái việc liên quan đến các bộ phận của cơ thể người còn tạm được, dùng trong chính trị, dùng trong khoa học là né tránh, là không thẳng thắn và minh bạch cho lắm.

Tỷ dụ, sau loạt bài viết của một cán bộ chuyên viên bậc cao, đúng và chưa đúng còn tốn vô khối giấy mực. Lại có một bài nhân danh một cán bộ khoa học vừa nhẹ nhàng, vừa châm biếm, vừa có vẻ hù dọa bài viết kia là chống cái này, chống cái kia, lại vừa có ý bảo rằng người viết bài kia lý luận không thấu đáo thì chớ nên bàn về vấn đề lý luận! Lý luận là gì nhỉ? Lý luận là cao siêu lắm sao? Liệu có cao được như việc phát hiện ra được một định luật vĩ đại chỉ bằng sự ngẫu nhiên mà quan sát thấy quả táo rơi của cụ Newton không? Là luận là đọc thật nhiều sách, nhớ và trích dẫn thật nhiều câu nói của các nhà hiền triết và chứng minh bằng cái công cụ , cái thực tiễn mà các nhà này nói ra cách đây cả ngàn năm, cả trăm năm sao? Lý luận có lẽ không phải như vậy, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại thông tin.

Ở thời đại này, cái gì là giáo điều, cái gì là cũ kỹ, cái gì là lý tưởng mới, thực tiễn mới cứ là lồ lộ trước mắt bàn dân thiên hạ. Có cố ý che giấu, cố ý “cả vú lấp miệng em” cũng không thể nào làm được. Lại nữa, tính chất toàn cầu hóa, thông tin hóa của thời đại không cho phép con người ta ăn nói, viết lách dài dòng văn tự. Bởi mỗi con người, mỗi dân tộc và toàn thể nhân loại đang đối mặt với vô vàn thách thức và cơ hội không thể ề à, không thể do dự và đặc biệt không thể giáo điều.

Người viết bài này, có được mấy dòng cảm hứng trực quan nói trên là nhờ có không khí tự do được đóng góp cho văn kiện Đảng. Từ cảm hứng trực quan, cũng xin đóng góp trực quan, có nghĩa là không có căn cơ về cơ sở lý luận, không có hiểu biết về ngoại hàm và nội hàm, chỉ xin trực quan mấy thao tác nhỏ.

Phải loại bỏ mọi nội dung dẫn đến tình trạng viết, nói một đằng làm một nẻo

Một là, Cương lĩnh phần dự báo sao cho tương đối gọn, chẳng nên dài dòng về những gì đã bị cuộc sống vượt qua, nhất là những gì là mảnh vỡ dị dạng: Không thể công nhận hình mẫu cộng sản và chủ nghĩa xã hội vốn mới chỉ là ước mơ. Nhưng hiện thực còn sót lại khủng khiếp hơn cả phong kiến như tệ cha truyền con nối, như tệ độc đoán, chuyên quyền mất dân chủ, như tình cảnh để cả một dân tộc bị mù mịt về thông tin, để cả một dân tộc sống đói nghèo trên những cánh đồng hoang, cánh rừng hoang màu mỡ v.v... Tinh thần quốc tế gì mà đem quân đánh một đất nước do đảng cộng sản cầm quyền. Quốc tế gì mà dung dưỡng, là nơi đứng chân làm đại diện cho chế độ diệt chủng chống lại một đất nước do đảng cộng sản cầm quyền, chống lại loài người.
Mọi ý kiến góp ý cho dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng XI, xin gửi về banchinhtri@vietnamnet.vn
Hai là, không nên đặt vấn đề Cương lĩnh chỉ thể hiện những gì đã rõ đúng sai. Bởi cương lĩnh, định hướng có phần dự báo nên cũng có thể đúng, cũng có thể sai. Vấn đề là ở chỗ dự báo đã thấy rõ là sai thì phải kịp thời sửa. Kể cả họp đại hội Đảng bất thường để sửa cho kịp thực tiễn đời sống xã hội.

Nhưng trong Cương lĩnh, trong định hướng, trong chính sách và pháp luật, phải loại bỏ mọi nội dung, mọi câu chữ mà ai ai cũng thấy rằng, viết thế, nói thế nhất định sẽ dẫn đến tình trạng viết, nói một đằng làm một nẻo. Bất kể kết quả sẽ như thế nào cũng là nguyên nhân, là khâu đầu tiên dẫn đến mất lòng tin từ trong nội bộ Đảng, cơ quan nhà nước và toàn xã hội. Phải rà lại trên toàn bộ các vấn đề từ chính trị, kinh tế, xã hội, chính sách và phát luật ở những chỗ nói một đằng làm một nẻo như thế.

Chống đặc quyền, giải phóng mọi năng lực sáng tạo

Ba là, kể cả từ xa xưa cho đến hôm nay, lợi ích tối thượng, cái mà Bác Hồ bảo là “cái bất biến” là lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, là quyền con người, cụ thể là quyền làm người của người dân ở mọi quốc gia, dân tộc. Cái bất biến ấy thấy rõ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Mọi mối quan hệ khác, lợi ích khác, kể cả lợi ích giai cấp, cả ý thức… cũng xếp đằng sau, cũng phải phục tùng lợi ích này.

Bốn là, điều cấp thiết hiện nay là phải chống đặc quyền, đặc lợi, thực hành tiết kiệm mọi nguồn lực quốc gia, chống lãng phí, tham nhũng, giải phóng mọi năng lực sáng tạo về trí tuệ và tiềm năng vật chất của nhân dân, của dân tộc, nhạy bén tiếp thu mọi thành tựu của văn minh nhân loại.

Năm là, phải chủ động với tư thế của một Đảng vốn có công lao to lớn với đất nước, với dân tộc, là Đảng cầm quyền và lãnh đạo, chủ động có thái độ ứng xử khoan hòa chứ không phải là hài hòa như người Tàu nói, không làm điều gì, nói điều gì, hát những bài gì khơi lại những nỗi đau của dân tộc để thực hành cho bằng được lời dặn của Bác Hồ là xây dựng cho được khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế. Đó chính là sức mạnh cần phải có của một nước nhỏ để trụ vững và phát triển trước mọi nguy cơ, hiểm họa đang rập rình ngay cửa ngõ nhà mình.

Sáu là, dân chủ trong nội bộ ra ngoài nơi dân chúng và phải thực sự cầu thị với dân. Nhân loại có rất nhiều con đường và bước tiến đến dân chủ. Nhưng có lẽ con đường xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thực sự là con đường gần nhất, sát nhất với dân chủ. Có lẽ đó chính là điều mà Bác Hồ đã từng khẳng định khi Người nói từ năm 1946: Nhà nước ta (Việt Nam dân chủ cộng hòa) là nhà nước dân chủ.

Nói gọn lại, Cương lĩnh và con đường chúng ta sẽ tiếp tục là con đường xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa mà Hồ Chí Minh đã đặt nền móng. Nói và làm như Hồ Chí Minh bằng một cương lĩnh phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, nhất định Đảng ta sẽ giữ vững vị trí tiên phong dẫn dắt Tổ quốc ta, dân tộc ta vượt qua mọi trở ngại, mọi mưu ma trước quỷ, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

  • Minh Quang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,