- Cuối năm nay, nhà máy thuỷ điện Sơn La sẽ phát điện tổ máy số 1, sớm hai năm so với dự kiến. Công trình được hy vọng sẽ thúc đẩy kinh tế vùng Tây Bắc. Để nhường đất cho lưới điện quốc gia, những người dân Tây Bắc đã chuyển đến nơi ở mới, nhưng không phải cuộc di dân nào cũng dễ dàng mà luôn cần đến quyết tâm của những người đứng đầu. Trò chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Đinh Tiến Dũng.
Một trong những mục tiêu được đề ra khi làm thuỷ điện Sơn La là người dân tái định cư chuyển đến nơi ở mới phải tốt hơn. Theo phản ánh của người dân Sơn La, Lai Châu thì số tiền đền bù họ nhận được ít hơn giá trị tài sản đã mất, giao đất cho nhà nước nhưng nhà nước chưa có phương án sản xuất hợp lý. Điện Biên có gặp phải những khó khăn này?
- Khi tổ chức di dân tái định cư cho thủy điện Sơn La, thì Điện Biên coi đây là cơ hội lớn để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp dân cư và tái thiết thị xã Mường Lay.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển ổn định và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập quán sản xuất.
Chủ tịch tỉnh Điện Biên Đinh Tiến Dũng: Lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc cần cam kết mạnh mẽ và bắt tay nhau cùng làm. Ảnh: LN
Đến nay, vấn đề tái định cư còn đang khó khăn.
Huyện Tủa Chùa đã chia xong đất, bà con đã ổn định sản xuất. Thị xã Mường Lay khó khăn hơn vì vừa tái định cư vừa tái thiết đô thị.
Để thực hiện tái định cư tại chỗ thì trong quá trình bố trí vốn cũng còn gặp nhiều khó khăn. Địa bàn chật hẹp nên phải chuyển dân sang địa bàn bên cạnh để làm mặt bằng mới rồi sau đó lại đưa dân về. Đến nay, thị xã đã có hình hài. Dân đã được đưa ra khỏi vùng lòng hồ.
Trước khi bắt tay vào làm, chúng tôi cho rằng việc vận động đồng bào sẽ rất khó khăn. Nhưng rồi vẫn thành công. Một phần do chúng tôi đã cử cán bộ đến từng hộ dân để tuyên truyền và vận động. Cũng có khoảng 500 đơn thư khiếu nại tố cáo song không đơn thư nào vượt cấp.
Nơi ở mới có cơ sở hạ tầng tốt hơn nhưng khó khăn bây giờ là ổn định sản xuất.
Bộ NNN&PTNT giúp tỉnh quy hoạch sản xuất để chuyển cơ cấu sản xuất sang làm dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng rau. Hướng sắp tới là phát triển cây cao su ở Mường Lay.
Đưa dân khỏi lòng hồ nhưng phải giúp dân phát triển sản xuất, nâng cao giá trị đời sống thì mới đạt mục tiêu đến nơi mới tốt hơn.
Việc cần làm là tập trung rà soát đào tạo nghề, chuyển đổi nghề từ thuần nông sang lái tàu, cơ khí, dịch vụ để đảm bảo cho bà con ngành nghề mới. Rà soát yêu cầu đăng ký xuất khẩu lao động, xây trường đào tạo nghề.
Việc di dân tái định cư bàn giao lòng hồ cho thuỷ điện Sơn La phải xong trước ngày 15/4, nhưng đến sát ngày mà bà con ở thị xã Mường Lay vẫn chưa chịu đi. Ba tuần trước thời hạn, Chủ tịch UNBD tỉnh Điện Biên Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp đến Mường Lay thị sát, thuyết phục đồng bào. Sau đó, Chủ tịch Điện Biên đã gấp rút tập trung lực lượng từ thị xã Điện Biên Phủ về hỗ trợ bà con di dời đúng tiến độ.
Ông có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm gì cho việc triển khai các dự án tiếp theo?
- Đầu tiên phải rà soát kỹ chính sách để phát hiện những bất hợp lý kiến nghị với Chính phủ. Thứ hai là vận động người dân và phân công nhiệm vụ trong hệ thống chính trị hợp lý, hiệu quả.
Hồi đầu năm, để thuyết phục đồng bào dời khỏi lòng hồ, chúng tôi phải cử 50 cán bộ tỉnh xuống đôn đốc từ việc đo đạc đất đai đến tham gia chi trả tiền đền bù. Huy động công an, biên phòng, dân quân, kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ phương tiện giúp dân di chuyển đồ đạc, gia súc…
Cán bộ tốt, khai thác nguồn lực tốt
Những cuộc di dân lớn như vậy đã gây ra xáo trộn và biến đổi lớn cả tập quán canh tác lẫn những nét bản sắc văn hoá. Điện Biên sẽ làm gì để giải quyết những vấn đề này?
- Đi xem các khu tái định cư đã được xây dựng thì những nét bản sắc văn hóa đã được dựng lại. Như huyện Tủa Chùa được làm mới toàn bằng nhà sàn sạch đẹp, quy hoạch khu tái định cư rất đẹp chứ không thưa thớt như ngày xưa.
Ở thị xã Lai Châu cũ thì bản giàu truyền thống nhất lại là bản nghèo nhất.
Mai kia chúng tôi sẽ xây dựng các bản khác thành bản văn hóa với 100% nhà sàn. Toàn là nhà sàn mới rất đẹp, sạch sẽ, văn minh đẹp hơn nhà sàn cũ vì xưa kia là những ngồi nhà lụp xụp nằm rải rác.
Như vậy khi tái định cư, có những hủ tục không văn minh thì chúng tôi khuyến khích, vận động bà con từ bỏ và chỉ giữ lại những nét đẹp.
Điện Biên lâu nay là địa danh gắn với chiến thắng lịch sử, nhưng tỉnh đang có những tiềm năng kinh tế gì cần khai thác để sắp tới đây nhắc đến Điện Biên người ta không chỉ nhắc đến một di tích?
- Dự thảo văn kiện ĐH Đảng nhiệm kỳ tới của tỉnh đặt ra mục tiêu phải khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Đầu tiên là đất đai.
Điện Biên với địa hình núi non hiểm trở, bị chia cắt nên thế mạnh chủ yếu là trồng rừng, vừa đảm bảo môi trường chung vừa lo tích nước cho cả tuyến thủy điện Tây Bắc và xoá đói giảm nghèo. Điện Biên phải trồng rừng đầu nguồn cho đất nước. Bên cạnh đó là trồng cây công nghiệp như cao su, chè. Từ đất đai chúng tôi phải phát triển mạnh nông lâm nghiệp.
Thứ hai là tiềm năng du lịch. Chúng tôi đang quy hoạch lại thành phố. Sắp tới vẫn là phát triển du lịch gồm du lịch lịch sử và du lịch sinh thái. Chúng tôi có những khu rừng thiên nhiên gắn với sinh thái như Mường Phăng, Mường Nhé. Tiếp đó là phát triển du lịch văn hóa.
Công việc đang làm là xây dựng kết cấu hạ tầng tốt để Điện Biên Phủ thành trung tâm của vùng Tây Bắc, mở rộng phát triển thương mại sang Lào, Thái Lan, Trung Quốc.
Song song với xây dựng cơ sở hạ tầng là trùng tu lại di tích. Trong quy hoạch mới, chúng tôi chuyển một phần trung tâm hành chính sang phía Đông của thành phố, vừa xa chiến trường Điện Biên Phủ vừa trả lại đất để phát triển dịch vụ du lịch.
Quy hoạch đã được HĐND thông qua, Thủ tướng đã đồng ý cho làm từ 2009. Như vậy sẽ có cơ hội khai thác tiềm năng Điện Biên. Du lịch phát triển sẽ kích thích sản xuất, hàng hóa, tiêu dùng. Người dân sẽ đi làm du lịch, lái xe, thợ ảnh...
Định hướng tốt như vậy song ông có e ngại tư duy nhiệm kỳ sẽ làm hỏng quy hoạch không?
- Tôi không lo lắm về tác động của tư duy nhiệm kỳ. Tính nhiệm kỳ là bình thường.
Khi triển khai quy hoạch thì vấn đề quan trọng là khai thác nguồn lực. Nhiệm kỳ nào, cán bộ nào có khả năng quản lý, triển khai và khai thác tốt sẽ góp phần đẩy tiến độ xây dựng Quy hoạch lên và quản lý được nguồn lực tốt nhất.
Bên kia sông là thị xã Mường Lay (mới). Ảnh: LN
Còn nếu anh không có khả năng quan lý và khai thác tốt nguồn lực thì anh sẽ kéo dài quy hoạch đó ra mãi, phá vỡ quy hoạch.
Hai năm qua, Điện Biên đã triển khai hàng loạt các loại quy hoạch từ nông - lâm nghiệp, cây công nghiệp, khoáng sản, vật liệu xây dựng, giao thông, thương mại, dân cư...
Các lãnh đạo phải bắt tay nhau
Để phát triển được các chiến lược phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch như ông nói cũng rất cần đến liên kết vùng. Vậy các tỉnh Tây Bắc đã thực hiện được liên kết vùng như yêu cầu chưa, thưa ông?
- Ban chỉ đạo Tây Bắc rất quan tâm đến Tây Bắc, đến Điện Biên.
Nhưng liên kết vùng không chỉ là về hạ tầng, giao thông mà cần tập trung vào việc tạo vùng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng du lịch, tour du lịch Tây Bắc.
Sản xuất hàng hoá ở đây có đặc thù là nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Khi đặt vấn đề liên kết với bên ngoài như Thái Lan để xuất khẩu chè, gạo, hải sản, du lịch thì đầu tiên các tỉnh phải liên kết với nhau. Phải tạo thế liên kết, cùng bắt tay để chiếm lĩnh thị trường, tạo đồng thuận nội bộ nếu không sẽ mất thị trường ngay.
Đó là những câu chuyện lớn phải bàn vì nằm trong tầm tư duy của các nhà lãnh đạo. Mà đầu tiên là lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc cần phải cam kết mạnh mẽ và bắt tay nhau cùng làm.
Như hiện nay, việc liên kết đang diễn ra rất manh mún mà một phần nguyên nhân là kinh tế thị trường ở vùng Tây Bắc còn đi rất chậm.
Từ nay đến 2015, Điện Biên phấn đấu thoát khỏi diện khó khăn. GDP bình quân đầu người hiện mới đạt xấp xỉ 50% cả nước, còn 30% hộ nghèo. Song tốc độ tăng trưởng mấy năm qua tương đối cao và chỉ số cạnh tranh của tỉnh đã được cải thiện. Năm 2007 - 2008, chỉ số PCI của Điện Biên xếp 62/64 tỉnh toàn quốc. Đến 2009 đã tăng vượt bậc và đứng thứ 27/63 tỉnh thành.
- Lê Nhung