221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1312586
Công chức vạn năng và lỗ hổng cơ chế
0
Article
null
Công chức vạn năng và lỗ hổng cơ chế
,

Không đi vào ngóc ngách những bất cập thang bảng lương hay tệ nhũng nhiễu, GS. TS Trần Ngọc Hiên, Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị phân tích những sai lầm hệ thống từ tư duy cũ và thể chế chính trị.

>> Muốn mua nhà: Nhịn... 21 năm không ăn uống

>> Xóa bao cấp tiền lương công chức

>> Biếu xén tình cảm và tham nhũng quyền lực

>> Muốn tăng lương công chức, phải cắt bớt những "kẻ ăn theo"

Công chức vạn năng

Theo TS Trần Ngọc Hiên, tư duy về tiền lương và thu nhập của công chức trong nền công vụ giai đoạn 1975 - 1986 vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy, quan điểm về cải cách tiền lương và thu nhập của công chức hiện nay.

Ông Hiên phân tích, sau khi kết thúc chiến tranh, bước vào thời kỳ hoà bình khôi phục và phát triển đất nước theo hướng chủ nghĩa xã hội.

Đảng cầm quyền đã triển khai đường lối xây dựng nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung với định hướng công hữu hoá, phi thị trường do nhà nước độc quyền chi phối từ cơ sở đến toàn bộ nền kinh tế về sản xuất và phân phối.

Chế độ bao cấp theo đẳng cấp trong nền công vụ hình thành. Thu nhập của công chức theo chế độ phân phối tem phiếu, lấy cấp bậc chức vụ làm thước đo chứ không phải do hiệu quả. Vì vậy phân phối mang tính chất bình quân.

Ảnh VietNamNet.

Chế độ bao cấp thu nhập theo đẳng cấp đối với một số bộ phận cao cấp mang tính chất đặc quyền đặc lợi. Quan hệ xã hội do chế độ phân phối này tạo ra là "quan hệ ban ơn và chịu ơn", nền kinh tế không có động lực phát triển, nền công vụ không có chuyên môn và trách nhiệm, công chức không được đào tạo nghề nghiệp nên có tính "vạn năng", phân công làm gì cũng được.

Sự thăng tiến của công chức phụ thuộc vào mối quan hệ với thủ trưởng, chứ không phụ thuộc vào năng lực và phẩm chất của bản thân.

Ông Hiên cho rằng, không ít quan niệm sai lầm, ấu trĩ một thời ấy vẫn còn ảnh hưởng đến sau này. Bởi lẽ, mô hình kinh tế và mô hình tổ chức nhà nước quyết định nền công vụ, do đó quyết định thu nhập của công chức.

Từ sau 1986 đến nay, khi thay đổi mô hình kinh tế sang kinh tế thị trường, đáng lý, tiền lương cũng phải được tính theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, sự thay đổi này, theo ông Hiên, diễn ra chậm chạp, khó khăn, vì vậy tiến trình đổi mới tư duy về cải cách tiền lương rất chắp vá. Ảnh hưởng của tư duy cũ về phân phối thời bao cấp chưa khắc phục được, nhất là đối với cán bộ cao cấp trong hoạch định và thực hiện chính sách tiền lương.

"Tình trạng nói trên còn có quan hệ từ mô hình tổ chức nhà nước không đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường. Trong 5 năm đầu của quá trình đổi mới, mô hình kinh tế đã thay đổi nhưng mô hình tổ chức nhà nước và chế độ công vụ hầu như không thay đổi mấy", ông Hiên cho hay.

Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị phân tích, do chậm đổi mới tư duy về Nhà nước pháp quyền nên không có quyết tâm, không có phương hướng và phương pháp tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước, nên không tránh khỏi phát sinh thói quen quan liêu hành chính, tham nhũng và lãng phí ngày càng nghiêm trọng, cản trở quá trình phát triển kinh tế và xã hội lành mạnh và đúng hướng.

Đến nay vẫn chưa hình thành một nền công vụ thực sự dân chủ, của dân và vì dân. Dẫn đến nghịch lý vì sao công chức sống chủ yếu bằng thu nhập ngoài lương? Vì sao muốn giảm biên chế thì biên chế càng tăng? Vì sao hiện tượng công chức nói không đi đôi với làm, thậm chí nói một đàng làm một nẻo trở thành phổ biến?

Ông Hiên cho rằng, sự chậm trễ này do chúng ta không thực hiện định hướng ghi trong đường lối đổi mới là "đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị" nên khoảng cách giữa đổi mới chính trị (về lý luận và tổ chức cán bộ nhà nước) với nhu cầu đổi mới kinh tế - xã hội ngày càng tăng, đang tạo ra nguy cơ không vượt qua được bước ngoặt phát triển trước mắt. .

Phó trưởng đoàn ĐBQH T.HCM Trần Du Lịch cũng phân tích, do duy trì quá lâu sự bao cấp của nhà nước về các quan hệ dân sự của công dân làm tăng gánh nặng công vụ không cần thiết. Đây là hệ quả của cơ chế bao cấp, mà quá trình đổi mới đã thực hiện chậm hơn nhiều so với các lĩnh vực kinh tề, văn hóa xã hội. Mô hình thí điểm định chế "thừa phát lại" ở thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình xã hội hóa các quan hệ dân sự, làm giảm gánh nặng của bộ máy hành chính nước.

Nhà nước không nên làm thay việc

Điều kiện tiên quyết của cải cách, theo ông Hiên, là đổi mới thể chế kinh tế - chính trị. Từ đó xây dựng hệ thống công vụ mạnh, gọn nhẹ, gần dân. Kéo theo đó sẽ là thay đổi hệ thống chức danh, tiền lương, tuyển lựa nhân sự và đặc biệt hệ thống kiểm soát chặt chẽ. Và điều kiện tiên quyết là quyết tâm của lãnh đạo cấp vĩ mô.

Chia sẻ với góc nhìn của TS Trần Ngọc Hiên, bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi, trong khi thể chế kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ, đồng bộ; thể chế chính trị cải cách còn chậm và quá trình cải cách rất gian nan, liệu có thể đột phá trước để gây sức ép lên "quyết tâm của lãnh đạo cấp vĩ mô"? Từ thực tiễn tốt, sẽ tác động trở lại. Giống như trải nghiệm của Việt Nam trong tiến trình đổi mới vừa rồi.

Ảnh VietNamNet

Nhiều chuyên gia tiền lương, tài chính cũng chia sẻ góc nhìn với ông Trần Ngọc Hiên, tuy nhiên phân tích sâu hơn vào giải pháp cụ thể giải quyết chuyện bộ máy cồng kềnh.

Chẳng hạn, theo TS Trần Thị Thu Hà, nguyên vụ trưởng vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, số lượng những người thuộc diện hưởng lương từ ngân sách, không thể coi là cũng thuộc bộ máy nhà nước vẫn đang không ngừng mở rộng. Công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước bao gồm cả những người làm trong các tổ chức chính trị xã hội, các lực lượng vũ trang và an ninh; và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước.

Còn một lý do khác, là Nhà nước đang quá ôm đồm, làm thay, bộ máy quá cồng kềnh.

Quỹ lương từ ngân sách không ngừng mở rộng, lên đến 200 ngàn tỉ đồng mỗi năm, tương ứng với 30% trong tổng chi ngân sách, hay 60% chi thường xuyên từ ngân sách hàng năm. Theo thống kê từ Bộ Nội vụ thì số người hưởng lương từ ngân sách lên đến gần 6,1 triệu người trong cả nước. Con số này bao gồm 1,6 triệu người có công, 1,4 triệu hưu trí, 1,6 triệu viên chức sự nghiệp, 300 ngàn cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã, 370 ngàn công chức cơ quan Đảng và đoàn thể...

Về lâu dài, TS. Dương Quang Tung, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước cho rằng, nhà nước không nên tiếp tục làm thay rất nhiều công việc của thị trường và xã hội dân sự. Cần điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Phải mạnh dạn cắt bỏ những công việc đang đảm nhiệm vốn là của thị trường và của xã hội, tập trung thực hiện những công việc đích thực của Nhà nước.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,