- Bỏ HĐND huyện, quận, phường là bỏ đi một thiết chế dân chủ. Đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý tiếp tục thí điểm chứ chưa vội nhân rộng ra cả nước.
Trong báo cáo tổng kết 1 năm thí điểm ở 10 tỉnh thành (đã được hoàn thiện sau Hội nghị toàn quốc hôm 11-12/9), Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án: QH sửa Hiến pháp tại kỳ họp tháng 10 tới để không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước từ tháng 5/2011 hoặc tiếp tục thí điểm nhưng mở rộng thêm ở 20 tỉnh thành.
Thiết chế dân chủ không thể thiếu
Báo cáo của Bộ Nội vụ đã vấp phải sự phản đối của hầu hết các ủy viên UBTVQH, chủ yếu là do những lý lẽ "giản đơn", "một chiều", "chỉ thấy mặt tích cực" khi không tổ chức HĐND. Trong đó, Ủy ban Pháp luật yêu cầu rõ, nếu nói HĐND hoạt động hình thức thì phải làm rõ bản chất vì sao như vậy.
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn (trái) giờ giải lao phiên họp UBTVQH. Ảnh: VA |
"Tuy hoạt động còn hình thức nhưng HĐND là một thiết chế dân chủ không thể thiếu, vẫn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm, thực hiện dân chủ, bỏ HĐND là bỏ đi một thiết chế dân chủ, một diễn đàn quan trọng phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân", Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Thuận nói.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình cho rằng thời gian thí điểm chưa nhiều nhưng đánh giá như Bộ Nội vụ thì chưa đủ cơ sở khoa học, nào là "chỉ đạo, điều hành của UBND cấp tỉnh tập trung, thông suốt hơn", nào là "hoạt động của UBND huyện, quận, phường đảm bảo tính liên tục, hiệu lực, hiệu quả"... Ông Bình nhớ lại ở Quốc hội khóa trước, báo cáo tại Hội trường Ba Đình về hoạt động HĐND, UBND các cấp "đều rất tốt", bây giờ sao lại nói cần bỏ HĐND huyện, quận, phường?
Ông Bình cũng phân tích riêng một nội dung "quyền làm chủ của dân" mà Bộ Nội vụ nói là tốt hơn. Theo ông, Việt Nam là một nước dân chủ, như Bác Hồ nói, dân được làm chủ, từng người dân phải bằng lá phiếu của mình cử đại diện vào HĐND, QH. "Trong chừng mực nào đó, bỏ HĐND một số cấp thì thiết chế dân chủ bị lùi chứ không phải là tăng cường".
"Cứ như bản án"
Kể lại nỗi "bất bình" của nhiều đại biểu dự Hội nghị toàn quốc cách đây một tuần, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cảm thán: "Nghe báo cáo của Bộ Nội vụ cứ như bản án kết án HĐND huyện, quận, phường!". Tự nhận mình đang "dài dòng", xong phát biểu của ông Vượng khiến cả UBTVQH cười ồ: "Nói bỏ HĐND huyện, quận, phường, mọi thứ được tăng cường: giám sát, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết kiến nghị..., tiết kiệm được 85 tỉ đồng, thế thì bỏ cả HĐND tỉnh nữa chắc còn tốt hơn, tiết kiệm nhiều hơn".
Trong khi đó, Trưởng Ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên thẳng thắn: Báo cáo tổng kết đánh giá phải sâu sắc, thuyết phục, có những câu nghe như được chuyên viên biên tập... Theo ông Tuyên, đúng là phải đơn giản tổ chức bộ máy, nhưng đơn giản như thế nào, ở chỗ nào thì phải bàn. "Ở các nước, các đảng đối lập giám sát lẫn nhau, giám sát để lật đổ, lên nắm quyền, ta giám sát để làm cho bộ máy chính quyền tốt lên. Bỏ HĐND những cấp này thì ai giám sát chính quyền đồng cấp? Những yếu kém của chính quyền huyện chẳng hạn, ai sẽ chất vấn? Nếu tăng số lượng đại biểu HĐND tỉnh, rồi kéo dài các kỳ họp để bàn những chuyện của huyện thì có tốn tiền bạc không?".
Cũng nhắc đến chuyện tiền, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định: "Dự toán ngân sách quản lý hành chính vẫn tăng đấy, co chỗ này thì phình chỗ khác, nếu không tin các đồng chí cứ kiểm tra lại".
Từng làm bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện, ông Hiển nhấn mạnh vai trò giám sát của HĐND, "không phải lúc nào UB kiểm tra của huyện ủy cũng "vào" UBND được đâu, mà phải qua HĐND. Giám sát của Mặt trận và đoàn thể mang tính xã hội, không thể thay thế giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước".
Cũng bàn đến luận điểm của Bộ Nội vụ về tính hình thức của HĐND một số cấp cần dừng hoạt động, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên khiến phòng họp rộ lên những tiếng cười sảng khoái. Ông Kiên cho rằng đòi hỏi các cơ quan dân cử - kể cả QH - "hoành tráng" lên "thú thực em cũng chịu". "HĐND mỗi huyện chắc không có quá 3 đại biểu chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm, rõ ràng ở thế thấp so với bên hành pháp. Đại biểu không dám làm mạnh, nói mạnh, nói thật, vì như thế "họ" ghét mình, ghét cả con mình".
Sau một buổi sáng nghe UBTVQH thảo luận với đa số ý kiến theo hướng thí điểm tiếp tục chỉ ở 10 tỉnh thành, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cuối cùng đồng tình với quan điểm này, nhưng vẫn tha thiết đề nghị làm thêm ở 20 tỉnh thành khác.
Nội dung tổng kết thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường sẽ được Chính phủ trình QH tại kỳ họp tháng 10 tới.
-
V.Anh