- Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của các cơ quan báo chí hôm qua (5/5) ở Hà Nội, nhiều tổng biên tập đã kiến nghị giảm thuế.
>> ’Báo chí phải góp phần tạo không khí dân chủ’
TBT báo Tuổi trẻ Phạm Đức Hải nói mức 25% quy định hiện hành theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là "quá bất cập". Ông kiến nghị việc sửa quy định trong Pháp lệnh về quảng cáo, trong đó giới hạn số trang quảng cáo đối với báo chí. TBT báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông cũng chỉ ra bất cập: Báo chí đang phải đóng thuế như doanh nghiệp trong khi vận hành theo cơ chế của cơ quan hành chính sự nghiệp. "Báo chí không thể sống bằng doanh thu bán báo, càng in nhiều càng dễ lỗ mà chủ yếu trông đợi vào quảng cáo", ông Thông khẳng định.
Các phóng viên tác nghiệp tại khai mạc Hội báo Xuân Canh Dần. Ảnh: Lê Nhung
TBT báo Đầu Tư Nguyễn Anh Tuấn dẫn bài toán để đưa một phóng viên đi tháp tùng đưa tin hoạt động đối ngoại của nguyên thủ ở nước ngoài, báo này có thể phải chi khoảng đến 60 - 70 triệu đồng. Chi phí để tiếp cận nguồn thông tin chính thống, sâu tốn kém nhưng thuế áp cho doanh thu báo chí vẫn cao. Ông đề xuất giảm thuế xuống 10 - 15%, để cơ quan báo chí có thể tích lũy đầu tư, phát triển.
Trước đó, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cũng phát biểu trước Hội nghị: "Cơ chế, chính sách, nhất là vấn đề kinh tế trong hoạt động báo chí chậm được cơ quan Đảng và Nhà nước nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện".
Định hướng thông tin nhạy cảm
Trong nửa buổi chiều hội nghị, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã trình bày tham luận về các vấn đề trong quá trình hoạt động báo chí. TBT báo Thanh Niên đánh giá cao quy chế phối hợp cung cấp thông tin giữa các ban ngành với báo chí được ban hành cuối năm ngoái đã góp phần giúp báo chí thông tin đa dạng, đầy đủ định hướng dư luận tốt về nỗ lực chống lạm phạt, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Song ông kiến nghị cần tăng cường cơ chế phối hợp cung cấp thông tin trên các lĩnh vực khác.
Dẫn tin vừa qua báo chí đăng công an đã triệt phá âm mưu khủng bố dịp kỷ niệm 30/4, ông Thông cho rằng đó là hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ban ngành chủ động cung cấp thông tin giúp độc giả yên tâm, tin tưởng.
TBT báo Thanh Niên cũng đề cập đến sự tồn tại của dạng thông tin được cho là "nhạy cảm" và việc đưa đúng thời điểm thích hợp dạng thông tin này sẽ có hiệu quả định hướng dư luận tốt, giống như việc "lấy độc trị độc". Một trong những vấn đề khác ông Thông kiến nghị, đó là việc tạo ra sự tương tác với các trang mạng truyền thông xã hội với báo chí, góp phần định hướng thông tin độc giả.
Địa chỉ tin cậy để dân góp ý cho văn kiện ĐH Đảng
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Tô Huy Rứa chỉ rõ việc báo chí viết về cái xấu, cái ác, tiêu cực, non kém "không thể chỉ là sự liệt kê, phô bày một cách giản đơn, tự nhiên chủ nghĩa, đôi khi thô thiển, phản cảm. Càng không thể lợi dụng nó để tạo scandal, tạo thành tiêu điểm giật gân, câu khách".
"Đây là vấn đề chúng ta dễ thống nhất về nhận thức, nhưng khi thực hiện, không phải cơ quan báo chí nào cũng làm tốt", ông nói.
Ông Rứa nhấn mạnh chủ đề quan trọng trên báo chí năm nay. Đó là "tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các giải pháp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc...".
Ông đề nghị gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới phải là dòng chủ lưu xuyên suốt trên các phương tiện thông tin báo chí.
Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, Đảng sẽ công bố một số dự thảo văn kiện quan trọng trình Đại hội XI của Đảng để nhân dân đóng góp ý kiến. Báo chí được coi là một trong những địa chỉ tin cậy, kênh thông tin thuận lợi để thu nhận và giới thiệu những ý kiến tâm huyết. Các cơ quan báo chí cũng sẽ đón nhận, lựa chọn, giới thiệu ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng góp ý, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Trung cho hay số vụ các nhà báo bị hành hung khi tham gia viết bài chống tiêu cực ngày càng gia tăng, mức độ ngày càng trầm trọng, tính chất côn đồ ngày càng trắng trợn. Vụ việc nào được cơ quan chức năng vào cuộc ngay một cách kiên quyết, khách quan thì được xử lý kịp thời, kẻ vi phạm pháp luật bị xử lý nghiêm khắc. Ngược lại, vụ việc nào cơ quan chức năng vào cuộc với biểu hiện né tránh, thờ ơ, kéo dài thời điểm điều tra, xác minh, thì thường kết quả xử lý rất nhẹ. |
-
Xuân Linh