221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1251607
Năm Thánh 2010 - Sám hối, hòa giải và hi vọng
1
Article
null
Năm Thánh 2010 - Sám hối, hòa giải và hi vọng
,

 - “Năm Thánh là một thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hòa giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý hướng đó, chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại, đối với anh em đồng đạo và anh em đồng bào, và xin mọi người tha thứ” - Đức Giáo hoàng Benedict XVI.

>> Một tín hữu Công giáo tốt là một công dân tốt

Giáo hội Công giáo Việt Nam vừa bước vào một năm hồng ân đầy mời gọi với tâm tình sốt sắng của lòng mến đạo: Năm Thánh 2010.

Việc tổ chức Năm Thánh lần này được Đức Giáo hoàng Benedict XVI phê chuẩn để kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài, đồng thời kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam (24/11/1960 - 2010).

Năm Thánh 2010 của người Công giáo Việt Nam sẽ kéo dài từ 24/11/2010 đến 2/1/2011.

Tri ân tiền nhân

Đạo Công giáo được bắt đầu tại Việt Nam từ thế kỷ 16, khi các nhà truyền giáo phương Tây đầu tiên đến rao giảng (Theo Khâm Định Việt sử thông giám cương mục là vào năm 1533) ban đầu gọi là đạo Gia-tô. Sau hơn 126 năm kể từ đó, ngày 9/9/1659, Đức Giáo hoàng Alexander VII chuẩn y thành lập 2 giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Trải qua nhiều biến cố và thử thách trong lịch sử, nhiều chứng nhân của Đức tin Công giáo đã xuất hiện và chịu nhiều đau khổ, kể cả cái chết, ngày nay đang được tôn vinh nhiều nơi như Đền Thánh tử đạo Sở Kiện, nơi diễn ra Đại lễ khai mạc Năm Thánh 2010.

Mô tả ảnh.
Khai mạc Thánh lễ tại Sở Kiện, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ảnh: MT

24/11/1960, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã ký sắc chỉ thiết lập Phẩm trật Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam với 3 tổng giáo phận Hà Nội, Sài Gòn và Huế với 20 giáo phận. Hiện nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam có 26 giáo phận và 32 giám mục, gần 4.000 linh mục và khoảng 14.000 nam nữ tu sĩ với số giáo dân khoảng 6,5 triệu người.

Một năm phụng vụ mới của người Công giáo thường bắt đầu vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 dương lịch với niềm hy vọng chờ đợi Chúa đến (Giáng Sinh).

Năm nay, người Công giáo Việt Nam đón chờ Giáng sinh dường như cũng sốt sắng hơn khi gần như đồng thời giao điểm năm cũ - mới ấy là sự kiện khai mạc Năm Thánh bằng một đại lễ tại Sở Kiện (Thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam) do Tòa Tổng Giám mục Hà Nội tổ chức với hơn 100.000 tín hữu tham dự.

Đây cũng là cơ hội cho các tín hữu, như lời Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói trong lễ khai mạc Năm Thánh là: “Bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với các bậc tiền nhân, các ân nhân và các chứng nhân anh dũng của đức tin”.

Sám hối và hòa giải

Sám hối và hòa giải là những yêu cầu khắt khe đối với bản thân mỗi người để trở nên một tín hữu Kitô, là dịp để mỗi người nhìn lại bản thân mình, qua đó điều chỉnh những hành vi, ý nghĩ cũng như mọi hoạt động theo đúng đường hướng của Thiên Chúa và Giáo hội.

Kinh Thánh dạy: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. Bởi con người chưa phải là Thánh, vì vậy có những sự bất toàn, cần phải tự sám hối mình và hòa giải. Nhưng trước hết phải hòa giải với những người xung quanh, anh em đồng bào để được đến hòa giải với Thiên Chúa theo lời Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.

Trong suốt gần 500 năm qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã từng trải qua không ít thăng trầm cùng với những biến động của lịch sử đất nước. Nhưng dù trong quá khứ đã có những đau thương, mất mát thì ngày nay, điều dễ nhận thấy là sự đi lên của đất nước luôn đồng hành với sự phát triển của Giáo hội. Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN, Đức cha Nguyễn Văn Nhơn nói, “Giáo hội Công giáo Việt Nam là một cộng đoàn đang trên đường đi”.

Năm Thánh là năm cho người ta có cơ hội tĩnh lặng để nhìn lại, để suy ngẫm về những gì đã đi qua và hướng tới tương lai.

Mô tả ảnh.
Các Hồng y, Giám mục trong đại lễ khai mạc Năm Thánh 2010. Ảnh: MT

Đức Giáo hoàng Benedict XVI, trong Sứ điệp gửi tới Đức cha Chủ tịch HĐGM và cộng đồng dân Chúa Việt Nam cũng nêu rõ: “Năm Thánh là một thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hòa giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý hướng đó, chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại, đối với anh em đồng đạo và anh em đồng bào, và xin mọi người tha thứ”.

Bởi vậy, trong phần diễn nguyện chào mừng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện, người Công giáo VN cũng đã trình bày trước hàng trăm ngàn người để “Xin lỗi Chúa, xin lỗi nhau và xin lỗi xã hội": “Chúng ta cũng đã bao lần vô tình hoặc cố ý xúc phạm đến nhau. Chúng ta đã khai trừ nhau. Chúng ta đã kỳ thị nhau. Chúng ta đã không lắng nghe nhau. Chúng ta chưa đối xử với nhau như Lời Chúa dạy. Đây là lúc chủ chăn hãy xin lỗi con chiên. Giáo dân hãy xin lỗi linh mục. Bề trên hãy xin lỗi bề dưới. Bề dưới hãy xin lỗi bề trên. Vợ chồng con cái, thành viên cộng đoàn hãy xin lỗi nhau vì đã làm nhau buồn lòng”.

Đức Giêsu Đấng sáng lập đạo Công giáo đã dạy chúng tôi yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù. Lẽ ra chúng tôi phải thực hiện tinh thần đó mọi nơi mọi lúc và với mọi người. Nhưng chúng tôi nhận thấy do vô tình hay cố ý, chúng tôi đã làm cho quý vị phiền lòng, chúng tôi đã thiếu sót nhiều trong nghĩa vụ yêu thương".

Nếu sám hối là để nhìn lại và nhận ra lỗi lầm của mình thì hòa giải là gỡ bỏ những vướng mắc, những hiểu lầm và những bất đồng đó để tạo nên sự đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, đất nước và trên thế giới.

Chiều hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo muốn nói lời xin lỗi về tất cả những điều ấy, với tất cả mọi người không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng tâm linh.

Chúng tôi xin lỗi mọi thành phần xã hội, tôn giáo, vì chúng tôi đã chưa đủ hòa mình và đồng hành.

Chúng tôi xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật, đau khổ vì chúng tôi chưa đủ quan tâm. Giáo hội chúng con xin cúi đầu tạ tội”.

Trong bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh sáng 24/11/2009, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch HĐGM VN, cũng đã nói: “Chúng tôi muốn chia sẻ khát vọng mở rộng vòng tay thân ái của người có đạo, của GHCG. Chúng tôi muốn nói lời xin lỗi với tất cả những ai, cách này hay cách khác, đã không hài lòng về người Công giáo và về Giáo hội Công giáo”.

Hi vọng

Với riêng người Công giáo Việt Nam, Năm Thánh 2010 còn là lời kêu gọi mọi người hiệp nhất trong niềm hi vọng. Đức Hồng y Étchegaray (Vatican), đến Việt Nam dự khai mạc Năm Thánh, đã nói: “Mỗi người công giáo có một bông hoa đẹp đẽ trong tâm hồn mình, đó là bông hoa hi vọng”.

Không chỉ hy vọng riêng trong Giáo hội Công giáo, mà cả trong từng cá nhân, gia đình và xã hội. Hi vọng một tương lai đất nước mạnh giàu. Đức GM Giuse Nguyễn Chí Linh trong thánh lễ khai mạc Năm Thánh nói: "Đã đến lúc người Việt Nam phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều vì bảo thủ chính kiến và thành kiến, vì độc tôn phe nhóm và quyền lợi. Phải khép lại quá khứ tị hiềm, ngờ vực để thế hệ mai sau không quy trách thế hệ chúng ta”.

Trong Sứ điệp Năm Thánh của mình gửi Đức Giáo hoàng nói rõ: “Chúng ta nên quyết tâm đào sâu và phong phú hóa sự hiệp thông trong giáo hội và xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng, bằng con đường đối thoại chính thực, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cách lành mạnh với nhau”.

Sứ điệp ấy ngay lập tức được Giáo hội Việt Nam đón nhận và hưởng ứng: “Trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước Việt Nam, Giáo hội mời gọi tất cả mọi người cùng đối thoại trong tinh thần tôn trọng, yêu thương, và cởi mở. Ưu tiên của đối thoại là để hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau tìm ra những nguyên nhân gây bất hòa chia rẽ trong quá khứ, đồng thời, hướng tới lợi ích chung của tất cả mọi người trên đất nước này” - Đức GM Phaolo Cao Đình Thuyên trong lễ khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận Vinh.

Sám hối - Hòa giải, tâm tình đó của cộng đồng Công giáo Việt Nam là lề luật của Giáo hội từ xưa đến nay nhưng được đặc biệt nhấn mạnh trong Năm Thánh 2010, để hi vọng mang đến một sức sống mới cho giáo hội, để luôn đồng hành cùng dân tộc như Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI với HĐGMVN: “Khi đem tới nét đặc thù của mình - là việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô - Giáo Hội đóng góp vào việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của con người, nhưng cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển đất nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một sự đóng góp quan trọng, nhất là vào thời điểm mà Việt Nam đang từ từ mở ra đối với cộng đồng quốc tế”.

  • Minh Thư





     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,