- Sau tròn 1 năm hoạt động, các văn phòng công chứng (VPCC - công chứng ngoài ngân sách hay công chứng tư) ở Hà Nội thu hút một lượng khách đáng kể, giảm tải cho các phòng công chứng (PCC - công chứng nhà nước). Nguyện vọng lớn nhất của các công chứng viên (CCV) bây giờ là thành lập một hiệp hội.
8h30 sáng. VPCC Thăng Long do Tiến sỹ Trần Công Trục làm Trưởng VP đã tấp nập khách hàng vào ra. Không giống cách đây 1 năm, thời điểm khai sinh những VPCC đầu tiên ở Hà Nội, khách hàng đã hết e dè, hoài nghi chất lượng của công chứng tư.
Số lượng khách hàng đến với các VPCC ngày càng tăng. Ảnh: VA
"Chúng tôi đến đây làm công chứng hợp đồng bán nhà. So với thời xưa thì nhanh chóng, tiện lợi hơn nhiều. Trước khi đến, tôi tham khảo trên trang web của văn phòng, khai các thông số theo mẫu và gửi email. Khi đến đây theo đúng lịch hẹn, công chứng viên đối chiếu với bản gốc rồi ký văn bản, rất nhanh", ông Tuấn, một doanh nhân, hài lòng.
Ngừa rủi ro
Cũng như 41 VPCC khác trên địa bàn thành phố, giữa nội thành như VP Hà Nội, Ba Đình, Việt Tín, Hùng Vương hay ở ngoại thành như VP Đông Anh, lượng doanh thu của Thăng Long không ngừng tăng. Từ tháng 8/2008 đến hết tháng 6 năm nay, doanh thu của văn phòng này lên đến 2,6 tỷ đồng, sau khi giải quyết 5.000 hồ sơ, trong đó một số lượng lớn là hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản.
Thành công về uy tín, số lượng cũng như chất lượng dịch vụ công, song các VPCC ở Hà Nội vẫn đau đáu một nỗi lo. Đó là giữa họ với nhau cũng như giữa họ và các PCC, chưa một mối dây liên kết chính thức nào được thiết lập. "Chúng tôi quen nhau, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ thông tin cho nhau nhưng chỉ là tự phát và riêng lẻ. Phải có sự liên kết, chia sẻ với nhau những thông tin thiết thực như văn bản ngăn chặn về thi hành án, tranh chấp... để ngừa rủi ro nghề nghiệp", ông Trần Công Trục đề xuất.
Trưởng VPCC Hà Nội, ông Lê Quốc Hùng hoàn toàn đồng tình: "Cần nhanh chóng lập Hiệp hội công chứng viên để chia sẻ thông tin nội bộ, trước mắt ở Hà Nội, sau đó trên phạm vi toàn quốc".
Cách đây 1 năm, khi dự lễ khai trương một VPCC ở ngoại thành, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp Trần Thất từng tuyên bố: "Cuối năm nay (2008 - NV) hoặc chậm nhất đầu 2009, sẽ xúc tiến thành lập Hiệp hội Công chứng Hà Nội, để tiến tới lập Hiệp hội trên phạm vi toàn quốc".
Ở huyện Đông Anh, người dân cũng quen dần với công chứng tư. Ảnh: VA
Trên thực tế, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng VPCC. Dù hiện nay không còn quản lý lĩnh vực công chứng, song ông Thất - một trong những "kiến trúc sư trưởng" của Luật Công chứng mới - vẫn cho rằng "ngôi nhà chung" của công chứng nhà nước vốn nhiều kinh nghiệm hơn và các VPCC - "sinh sau đẻ muộn" nhưng đầy năng động có ý nghĩa sống còn đối với những người làm nghề.
Theo ông Thất, cùng với ngôi nhà chung ấy, sẽ phải xây một cơ sở dữ liệu chung cho từng tỉnh, thành và sau đó tiến tới cho toàn quốc.
Không có chuyện "ăn cây nào, rào cây ấy"
Đứng đầu bộ phận quản lý lĩnh vực công chứng của Hà Nội, ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp cũng khẳng định nhu cầu này là chính đáng: "Liên kết các tổ chức hành nghề công chứng sẽ đảm bảo cho hợp đồng, giao dịch không bị trùng lặp. Thêm vào đó, chia sẻ thông tin cũng giúp ngăn chặn được các hành vi sai phạm như một hợp đồng lại được thực hiện giao dịch ở hai nơi khác nhau".
Vậy vì lí do gì, việc lập Hiệp hội công chứng, trước hết ở Hà Nội và việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung, mới chỉ dừng ở ý tưởng?
Ngay Trưởng phòng công chứng số 4 Đặng Mạnh Tiến cũng quả quyết không hề có tâm lý "ăn cây nào, rào cây ấy", "bo bo" giữ thông tin cho riêng mình ở các phòng công chứng (Nhà nước). "Trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, các giao dịch bất hợp pháp là rất nhiều. Rất phổ biến chuyện làm giao dịch này nhưng che đậy giao dịch khác, trong thế chấp, mua bán, ủy quyền... Quản lý dữ liệu được đặt ra như một vấn đề cấp bách không phải từ khi Luật công chứng mới ra đời, mà đã được các phòng công chứng trước đây nêu từ rất lâu rồi".
Là "cây đa cây đề" trong lĩnh vực công chứng, song ông Tiến cũng cho hay, ngay giữa 9 PCC trước đây cũng chỉ chia sẻ thông tin một cách thủ công là "gọi điện cho nhau" khi đứng trước một giao dịch nghi vấn. ’Bây giờ có thêm 42 VPCC, đúng là "bó tay", không thể gọi điện hỏi như thế được. Nhiều lúc vẫn buộc phải làm dù không biết cái nhà này thực tế đã được mang đi giao dịch chưa. Khách hàng có đủ giấy tờ thì mình phải làm, không thể từ chối. Trong khi các giao dịch trùng lặp bị khách hàng xấu lợi dụng nhiều như thế nào thì chính PCC cũng không biết, chứ đừng nói đến VPCC".
Theo ông Tiến, 9 PCC của Hà Nội đều có cơ sở dữ liệu riêng, viết trên một phần mềm riêng. Cách đây vài năm, Sở Tư pháp đã lập dự án kết nối các kho dữ liệu, song về mặt kỹ thuật không tương thích. "Cứ chậm 1 năm thì các kho lại "phình" ra vì có biết bao nhiêu giao dịch".
Hồ hởi với ý tưởng lập Hiệp hội ở Hà Nội - "ngôi nhà chung" theo nghĩa toàn diện, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đào tạo, đối nội, đối ngoại, song ông Tiến cũng lo ngại liệu các công chứng viên tham gia "có dám nói tiếng nói của mình không, hay là nói tiếng nói ông chủ", khi thực tế ở nhiều VPCC, CCV là người làm thuê cho chủ đầu tư.
Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Phạm Thanh Cao thì quả quyết sẽ sớm đưa ra dự thảo đề án lập Hiệp hội công chứng, sau đó Sở Tư pháp sẽ lập Trung tâm thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu chung.
TS Trần Công Trục, Trưởng VPCC Thăng Long cũng cho hay sẵn sàng là đầu mối thành lập trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin về tài sản giao dịch liên quan đến công chứng ở Hà Nội "nếu được cơ quan chức năng cho phép".
-
Vân Anh