221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1208716
Không làm luật kiểu "xếp gạch đặt chỗ"
1
Article
null
Không làm luật kiểu 'xếp gạch đặt chỗ'
,

 - Góp ý cho chương trình xây dựng luật năm 2010 tại Hội trường sáng nay (4/6), các ĐBQH cho rằng nên nhanh chóng đưa những dự án luật liên quan đến quốc kế dân sinh như Luật Đất đai sửa đổi vào chương trình.

ĐBQH cũng phê bình các bộ trưởng vì tình trạng "xếp gạch đặt chỗ" nhưng lại không chuẩn bị kịp, liên tục phải rút dự luật khỏi chương trình dự kiến. Đồng thời, chưa tận dụng và phát huy trí tuệ xã hội như tham vấn chuyên gia tâm huyết.

"Mình đại diện cho dân lại phải đi cửa sau"

ĐBQH Nguyễn Đăng Vang. Ảnh: TTXVN
Luật Đất đai sửa đổi đến nay đã được 7 năm. Vì nhiều bất cập, dự án luật này, theo dự kiến ban đầu sẽ được sửa đổi, trình QH xem xét trong năm 2008.

Nhưng rồi phải lùi lại. Và tiếp tục là "phương án dự bị" trong chương trình làm luật năm tới.

Có nghĩa, ít nhất phải đến năm 2011, thậm chí 2012 mới được thông qua.

"Đơn thư kiện tụng chủ yếu liên quan đến đất đai. Ở Văn phòng Quốc hội có đợt kéo dài nhiều ngày, hàng trăm người dân bức xúc đến ngồi cửa, ĐBQH chuyên trách cũng không ra được, phải đi cửa sau. Mình đại diện cho dân mà lại phải đi cửa sau để ra, các anh lái xe phải hạ cửa kính xuống bảo "tôi không chở ai cả" thì dân mới cho đi qua", Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Nguyễn Đăng Vang cho hay.

Ông Vang, cũng như nhiều ĐBQH quyết liệt yêu cầu sớm thông qua Luật Đất đai sửa đổi ngay năm tới để giải tỏa bức xúc xã hội. Nếu ban soạn thảo lúng túng thì nên mời các chuyên gia độc lập cùng xắn tay vào gỡ vướng.

"Tình trạng khiếu kiện, mất an ninh, mất trật tự, thậm chí mất cán bộ, dân thiếu tin cũng từ luật này", ĐB Hoàng Ngọc Thái (Ninh Thuận) giải thích.

Do vắng mặt Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, đứng lên "phân bua": "Quan điểm của ban soạn thảo vẫn là tập trung các vấn đề thu hồi đất, bồi thường tái định cư, tài chính đất đai, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuế thu nhập từ việc chuyển quyền sử dụng đất, hộ gia đình, giải quyết tranh chấp, khiếu nại".

Nhưng, các vướng mắc này không nằm ở luật mà ở nghị định.

Do đó, trong phiên họp hôm qua (3/6), Chính phủ đã thông qua một nghị định sửa đổi các vướng mắc trên, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉnh lý, ban hành ngay tháng 7 tới.

Như vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai sẽ lùi cho đến đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII.

"Không theo trình tự nào"

Nhiều phiên họp tổ góp ý cho các dự án luật tại kỳ họp này tan khá sớm. Ảnh minh họa: LN

Các ĐB cũng kêu tình trạng Quốc hội đã phải tốn không ít thời gian lên được khung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ và hàng năm, nhưng chỉ cần dự án nào chưa chuẩn bị kịp hoặc "vấn đề nhạy cảm" thì các cơ quan của Chính phủ "điềm nhiên" tự ý rút ra, không theo một trình tự thủ tục bắt buộc nào.

Chưa kể, Ủy ban Thường vụ tuy gửi công văn xin ý kiến ĐB mỗi khi có thay đổi, nhưng lại không công khai ý kiến. Nếu muốn thông qua thì giải thích luật đã nằm trong chương trình, phải biểu quyết thôi. Nhưng nếu không thích, lại đưa ra lập luận "chưa kịp, chưa kỹ".

Vậy rốt cuộc, lỗi từ phía cơ quan soạn thảo, hay những người bấm nút?

"Không biết tôi có nói quá không, chứ thế này là hết sức tùy tiện", ủy viên Ủy ban Pháp luật QH Ngô Văn Minh bức xúc.

Cho nên việc ta đang tự hài lòng rằng chất lượng các luật vẫn tăng là không chính xác. Nhiều luật vừa thông qua chưa ráo mực đã phải sửa.

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) than, thời gian gửi tài liệu ngắn, ĐB khó tham gia, "không tham gia thì không có trách nhiệm, mà tham gia sai thì càng không có trách nhiệm".

Ủy viên Ủy ban Tư pháp QH Thái Thị An Chung đề nghị làm rõ trách nhiệm các bộ trưởng đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo những dự án luật chậm trễ, kém chất lượng. "Nếu cần thiết, cũng phải tính đến việc bỏ phiếu tín nhiệm".

Còn theo ông Nguyễn Văn Pha (Quảng Bình), nếu cầu thị lắng nghe chuyên gia thì ban soạn thảo sẽ gỡ được nhiều điểm vướng, giúp ĐB không mất thời gian phân vân nên hay chưa nên thông qua điều khoản nào đó.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,