221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1199142
Ông Nguyễn Văn An: Mở rộng dân chủ trong Đảng chỉ có tốt
1
Article
null
Ông Nguyễn Văn An: Mở rộng dân chủ trong Đảng chỉ có tốt
,

Cuộc trò chuyện với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về thí điểm dân chủ trực tiếp trong bầu cử ở gần 1.500 trong số 22.000 đảng bộ cơ sở trên cả nước.

Ông An nói, thí điểm đại hội trực tiếp bầu lãnh đạo và ban lãnh đạo đảng bộ cơ sở thực ra là mở rộng dân chủ ở cơ sở Đảng. Trước đây, trong trung ương cũng có những đề xuất như vậy song không đạt đồng thuận để đưa vào Điều lệ. Lúc chuẩn bị Đại hội X, cũng đã có ý kiến đề nghị thực hiện Đại hội toàn quốc bầu tổng bí thư. Tôi cũng chia sẻ lắm. Mạnh dạn mà đổi mới ngay từ thượng tầng, từ Điều lệ, Hiến pháp làm cơ sở mở rộng dân chủ thì tốt quá...

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An.
Coi "ý kiến khác" là bình thường

Nhưng muốn sửa Điều lệ, Hiến pháp thì phải có quyết tâm rất lớn của lãnh đạo...?

- Đúng thế. Quyết tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Còn làm như hiện nay, chừng như theo truyền thống đổi mới từ dưới lên. Thế thì chắc, cơ mà chậm. Chậm thì có khi bỏ lỡ thời cơ...

Thực tiễn thì dân chủ, công khai, minh bạch trong nội bộ Đảng còn nhiều vấn đề phải làm. Thông tin chính thức về quan điểm, việc làm, đời tư của ứng cử viên chưa được đầy đủ, đến đảng viên với nhau mà nhiều vấn đề chỉ nghe qua rỉ tai. Tới tầm đại hội toàn quốc, những nhân sự như thế là mối quan tâm của toàn dân, là người của công chúng. Kể ra quan điểm, đường lối, chương trình hành động và cả đời tư nên được bộc bạch hết, báo chí được tiếp cận, bình luận và thông tin tới dân chúng. Minh bạch thế, công khai thế thì dân chủ trực tiếp mới phát huy tác dụng.

Nhưng trong cơ chế lãnh đạo tập thể của Đảng thì cá nhân, dù là ứng viên tổng bí thư, sao dám đưa ra cương lĩnh, chương trình hành động của riêng mình, nhất là lại khác biệt, cấp tiến với tập thể?

- Quy định của Đảng thì từng đảng viên đều có quyền đưa ra quan điểm và bảo lưu quan điểm. Cơ mà thực tế có những đồng chí vì thế mà bị đánh giá, thậm chí bị xử lý... Cho nên, để phát huy được dân chủ thực sự thì tập thể lãnh đạo và người đứng đầu phải cởi mở, tạo môi trường cho đồng chí của mình thể hiện, coi ý kiến khác nhau là bình thường. Tập thể lãnh đạo thì quan trọng nhất là phải được giàu có về ý tưởng. Mở rộng dân chủ để các ý tưởng được nảy nở, phát huy để phản ánh được cái đa dạng của cuộc sống. Trên cơ sở đó, tập thể thảo luận dân chủ, nói hết, nói đến cùng. Cá nhân có quyền bảo lưu ý kiến, quan điểm nhưng khi thảo luận đã ngã ngũ, đa số quyết thế nào thì phải chấp hành như thế.

Dân chủ trong Quốc hội thực ra là mở rộng dân chủ trong Đảng

Từ kinh nghiệm hoạt động Quốc hội, ông thấy có gì tương đồng, chia sẻ được với việc mở rộng dân chủ trực tiếp trong sinh hoạt Đảng?

- Cái chung là phải thật sự tôn trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng, không chủ quan, không áp đặt.

Ở Quốc hội, khoảng 90% đại biểu là đảng viên. Bộ Chính trị 15 người, Ban Chấp hành Trung ương gần 200, còn Quốc hội là trên dưới 400 đảng viên. Từ đó, khi đưa những chủ trương mà ban lãnh đạo Đảng đã quyết nghị ra Quốc hội thảo luận, cũng chính là mở rộng dân chủ trong Đảng. Khi Quốc hội “có ý kiến khác” thì chính là vì phần lớn các đảng viên trong Quốc hội còn băn khoăn với quyết nghị của Bộ Chính trị chứ thực chất chưa phải là mâu thuẫn giữa dân với Đảng.

Thực tiễn sinh hoạt Quốc hội cho thấy mở rộng dân chủ trong Đảng chỉ có tốt. Chẳng hạn như lần Bộ Chính trị ra nghị quyết thưởng danh hiệu “Thành phố Anh hùng”. Chính phủ đã trình sang Quốc hội mong kịp công bố vào dịp 30 năm thống nhất đất nước. Đối chiếu Luật Thi đua khen thưởng thì không có danh hiệu đó. Tập thể Bộ Chính trị đã quyết thì đảng viên phải chấp hành. Cơ mà Quốc hội phải chấp hành luật. Chỉ có cách sửa luật để bổ sung thêm danh hiệu “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”. Làm như vậy thì không kịp dịp 30/4, song cũng phải chịu. Luật pháp là tối thượng và Quốc hội đã xử lý như thế. Qua chuyện này, thấy Đảng cầm quyền thì một tay phải nắm vững nguyên tắc Đảng, tay kia phải nắm vững pháp luật là tối thượng, còn lòng mình phải hướng về lòng dân.

Thế còn trong hoạt động bầu cử, quyết định nhân sự?

- Vấn đề vẫn là quyết tâm mở rộng dân chủ trong Đảng. Trước đây, ta quen theo cách trung ương, Bộ Chính trị đã quyết thì toàn thể đảng viên trong Quốc hội phải chấp hành. Tôi đề nghị các chủ trương chính sách lớn, kể cả công tác nhân sự, khi trung ương, Bộ Chính trị dự kiến thì nên coi là quyết định ban đầu. Tiếp đó đưa sang Quốc hội hoặc các đảng viên trong Quốc hội thảo luận, lắng nghe ý kiến và tiếp thu, rồi hẵng ra quyết định chính thức. Làm được thế thì đưa ra bỏ phiếu chính thức sẽ rất thuận lợi. Chứ nghe không thấu thì dễ trục trặc lắm. Thực tế, có trường hợp chuẩn bị nhân sự, khi thăm dò ở Quốc hội được 62%, tức là còn nhiều ý kiến khác nhưng rồi vẫn trình Quốc hội bầu, kết quả chỉ được 49%. Dân chủ không thực chất thì trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan lãnh đạo, song từng đại biểu, từng đảng viên trong Quốc hội cũng có trách nhiệm của mình.

Các đại biểu dự Đại hội biểu quyết về việc bầu BCH TW khóa X. Ảnh: Báo ảnh VN

Đại hội Đảng: Tôn trọng quyền tự ứng cử

Đại hội đảng bộ cơ sở bầu trực tiếp lãnh đạo và ban lãnh đạo thì rất có thể sẽ “có ý kiến khác” về nhân sự mà cấp ủy chuẩn bị, giới thiệu. Từng phụ trách công tác tổ chức của Đảng, ông thấy nên xử lý thế nào?

- Thực ra, trong công tác nhân sự thì từ xưa tới giờ, chỗ nào chẳng có ý kiến này, ý kiến khác. Vấn đề là mình lắng nghe thế nào, có thấu đáo không. Chuẩn bị nhân sự là việc của cấp ủy trực tiếp nhưng có chỉ đạo của cấp trên. Nhưng làm sao để việc chuẩn bị nhân sự của cấp ủy đó cũng như chỉ đạo của cấp trên sát với ý kiến của quảng đại quần chúng, của đảng viên cơ sở. Lắng nghe sâu sát, tiếp thu có chọn lọc, giải trình đầy đủ, thuyết phục khi có ý kiến khác nhau rồi thì ra đại hội bầu chắc không còn đột biến.

Công tác nhân sự hay chủ trương chính sách cũng thế thôi. Như dạo chuẩn bị Đại hội VI, dự thảo báo cáo chính trị ban đầu của trung ương khóa V đưa xuống địa phương thảo luận nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Bộ Chính trị đã trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu. Kết quả, báo cáo chính trị trình Đại hội VI đã thay đổi cơ bản so với bản dự thảo ban đầu. Thế mới có đường lối đổi mới ở Đại hội VI và những thành tựu đổi mới như ngày nay. Kinh nghiệm rút ra là phải lắng nghe thực sự: “Tổng hợp đầy đủ, tiếp thu chọn lọc, giải trình nghiêm túc, lý lẽ thuyết phục”.

Dân chủ trực tiếp ắt liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của đại biểu. Ra đại hội, tự ứng hoặc đề cử mà nằm ngoài chuẩn bị của cấp ủy, chỉ đạo của cấp trên thì có trái nguyên tắc Đảng?

- Điều lệ cho phép như vậy mà. Công tác nhân sự bao giờ cũng có lãnh đạo của cấp ủy cấp trên nhưng sự lãnh đạo đó không làm mất đi quyền tự do, dân chủ bầu cử của cơ sở. Dạo làm trưởng Ban Tổ chức trung ương, tôi cũng gặp những trường hợp như vậy. Bộ Chính trị giới thiệu anh X nhưng dưới tỉnh khi bàn thì giới thiệu thêm anh Y, Z. Ra đại hội, ai trúng cử cũng được, còn trên có quyền phê hoặc không phê chuẩn. Nhưng cấp trên chỉ được không phê chuẩn trong hai trường hợp: vi phạm nguyên tắc bầu cử của Đảng; bầu người không đủ tiêu chuẩn.

Cơ mà số đông thường là phản ánh sát đời sống hơn, sát nguyện vọng quần chúng hơn. Đại hội Đảng các cấp chẳng hạn, đại biểu từ nhiều nơi về, không ràng buộc chức tước mà lại được thông tin đầy đủ, trung thực thì lựa chọn của số đông sẽ khách quan hơn.

Vậy thì lại có nguy cơ cấp trên ra những tiêu chuẩn rất khắt khe mà chỉ nhân sự do cấp trên giới thiệu mới đạt...

- Không. Bầu cử khác với đấu thầu. Đấu thầu thì chủ đầu tư có thể ướm trước nhà thầu nào rồi thì đặt ra những điều kiện dự thầu theo ưu điểm của nhà thầu đó. Còn tiêu chuẩn cấp ủy là quy định chung, không tùy tiện được. Tất nhiên không loại trừ việc cấp trên không sáng suốt, có xen ý đồ cá nhân. Nhưng như thế, anh sẽ bị cả đảng bộ và cấp ủy địa phương phản ứng, có thể bị các cơ quan của Đảng kiểm tra, rồi còn dư luận quần chúng nữa.

Một vấn đề nữa thưa ông, bí thư do đại hội bầu có trách nhiệm báo cáo, kiểm điểm công tác trước đại hội không hay vẫn như lâu nay là chỉ báo cáo trước ban chấp hành?

- Ở mức độ thí điểm thì chưa đề cập nhưng theo tôi, tiến tới phải nghiên cứu sửa Điều lệ. Có thể mới giải quyết được những vấn đề nảy sinh, như đại hội bầu bí thư, nhỡ bí thư có vấn đề gì thì sao? Ban chấp hành cách chức hay phải triệu tập đại hội bất thường? Đảng bộ cấp cơ sở, như xã, phường, đảng viên ít, phạm vi nhỏ còn có thể kịp thời họp, đại hội bất thường được chứ tiến tới đại hội toàn quốc bầu tổng bí thư thì sao? Mở rộng và thực thi dân chủ là tốt nhưng cũng phải lường trước những tình huống phức tạp.

Dân chủ - nguồn sinh khí mới cho phòng trào cách mạng, đổi mới

Mỗi dự án luật, trước khi ban hành cơ quan soạn thảo đều phải dự báo trước tác động của nó tới cuộc sống. Còn việc thí điểm này có thể dẫn tới mở rộng dân chủ trực tiếp tới tất cả 22.000 đảng bộ cơ sở, tức trên quy mô rất lớn. Ttheo ông, có thể dự báo thế nào về tác động của cuộc thí điểm này tới sinh hoạt chính trị đất nước?

- Đúng theo nghĩa “dân chủ vừa là mục đích, vừa là động lực” thì việc mở rộng dân chủ này có sức mạnh rất lớn, sinh hoạt dân chủ trong nội bộ Đảng sẽ sôi động lên rất nhiều. Đây là kết quả của tương tác bên trong, bên ngoài nhưng qua đó, không khí dân chủ nội bộ Đảng sẽ nhanh chóng lan tỏa toàn xã hội, phát huy sáng kiến, sáng tạo, sự hồ hởi toàn xã hội.

Con người ta khi có không gian khoáng đạt để phát huy quyền làm chủ thì mỗi người sẽ thêm hưng phấn, tự hào từ trong lòng, thấy mình có giá trị hơn, được coi trọng hơn. Đấy là nền tảng thiết yếu để sáng tạo, để thăng hoa. Triết học một chút, lúc ấy “ta mới là ta”. Lúc ấy phong trào cách mạng, phong trào đổi mới có thêm nguồn sinh khí mới, vô cùng, vô tận.

Ông có thấy triển vọng mở rộng dân chủ trực tiếp trong bầu cử lên cả đảng bộ cấp trên cơ sở như quận, huyện, tỉnh, thành và một lúc nào đó sẽ là Đại hội Đảng toàn quốc?

- Tôi mong thế và tin là Việt Nam mình hoàn toàn có thể làm được. Cách mạng tháng Tám 1945, nước ta là nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên trong khu vực. Nó cho thấy, khi điều kiện đã chín muồi, có chuẩn bị tốt, lãnh đạo tốt là sẽ làm được.

Song cũng không thể nôn nóng ngày một, ngày hai hay ảo tưởng là cứ có cơ chế, có dân chủ trực tiếp, là có dân chủ thực sự. Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng vậy thôi. Ta mới lập nên thể chế dân chủ cộng hòa chứ còn con người, nếp nghĩ vẫn cũ, vẫn phong kiến, bảo hoàng.

Xây dựng nền dân chủ cộng hòa, xã hội công dân, xã hội dân sự, khi mà mỗi người dân là một người chủ thật sự, không hình thức vẫn là một quá trình lâu dài, gian khổ.

Xin cảm ơn ông.

(Theo PL TP.HCM)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,