221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1176924
Trò chuyện với nguyên Chủ tịch Quốc hội về nhất thể hóa
1
Article
null
Trò chuyện với nguyên Chủ tịch Quốc hội về nhất thể hóa
,

Nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền ở cấp xã, huyện, tỉnh; đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu chọn ban lãnh đạo và người lãnh đạo… là những vấn đề mang tính đột phá trong Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 của Đảng.

Nguyên Chủ tịch QH, nguyên Trưởng ban Tổ chức TƯ Đảng Nguyễn Văn An. Ảnh: Tiền phong

Nguyên Chủ tịch Quốc hội, Nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng Nguyễn Văn An trò chuyện với báo Tiền Phong về vấn đề này.

Lãnh đạo khác với cầm quyền

Trả lời câu hỏi về vấn đề nhất thể hóa chức danh Đảng và chính quyền được đặt ra từ khi nào, ông Nguyễn Văn An cho rằng vấn đề đã được đặt ra từ lâu và tới cuối khóa VI đầu khóa VII thì đã gần thành hiện thực. Ông An là một trong những người tích cực ủng hộ việc nhất thể hóa.

Từ đầu khóa VII, kỳ họp thứ nhất của TƯ đã bỏ phiếu tán thành việc Tổng Bí thư sẽ ứng cử chức danh Chủ tịch nước. Nhưng khi đó lại có ý kiến không đồng ý cho nên vấn đề nhất thể hóa chức danh Đảng và chính quyền không thể thực hiện được.

Theo ông An, có ba lý do không đồng ý: Thứ nhất vì lo người đứng đầu nếu tuổi cao sức yếu không làm được; thứ hai lo năng lực không đảm đương được cả hai chức vụ; thứ ba, lo quyền lực tập trung vào một người thì liệu có thể dẫn đến mất dân chủ, chuyên quyền, độc đoán?

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng khi chọn cán bộ phải chọn người có năng lực, sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ chứ không làm ngược lại. Từ thể chế mà chọn cán bộ chứ không phải từ cán bộ mà quyết định thể chế. Còn quyền lực đã được phân cho ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp chứ không phải tập trung vào một người.

Trả lời về cơ sở để Ban Tổ chức TƯ  đề xuất vấn đề nhất thể hóa, ông An cho rằng xuất phát từ vấn đề liên quan đến thực tiễn và lý luận, về đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền. Thể chế quyết định cơ chế, cơ chế thể hiện thể chế.

Ông lấy ví dụ từ cái đồng hồ, kim giờ, kim phút, kim giây, ba cái hoạt động riêng, mỗi cái có chức năng riêng, không thể lẫn lộn được. Cần phân biệt rõ đảng cầm quyền với đảng lãnh đạo chính quyền. Lãnh đạo không có nghĩa là tôi ép buộc anh phải làm theo tôi. Lãnh đạo thì không thể bắt buộc, nhưng chính quyền lại có thể làm được việc đó. Lãnh đạo mà là bắt buộc thì không phải là lãnh đạo. Trước mỗi chủ trương, đường lối, nhân dân có người thông, người không, trong bộ máy nhà nước cũng thế.

Kể cả đường lối ấy có đúng đắn chăng nữa thì cũng có một số người không ủng hộ hoặc lưỡng lự, ít nhất là như vậy, cho nên anh phải thuyết phục họ. Nhưng đã là luật thì khác, mọi người phải chấp hành, chính quyền phải quản lý theo pháp luật.

Phải hiểu lãnh đạo là sự ảnh hưởng, lôi cuốn, là soi đường, vạch đường, chỉ lối, là vận động, thuyết phục, là nêu gương, là giới thiệu nhân sự…Cho nên phải hiểu và phân biệt cho đúng sự khác nhau giữa lãnh đạo và cầm quyền.

Cầm quyền là tôi trực tiếp nắm chính quyền thông qua việc bầu cử của nhân dân, thông qua Nhà nước chứ không có nghĩa là Đảng trực tiếp làm việc này. Đảng không trực tiếp quản lý đất nước mà Đảng chỉ lãnh đạo. Nhưng khi được nhân dân giao phó thì Đảng trực tiếp cầm quyền.

Cầm quyền tức là phải vào bộ máy quyền lực, tuân theo quyền lực của Nhà nước, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, toàn bộ phải hoạt động theo hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Anh không thể quản lý đất nước trực tiếp bằng chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Chỉ thị, nghị quyết của Đảng là để lãnh đạo chứ không thay cho pháp luật được.

Nhất thể hóa chính là cầm quyền

Ông Nguyễn Văn An cho rằng lãnh đạo phải thông qua đường lối, cương lĩnh, thông qua tổ chức, cán bộ. Từ cương lĩnh, những ý tưởng chính trị phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật và quản lý đất nước bằng hiến pháp, pháp luật.

Còn chỉ thị, nghị quyết là để lãnh đạo, chỉ mang ý nghĩa bắt buộc trong nội bộ Đảng và có ý nghĩa vạch đường, chỉ lối cho toàn dân. Nếu dân ủng hộ và nội dung những chỉ thị, nghị quyết đó được chuyển hóa vào hiến pháp, pháp luật, lúc bấy giờ biến thành của dân và chỉ có luật pháp mới có giá trị bắt buộc. Cho nên nhất thể hóa chính là cầm quyền.

Ở các nước XHCN hiện nay như Trung Quốc, Lào, Cuba..., tổng bí thư đảng trực tiếp cầm quyền. Hầu hết các đảng cầm quyền ở châu Âu thì lãnh tụ đảng trực tiếp đứng đầu cơ quan hành pháp.

Nhằm tránh sự tha hóa của quyền lực, Montesquieu đề xuất tam quyền phân lập để không tập trung quyền lực vào một người, một chỗ nào, nhưng đây thực sự là cuộc đấu tranh rất quyết liệt. Mỗi nước vận dụng cụ thể công thức của Montesquieu.

Việt Nam cũng vậy, ta nói là phân công ba quyền, có sự hợp tác chặt chẽ song không phân lập. "Về thực chất, nhất thể hóa chính là Đảng cầm quyền và chỉ khi nào thực hiện nhất thể hóa thì mới thực sự không điều hành đất nước bằng chỉ thị, nghị quyết của Đảng".

Lắng nghe ý kiến trái chiều

Ông An cho rằng, nếu không nhất thể hóa người đứng đầu thì sẽ không gắn được quyền lực và trách nhiệm. "Quyền lực và trách nhiệm mà tách rời nhau là điều tối kỵ".

Bởi vì, quyền lực thường có nguy cơ bị lạm dụng, tha hóa, bao giờ cũng phải có sự phê phán, ràng buộc, giám sát để phát triển bền vững. Khi không có ai dám phê phán thì không thể có phát triển bền vững.

Ông nói, khi ở đỉnh cao người ta khó hoặc không thấy được mặt khuyết điểm, chỉ thích nghe ủng hộ mà không thích nghe ý kiến phê phán. Một người chỉ thích nghe ủng hộ, chỉ thích nghe mình đúng mà không lắng nghe ý kiến trái chiều là hỏng rồi, nhưng không chết ngay mà chết từ từ.

Chính vì vậy, Montesquieu mới đề xướng thuyết tam quyền phân lập để tránh nguy cơ tha hóa, thoái trào của thể chế, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng thay thế  kịp thời chứ không để "cùng tắc biến". 

Ông An cho biết vấn đề nhất thể hóa được đặt ra, sau lần TƯ bỏ phiếu tán thành nhưng không thực hiện được, sau đó đã không được nhắc lại nữa vì nhiều lý do. Nhưng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì rất ủng hộ, cho đến cuối đời, ông vẫn giữ quan điểm đó.

Trực tiếp nắm quyền mới quy được trách nhiệm

Trả lời câu hỏi lợi ích gì từ vấn đề nhất thể hóa có phải để tránh hiện tượng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tránh tình trạng bí thư và chủ tịch các cấp địa phương nhiều khi cứ kình nhau hay không, ông An nói khi đó đề xuất thực hiện từ cấp cao nhất, nghĩa là từ Tổng Bí thư cho tới cấp cơ sở vì thực ra đầu xuôi thì đuôi lọt.

Thực hiện nhất thể hóa có lợi nhiều mặt nhưng vấp phải ý kiến phản đối vì cho rằng quyền lực tập trung vào một người dễ tha hóa. Nhưng theo ông, quyền lực không phải tập trung ở một người, lập pháp, hành pháp, tư pháp đã phân công rành mạch.

"Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ như ba cái kim đồng hồ riêng, ba mảng riêng, tuy có quan hệ chặt chẽ song không thể lẫn lộn vì lẫn là hỏng". Trong hiến pháp, pháp luật có chỗ nào nói về trách nhiệm của Tổng Bí thư, của bí thư các cấp.

Nhưng nếu là Chủ tịch nước, chủ tịch UBND các cấp thì luật quy định rất rõ. Làm không đúng chức năng, nhân dân, cử tri sẽ có ý kiến. Bí thư các cấp ủy quyền hành rất lớn nhưng chỉ là lãnh đạo chung chẳng chịu trách nhiệm pháp lý gì cả. Nếu anh sang nắm quyền trực tiếp thì phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.

Ông cho biết, trước đây đã làm thí điểm thực hiện nhất thể hóa tại cơ sở trên phạm vi toàn bộ một tỉnh, nhưng mới làm được một thời gian thì xảy ra lộn xộn nên có người bảo do việc nhất thể hóa nên mới có chuyện như vậy.

Nhất thể hóa thì sẽ tránh được tình trạng lấn cấn giữa bí thư và chủ tịch, ít nhất là như vậy - ông An nói - Hiện tượng này là phổ biến và đã là phổ biến thì thuộc về bản chất chứ không phải hiện tượng.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng ban Tổ chức TƯ Đảng cho biết ông rất  hoan nghênh việc thí điểm nhất thể hóa cán bộ hiện nay. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng làm từ trên xuống sẽ thuận lợi hơn "vì cuối cùng quyết định phải ở trên TƯ. Nhưng Việt Nam thường đổi mới từ dưới lên. Nếu làm từ trên sẽ thúc đẩy toàn bộ. Không nên để chậm quá".

Ông tin tưởng đề án thí điểm lần này sẽ thành công "vì đó là khoa học". Bởi xu thế nhất thể hóa không phải mới mà chỉ là học tập, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm các đảng cầm quyền trên thế giới. Tất cả đã có rồi, vấn đề là vận dụng ra sao thôi.

Khi được hỏi quan điểm về đề xuất mới đây của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh về việc cho dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố, ông An cho rằng: "Làm được như vậy thì quá tốt nhưng lại đụng luật".

Về đề án thí điểm để đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, các chức danh bí thư, phó bí thư, ông An cho biết, đây thực chất là vấn đề mở rộng dân chủ trong Đảng. Tuy nhiên, việc gì cũng phải có sự chuẩn bị thấu đáo. Nếu không có một nền dân chủ tốt, những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên, chưa chắc có sự lựa chọn tốt. Nếu ra đại hội mà không có thông tin mà lại chỉ qua lực lượng rỉ tai nhau thì rất nguy hiểm.

Cho nên để phát huy dân chủ phải có lãnh đạo tốt. Ông nói ông ủng hộ việc bầu trực tiếp nhưng phải chuẩn bị tích cực các điều kiện và có sự lãnh đạo tốt.

Nên có cơ chế để dân bầu chọn người đứng đầu

Về phương thức để nhân dân có thể lựa chọn người đứng đầu, ông An nói cần phải có cương lĩnh công khai. Cương lĩnh là mục tiêu, lý tưởng, là những giải pháp lớn để tập hợp lực lượng. Cương lĩnh cũng như con đường, để nhân dân tự lựa chọn, như thế mới là lãnh đạo. Lãnh đạo để cho dân lựa chọn. Nếu dân không có sự lựa chọn thì coi như không phải là lãnh đạo.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc Quốc hội đã thông qua chủ trương để nhân dân ở mấy trăm xã, phường được trực tiếp lựa chọn người đứng đầu cho mình thực sự là một chủ trương rất tích cực. Dân sẽ được quyền chọn lãnh đạo của mình. Tuy nhiên dưới xã cũng có nhiều chuyện phức tạp như vấn đề dòng họ, vùng này vùng kia... Cho nên phải khắc phục những tư tưởng sai lệch đó và phải lãnh đạo tốt thì việc bầu chọn trực tiếp mới tốt.

(Theo Tiền Phong)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,