221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1156171
Bí thư phường tuổi 40
1
Article
null
Bí thư phường tuổi 40
,

 - Nhiệt huyết, có trình độ học vấn, những bí thư đảng ủy phường ở Hà Nội tuổi trên dưới 40 có chung nhiều suy tư: Không muốn được coi là "cán bộ trẻ", muốn được đào tạo, muốn có đồng lương thỏa đáng... 

Nghịch lý thiếu nguồn cán bộ trẻ 

Được bổ nhiệm ở tuổi 33, Đỗ Trọng Nam là bí thư trẻ nhất của quận Đống Đa và một trong những cán bộ Đảng cơ sở trẻ nhất ở Hà Nội. Sau 3 năm công tác, bí thư Đảng ủy phường Ngã Tư Sở tự xếp mình vào danh sách cán bộ không còn trẻ. 

Bí thư Đảng ủy phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa: Thế hệ trẻ được đào tạo bài bản, dám nghĩ, dám làm. Ảnh: XL

"Cán bộ lứa từ 35 đến 40 tuổi không nên được coi là trẻ nữa. Trong bối cảnh xã hội năng động như hiện nay, "trẻ" chỉ có thể là dưới 30", anh Nam phân tích.  

Bí thư Đảng ủy phường Kim Liên Nguyễn Thanh Hải cũng bắt đầu công việc cán bộ cơ sở từ rất sớm. Sau 4 năm công tác, hiện ở tuổi 42, anh vẫn được coi là cán bộ trẻ.

Nhưng anh Hải cho biết thực tế thế hệ lứa tuổi anh làm công tác cán bộ cơ sở đã khá phổ biến và không còn quá trẻ. Chủ trương tích cực trẻ hóa cán bộ chủ chốt cơ sở trong những năm qua đã tạo ra luồng gió mới, mở cơ hội cho những người trẻ có năng lực đảm nhiệm vị trí cán bộ chính quyền cấp cơ sở. 

Ông Phạm Văn Quý, một cán bộ hưu trí cao tuổi phường Kim Liên nhận định: "Phường chúng tôi đã qua nhiều đời bí thư. Họ đều là bạn tôi. Nhưng họ già rồi, làm việc theo kiểu xưa. Nay, cán bộ mới, trẻ khiêm tốn hơn, năng động hơn. Tất cả những công việc mà chúng tôi xin ý kiến đều được cán bộ góp ý, góp ý xong rồi không để đấy mà quán xuyến kiểm tra, đôn đốc, xem làm đến đâu. Công việc thực chất, nói là làm. Những đồng chí trước thường ngại va chạm, nhắc nhở xong thì thôi, có thể gọi là an phận thủ thường".  

Tuy nhiên, chính những người trong cuộc thừa nhận còn nhiều khó khăn trong công tác xây dựng cán bộ lãnh đạo cấp phường. Trong khi chủ trương cán bộ phải trẻ nhưng khó khăn, bất cập lớn nhất hiện nay lại là thiếu cơ chế tạo nguồn cán bộ trẻ. Nhiều cán bộ chủ chốt đương nhiệm ở cấp phường thẳng thắn thừa nhận nguồn kế cận hiện nay rất thiếu.  

Bí thư Đảng ủy phường Ngã Tư Sở Đỗ Trọng Nam không đồng tình việc bổ nhiệm câu nệ yếu tố chín chắn và đầy đủ kinh nghiệm trong khi công tác quy hoạch cán bộ nguồn vừa yếu, vừa thiếu.  

"Thế hệ trẻ được đào tạo bài bản, dám nghĩ, dám làm. Điều quan trọng phải biết phát huy, tạo điều kiện cho họ cọ sát thực tế cũng như bồi dưỡng, đào tạo họ. Cán bộ phải đủ chín chắn, kinh nghiệm thì họ già mất rồi", bí thư Nam nói.  

Bí thư phường Kim Liên cũng đồng tình: "Bây giờ có nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học rất năng động, nhiệt huyết, bắt nhịp công việc tốt lại được đào tạo bài bản. Họ hoàn toàn có thể phát huy khả năng và cống hiến cho công việc chung nếu có chủ trương quy hoạch và đào tạo chuyên môn, chính trị từ sớm".  

Cán bộ này cũng nhấn mạnh tư duy "mở đường" cho cán bộ nguồn, đưa vào diện quy hoạch. Mở đường để cho họ ’’chủ động, tự tin phát huy mọi khả năng của họ".  

Nguồn thiếu do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó phải kể đến đó là chính sách thu hút nguồn nhân lực. Trong khi đó xã hội có tồn tại tư duy làm ở cấp cơ sở khó phấn đấu lên cao nên nhân lực cho cấp cơ sở xã, phường hạn chế, chủ yếu huy động, sử dụng tại địa phương.   

Theo Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, một trong những nội dung chính là tích cực trẻ hoá cán bộ chủ chốt ở cơ sở. 
 
"Các địa phương cần đẩy mạnh việc tiếp nhận, đưa sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác ở xã, phường, thị trấn làm cán bộ công chức dự bị từ hai đến ba năm để rèn luyện, thử thách. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hoá đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn", ông Hà nói.

Không nên hạn chế học 

Từ chủ trương, chính sách cho đến thực tế có lẽ còn cả một khoảng cách. Thực tế, mặc dù chuẩn bị nhiệm kỳ mới nhưng anh Đỗ Hoàng Nam vẫn chưa đủ điều kiện tham gia học lớp chính trị cao cấp. Một trong những quy định cứng, đó là cán bộ chỉ được tham gia học cao cấp khi 41 tuổi. Anh Nguyễn Thanh Hải cũng từng bị lỡ một khóa học chính trị cao cấp khi chỉ thiếu mấy tháng tuổi và buộc phải chờ đợi thêm một năm.  

"Cần thực hiện mạnh mẽ chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa và từng bước nhất thể hóa chức danh cán bộ, tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở".

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt

Quy định cứng về tuổi tham gia học chính trị cao cấp khá cao cũng làm hạn chế việc quy hoạch cán bộ nguồn. Bên cạnh đó, chỉ tiêu có hạn khiến việc điều động đi đào tạo chưa được linh hoạt. 

"Đào tạo không nên tính theo tuổi. Vì có người đạt độ tuổi yêu cầu nhưng không có nhu cầu trong khi người nằm trong diện quy hoạch mong muốn tham gia học sớm để chuẩn bị đảm nhiệm công việc cao hơn phải chờ đúng tuổi", bí thư Nam nói.   

Thực tế, nhiều cán bộ đã được chuẩn bị đi học trung cấp chính trị từ sớm. Nhưng từ trung cấp đến cao cấp là khoảng chờ đợi khá dài. Nhiều cán bộ cấp cơ sở đương nhiệm cho rằng nếu muốn xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cần tạo điều kiện để họ tham gia các khóa học từ chuyên môn đến chính trị càng sâu càng tốt.    

Làm sao sống được bằng lương 

Trăn trở của nhiều cán bộ đảng ủy phường, đó là làm sao trong tương lai có thể sống được nhờ lương.  

"Toàn bộ chủ trương thực hiện bắt đầu từ cấp cơ sở. Bí thư, chủ tịch phường trách nhiệm rất lớn, vì ở cấp gần dân nhất, sát dân nhất. Nhưng hiện nay chúng tôi chưa có một đồng phụ cấp trách nhiệm. Nếu ai kiêm nhiệm công việc thì chỉ có phụ cấp kiêm nhiệm. Với cơ chế lương hiện nay, nếu có tiền phụ cấp thì cũng không phải nhiều nhặn gì nhưng đó là sự động viên, khích lệ đối với cán bộ", bí thư phường Ngã Tư Sở cho hay. 

Bí thư phường Kim Liên so sánh cơ chế ở địa phương khác. "Tôi nghe nói ở Thành phố Hồ Chí Minh có khoán hành chính rất hay. Một nhân viên đảng ủy phường lương tháng vài triệu đồng, bởi đảng ủy được khoán một khoản tiền nhất định. Nếu ít nhân viên và mỗi nhân viên kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ thì sẽ được hưởng thêm. Cơ chế đó thật đơn giản nhưng Hà Nội chưa làm được". 

Đồng lương hạn chế không khiến hai anh giảm nhiệt huyết với công việc. "Thứ tôi thấy thiếu nhất là thời gian. Nếu muốn làm hết trách nhiệm thực sự, người bí thư không thấy lúc nào rảnh rỗi cả", anh Hải nói. 

Đặt câu hỏi về tham vọng tiến xa hơn trong sự nghiệp, hai bí thư của quận Đống Đa đều thẳng thắn nói muốn có cơ hội thử sức lớn hơn.  

"Khi đã làm tốt ở một vị trí, bao giờ người ta cũng mong muốn được làm ở vị trí cao hơn để có thể cống hiến nhiều hơn. Nhưng có làm được hay không, còn phụ thuộc vào sự đánh giá của tập thể", bí thư Hải nói.  

Còn bí thư Nam thì trăn trở: "Một bí thư phường trẻ làm tối đa hai nhiệm kỳ là nghỉ. Về cơ bản, họ không thể quay lại làm cán bộ chuyên môn. Cần có cơ chế đào tạo, quy hoạch những cán bộ này để có thể đảm nhiệm những công việc khác".

  • Xuân Linh 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,