221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1150277
Đảng lãnh đạo nhưng không áp đặt
1
Article
null
Đảng lãnh đạo nhưng không áp đặt
,

 - Trăn trở với nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng nếu ranh giới trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ không rõ ràng thì chúng ta còn thấy sự áp đặt.

Đảng phải bố trí cán bộ giỏi sang cơ quan Nhà nước

- Thưa ông, hồi tháng 7/2007, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là khâu mấu chốt. Là người nhiều năm làm công tác tổ chức của Đảng, ông thấy khâu mấu chốt này đã được thực hiện như thế nào?

- Tôi thấy phải đổi mới như thế nào để thực hiện được cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nếu ba cái đó không rõ ràng thì chúng ta còn thấy Đảng áp đặt, vai trò Nhà nước không thực hiện được, vai trò quần chúng lại càng lu mờ.

Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương: Đảng lãnh đạo tức là Đảng phải có sức thuyết phục... Ảnh: VA

Theo tôi, trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, Đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, cái đó rất quan trọng, phải tập trung cao độ vào Bộ Chính trị, trên tất cả các lĩnh vực, nhất là an ninh quốc phòng và công tác cán bộ. Hồi ấy Bộ Chính trị quyết thế nào là chấp hành, điều hàng vạn cán bộ vào chiến trường, bố trí các tướng lĩnh, cán bộ vào Nam... Lúc ấy nghị quyết Thủ tướng Chính phủ thi hành.

Thời chiến tranh như thế là đúng, cái gì cũng bàn, cũng lấy ý kiến thì lỡ thời cơ, mở một chiến dịch, trước một trận đánh thì phải bí mật hoàn toàn. Chính nhờ sự tuyệt đối và toàn diện ấy, Đảng ta đã giành thắng lợi.

Bây giờ sau hòa bình thì tình hình hoàn toàn khác. Trong phương thức lãnh đạo của Đảng, phải có sự đổi mới, điều chỉnh theo nghĩa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Các nghị quyết của Đảng, cương lĩnh đều nói rồi.

Sau hòa bình, phải nói là Đảng ta đã có nhiều cố gắng. Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ đã bàn nhiều vấn đề này. Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói: Đảng muốn lãnh đạo thì Đảng phải bố trí cán bộ giỏi sang cơ quan Nhà nước, để cơ quan Nhà nước thực thi đường lối chính sách của Đảng. Nếu cơ quan Nhà nước yếu thì không thực thi được đường lối chính sách của Đảng.

Trên thực tế chúng ta cũng đã có nhiều cố gắng. Như vấn đề nhân sự chẳng hạn, đã giảm dần cán bộ hành pháp tham gia Quốc hội, trước đây bộ trưởng, chủ tịch tỉnh vào Quốc hội hết, nay không nhất thiết.

Nhưng vướng mắc mà tôi băn khoăn nhất bây giờ là cơ chế dân chủ trong Đảng. Thực hiện dân chủ với nhân dân thế nào, đối với QH, với cán bộ đảng viên cấp dưới thế nào? 

Vấn đề tiếp theo là cán bộ. Thế nào là Đảng lãnh đạo mà không áp đặt, điều này phải phân biệt rõ. Trong 19 điều đảng viên không được làm, có quy định đảng viên không được tự ứng cử.

Ngày trước, Bộ Chính trị giới thiệu ông Đỗ Mười làm Thủ tướng, ra Quốc hội lại giới thiệu ông Võ Văn Kiệt, ý kiến khác nhau, khi trình Bộ Chính trị cho phép cứ để 2 người, bầu ai thì người ấy được. Như bây giờ thì ông Kiệt phải rút nhưng lúc bấy giờ Bộ Chính trị quyết định để 2 người, sau ông Mười hơn ông Kiệt mấy phiếu thì ông Mười làm Thủ tướng. 

"Trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, cái cốt lõi là thực hiện cơ chế dân chủ. Không dân chủ thì không thể có dân biết, dân bàn".
Như thế, Đảng lãnh đạo tức là Đảng phải có sức thuyết phục để các đảng viên và những người không phải là đảng viên tâm phục khẩu phục. Chứ không phải là ra quyết định, cấp dưới cứ thi hành. Như thế tôi cho là không đúng, không đúng với tinh thần nghị quyết, cương lĩnh của Đảng. 

Trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, cái cốt lõi là thực hiện cơ chế dân chủ. Không dân chủ thì không thể có dân biết, dân bàn.

Bắt đầu từ nóc

- Như thế có phải là bước lùi không? Vì trước kia ta dám để hai ứng viên bầu một, bây giờ thì không?

- Đây đúng là một bước lùi. Tôi cho rằng trong công tác tổ chức cán bộ, phải dân chủ, công khai và minh bạch. Dân chủ trong Đảng là để đảng viên được nói. Bây giờ bố trí tất cả bí thư tỉnh là ủy viên TƯ. Trung ương là Trung ương, Bí thư tỉnh là bí thư tỉnh. Chứ ai trúng bí thư tỉnh cũng khắc là ủy viên TƯ, không cần bàn, không cần bỏ phiếu, như thế không đúng..

Muốn đổi mới thực sự thì phải rõ ràng, hành pháp phải ra hành pháp, lập pháp ra lập pháp. Anh đã là bộ trưởng thì không tham gia lập pháp, chủ tịch tỉnh không tham gia QH. Tổng thống Mỹ ấy, trúng cử là thôi nghị sỹ ngay.

Tôi cho là có hai vấn đề lớn trong phương thức, đó là Đảng phải thực hiện được đúng vai trò của mình là một Đảng cầm quyền, Nhà nước đóng vai trò quản lý đất nước, và vai trò quần chúng thể hiện ở QH và HĐND các cấp. Muốn làm được điều đó, Đảng phải thực hiện dân chủ, không được áp đặt.

- Còn vấn đề cán bộ? Làm thế nào để Đảng chọn được những người xứng đáng cho cơ quan Nhà nước? Kinh nghiệm làm công tác tổ chức của ông là gì?

- Tất cả là vấn đề dân chủ. Phải để cho quần chúng chọn. Tôi mới ngồi nói chuyện với cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ về mô hình nông thôn mới của Hàn Quốc. Chỉ 1 anh trưởng thôn và 5 người phụ trách đoàn thể nhưng quyết làm đường hay làm con sông thì đưa ra công khai dân bàn. Anh trưởng thôn tất nhiên do dân bầu ra. Tôi rất tán thành bầu chủ tịch xã, và cả ý tưởng dân bầu chủ tịch thành phố Đà Nẵng. Cứ để dân lựa chọn và hãy tin rằng dân ta sáng suốt.

- Vậy đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải được bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Cán bộ. Phải bắt đầu từ nóc. Cái gì cũng từ nóc hết: chống tham nhũng, phát huy dân chủ, công tác cán bộ. Dân chủ phải công khai, minh bạch.  

  • Vân Anh 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,