221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1126313
Không hỗ trợ cho Tập đoàn Dầu khí 4.100 tỷ đồng
1
Article
null
Không hỗ trợ cho Tập đoàn Dầu khí 4.100 tỷ đồng
,

 - Trong số 6 nghìn tỷ đồng giảm chi cho đầu tư phát triển năm tới, Chính phủ sẽ cắt khoản hỗ trợ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 4.100 tỷ đồng như dự kiến.

Với 88,44% đại biểu tán thành, chiều 8/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, trên cơ sở giá dầu thô được điều chỉnh xuống còn 70 USD/thùng. Mức bội chi ngân sách được giữ nguyên 87.300 tỷ đồng, tương đương 4,82% GDP.

Giảm chi ở Trung ương

Theo dự toán, nguồn thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ giảm, nhưng nguồn thu nội địa sẽ phấn đấu không giảm so với kế hoạch ban đầu. Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển khẳng định: "Chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách thu để tăng nguồn thu, đảm bảo tổng thu ngân sách cả năm 2009 không đổi".

QH giao Chính phủ thực hiện miễn, giảm, dãn tiến độ nộp thuế có thời hạn đối với một số DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Ảnh: LAD

Với việc điều chỉnh giá dầu thô trong dự toán từ 90 USD/thùng xuống còn 70 USD/thùng, nguồn thu ngân sách từ dầu thô sẽ giảm gần 3 nghìn tỷ đồng so với báo cáo dự toán ban đầu của Chính phủ. Ông Hiển lí giải, giá dầu thế giới rất khó dự báo, thời gian qua có thời điểm xuống dưới mức 60 USD/thùng. "Việc điều chỉnh giảm sẽ đảm bảo an ninh tài chính, không gây đảo lộn lớn với ngân sách nhà nước".

Về chi ngân sách, Chính phủ sẽ điều chỉnh theo hướng giảm chi ở Trung ương, không giảm dự toán chi ngân sách địa phương. Chi cho đầu tư phát triển sẽ giảm từ 118.800  tỷ đồng dự toán ban đầu xuống còn 112.800 tỷ đồng, tức giảm 6 nghìn tỷ, trong đó có khoản 4.100 tỷ đồng không hỗ trợ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Rà soát kĩ vốn giao cho tập đoàn

Năm 2009 sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi, giảm bội chi ngân sách. Phối hợp đồng bộ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đồng thời sẽ cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên chi cho an sinh xã hội; tăng chi có trọng điểm cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và những vùng khó khăn, nhất là 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Nghị quyết cũng nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, sử dụng ngân sách đúng mục đích, đúng pháp luật, có hiệu quả; rà soát kỹ nguồn vốn nhà nước bố trí cho các dự án, công trình thuộc trách nhiệm đầu tư của ngân sách nhà nước giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện. Không bố trí vốn NSNN cho các dự án, công trình không thuộc lĩnh vực NSNN đầu tư.

Tổng thu cân đối ngân sách là 389.900 tỷ đồng, bằng 21,5% tổng sản phẩm trong nước, tính cả 14.100 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2008 sang năm 2009 thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 404.000 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 491.300 tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 87.300 tỷ đồng, bằng 4,82% GDP.

Trích Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009.

Đồng thời, tiến hành rà soát danh mục đầu tư, loại bỏ các dự án, công trình thi công kéo dài, kém hiệu quả; bổ sung dự án, công trình cấp bách, sớm phát huy hiệu quả.

Quốc hội cũng giao Chính phủ báo cáo phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ với UB Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)  trước khi quyết định, triển khai thực hiện.

Miễn, giảm, dãn thuế cho DN gặp khó

Quốc hội cũng giao Chính phủ quy định điều kiện và thực hiện miễn, giảm, dãn tiến độ nộp thuế có thời hạn đối với một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trường hợp kinh tế thế giới và trong nước có biến động lớn, ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước năm 2009, Chính phủ kịp thời báo cáo UBTVQH để quyết định theo thẩm quyền, báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất hoặc trình Quốc hội quyết định.

Bội chi cao là bất khả kháng

23 đại biểu, chiếm 4,67% số ĐBQH không tán thành giữ mức bội chi ngân sách như Nghị quyết nêu.

Các đại biểu cho rằng, đây là mức khá cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nói với báo giới: "Chuyện có người phản đối là bình thường. Trong nhà có 5 người thì có 3 - 4 ý kiến khác nhau cũng là chuyện thường".

Trả lời VietNamNet, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho rằng, nếu cách đây vài tháng, con số 4,82% là không chấp nhận được thì tình thế bây giờ đã khác. "Kinh tế thế giới đang suy thoái, kinh tế trong nước cũng gặp khó khăn, nên để đảm bảo nhu cầu phát triển, việc duy trì bội chi cao như vậy là bất khả kháng, không thể giảm hơn được", ông Kiêm khẳng định.

  • Phương Loan

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;