221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1083962
Đào tạo bí thư, chủ tịch phường: Hạn chế chạy chức
1
Article
null
TP Đà Nẵng:
Đào tạo bí thư, chủ tịch phường: Hạn chế chạy chức
,

 - "Việc đào tạo nguồn Chủ tịch, Bí thư phường xã là nỗ lực để hạn chế tính khép kín về nguồn cán bộ quy hoạch của từng địa phương.  Cũng là để việc bổ nhiệm cán bộ sẽ khống chế khả năng tạo ra những "đặc quyền, đặc lợi" và kẽ hở cho chạy chức, chạy quyền", ông Bùi Văn Tiếng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành uỷ Đà Nẵng cho biết về chương trình tuyển chọn ứng viên đào tạo cán bộ nguồn các chức danh lãnh đạo phường, xã.

Lãnh đạo TP sẽ tham gia giảng dạy

Ông Bùi Văn Tiếng. Ảnh: XĐ
Mục tiêu của Đề án là gì?

- Mục tiêu của Đề án là tập trung đào tạo 150 người có trình độ ĐH nhằm tạo nguồn cho các chức danh bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND phường, xã tại TP Đà Nẵng, góp phần chuyên nghiệp hóa một đội ngũ cán bộ được xem là thiếu chuyên nghiệp hơn cả trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.

Đối tượng tham gia Đề án phải đáp ứng những điều kiện gì? Điều kiện nào được xem là quan trọng hơn cả? Vì sao?

- Tiêu chuẩn chiêu sinh nêu rõ đối tượng tham gia phải đáp ứng những điều kiện: dưới 35 tuổi, tốt nghiệp ĐH công lập hệ chính quy, điểm tốt nghiệp 6,0 trở lên, sống tại  Đà Nẵng và Quảng Nam cùng một số điều kiện khác.

Điều kiện ưu tiên và quan trọng hơn cả là tốt nghiệp ĐH công lập hệ chính quy, điểm tốt nghiệp 6,0 trở lên. Sở dĩ như vậy vì thời gian đào tạo chỉ một năm, đòi hỏi học viên phải có một học vấn nền tương đối để có thể tự học, tự nghiên cứu. Mặt khác đây cũng là tiêu chuẩn để thi tuyển, xét tuyển vào công chức sau khi học xong.

Ngoài ra ứng viên phải có thể lực đủ để chịu được áp lực nặng nề của người lãnh đạo cấp cơ sở, cấp sát dân nhất và thường được hình dung là cái kim giây chạy tít mù vòng quanh trong hệ thống công vụ ở nước ta hiện nay.

Cho đến lúc này, BTC Thành uỷ đã nhận được bao nhiêu hồ sơ?

- Chúng tôi dự kiến sẽ chia làm hai khoá học, khóa đầu 100 học viên. Thời hạn nộp hồ sơ dự xét tuyển khóa đầu là 10/ 8, thông qua nhiều đầu mối như ĐH Đà Nẵng, Thành Đoàn, Ban Tổ chức các quận, huyện uỷ...  nên ở thời điểm này chưa thống kê được số hồ sơ đã nhận.

Khoảng 10 trường hợp đến nộp trực tiếp tại Thành uỷ. Ngoài ra có thể ghi nhận sự quan tâm của nhiều người dân với Đề án này như một tín hiệu đáng mừng.

Ban soạn thảo Đề án đã dự kiến kết quả và lường trước những khó khăn gì khi triển khai chương trình?

- Dự kiến kết quả thì bao giờ và ai mà chẳng lạc quan. Ngay trong thông báo cũng đã nêu rõ các học viên sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì, ở đâu, được hưởng những ưu đãi nào, tức là giả định mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió.

Thuận lợi là Đề án triển khai trong bối cảnh Đảng bộ Đà Nẵng đang thực hiện Nghị quyết TƯ 6 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ. Đà Nẵng cũng đã được chọn thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Còn khó khăn, thứ nhất là sẽ không đủ số lượng ứng viên đáp ứng điều kiện. Thứ hai, tâm lý chưa coi trọng cán bộ cấp phường, xã cũng có thể sẽ khiến những người đủ tiêu chuẩn lại chưa chịu tham gia.

Thứ ba, chương trình đào tạo nếu không được đầu tư công sức đúng mức sẽ thiếu sự cân đối giữa lý thuyết với thực hành. Đó là không kể một số trở ngại khác mà hiện nay vẫn chưa lường được hết, nhất là xuất phát từ bản thân học viên.

Chương trình đào tạo này chú trọng vào việc bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng gì cho đội ngũ lãnh đạo cơ sở? Đơn vị nào chịu trách nhiệm đào tạo? Lãnh đạo TP có tham gia không?

- Chương trình này tích hợp với các chương trình trung cấp lý luận chính trị và trung cấp quản lý nhà nước cùng một số kiến thức cơ bản về quản lý đô thị nhưng chủ yếu là nhằm rèn luyện cho học viên những kỹ năng cơ bản của lãnh đạo cấp cơ sở như kỹ năng soạn thảo văn bản, diễn đạt ý tưởng bằng lời nói, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống và trước hết có lẽ là phải đào tạo cho học viên có ý thức... tự đào tạo.

Nhà trường phải đổi mới phương pháp dạy - học. Bản thân người học cũng phải nung nấu hoài bão vươn lên, khao khát sáng tạo những giá trị mới trên cơ sở vốn tri thức đã tiếp thu. Thiếu sự nung nấu và khao khát ấy những cán bộ lãnh đạo tương lai khó lòng có được một chất lượng thực chất.

Tuy tổ chức tại Trường Chính trị TP nhưng đội ngũ giảng viên được mở rộng nhằm tranh thủ chất xám trên địa bàn, chẳng hạn sẽ mời GV ở Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III, ĐH Đà Nẵng... Do xác định phần chủ yếu trong chương trình là nhằm rèn luyện những kỹ năng cơ bản của người lãnh đạo nên cũng sẽ mời thêm một số cán bộ từng kinh qua thực tiễn công tác ở địa phương, kể cả các đồng chí là lãnh đạo cao cấp của TP.

Đội ngũ lãnh đạo này không chỉ giới thiệu với học viên kinh nghiệm mà còn truyền cho họ ngọn lửa nhiệt tình, ý thức gánh vác đại cuộc, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp chung, có tâm huyết xây dựng một Đà Nẵng ngày càng phát triển.

Sẽ khống chế kẽ hở cho chạy chức, chạy quyền

Xưa nay, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo vẫn theo dạng quy hoạch. Mỗi cơ quan, đơn vị đều có quy hoạch và cán bộ nguồn riêng. Lần này TP sẽ đào tạo sẵn cán bộ nguồn để đưa về cơ sở. Vậy, cách làm này có tạo ra mâu thuẫn nào không và giải quyết mâu thuẫn này thế nào?

- Việc TP đào tạo sẵn cán bộ nguồn để đưa về cơ sở xuất phát từ một tầm nhìn quy hoạch, học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được điều động về công tác ở phường, xã và được đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Vì thế suy đến cùng vẫn không có gì mâu thuẫn với quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo dựa trên cơ sở quy hoạch lâu nay.

Tất nhiên điểm mới lần này là nỗ lực để hạn chế tính khép kín về nguồn cán bộ quy hoạch của từng địa phương. Chẳng hạn học viên do phường A cử đi học nhưng có thể được điều động về công tác ở xã B... 

Việc chọn nhiệm sở sau khi học xong sẽ được tiến hành công khai, do học viên trực tiếp chọn lựa trên cơ sở thứ hạng tốt nghiệp.

Theo cách làm lâu nay, việc bổ nhiệm cán bộ thường tạo ra những "đặc quyền, đặc lợi" và kẽ hở cho chạy chức, chạy quyền, "đi đêm"... Như vậy, số cán bộ nguồn được đào tạo sẽ phải đứng trước nhiều cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến "quyền lợi" của một số người, sẽ bị phản ứng và chương trình đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ khó thực thi. Số cán bộ được đào tạo xong khó có thể được bố trí làm chủ tịch, bí thư... như dự kiến. Vậy giải quyết khó khăn này thế nào? Dự kiến, sau một năm đào tạo, đội ngũ cán bộ nguồn này sẽ phải đợi bao lâu để được bổ nhiệm?

- Như đã nêu trên, việc chọn nhiệm sở sau khi học xong sẽ được tiến hành công khai.

Đây là một động thái để việc bổ nhiệm cán bộ lần này khống chế thậm chí loại trừ khả năng tạo ra những "đặc quyền, đặc lợi" và kẽ hở cho chạy chức, chạy quyền, "đi đêm"... Còn đúng là có khả năng một số cán bộ được đào tạo xong sẽ khó có thể bố trí làm chủ tịch, bí thư như dự kiến, nhưng nguyên nhân không phải là do họ phải đứng trước nhiều cạnh tranh không lành mạnh, hoặc do bị một số người vì thấy ảnh hưởng đến "quyền lợi" của mình mà phản ứng.

Nguyên nhân đáng lo ngại nhất thuộc về chí tiến thủ và năng lực tự khẳng định của mỗi học viên khi được đưa về công tác ở cơ sở. Ở đây hoàn toàn không có chuyện đã học là nhất định TN, đã được đưa vào quy hoạch là nhất định được bố trí vào chức danh.

Trong thông báo chiêu sinh nêu rõ sau khi được đưa vào quy hoạch thì ngay trong một nhiệm kỳ 5 năm sẽ được sắp xếp vào vị trí, nhưng chỉ có học viên nào có chí tiến thủ và có đủ năng lực tự khẳng định khi được đưa về công tác ở phường, xã thì mới có thể hoàn toàn yên tâm rằng mình sẽ được giao trọng trách đúng theo mục tiêu đã đề ra.

Lãnh đạo cơ sở: Đang cần chuyên nghiệp hóa

TP Đà Nẵng đã làm tốt chương trình thu hút trí thức trẻ về làm việc. Vậy tại sao TP không sử dụng luôn nguồn cán bộ trẻ đã được thu hút về mà lại xây dựng một chương trình mới?

- Không chỉ thu hút khá nhiều trí thức trẻ về, từ mấy năm nay  Đà Nẵng còn đang tiếp tục đào tạo bằng các nguồn lực khác nhau để có thêm nhiều trí thức trẻ có đủ tài năng và tâm huyết.

Trong số này cũng đã có một bộ phận được bố trí về cơ sở. Nhưng đa phần được tính toán cho mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực, phục vụ chủ yếu ở cấp TP. Bởi vậy một chương trình mới như thế này vẫn cần thiết.

Chiến lược cán bộ của Đà Nẵng đang nhằm vào hai hướng: xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi ở tầm vĩ mô TP và chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo phường, xã. Cả hai hướng này đều quan trọng, đều đòi hỏi phải được đầu tư đúng mức và đều không dễ dàng.

Trước khi xây dựng Đề án, Thành ủy Đà Nẵng có tiến hành đợt đánh giá cán bộ lãnh đạo cấp phường, xã hay chưa? Chất lượng thực tế hiện nay thế nào?

 - Việc đánh giá được tiến hành không chỉ một đợt và cũng không chỉ để xây dựng Đề án.

Qua đó có thể thấy dù có chuyển biến như đội ngũ được trẻ hoá so, không còn tình trạng cán bộ nghỉ hưu đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cơ sở. Họ được từng bước chuẩn hoá đào tạo về lý luận chính trị, về quản lý nhà nước, về kiến thức quốc phòng... nhưng nhìn chung vẫn chưa được chuyên nghiệp hoá.

Có nhiều việc cần làm để chuyên nghiệp hoá đội ngũ này, trong đó Đề án tạo nguồn cho chức danh bí thư đảng uỷ và chủ tịch uỷ ban nhân dân phường, xã này được xem là giải pháp đột phá.

  • Lê Nhung

    Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,