221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1070372
Phải có trách nhiệm giải trình trong chống tham nhũng
1
Article
null
Đại sứ Thụy Điển:
Phải có trách nhiệm giải trình trong chống tham nhũng
,

 - “Có một điều rõ ràng, nếu kết quả xử lý các vụ án tham nhũng trọng điểm không được công khai sẽ tạo ảnh hưởng xấu đến niềm tin của công luận và sự tin cậy vào Chính phủ”, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Rolf Bergman nói, nhân đề cập đến một trong những nội dung của cuộc đối thoại giữa các nhà tài trợ với các cơ quan phòng, chống tham nhũng Việt Nam sẽ diễn ra ngày 3/6 tại Hà Nội.

Đại sứ Rolf Bergman (Ảnh do Đại sứ quán Thụy Điển cung cấp)

Đại sứ Rolf Bergman (Ảnh do Đại sứ quán Thụy Điển cung cấp)

Như thường lệ, trước thềm Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam (CG), đại diện cộng đồng các nhà tài trợ và đại diện các cơ quan phòng, chống tham nhũng Việt Nam tổ chức đối thoại nhằm trao đổi những vấn đề cùng quan tâm. 
 
Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội cho VietNamNet biết nội dung cuộc đối thoại lần này tập trung đánh giá khung pháp lý phòng, chống tham nhũng, xử lý các vụ án tham nhũng trọng điểm, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm giải trình của cán bộ nhà nước trong lĩnh vực hành chính công.     
 
Trước thềm cuộc đối thoại, Đại sứ Rolf Bergman có cuộc trao đổi với VietNamNet về những vấn đề Thụy Điển quan tâm
:
 
Công khai xử lý vụ án tham nhũng
 
- Thưa Đại sứ, một trong những nội dung cuộc đối thoại lần này là đánh giá việc xử lý các vụ án tham nhũng trọng điểm thời gian qua. Với tư cách nhà tài trợ, Thụy Điển quan tâm tới vấn đề này như thế nào?
 
Chúng tôi hy vọng, với nỗ lực, ý chí tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, các vụ án tham nhũng trọng điểm sẽ được giải quyết theo đúng luật pháp và minh bạch. Không nên để cho bất cứ ai vượt ngoài tầm kiểm soát của pháp luật.
 
Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế cho thấy không thể chống tham nhũng một cách hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ của báo chí, truyền thông.
 
Chúng tôi hy vọng rằng năng lực và vai trò báo chí, truyền thông của Việt Nam sẽ được tăng cường để phát hiện và thông tin tới độc giả, công chúng các vụ án tham nhũng dù lớn hay nhỏ. Hơn nữa, Việt Nam cũng có thể rút ra những bài học kinh nghiệm thông qua việc xử lý các vụ tham nhũng. 
 
- Đại sứ có ý kiến gì về việc công khai kết quả xử lý các vụ án tham nhũng trọng điểm?
 
Minh bạch, công khai việc xử lý các vụ án tham nhũng trọng điểm là điều vô cùng quan trọng. Điều đó không chỉ giúp làm rõ các dữ kiện, đảm bảo tiến trình giải quyết pháp lý chính xác liên quan đến vụ án mà còn đáp ứng yêu cầu của công luận.
 
Có một điều rõ ràng, nếu kết quả xử lý các vụ án tham nhũng không được công khai sẽ tạo ảnh hưởng xấu đến niềm tin của công luận và sự tin cậy vào Chính phủ.
 
- Tại cuộc đối thoại ngày 3/6, các nhà tài trợ cùng các cơ quan phòng, chống tham nhũng Việt Nam sẽ đề cập nội dung liên quan tới khung pháp lý phòng, chống tham nhũng. Với nội dung này, Thụy Điển muốn lưu tâm gì với các nhà chức trách Việt Nam?
 
Thụy Điển ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách khung pháp lý phòng, chống tham nhũng. Để đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm giải trình trong phòng, chống tham nhũng cần phải làm rõ những vai trò, trách nhiệm của cán bộ nhà nước hay vai trò của báo chí.
 
Ngay cả khi luật pháp và các quy định thực sự rất quan trọng nhưng chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng những luật pháp và quy định đó sẽ không có hiệu quả nếu luật pháp không được thực thi và đây chính là một thách thức cho Việt Nam.
 
“Báo chí có thể đóng vai trò quan trọng như giám sát viên”
 
- Chính phủ VN đang xây dựng dự thảo Chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Các nhà tài trợ trông đợi chiến lược với những chương trình hành động dài hạn này như thế nào?
 
Trong khi soạn thảo chiến lược này, Việt Nam sẽ phải đưa ra những lựa chọn quan trọng để tiến lên. Chiến lược này thực sự cần phải thiết lập “một mô hình riêng cho Việt Nam” trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng. 
 

Mô tả ảnh.

"Báo chí có thể đóng vai trò quan trọng như giám sát viên". Ảnh: VNN

Chúng tôi hy vọng chiến lược này sẽ toàn diện với những mục tiêu và giải pháp để đạt được những mục tiêu đó. Chiến lược cũng phải đặt ra những ưu tiên và thứ tự ưu tiên thực hiện.
 
Như tôi đã nhấn mạnh ở trên, vấn đề mấu chốt đó là: minh bạch, trách nhiệm giải trình và chuyên nghiệp.
 
Hơn nữa, để phát huy tác dụng, các giải pháp chống tham nhũng phải gắn liền với các cải cách nòng cốt của Chính phủ. Khi xây dựng chiến lược, cần tham vấn rộng rãi với Đảng, Chính phủ, các cơ quan đoàn thể, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và công chúng nói chung.
 
- Đại diện Thanh tra Chính phủ, đơn vị được Chính phủ giao xây dựng Chiến lược hành động chống tham nhũng nói trên, trong các cuộc phỏng vấn báo chí gần đây nhấn mạnh đến “công khai minh bạch” như điểm cốt lõi của Chương trình hành động chiến lược. Theo Đại sứ, yếu tố “công khai minh bạch” này cần được đảm bảo như thế nào?
 
Công khai, minh bạch có thể một phần nào đó được đảm bảo bởi pháp luật. Điều thú vị là nhiều nước đang phát triển như Mexico và Ấn Độ cũng đã nỗ lực áp dụng những nguyên tắc này. Tuy nhiên, để có được sự công khai, cởi mở còn phải phụ thuộc vào thái độ.
 
Bên cạnh đó, quyền và tiếp cận thông tin có ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi cho rằng báo chí có thể đóng vai trò quan trọng như một giám sát viên.  
 
Bổ nhiệm người đứng đầu: Minh bạch, chuyên nghiệp 
 
- Cuộc đối thoại như thường lệ sẽ có mặt đại diện của tất cả các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Nếu đặt sự quan tâm về trách nhiệm, vai trò và năng lực của các cơ quan này, Thụy Điển lưu tâm điều gì nhất?
 
Chúng tôi tin rằng các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đang có nhiều nỗ lực, tiến bộ và phòng, chống tham nhũng được coi là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam.
 
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến việc làm rõ hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham gia phòng, chống tham nhũng cũng như trong việc cần nâng cao năng lực và khả năng phối hợp của các cơ quan này.
 
Điểm mấu chốt cho sự thành công đó là việc thực thi luật pháp và chính sách hiệu quả. Đó là thách thức trước mắt của Việt Nam.  

Mô tả ảnh.

"Trong lĩnh vực hành chính công, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm giải trình đặc biệt quan trọng". Ảnh minh họa: VA

- Đại sứ có ý kiến gì về việc thành lập mô hình Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở cấp địa phương gần đây và người đứng đầu được quy định là Chủ tịch UBND?
 
Việt Nam tự chọn cho mình cách thức tổ chức, điều hành liên quan đến vấn đề này. Chúng tôi chỉ có thể đưa ra những ý kiến của mình và chúng tôi mong rằng việc lựa chọn, bổ nhiệm người đứng đầu Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cần phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp, minh bạch và có trách nhiệm giải trình.
 
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tính độc lập đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng. 
 
- Thụy Điển có chương trình hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực của cơ quan điều tra điều tra, xử lý các vụ việc chống tham nhũng?
 
Cùng với Hà Lan, Đan Mạch, Canada và Na Uy, chúng tôi đang hỗ trợ Việt Nam chương trình Nâng cao năng lực toàn diện cho Thanh tra Chính phủ.
 
Đây là một chương trình xây dựng năng lực toàn diện hệ thống thanh tra gồm cải cách bộ máy, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện phương tiện và điều kiện làm việc. Hy vọng chương trình sẽ có tác động tích cực đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. 
 
Tính chuyên nghiệp và trách nhiệm giải trình đặc biệt quan trọng

 - Một nửa nội dung quan trọng khác của cuộc đối thoại ngày 3/6 đề cập về tính chuyên nghiệp và tính giải trình của các cán bộ nhà nước trong lĩnh vực hành chính công. Xin Đại sứ có thể nêu rõ sự quan tâm của nhà tài trợ đối với vấn đề này?
 
Trong lĩnh vực hành chính công, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm giải trình đặc biệt quan trọng, là những nhân tố chủ chốt để chống tham nhũng. Làm rõ vai trò, trách nhiệm cùng với việc tuyển dụng, lựa chọn các cán bộ công chức dựa trên năng lực sẽ là những yếu tố để có được một nền hành chính công trong sạch và không tham nhũng.
 
- Thụy Điển dự kiến đưa ra đề xuất cụ thể nào trong Cuộc đối thoại với các cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ lần này?
 
Chúng tôi sẽ đề xuất quan điểm của mình về một số vấn đề như đã nêu trong cuộc phỏng vấn này và đồng thời chúng tôi cũng sẽ lắng nghe ý kiến của các đối tác Việt Nam. Đó chính là bản chất của đối thoại. Đây chính là diễn đàn để thảo luận và trao đổi quan điểm và chúng tôi tin rằng đối thoại sẽ giúp tìm ra các giải pháp có ích.
 
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ. 

  • Xuân Linh (thực hiện)
     

     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,