221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1062351
"Bấm nút", đại biểu cần xem lại năng lực của mình
1
Article
null
'Bấm nút', đại biểu cần xem lại năng lực của mình
,

 - Nhiều ĐB tranh thủ "kêu" gọi giải pháp gỡ vướng cho địa phương, có người còn sử dụng chưa tới 50% thời gian phát biểu cho phép, nhưng nhìn chung 20 ý kiến thảo luận tại hội trường sáng 9/5 đã đặt lên bàn nghị sự nhiều vấn đề nóng, như: yêu cầu thành viên Chính phủ giải trình trách nhiệm cụ thể để xảy ra lạm phát, yếu kém trong dự báo, nâng cao năng lực giám sát của ĐBQH...

Mô tả ảnh.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh).  (Ảnh: TTXVN)
Chưa  thẩm định văn bản mà bấm nút là vô trách nhiệm

"Chúng ta phân tích những yếu kém của Chính phủ, nhưng cũng nên thảo luận xem làm thế nào để nâng cao năng lực của chính ĐBQH chúng ta", ông Dương Trung Quốc đặt vấn đề.

Theo ông Quốc, tuy các chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Chính phủ trình lên nhưng chính ĐB mới là người bấm nút thông qua nghị quyết: "Trách nhiệm Chính phủ là một phần nhưng trách nhiệm của QH còn cao hơn. Vì QH là cơ quan quyền lực cao nhất giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp".

Ông Quốc giải thích, ở VN không có cơ chế tam quyền phân lập nên cần giải quyết sự phối hợp thế nào cho tốt trong khi thực tế 2/3 ĐBQH là không chuyên trách, nên không hề có thông tin, chưa kể đến năng lực.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội): "Gọi là điều chỉnh chỉ tiêu xuống còn  6%, 7% hay 8% là tôi ủng hộ Chính phủ thì tôi bấm nút thôi. Chính phủ đặt ra một tỷ lệ như vậy thì chúng ta tin thôi, chứ chúng ta làm sao kiểm định được tại sao sao lại có tỷ lệ như trên"

"Những con số chúng ta thảo luận đa phần do Chính phủ đưa ra. Dù có ủy ban thẩm tra nhưng những con số đó cũng phải có cơ sở chính xác. Khi chúng ta nhận các văn bản đưa đến mà chưa  thẩm định thì sự bấm nút là vô trách nhiệm", ông Quốc nói.

  Dẫn ra phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn rằng, về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội chỉ cần các đại biểu HĐND nêu ý kiến là đã đại diện cho tiếng nói của dân rồi, ông Quốc khuyến cáo, làm thế nào để tăng cường năng lực của chúng ta trong những tình huống phải quyết định sắp tới...

Trước đó, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng thẳng thắn: "Yêu cầu chính bản thân từng ĐB phải nghiêm túc kiểm điểm lại mình vì tại kỳ họp QH cuối năm ngoái đã biểu quyết thông qua một chỉ tiêu tăng trưởng không hề sát thực tế".

Chính phủ trình con số chưa sát, Ủy ban thẩm tra làm chưa đến nơi

Ông Thuyết dẫn chứng: tại kỳ họp đó, trong khi giá dầu thế giới đã lên tới gần 80 đôla/thùng, mà tờ trình Chính phủ vẫn là 62 đôla/thùng và ĐB vẫn biểu quyết thông qua 64 đôla/thùng. Chỉ qua một chi tiết này thôi đã thấy Ủy ban thẩm tra làm việc không đến nơi đến chốn, Chính phủ trình lên con số không phù hợp còn ĐB thì đã quá tin vào các Ủy ban thẩm tra, ông Thuyết gay gắt.

ĐB Nguyễn Nhật (Hà Tĩnh), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH chỉ rõ: "Là do nhiều mục tiêu, chỉ tiêu còn chưa được dự báo sát, cần thay đổi hệ thống dự báo, cảnh báo".

Còn ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) "chất vấn": "Tôi  chỉ có một câu hỏi, sau cơn sốt gạo vừa qua, liệu có còn cơn sốt gì nữa không và thật hay ảo? Bộ công thương phải trả lời chính xác câu hỏi này?"

Theo ông Đáng, sốt gạo diễn ra hai ngày vừa qua khi gạo trong kho vẫn đầy ắp cho thấy sự kém cỏi của dự báo và lúng túng trong xử lý. "Sắp tới còn thiên tai, sẽ còn sốt nữa".

Dành một câu riêng cho Thủ tướng, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) "truy": "Chúng ta có nhiều trí tuệ trong xã hội có thể giúp cho Chính phủ. Trong tình huống cấp bách, Chính phủ vẫn thường thành lập hội đồng tư vấn cao cấp để hỗ trợ".

Ông Đào nói thẳng: "Tôi rất tin vào Chính phủ mà tôi đã bầu nhưng không tin vào bộ phận tham mưu giúp việc".

ĐB Đào tiếp tục: "Về trách nhiệm điều hành hoạt động ngân hàng, vai trò của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thế nào? Hay bộ trưởng Vũ Văn Ninh, tuy uyên bác nhưng tại sao những tham vấn về tài chính lại như vậy. Sốt gạo là trách nhiệm của anh Vũ Huy Hoàng hay anh Cao Đức Phát? Chúng ta bầu ra thành viên chính phủ, nên kiểm tra xem các thành viên Chính phủ hoạt động thế nào?"

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng truy vấn: "QH nên xem lại chất lượng các cơ quan tham mưu, hình như chúng ta còn mắc bệnh sính ngoại. Hai thứ trưởng Bộ tài chính, tuần qua, cùng một vấn đề mà dẫn ra hai thống kê khác nhau, đều theo WB và IMF. Một người nói, dư nợ nhà nước dưới 40% GDP là chấp nhận được. Còn người khác lại phát biểu, giới hạn an toàn là ở dưới 50% GDP.  

 

Hay chính sách thuế với ô tô cũng nói khác nhau, làm phân tâm. Khi hạ thuế nhập khẩu ô tô lại nói do phải theo thông lệ WTO. Mới đây khi tăng thuế, lại nói để giảm thiểu giao thông. Đưa lên hay hạ xuống cũng không nhất quán".

Đánh giá lại việc tập đoàn làm đa ngành

Mô tả ảnh.

Lạm phát và bão giá phải chăng có nguyên nhân chính từ hoạt động của khu vực các tập đoàn? (minh hoạ: IE)

"Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN đầu tư 260 triệu đô la để xây một khu resort nghỉ dưỡng, trong khi vẫn cắt điện triền miên, là trách nhiệm của ai?", ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đặt vấn đề.

Ông Đáng thẳng thắn, khi bắt đầu thí điểm thành lập các tập đoàn, tổng công ty, tất cả đều hy vọng đây sẽ là đầu tàu kéo nền kinh tế. Nhưng thực tế, các tập đoàn lại đầu tư sang lĩnh vực khác, thi nhau lập ngân hàng với lời biện bạch là lấy ngắn nuôi dài,  "vậy lạm phát và bão giá phải chăng có nguyên nhân chính từ hoạt động của khu vực này?".

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm nói rõ hơn, "Chính phủ chủ trương khống chế hoạt động tập đoàn, yêu cầu phải  dành từ 75% nguồn lực cho ngành chính là hợp lý nhưng cụ thể thì thế nào, chưa nói rõ".

Ông Hà Sơn Nhin (Gia Lai) cũng tán thành làm rõ việc tập đoàn lấn sân sang bất động sản, chứng khoán trong khi phải dành ít nhất 80% nguồn lực cho ngành chính.

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề XH Đặng Như Lợi bổ sung: "Thị trường chứng khoán và bất động sản đóng góp vào lạm phát không ít, nhưng báo cáo chỉ nêu vài dòng về thị trường này".

Ông Cao Sĩ Kiêm nói thêm: "Chi ngân sách dàn trải và tích tụ suốt thời gian qua, nhưng khả năng chuyển biến rất chậm. Những giải pháp Thủ tướng đưa ra khá nghiêm túc và có khả năng thực thi nhưng chỉ thực hiện nếu được cụ thể hóa với trách nhiệm và địa chỉ cụ thể, làm càng nhanh càng tốt về nhập siêu, bội chi ngân sách, đình hoãn công trình. Mục tiêu chung thì chỉ còn 8 tháng, nếu không làm nhanh, khó thực hiện".

Chính phủ nói bao nhiêu, tin bấy nhiêu

Mô tả ảnh.

"Từ nay đến cuối năm phải tập trung ổn định vĩ mô, tỷ giá tiêu dùng tháng sau phải thấp hơn tháng trước" (minh hoạ: IE) 

Không nhất trí với việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, ĐB Sùng Chúng (Lào Cai) cho rằng "Vì QH vừa mới biểu quyết chưa đầy 5 tháng mà đã lại điều chỉnh thì sẽ giảm lòng tin của người dân".

Ông Đặng Như Lợi chất vấn: "Các chỉ tiêu theo nghị quyết QH chỉ là định hướng hay là gì? Không nên quá nặng nề, có thể giữ để cuối năm hãy đánh giá để lại có định hướng cho năm sau".

ĐB Lương Văn Hai (Bình Thuận) cho rằng đưa ra 1 chỉ tiêu cụ thể là khó khả thi. Nếu điều chỉnh mục tiêu thì phải làm rõ cơ sở, ngoài ra nên thêm chỉ tiêu kiềm chế lạm phát.  Còn nếu giữ nguyên mục tiêu thì phải kiên trì quyết tâm nỗ lực kiềm chế lạm phát để cuối năm có căn cứ rút kinh nghiệm.

Cho rằng nên giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng, ông Dương Trung Quốc nói, nên tăng cường thêm sự giám sát để cuối năm phân tích rút kinh nghiệm. "Nếu không chúng ta cứ mãi chạy theo giải quyết tình huống".

Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM Trần Du Lịch bổ sung: "Nghị quyết tới đây nên nêu rõ, từ nay đến cuối năm phải tập trung ổn định vĩ mô, tỷ giá tiêu dùng tháng sau phải thấp hơn tháng trước chứ không thể nói cố định là bao nhiêu phần trăm".

Tán đồng với luồng ý kiến ngược lại cho rằng nên điều chỉnh chỉ tiêu, ĐB Nguyễn Ngọc Đào cũng đồng thời phân bua: "Gọi là điều chỉnh chỉ tiêu xuống còn  6%, 7% hay 8% là tôi ủng hộ Chính phủ thì tôi bấm nút thôi. Chính phủ đặt ra một tỷ lệ như vậy thì chúng ta tin thôi, chứ chúng ta làm sao kiểm định được tại sao sao lại có tỷ lệ như trên".

Buổi chiều, QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,