221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1055103
Cuối tháng 5, chọn tư vấn nước ngoài quy hoạch Hà Nội
1
Article
null
Cuối tháng 5, chọn tư vấn nước ngoài quy hoạch Hà Nội
,

 - Tại buổi giao ban giữa Thường trực Chính phủ và Hà Nội sáng 16/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho biết cách đây ít ngày, Bộ đã gửi thư cho 12 chuyên gia tư vấn quốc tế về việc thi tuyển quy hoạch Thủ đô.

Sẽ lấy ý kiến MTTQ về mở rộng Hà Nội

Các chuyên gia tư vấn Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản đã trả lời Bộ Xây dựng. "Bộ sẽ tổ chức đấu thầu và lựa chọn tư vấn qua các phác thảo quy hoạch mở rộng Hà Nội. Dự kiến, cuối tháng 5 sẽ chọn được tư vấn nước ngoài, sau đó Bộ Xây dựng và Hà Nội sẽ tổ chức các hội thảo quốc gia chuyên ngành", ông Trần Ngọc Chính cho biết.

Bản đồ định hướng phát triển không gian của Qui hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu của Viện Qui hoạch đô thị nông thôn - Bộ XD).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho hay, tổ công tác của Bộ, trong đó có 1 chuyên gia nước ngoài đã làm việc với 4 tỉnh, thành Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, rà soát lại quy hoạch và đã báo cáo nhanh ngày 9/4 với Thủ tướng. "Bộ đang tiếp tục nghiên cứu một số công trình, khu công nghiệp và sẽ báo cáo lần 2 với Thủ tướng kết quả rà soát vào ngày 9/5".

Về công tác quy hoạch, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói: "Nghĩ đến Hà Nội là phải nghĩ đến Hà Nội mở rộng, Hà Nội mới, quy hoạch phải có giá trị hàng trăm năm, dù thuê nước ngoài nhưng ta vẫn là chủ. Người ta chê quy hoạch, quản lý đô thị của ta là đúng, mình càng làm càng xấu, chỉ thấy ách tắc chứ không mở ra".

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành "sớm quan tâm giúp Hà Nội giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh để sớm ổn định, phát triển khi Quốc hội có nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với đề nghị này, đồng thời cho biết sẽ báo cáo, lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc, tiếp đó tại phiên họp tới, Chính phủ sẽ bỏ phiếu cho việc mở rộng Hà Nội và tổ chức họp báo. "Không biết Quốc hội sẽ quyết định thế nào, nhưng ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, phải tổ chức bộ máy nhanh chóng đi vào hoạt động", Thủ tướng nhấn mạnh.

300 mét đường, giải phóng mặt bằng 2 năm chưa xong 

"Về tổ chức bộ máy, Hà Nội cần khẩn trương sáp nhập trong tháng 5 các sở cho thống nhất chỉ đạo của các bộ đa ngành, để sớm ổn định một bước. Nếu thực hiện chậm sẽ khó khi nhập các sở của hai tỉnh Hà Nội và Hà Tây, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết mở rộng địa giới"

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội là thực hiện các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Riêng đối với các dự án giao thông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết nguyên nhân chủ yếu của tốc độ "rùa" chính là công tác giải phóng mặt bằng.

"Cầu Thanh Trì đã hoàn thành nhưng đường hai đầu cầu, phía Gia Lâm tháng 6 sẽ đi vào hoạt động, phía Pháp Vân có hai gói thầu, khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng, chỉ đoạn đường 300 mét nhưng vướng 2 năm nay rồi", ông Trường than.

Thứ trưởng Bộ GTVT liệt kê một loạt các dự án cầu, đường mà "nếu có mặt bằng" sẽ sớm được khởi công và hoàn thành đúng tiến độ: đường vành đai 3, Láng Hòa lạc, cầu Nhật Tân, đường nối cầu này với nhà ga T2, quốc lộ 32... "Có 5 nút cầu vượt trên đường Láng Hòa lạc với 54 hecta cần giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư là Hà Tây chưa giải phóng được hecta nào từ 1 năm nay".

Lý giải tốc độ chậm trễ này, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng những vướng mắc đó chỉ là "cục bộ, nhỏ lẻ". "Vướng mắc lớn là ở cơ chế, chính sách. Phía nam cầu Thanh Trì, 19 hộ dân chưa di chuyển được vì đã bố trí cho họ ở khu tái định cư nhưng khu này lại chưa xong điện, nước. Đường vành đai 3 đoạn Khuất Duy Tiến, giải phóng mặt bằng rồi nhưng tiến độ thi công rất chậm, đào lên lại để đấy, Bộ GTVT cần chỉ đạo tăng tốc độ lên".

Ông Thảo cũng cho hay Hà Nội gặp khó khăn lớn khi giải phóng mặt bằng do quỹ nhà tái định cư hạn hẹp. Nhiều lần thành phố từng bàn và đề nghị được áp dụng cơ chế đền bù bằng tiền mặt.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ GTVT sớm trình Thủ tướng định hình đường sắt trên cao và tàu điện ngầm. Đặc biệt, về đường bộ, ông Hùng đề nghị Bộ GTVT và Hà Nội xem xét sớm tiến hành xây dựng đường vành đai 4 để mở rông Thủ đô, giãn mật độ dân bên trong, đồng thời với đường vành đai 2 và những đường định làm trong nội thành "phải sớm dứt điểm để giải quyết ách tắc giao thông".

  • Vân Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,