221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1031058
Vụ "trốn thuế" lớn nhất và dự án kinh tế... lãng mạn
1
Article
null
Vụ 'trốn thuế' lớn nhất và dự án kinh tế... lãng mạn
,

 - Người nguyện đề xuất được... nộp thuế thu nhập cá nhân ấy, cũng lại là người "dính" đến vụ trốn lậu thuế lớn nhất lịch sử mà báo chí ầm ĩ một thời.

Vụ "trốn lậu thuế" lớn nhất lịch sử

TS Nguyễn Quang A
TS Nguyễn Quang A
Vừa kinh doanh máy tính ở GenPacific, Nguyễn Quang A lại vừa cùng với một số người bạn hùn vốn lập công ty 3C cũng "buôn" máy tính, thuộc vào hàng tiên phong trong lĩnh vực này vì số người am hiểu và biết làm ăn nhờ CNTT thời đó chưa nhiều.

3C đang ăn nên làm ra thì "dính" ngay một "phốt" liên quan đến "vụ trốn thuế lớn nhất lịch sử" mà báo chí thời đó rùm beng.

Thời điểm cuối 1991, lúc đó Đông Đức và Tây Đức sáp nhập chính thức và cũng là lúc khối SEV bị xóa bỏ. Tổng Công ty May quốc doanh Contextimex nhờ 3C giúp 400 ngàn rúp chuyển nhượng để mua vải của Đức. "Tôi thấy ngon nên bàn với Confectimex là anh ký được cái gì, cứ ký tất, thượng vàng hạ cám, và không phải trả một đồng tiền nào, chúng tôi sẽ lo tất".

Vậy là đàm phán xong một hợp đồng 25 triệu rúp, mua gần 6.000 tấn vải sợi về bán. Hồi đó tư nhân không có quyền nhập khẩu nên 3C chấp nhận bỏ vốn hoàn toàn, thỏa thuận ăn chia mình 30, Confectimex 70.

Hợp đồng ký rồi, trong tay 3C lúc đó cũng không một đồng rúp lẻ. Nhưng mà vẫn ung dung. Bởi Nga hồi đó vẫn đang "khát" máy tính. Thỏa thuận xong một hợp đồng tiền mua máy tính là có "tiền tươi" còn máy móc sáu tháng sau mới phải giao. Vậy là "lấy mỡ nó rán nó", dùng tiền bán máy tính đi mua vải sợi. Nguyên một phi vụ này đã ăn lời 56 tỷ đồng.

Thấy lãi lớn, một thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ kêu thế thì thiệt cho quốc doanh, rồi viện dẫn một văn bản nào đó đòi bảo toàn vốn cho doanh nghiệp nhà nước. Thế là Confectimex tung ra cái đơn xin bảo toàn vốn, có chứng nhận đầy đủ của Bộ Công nghiệp, Tổng cục Thuế và Cục Thuế Hà Nội, đòi tăng chi phí thêm 21,5 tỷ nhằm giảm lợi nhuận, chia cho 3C ít đi. Phía 3C phản đối kịch liệt nên bị quy là trốn thuế.

Vụ này có hai anh cảnh sát kinh tế Hà Nội tham gia “phát hiện” nên được phong vượt cấp lên đại úy. Lại còn được Bộ trưởng Công an và Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi thư khen đăng báo đã phát huy lòng dũng cảm dùng các biện pháp nghiệp vụ tinh thông để phát hiện vụ trốn lậu thuế tinh vi, được Bộ Tài chính thưởng 250 triệu đồng. Các báo cũng giăng title lớn là “vụ trốn lậu thuế lớn nhất lịch sử Việt Nam”.

Đúng lúc đó thì họp Quốc hội. "Phải nói là tôi rất biết ơn ông Nguyễn Kỳ Cẩm, Chánh Thanh tra Chính phủ vì đã đọc báo cáo kết quả Thanh tra trước Quốc hội, rằng là đang có vụ trốn thuế lớn nhất lịch sử tại 3C, đang điều tra, sắp khởi tố hình sự. Tôi lúc đó đang ở Sài Gòn nghĩ "thế là xong". Nhưng rồi cũng vớ ngay lấy cái báo cáo này, để gửi đơn khiếu kiện. Rải như bươm bướm từ Văn phòng Chủ tịch nước đến Văn phòng Chính phủ".

Dư luận lại ầm ĩ "3C sắp sập đến nơi rồi".

Mấy tháng sau, Thủ tướng mới kết luận là không có vụ trốn lậu thuế nào cả, đồng thời chỉ đạo “không được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

"Vậy mà có nhà báo, được tôi cho xem kết luận của Thủ tướng rồi còn nhảy vào viết bài, ra ý bênh vực cho 3C. Cũng từ đó mà quan hệ giữa 3C với bên thuế thành ra căng thẳng", ông Nguyễn Quang A trầm ngâm. Điếu thuốc lá trên tay đỏ liên tục.

Sự cố xảy ra từ năm 1992, nhưng kéo dài mãi đến gần hai năm mới xử lý xong. Nhiều người ở 3C đã tứ tán đi nới khác và tuy 3C được minh oan cho kiểu làm ăn chưa từng có tiền lệ, nhưng không ít hệ lụy đã kéo đến sau đó. Vì 3C hồi ấy, đã "mếch" lòng bên thuế, nên còn ai dám làm ăn với 3C. Nhiều hợp đồng lớn đã "lỡ" từ đó. "Tôi khi đó, thực sự cảm thấy chán hẳn với cơ duyên buôn máy tính", ông Nguyễn Quang A nói.

3C xem như bị khai tử.

Những dự án kinh tế lãng mạn

Nhiều dự án lẻ tẻ khác đổ bể vào thời điểm đó cũng góp phần làm 3C liêu xiêu. Bởi vào thời cực thịnh, do kiếm bộn tiền nên 3C máy tính còn "lấn" cả sang công nghệ sinh học, đá quý, quy hoạch đô thị... và nhiều thứ "không tưởng" khác.

"Bãi giữa sông Hồng hồi đó cũng đang chuẩn bị lập một đề án nạo vét để lập đô thị mới. Chúng tôi đã đổ vào dự án này khoảng 250 triệu đồng, cũng thuê chuyên gia khảo sát, đo đạc... nhưng rồi không đi đến đâu vì đụng đến dòng chảy, lũ, đê điều. Lúc đó đúng là tôi hơi bị "hoắng". Nghĩ là tiền nhiều nên cứ tiêu, cứ làm tới".

Vào giữa cơn sốt "đá đỏ Quỳ Hợp", 3C lại cũng bỏ ra ba trăm ngàn đô la ký kết với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An để mua một phần mỏ đá trong Quỳ Hợp. "Chúng tôi cũng kéo một gã chuyên gia đá quý người Úc lên tận nơi phân tích, đánh giá... Rồi cũng tổ chức khai thác, làm ăn rất đàng hoàng".

Nhưng rồi về sau, chẳng lãi lờ được xu nào, lại thấy kiểu làm ăn như mafia. Thế là, về danh nghĩa, vẫn sở hữu một phần ba mỏ đá quý. Nhưng coi như bỏ lửng...

Rồi cũng thời gian này, có "tay" tiến sĩ sinh học ở Viện Khoa học Việt Nam quảng cáo về công nghệ ủ men, cũng là bột sắn, nhưng sau 48 tiếng, độ đạm tăng vọt, dùng làm thức ăn vỗ béo lợn thì chẳng mấy mà giàu.

Thế là 3C lập công ty công nghệ hóa sinh. Đầu tiên là thử nghiệm hơn một ngàn con lợn khắp từ Quảng Ninh đến Tiền Giang. Kết quả báo về là tăng 25-30kg/tháng, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chẳng mấy chốc mà lợn Việt xuất sang Nga, Hồng Kông, lời vô kể. Nguyễn Quang A đã cầm sẵn giấy giới thiệu đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến sẽ xây khoảng hơn chục xưởng chăn nuôi từ Bắc chí Nam. Độ hơn nửa năm là thu hồi vốn, lại tạo công ăn việc làm...

Nhưng, thử nghiệm tới hơn bảy tháng, mà mãi vẫn chưa đưa vào thực tiễn, các nhà khoa học lại suốt ngày đòi chi thêm tiền. Rồi trong một lần đi với "tay" tiến sĩ sinh học lên Thái Nguyên tiếp thị công nghệ nước khoáng (thực chất dán mác nước khoáng Kim Bôi nhưng lại khai thác từ nước giếng khoan ngay tại Thái Nguyên), Nguyễn Quang A mới tá hỏa vì nhận dạng chân tướng nhà khoa học "bịp". Kiểm tra tài chính, y như rằng toàn thành tích tăng trọng lừa... Cũng may chưa đôn đáo vay tiền xây nhà, xưởng.

"Đúng  là tôi cả tin, đi buôn mà lại còn thương người", TS Quang A hóm hỉnh. Ông cũng nói, về sau mới rút ra được kinh nghiệm là làm kinh doanh ngoài máu liều còn phải thật nghiệt ngã, biết chớp thời cơ và cần đến thủ đoạn. Hồi đó có người đến chìa cho ông một hợp đồng, bảo "cứ ký vào đó, không cần phải làm gì cả nhưng vẫn được vài triệu đút túi". Ông gặng hỏi "không làm gì sao lại được tiền" rồi nhất quyết từ chối.

"Có người mắng mỏ gọi tôi là... bất nhân"

Ảnh: Chí Dũng
3C đang hồi làm ăn cầm cự thì có người "gọi" vào cùng mở ngân hàng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh VPBank "hồi đó cũng vì họ cần tiền của 3C chứ tôi thì đã tai tiếng lắm rồi, người ta có muốn tôi chường cái mặt ra làm gì đâu".

Đây là ngân hàng đầu tiên có cổ đông nước ngoài. 17-18 năm về trước, Việt Nam chưa thực sự có ngân hàng thương mại và kinh doanh ngân hàng theo đúng nghĩa nên những người được mời ra quản lý VPBank cũng lại là các công chức Ngân hàng Nhà nước. Rồi quản lý kém, anh em đầu tư vào ngân hàng mà lại dùng để phục vụ hoạt động làm ăn của riêng mình nên đến 1997 thì bắt đầu khốn đốn. Vốn Ngân hàng lúc đó 75 tỷ, mà cho vay và không trả được là trên 800 tỷ, nợ nước ngoài 50 triệu đô la. Mà ngân hàng nhà nước lại khống chế dư nợ, khống chế tiền gửi, kiềm chân các hoạt động đối ngoại suốt năm năm liền... chưa kể hệ thống thực thi luật pháp rất mù mờ.

TS Nguyễn Quang A dẫn chứng, có trường hợp dùng sổ đỏ thế chấp vay tiền, rồi giả mạo giấy tờ làm thêm hồ sơ nhà đất nữa để vay Ngân hàng Công thương. Lẽ ra là phải ưu tiên trả nợ VPBank trước nhưng khi thi hành án lại quyết định thu hồi cho phía nhà nước trước và tới VPBank thì chả còn đồng nào. Sau này, Bộ Tư pháp thừa nhận là sai nhưng tiền thì đã mất, mà có cả trăm vụ tương tự. 

Thế là Nguyễn Quang A "xắn tay" nhảy vào giữa lúc nước sôi lửa bỏng "vì bất đắc dĩ không còn ai mà vốn liếng của 3C thì hơi bị nhiều".

Ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị hôm trước thì hôm sau ông "đuổi thẳng cổ" Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị. Đại hội cổ đông ngay sau đó cũng cho sa thải một lô một lốc thành viên kiếm chác mập mờ khác. Yêu cầu ban giám đốc đưa ra các quy trình rạch ròi và nghiêm ngặt, những người chủ chốt không ai được dính dáng gì đến mọi chuyện vay mượn hoặc bảo lãnh ở ngân hàng (tuy Ngân hàng Nhà nước có cho phép ở một mức độ nhất định, nhưng VPBank thì “cấm tiệt”) rồi tìm cách giải quyết khủng hoảng và thuyết phục ’trên" chấp nhận kế hoạch.

Thời điểm này, nếu cứ theo chính sách hình sự áp dụng cho Tamexco thì ước tính phải cỡ gần trăm người phải vào ngồi khám và không ít "anh" sẽ bị "bóc lịch". Nên Nguyễn Quang A bàn bạc với anh em nếu cứ đưa vụ này đưa ra xử, dân ào đến rút tiền thì coi như phá sản.

Thế là vừa thúc đẩy kiện đòi nợ, vừa chủ động dàn xếp nhẹ đi. Nhưng đi đâu cũng không dám nhận ông chủ nhà băng, muốn mời mọc ai đành "núp" vào danh nghĩa Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam: "Cũng may là chúng tôi không có tiền nhà nước trong cổ đông nếu không thì sẽ bị buộc là cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng".

VPBank phải lập một đề án phục hồi, đợi đến 2001 được Thủ tướng phê duyệt mới bắt tay vào tái thiết ngân hàng. Đề án đang trơn tru, ngon lành, đi được một nửa chặng thì TS Nguyễn Quang A rút vào vị trí Phó Chủ tịch, nhưng vẫn tiếp tục bám đề án cho đến 2004. Khi đó, sổ sách bắt đầu "đẹp" trở lại và VPBank bắt đầu con đường phát triển bền vững cho đến hôm nay.

"Hồi đó mất ngủ triền miên, ân oán cũng nhiều. Có năm ký tới 440 đơn kiện đòi nợ người ta, rồi gia quyến của một lô một lốc thành viên Hội đồng quản trị bị xử lý. Có người còn gọi tới nhà, chửi mắng tôi trên điện thoại gần tiếng đồng hồ, nào bất nhân.v.v... này nọ. Dập máy xuống, có bạn nhậu gọi đi, tôi lại quên hết".

  • Lê Nhung

Kỷ niệm 10 năm Internet vào Việt Nam mới đây, TS Nguyễn Quang A đã được xếp vào danh sách một trong mười người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành Internet Việt Nam. Ông cũng nổi lên như một dịch giả với những tác phẩm nặng về tư tưởng chính trị - kinh tế học như "Thế giới phẳng".

Kỳ 3: Người lỡ tàu cung cấp ISP

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>