221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1021056
Người ở lại: Trầy trật tiến thân
1
Article
null
Người ở lại: Trầy trật tiến thân
,

(VietNamNet) - Với những trí thức trẻ quyết tâm ở lại cơ quan Nhà nước, họ chỉ mong mỏi một điều duy nhất: Được trao cơ hội cống hiến. Nhưng đường tiến thân của họ gặp không ít rào cản.

Giảng viên trẻ hay người giúp việc?

Được giữ lại trường sau khi tốt nghiệp thủ khoa với điểm số trên 9,0, V.H, một giảng viên trẻ của trường ĐH Khoa học XH&NV TP.HCM thường được giao những nhiệm vụ như trực văn phòng khoa, làm sổ sách, giấy tờ, tài vụ... Theo chị, đó là những việc phụ nhưng gây mệt mỏi, làm thời gian dành cho nghiên cứu bị bớt đi đáng kể. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến uy tín của các giảng viên, vì nhiều sinh viên nhầm tưởng những giảng viên trẻ là những người được thuê vào làm các việc phụ trên.

Giảng viên trẻ còn mất nhiều thời gian cho những công việc vặt.

Ths. Võ Nhật Vinh, giảng viên trường Đại học Mở TP.HCM, cũng khẳng định: Lý do khiến anh không ở lại trường ĐH Bách khoa làm giảng viên là giảng viên trẻ ở đây phải mất hai năm lo nhiều việc ngoài giảng dạy, nghiên cứu, như làm giáo vụ, thậm chí quét phòng, và lương thấp.

Trong khi phải tiêu tốn không ít thời gian vào những công việc phụ lặt vặt thì cơ hội được tham gia những đề tài nghiên cứu lớn dường như ngoài tầm với đối với các nhà khoa học trẻ.

"Chứng minh năng lực là điều khó khăn đối với trí thức trẻ, bởi vì những dự án lớn, từ hàng trăm triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng, đều được giao cho các chuyên gia có tên tuổi. Tuy nhiên, những đề tài lớn sau đó lại được chia thành những dự án nhỏ, giao lại cho các trí thức trẻ thực hiện", chị Dương Thị Bích Huệ, ThS Khoa học Môi trường – ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, phản ánh.

Đã có những ý kiến đề xuất đấu thầu công khai các đề tài để tận dụng những trí thức thật sự có năng lực nhưng đến nay, cánh cửa tham gia vào những dự án lớn vẫn "im ỉm khoá" với những trí thức trẻ.

Khi trí thức trẻ sợ tụt hậu

Không có nhiều cơ hội cống hiến, môi trường làm việc lại không có điều kiện học hỏi, phát huy năng lực, điều nghịch lý khiến nhiều tiến sỹ, thạc sỹ trẻ lo sợ bị tụt hậu. 

Môi trường làm việc ngoài quốc doanh hấp dẫn vì tính năng động và cơ hội cọ xát.

Trịnh Ngọc Bảo, thủ khoa địa chất và dầu khí, Trường ĐH Bách Khoa, khoá 1996 - 2001, cho rằng: Những kiến thức được học trong trường đại học rất hạn chế so với môi trường làm việc năng động, giàu tính cạnh tranh hiện nay. Trong nhà trường, nghiên cứu mang nặng lý thuyết, nghiên cứu ở công ty đi vào thực chất nhiều hơn. Nếu chỉ thuần tuý làm giảng viên trong trường đại học, sẽ bị lạc hậu.

Bảo phân tích cụ thể phương pháp làm việc mà anh lĩnh hội được qua việc trải nghiệm trong công ty nước ngoài. Đó là tính hợp tác trong công việc.. "Khi đứng trước một vấn đề, người ta sẵn sàng lắng nghe, cho ý kiến xây dựng, chứ không phải ý kiến phản bác. Họ luôn tìm cách giải quyết có lợi nhất, kinh tế nhất, chứ không phải cách giải quyết hay ho hình thức".

Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra với nhiều trí thức trẻ xuất thân từ Chương trình đào tạo 300 tiến sỹ, thạc sỹ của TP.HCM. Chương trình 300 được triển khai từ năm 2001 nhằm xây dựng đội ngũ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học các ngành mũi nhọn có trình độ chuyên môn cao cho TP. Trái ngược với những hào hứng ban đầu, nhiều người khi trở về nước công tác đã và đang chờ cơ hội để nói lời chia tay Nhà nước, thậm chí chấp nhận trả lại tiền để được tự do.

Nguyễn Vũ Mạnh Tuấn, tốt nghiệp thạc sỹ ngành quản trị kinh doanh tại Mỹ theo Chương trình 300, trở về nước làm chuyên viên tại Phòng Xúc tiến Thương mại, Sở Thương mại TPHCM. Hiện, Tuấn đã xin chuyển công tác với lý do công việc quá đơn điệu, không được sử dụng những gì đã học, khiến anh "tụt hậu so với bạn bè đang làm ở các công ty nước ngoài đến hai năm"!

Nguyễn Hà Trang, một trí thức trẻ nói thẳng: Làm việc ở cơ quan Nhà nước hiện nay không có nhiều cơ hội rèn luyện như ở công ty nước ngoài. "Một bộ phận cán bộ, công nhân viên trong khu vực Nhà nước thuộc diện con ông, cháu cha, quen biết, năng lực hạn chế, ít động lực phấn đấu. Bộ phận này dễ khiến các cá nhân khác nản chí, cho rằng phải quen biết, được lòng cấp trên thì mới thăng tiến, dẫn tới cùn nhụt ý chí trau dồi năng lực thực sự".

"Trong khi đó, ở môi trường ngoài quốc doanh, mỗi đơn vị đều có động lực sinh tồn nên phải phát huy năng lực của các cá nhân càng cao càng tốt. Do vậy, các cá nhân cạnh tranh sòng phẳng, ai có năng lực thì thăng tiến", Trang so sánh.

Những cuộc hội họp liên miên, không hiệu quả, cuộc sống công chức sáng cắp cặp đi, chiều cắp cặp về khiến nhiều trí thức trẻ sợ bị tụt hậu. Ảnh minh họa: giaoducvietnam.vn

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM với đại biểu thanh niên dự Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM lần VIII, Đặng Tất Dũng, giảng viên ĐH Luật tâm sự: "Không nhận lời mời ở lại nước ngoài làm việc với mức lương cao mà chọn con đường về nước cống hiến, chúng tôi vẫn nhắc nhau đừng đòi hỏi gì. Nhưng, thực sự, chúng tôi không có nhiều cơ hội để cống hiến. Các cơ quan trong nước chưa đánh giá đúng năng lực của chúng tôi".

Nguyễn Văn Hùng, trí thức trẻ được mời dự toạ đàm về “Các giải pháp góp phần đổi mới cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng lực lượng trí thức trẻ trong và ngoài nước” do Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 12/12/2007, thẳng thắn: "Việc phát huy tài năng các cá nhân trong khối quản lý Nhà nước rất hạn chế. Có cảm giác TP không thu hút, mà từ chối người tài. Tôi được biết có nhiều trường hợp không được tuyển vào các đơn vị hành chính quận - huyện vì không có hộ khẩu TP. Trong khi đó, tại các tỉnh, "nhân tài tại chức" đã chiếm chỗ, không còn nhiều cơ hội cho trí thức trẻ, có năng lực".

"Bị động, khu vực Nhà nước sẽ phải trả giá"

Theo ông Lương Văn Lý, người từng giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, sau đó từ nhiệm ra mở công ty riêng, ở khu vực tư nhân, điều quan trọng nhất để đánh giá con người là hiệu quả công việc, tất cả căn cứ trên hợp đồng lao động, mọi thứ minh bạch, công khai, nên việc sa thải dễ dàng. Trong bộ máy Nhà nước, tình cảm chi phối nhiều, sa thải một nhân viên không dễ do thủ tục tốn thời gian, qua nhiều bước kiểm tra; các thủ trưởng dễ chọn một giải pháp khác giải pháp cho nghỉ việc để khỏi vướng các thủ tục trên.

"Ngay bây giờ, khu vực Nhà nước phải chuẩn bị đầy đủ hành trang, phương tiện để cạnh tranh với khu vực tư nhân về nguồn nhân lực. Khi sức hút nhân lực của khu vực tư nhân tăng lên nhiều lần so với hiện nay, nếu cứ bị động, thiếu chuẩn bị, Nhà nước sẽ phải trả giá", ông Lý cảnh báo.

  • Phạm Cường

    Bài tiếp: Được trọng dụng - Quên lương thấp

    Bạn có gặp phải những câu chuyện như trên? Hãy chia sẻ với chúng tôi!

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,