221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1022136
"Phối hợp Chính phủ - Mặt trận để phát huy dân chủ"
1
Article
null
'Phối hợp Chính phủ - Mặt trận để phát huy dân chủ'
,

(VietNamNet) - Phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị lần V Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sáng nay (7/1) tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khẳng định: "Sự phối hợp chặt chẽ, máu thịt giữa Chính phủ và MTTQ là nhân tố quyết định cho việc phát huy dân chủ".

Mặt trận muốn đưa tiếng nói của dân đến Nhà nước

Đa số ủy viên Mặt trận sẽ là người ngoài Đảng

Mặt trận là nơi khơi động tinh thần yêu nước

Khẳng định "đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân là các tổ chức Đảng", Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: "Sự phối hợp máu thịt giữa Chính phủ và MTTQ là nhân tố quyết định cho việc phát huy dân chủ và nâng cao sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hoàn thiện, củng cố vững chắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

Ông Trọng cho biết, năm 2008, Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các chính sách cụ thể đối với các giai cấp, các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, "chú trọng chính sách đối với công nhân, nông dân, trí thức và doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, đồng bào định cư ở nước ngoài. Đặc biệt là chính sách đối với người nghèo".

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VA
Phó Thủ tướng cho rằng: "MTTQ và các đoàn thể nhân dân có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đại diện cho quyền lợi hợp pháp của nhân dân".

"Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2007 nhưng chưa thấy Chính phủ hoặc UBTƯ MTTQ có văn bản hướng dẫn. Như thế, Pháp lệnh chưa đi vào cuộc sống.

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ có nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó có biện pháp chế tài hành chính đối với các cơ quan, chính quyền các cấp không thực hiện trách nhiệm đã nêu trong Pháp lệnh".

Luật gia Hồ Ngọc Cứ

Trước đó, báo cáo tình hình công tác Mặt trận năm 2007 với gần 400 đại biểu dự Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Huỳnh Đảm thừa nhận: "Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vẫn còn hạn chế, ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng nhân dân, coi thường kỷ cương pháp luật. Hoạt động giám sát của MTTQ chưa có chuyển biến rõ nét".

Tán thành với ý kiến trên, đại diện cho Hội đồng dân chủ - pháp luật của MTTQ, luật gia Hồ Ngọc Cứ cho rằng: "Nếu sự phối hợp giữa Chính phủ và MTTQ tốt, nếu có sự phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên, sẽ nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và bảo vệ lợi ích người dân lao động". Ông đề nghị hàng năm có đánh giá về sự phối hợp công tác giữa Chính phủ và Mặt trận.

Về phần mình, GS Tương Lai nhấn mạnh: "Mặt trận phải là nơi khơi động tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, làm cho tinh thần yêu nước kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ".

Ông Tương Lai đặt vấn đề: "Làm sao để diễn đàn của Mặt trận quy tụ được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp thiết tha với vận mệnh dân tộc, không phân biệt quá khứ, tôn giáo... Có như vậy thì Mặt trận mới thực hiện chức năng cao cả của nó là một tổ chức chính trị rộng lớn nhất, chứ không chỉ là một tổ chức hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo, dù hoạt động này rất thiết thực".

"Cái khó là làm sao để công tác Mặt trận thực sự là công tác vận động trí thức, nhân sĩ và các tầng lớp nhân dân đoàn kết thật lòng để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước.

Người cán bộ Mặt trận phải có sức thu hút và thuyết phục mọi người, trước hết là những người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Đấy là kỳ vọng của chúng tôi đối với Mặt trận".

GS Tương Lai

Cần nói rõ số lượng ủy viên ngoài Đảng

Luật gia Hồ Ngọc Cứ nhận xét: Về công tác nhân sự, dự thảo báo cáo của UBTƯ MTTQ chỉ nêu: "Tăng số ủy viên Ủy ban Mặt trận là người ngoài Đảng hơn khóa trước", như thế là "quá chung chung, chưa thể hiện đầy đủ quan điểm của Đảng".

Dẫn chứng Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Cứ kiến nghị, chương trình công tác năm 2008 của MTTQ phải nêu rõ: "Phấn đấu ở trung ương có trên 50% ủy viên MTTQ là người ngoài Đảng, ở cấp địa phương là trên 30%". "Có như thế, cấp ủy Đảng địa phương mới chấp nhận việc tăng số lượng người ngoài Đảng tham gia MTTQ địa phương".

Tại Đại hội Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ tổ chức cuối tuần trước, các đại biểu cũng đề nghị, các mục tiêu trên 50% và trên 30% "phải là con số tối thiểu chứ không phải là tối đa".

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Phạm Thế Duyệt cũng khẳng định: "Trong số 84 triệu dân Việt Nam chỉ có 3 triệu đảng viên, mà hình ảnh đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận phải là hình ảnh sinh động của các tầng lớp, các giai cấp, các tôn giáo, của kiều bào, sẽ có nhiều vị từ nước ngoài về, từ các tôn giáo, các dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, các nhân sĩ". 

Trong 3 ngày Đại hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ hiệp thương thống nhất việc thay đổi nhân sự sau thông báo vào tuần trước tại Đại hội Đoàn Chủ tịch, về việc nghỉ hưu của Chủ tịch Phạm Thế Duyệt.

Ngoài ra, UBTƯ MTTQ cũng sẽ bầu bổ sung nhân sự cho UBTƯ và Đoàn Chủ tịch, thay thế cho các ủy viên chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

  • Vân Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,