221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1020756
Hải đội Hoàng sa (Kỳ 3): Bản hùng ca bất tử
1
Article
null
Hải đội Hoàng sa (Kỳ 3): Bản hùng ca bất tử
,

Trước khi giong thuyền vượt biển Đông, nhiều người lính Hoàng Sa đã quấn vành tang trắng vì biết rằng khó có ngày về. Những người ở nhà cũng làm một lễ tế họ cho trời biển. Họ ngẩng cao đầu ra đi để khẳng định và bảo vệ chủ quyền tổ quốc. 

Lớp lớp người đi không về

Mỗi năm ở Lý Sơn đến ngày kỷ niệm hải đội Hoàng Sa ra đi, những chiếc thuyền giấy được thả xuống biển để tưởng nhớ họ - Ảnh: Quốc Việt. Nguồn: TTO
Buổi chiều, ông già ngồi lặng lẽ tưởng nhớ người xưa. Trước mặt ông, nấm mộ gió dài hơn 10m là nơi yên nghỉ của 10 vong hồn người lính Hoàng Sa đã gửi xác thân cho biển cả.

Thắp nén nhang cắm lên đầu mộ, ông tâm sự mình là Phạm Quang Tĩnh, hậu duệ đời thứ sáu của Phạm Quang Ảnh đang yên nghỉ dưới nấm đất nhô cao ở đầu ngôi mộ gió tập thể. Ông là con cháu của Phạm Quang, người đã có công khai lập tộc họ này trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Khi mệnh nước cần người hùng dám xông pha đại dương ra quần đảo Hoàng Sa xác lập chủ quyền, Phạm Quang Ảnh được chọn phong làm cai đội lãnh quân ra đi. Rồi đến khi ra khơi, ông cùng hải đội đã đi mãi không về. Con cháu làm nấm mộ chiêu hồn tập thể cho ông cùng 10 người lính của mình.

Đến nay, nấm mộ gió đó vẫn còn được thờ tự nguyên vẹn ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh. Tương truyền ông được phong làm thượng đẳng thần để hộ vệ và ban phúc cho những người vượt sóng gió biển Đông. Một hòn đảo lớn trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa cũng được đặt tên Quang Ảnh của ông để ghi nhớ người xưa đã từng đặt chân lên đây khẳng định chủ quyền.

Ông Tĩnh lần giở cho tôi xem các kỷ vật và tài liệu cổ nói về công đức tiền nhân. Trong đó có cả các gia phả, linh vị xưa vẫn còn rõ nét với thời gian. Sử liệu cũ trong Đại Nam thực lục chính biên, đời vua Gia Long, cũng ghi chép rằng: "Tháng giêng năm Ất Hợi (1815), vua Gia Long sai  Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình…".

Ngoài cai đội Phạm Quang Ảnh, các tộc họ Phạm ở Lý Sơn còn có nhiều người lần lượt tham gia các hải đội này. Và đa số họ ra đi không về.

Cuối thôn Tây, xã Lý Vĩnh, nấm mộ gió của cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết cũng còn nguyên vẹn. Hậu duệ họ Võ dựng cả một nhà thờ người anh hùng xưa. Trong ký ức lưu truyền của các cụ già ở đảo, Võ Văn Khiết được người dân sánh ngang với Phạm Quang Ảnh.

Ông phụng mệnh vua lãnh binh tiến ra Hoàng Sa, không có ngày về. Người đời sau đã thờ cúng ông như một vị thành hoàng đem lại phúc lành cho hòn đảo Lý Sơn. Những dịp ra đảo, ngoài những vị cai đội Hoàng Sa còn lưu đậm chứng tích, tôi được nghe người dân kể nhiều về các bậc anh hùng khác như Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, Phạm Văn Nhiên, Phạm Văn Nguyên...

Trong đó, Phạm Văn Nguyên theo lệnh vua Minh Mạng, vào năm thứ 16 (1835) chở vật liệu ra xây dựng một ngôi miếu chủ quyền trên đảo Hoàng Sa. Quanh miếu, họ còn gieo hạt cây mang theo từ đất liền để đem lại sinh khí cho đảo và dấu hiệu cho tàu thuyền bị nạn biết chỗ vào tránh...

Luật vua ban con trai trưởng được ở nhà thờ tự cha mẹ, các con trai thứ chưa có gia đình đều có thể vào hải đội, việc đó cứ kéo dài nhiều đời vua. Và tộc họ nào ở Lý Sơn cũng nhiều lần quấn vành tang trắng, hiến dâng con cái của mình cho quần đảo ngoài biển xa. Có người cùng chung một hải đội. Có người tiến ra Hoàng Sa trước, người vượt biển Đông sau. Nhưng hầu hết đều giống nhau vì tổ quốc ra đi không về!

Trên đảo Lý Sơn bây giờ, một số trong họ vẫn còn mộ chiêu hồn, linh vị rõ ràng để hậu thế thờ tự, nhưng nhiều người đã phai nhòa dấu vết theo thời cuộc đổi thay. Cả một nghĩa trang mộ gió cũ của những người lính Hoàng Sa nay cũng không còn lại được bao nhiêu dấu vết.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, kể ngày xưa người Pháp đặt chân lên đây đã ra tay tàn phá rất nhiều, đặc biệt là chứng tích của những anh hùng vị quốc vong thân.

Lưu dấu anh hùng

"Hoàng Sa trời bể mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về". Câu thơ tưởng nhớ người xưa vẫn còn truyền miệng ở Lý Sơn đã phần nào nói lên được cảnh tiễn biệt xúc động của những người lính Hoàng Sa thuở nào cũng như hiểm nguy mà họ phải đối mặt.

Phụ nữ VN ở Hoàng Sa. Ảnh chụp trước năm 1940 (ảnh trong album của Pierre Bodin, tuần báo Le Point (Pháp) ngày 4-3-1974).

Sử cũ chép rằng hầu hết hải đội Hoàng Sa đều vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ, để tiện luồn lách trong quần đảo có nhiều rạn san hô và bãi đá ngầm hiểm trở.

Đến bây giờ, ngư dân già Võ Hiến Đạt đã gần bước sang tuổi 80 vẫn nhớ mãi lời tổ tiên kể đó là những chiếc ghe bầu được đóng bằng gỗ chò vùng cửa biển Sa Kỳ và ngay trên đảo Lý Sơn mà người xưa hay gọi là tiểu điếu thuyền.

Ghe chỉ rộng khoảng 3m, dài hơn 10m, chở được 10 người. Nương theo chiều gió, ghe căng ba cánh buồm cùng với sức chèo đi khoảng ba ngày ba đêm thì thấy quần đảo Hoàng Sa. Ngoài lương thực, nước uống được mang theo tạm đủ dùng trong sáu tháng, những người lính này còn bắt cá, chim để ăn thêm.

Đặc biệt, từng người lính còn mang theo mình một thẻ bài ghi rõ danh tính, phiên hiệu hải đội, bản quán. Nhưng xúc động nhất là họ chuẩn bị cả chuyện hậu sự cho mình trong chuyến hải trình dài hiểm nguy. Mỗi người một chiếc chiếu, bảy nẹp tre và dây mây để khi chết sẽ bó xác mình, thả xuống biển, mong có ngày trôi dạt về đất quê hương hoặc ghe thuyền nào đó vớt được cũng biết quê quán để chở về.

Buổi chiều dưới bóng Âm Linh tự, nơi đang thờ tự vong hồn những người lính Hoàng Sa xưa, các cụ già trên đảo Lý Sơn đã rưng rưng đọc một đoạn văn tế những người anh hùng vì quốc vong thân: "...Ngoảnh sang đông, ngóng về tây... Tiếng sóng bể Đông trập trùng cuồn cuộn, tưởng niệm dấu thần phương nao mờ mịt. Hồn thiêng xa vời vợi mong được ngày trở về...".

Để yên lòng những hùng binh ra đi khó có ngày về và cho con cháu đời sau không quên công đức tiền nhân, các tộc họ ở Lý Sơn vẫn làm lễ tang, đắp mộ tươm tất cho những người lính gửi xác thân cho biển cả. Dưới nấm mồ, một hình nhân bằng đất sét được chôn thay thi hài người lính. Tấm bia đá cũng được khắc ghi tên tuổi để lưu dấu anh hùng với non sông.

Các hải đội Hoàng Sa giờ không còn nữa, nhưng tinh thần ái quốc của họ cũng như quần đảo Hoàng Sa vẫn mãi mãi khắc ghi trong tim chúng ta. 

  • Quốc Việt (Tuổi Trẻ)

Kỳ tới: Đời đời không quên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,