221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
966488
Chủ tịch UBND đứng đầu Ban chỉ đạo chống tham nhũng tỉnh
1
Article
null
Chủ tịch UBND đứng đầu Ban chỉ đạo chống tham nhũng tỉnh
,

(VietNamNet) - Sau phiên thảo luận căng thẳng tại hội trường sáng nay (4/8), QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng. Theo đó, sẽ thành lập Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc TW về phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu là chủ tịch UBND.

Các ý kiến phát biểu của đại biểu tập trung vào sự cần thiết thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh và về người đứng đầu: chủ tịch UBND hay HĐND. 

a
Đại biểu Lê Đình Khanh, tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội trường. (Ảnh: MN)
 

Cần cơ quan chống tham nhũng độc lập, thực quyền

Theo báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của các Đoàn ĐBQH về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng, trên thực tế, đã có 26 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức BCĐ phòng, chống tham nhũng.

Người đầu tiên phát biểu trước hội trường, đại biểu Vi Trọng Lễ, tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần tổng kết, đánh giá xem các BCĐ ở 26 tỉnh, thành này hoạt động thế nào, tính toán kỹ biên chế, trụ sở, ngân sách, nếu không, có thể dẫn đến lãng phí.

Ông Lễ cũng băn khoăn về tên gọi của cơ quan phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh: "Nếu gọi là Ban chỉ đạo thì rất dễ nhầm lẫn với các BCĐ khác, mà ở các tỉnh, chủ tịch UBND đã là người đứng đầu cả chục BCĐ rồi". 

Đại biểu Phạm Thị Loan, Hà Nội nói: "UBND các tỉnh, thành đã mang nhiều trọng trách, nếu người đứng đầu lại phụ trách BCĐ phòng, chống tham nhũng thì sẽ "vừa làm huấn luyện viên, vừa làm cầu thủ", hiệu quả sẽ hạn chế". 

Ý kiến của bà Loan cũng là nhận định của nhiều đại biểu phát biểu sau đó. "Chúng ta cần một cơ quan chống tham nhũng độc lập, đủ mạnh, thực quyền, không nên để BCĐ cấp tỉnh nằm gọn trong hệ thống hành chính nhà nước, trưởng ban nên là chủ tịch HĐND", đại biểu Hồ Trọng Ngũ, tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh.

Quyền hạn Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng?

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân, tỉnh Tây Ninh thẳng thắn: "Nếu lập BCĐ phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh, chủ tịch UBND làm trưởng ban và Viện trưởng VKSND là phó ban thì vô tình chúng ta làm mất đi tính độc lập trong các cơ quan tư pháp, điều này sẽ gây ra tính khép kín ở địa phương". Để minh họa, ông Xuân nêu ngay dẫn chứng vụ đất đai ở Đồ Sơn, các cơ quan chức năng đã can thiệp quá sâu, dẫn đến tiêu cực, hậu quả lớn. 

Đại Trần Văn Kiệt, tỉnh Vĩnh Long thì nói rõ, bản thân chưa an tâm về dự thảo Luật. "Liệu luật sửa đổi có đi vào cuộc sống hay không? Nếu chúng ta cứ sửa đi, sửa lại luật mà tham nhũng vẫn tiếp tục thì dân sẽ mất niềm tin".

Ông Kiệt nói, nếu sửa luật thì phải cụ thể hơn nữa. "Quyền hạn của Ban chỉ đạo đến đâu? Khoản 3, điều 73 phải ghi cụ thể chức năng quyền hạn của BCĐ, được QH thông qua, chứ không phải là Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH, để BCĐ có đủ quyền hạn thực thi nhiệm vụ của mình". 

Bà Ngô Minh Hồng, đại biểu TP Hồ Chí Minh cũng băn khoăn: "Tôi chưa thấy sự cần thiết phải lập BCĐ cấp tỉnh trong hệ thống chính quyền, bởi đã có cả một nghị định quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống ở đơn vị mình. Hệ thống giám sát của chúng ta cũng nhiều: Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban kiểm tra của Đảng, cơ quan dân cử".

Có lãng phí nếu lập thêm Ban chỉ đạo cấp tỉnh?

"Tôi nhận thấy công tác giám sát mới chỉ được giao cho các đại biểu dân cử, tuy nhiên, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người giám sát tốt nhất chính là quần chúng nhân dân. Người nhiều lần nói rằng: Nhân dân có hàng chục triệu tai, hàng chục triệu mắt. Người còn nói: "Như ngọn đèn pha chiếu rọi khắp nơi, không có điều gì mà nhân dân không biết".

Vừa qua, VKSNDTC đã có trang web www.vksnd.org.vn, có mục để nhân dân tố cáo mọi hành vi tham nhũng. Nhưng tôi muốn luật hóa việc phải trả lời những ý kiến đó. Tôi tin đó là giám sát tốt nhất, hiệu quả nhất". 

                  (ĐB Nguyễn Lân Dũng)

Tiếp lời bà Hồng, đại biểu Lê Đình Khanh, tỉnh Hải Dương đặt câu hỏi: "Thời gian Luật phòng, chống có hiệu lực còn quá ngắn, mới được một năm, chưa có sự phân tích, đánh giá kết quả thực hiện, chưa có sự tính toán xem nếu lập BCĐ ở cấp tỉnh thì sẽ phải sắm thêm bao nhiêu ô tô, bỏ ra bao nhiêu kinh phí mỗi năm và thu về cái gì: lòng dân hay tiền bạc?"

Là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh, ông Khanh nhấn mạnh: "Singapore không có cơ quan chống tham nhũng nhiều như ở ta, nhưng tình trạng tham nhũng hầu như không xảy ra. Ta thì đã có rất nhiều cơ quan có chức năng phòng, chống tham  nhũng: Đảng thì có UB kiểm tra các cấp, Nhà nước có Viện kiểm sát, công an, thanh tra, ở cơ sở là thanh tra nhân dân".

"Có phải vì mỗi cơ quan đều làm riêng rẽ, không phát hiện và ngăn chặn được tham nhũng mà chúng ta phải có BCĐ chung? Nếu không có BCĐ chung cấp tỉnh thì bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND không chỉ đạo phòng, chống tham nhũng hay sao?".

Ông Khanh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng là kỷ cương pháp luật chưa nghiêm. "Luật mới quy định thành lập BCĐ Trung ương nhưng đã có trên 20 tỉnh, thành cho ra đời BCĐ, vậy có vi phạm luật không? Nếu cứ nói cái gì không cấm đều được làm thì ở Trung ương có Bộ Ngoại giao, ở tỉnh cũng có thể có Bộ Ngoại giao".

Ông Khanh nêu quan điểm, nên lui việc thành lập BCĐ cấp tỉnh để chuẩn bị được kỹ hơn, bởi "dứt khoát sẽ thêm biên chế, tiền chi tốn kém". "Nghị quyết của Đảng cũng đã nói rõ: Trung ương có cơ quan nào, không nhất thiết địa phương cũng phải có cơ quan đó. Nếu chưa thành lập được BCĐ cấp tỉnh thì có thể giao "thanh bảo kiếm" cho trưởng BCĐ Trung ương thực quyền, xử lý nghiêm các vụ việc". 

Điều khiển phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đã giải thích rõ tại sao nên cử Chủ tịch UBND tỉnh làm người đứng đầu BCĐ. 

"BCĐ Trung ương cũng như ở các tỉnh, TP không phải là cơ quan trực tiếp thi hành nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng, mà chỉ có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vì thế, không thể nói, BCĐ này đặt ở đâu thì sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan, hoặc là không có điều kiện tốt để chỉ đạo, phối hợp... Chủ tịch UBND tỉnh, thành có điều kiện huy động, phối hợp các cơ quan, lực lượng và cũng để phân biệt với các cơ quan chức năng khác như HĐND có chức năng giám sát"

Ông Lưu cũng nhấn mạnh, BCĐ là một cơ quan liên ngành, có thành viên không chỉ của UBND, mà còn có đại diện MTTQ, HĐND, các cơ quan tố tụng: tòa án, công an... "Chính Chủ tịch UBND cũng phải chịu sự giám sát của QH, UB Thường vụ QH, Đoàn đại biểu QH, HĐND và các đại biểu HĐND, các tổ chức đoàn thể mặt trận ở địa phương và các cơ quan phòng chống tham nhũng ở Trung ương".

Kết quả biểu quyết: 337 trong số 470 đại biểu QH có mặt (68,36%) tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống tham nhũng. Có 100 đại biểu bỏ phiếu không tán thành, 33 người không biểu quyết.

Không thành lập BCĐ chống tham nhũng cấp huyện

"Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống TN có đủ điều kiện để chỉ đạo công tác phòng, chống TN đến cấp huyện, xã, bảo đảm tính thống nhất trong phạm vi tỉnh.

Ở các bộ, ngành, Bộ trưởng là người trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng trong bộ mình và ngành mình. Do đó, không đặt vấn đề thành lập BCĐ ở cấp huyện và các ngành".

                                           Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch QH 

  • Vân Anh 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,