221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
949494
"Điều tra tham nhũng của VN cần công cụ luật mạnh hơn"
1
Article
null
'Điều tra tham nhũng của VN cần công cụ luật mạnh hơn'
,

(VietNamNet) Có mặt ở Hà Nội tuần này để giảng về kỹ thuật điều tra liên quan đến các hành vi tham nhũng cho 30 học viên của Cục Điều tra chống tham nhũng (Tổng cục Cảnh sát), Cục trưởng Cục điều tra tội phạm tài chính Quốc gia Pháp Christian Mirabel cho rằng, điều tra viên của Việt Nam "cần có những công cụ luật pháp mạnh hơn nữa".

a
Ông Christian Mirabel: "Không được dùng nghe lén điện thoại như bằng chứng là một bất lợi lớn".
Tuy là giảng viên và có gần 20 năm trong nghề điều tra tội phạm kinh tế, nhưng ông Mirabel cho rằng, mình đến Việt Nam chủ yếu để trao đổi kinh nghiệm trong một lĩnh vực điều tra đặc biệt khó: chống tham nhũng.

Không cần chờ bên được hối lộ nhận tội

Tên gọi của khóa tập huấn là "Kỹ thuật điều tra tội phạm về tham nhũng". Vậy ông giới thiệu cho các cán bộ điều tra Việt Nam những kỹ thuật gì?

- Tôi không dự định đem đến cho các bạn đồng nghiệp những bí quyết gì ghê gớm. Trước hết, tôi giới thiệu với họ tội danh tham nhũng trong Bộ luật Hình sự Pháp, các khung hình phạt đối với tội đưa hối lộ - mà chúng tôi gọi là "tham nhũng chủ động", tội nhận hối lộ - tham nhũng thụ động, rồi tội lợi dụng ảnh hưởng để tác động đến người có trách nhiệm và quyền hạn để trục lợi...

Ở đâu cũng vậy, điều tra tội phạm tham nhũng là một lĩnh vực cực kỳ khó khăn. Không giống như một vụ tấn công người, nạn nhân rất dễ được xác định và chúng ta cũng có thể nhanh chóng tìm ra thủ phạm, tham nhũng là tội khó bị phát hiện. Khi hối lộ, cả người đưa lẫn người nhận hối lộ tiền, hợp đồng làm ăn, quà cáp vật chất và phi vật chất... đều không dại gì đi tố cáo, mà vụ việc thường do người thứ 3 tố cáo. Thậm chí, người ta cũng không tố cáo có tham nhũng mà thường tố cáo vì thấy có dấu hiệu không bình thường ở công ty A - B nào đó chẳng hạn, từ điều tra những dấu hiệu này, mới phát hiện hành vi tham nhũng. 

Sau khi nhận được tố cáo, cơ quan điều tra Pháp sẽ lập tức vào cuộc?

"Chúng ta còn phải làm nhiều việc để tạo điều kiện cho lực lượng điều tra chống tham nhũng: hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, hợp tác quốc tế..."

(Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Cục trưởng Cục điều tra chống tham nhũng)

- Khi nhận được tố cáo, cảnh sát sẽ phải làm một việc đầu tiên là lập biên bản. Điều này rất quan trọng, bởi biên bản sẽ có giá trị trong trường hợp người tố cáo đột ngột mất chẳng hạn. Trong những vụ tham nhũng nhỏ thì không có chuyện thủ tiêu người tố cáo, nhưng những vụ lớn, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Sau đó, công tố viên sẽ ra lệnh điều tra ban đầu. Cơ quan điều tra có thể lần giở lại mọi giao dịch thương mại, các cuộc chuyển tiền, các cuộc mua bán công ty... Ví dụ, một trong những người thuộc cơ quan chính quyền địa phương đã từng là ông chủ của công ty, qua phân tích hồ sơ mua bán, sẽ tìm ra đối tượng nghi vấn chính là người này, sau đó sẽ phải tiếp tục kiểm tra và phát hiện rằng người này đã lợi dụng trách nhiệm của mình trong một cuộc đấu thầu để cho công ty cũ của mình thắng.

Cơ quan điều tra của Pháp có quyền tạm giữ, khám xét và cả nghe lén điện thoại đối tượng tình nghi trong khi điều tra về tham nhũng.

Công ước LHQ về chống tham nhũng cho phép cài thiết bị nghe lén

Nghe lén điện thoại? Đây có phải là một kỹ thuật điều tra đặc biệt không?

- Đây chính là một kỹ thuật đặc thù trong điều tra chống tham nhũng mà tôi sẽ trao đổi với các đồng nghiệp Việt Nam. Thẩm phán điều tra có quyền nghe lén để nắm được những trao đổi của người đang bị nghi là nhận hoặc đưa hối lộ. Khi có lời tố cáo về một công chức chẳng hạn, nhưng chưa có cách gì để buộc tội vì không thể bắt quả tang, một trong những cách mà cơ quan điều tra Pháp áp dụng là nghe lén điện thoại cá nhân hay điện thoại cơ quan của người đó.

Người bị tình nghi có thể thường xuyên trao đổi trên điện thoại những điều quan trọng, như vậy sẽ rất có ích khi cơ quan điều tra nắm được nội dung những cuộc trao đổi này. Nhà điều tra thuật lại bằng văn bản và lập biên bản, biên bản này có thể dùng làm bằng chứng khi ra trước tòa.

Điều này không giống như ở Việt Nam...?

- Trước khi bắt đầu buổi đầu học đầu tiên, ông Cục trưởng Cục Điều tra chống tham nhũng của các bạn đã nói với tôi một số khó khăn của các điều tra viên Việt Nam.

Ông ấy nói rằng nghe lén điện thoại không thể dùng làm bằng chứng ở tòa. Theo tôi, đó là một bất lợi lớn. Bởi sẽ rất khó "gọi mặt chỉ tên" những người đưa hay nhận hối lộ, nếu không bắt được quả tang, mà ta thì không thể trông chờ họ tự thú được. Nghe lén cũng là một trong những "phương tiện" giống như khám nhà hay tạm giữ người giúp cho công việc điều tra. Để có được lời tố cáo đã không phải đơn giản, chứng minh lời tố cáo đó lại gặp khó khăn nữa, e rằng các điều tra viên của Việt Nam khá vất vả. Tất nhiên đó là lựa chọn của các nhà làm luật.

Một khác biệt nữa là ở Pháp, chúng tôi chỉ cần dựa vào sự thừa nhận của người đưa hối lộ là có quyền kết luận vụ việc, chứ không cần phải chờ bên được hối lộ nhận tội như ở Việt Nam.

Một thuận lợi nữa của chúng tôi là cơ quan thuế nắm được thu nhập của mọi công dân, kể cả công chức hay chính trị gia. Do đó, cơ quan điều tra có thể lấy chứng cớ từ việc một công chức hay một chính trị gia có tài sản không tương ứng với thu nhập, nếu người đó không giải trình được, thì chúng tôi hoàn toàn có thể mở điều tra về tham nhũng.

Thực ra, các điều tra viên chống tham nhũng ở Pháp có đủ quyền lực chưa, theo ông?

- Trong khuôn khổ Công ước LHQ về phòng, chống tham nhũng mà cả Việt Nam và Pháp đều đã ký, LHQ chủ trương áp dụng những kỹ thuật đặc biệt như cài thiết bị để nghe lén. Nếu như nghe lén điện thoại chỉ là kiểm soát thông tin mà người bị tình nghi trao đổi qua điện thoại thì cài đặt thiết bị cho phép nghe lén tất cả những trao đổi diễn ra trong một căn phòng, một ngôi nhà, trên xe hơi. Chính các điều tra viên của chúng tôi cũng chưa có quyền này.

  • Vân Anh 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,