221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
912768
Đại biểu QH vắng mặt quá nhiều trong các cuộc họp
1
Article
null
Đại biểu QH vắng mặt quá nhiều trong các cuộc họp
,

(VietNamNet) - Phát biểu của GS. Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân... đều nhận xét, tính gương mẫu của Quốc hội (QH) và đại biểu QH đều chưa thể hiện rõ. Một trong những bằng chứng là đại biểu QH vắng mặt quá nhiều trong các cuộc họp. 

Qhoi253.jpg
Thảo luận tại kỳ họp của QH khoá XI.

Chức vụ cao, không đi họp nữa

Tại phiên thảo luận ở Hội trường về Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khoá XI của QH, các cơ quan của QH, diễn ra sáng nay (23/3), GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, một số đại biểu không tham dự đều đặn các kỳ họp. GS ví dụ, ngay trong phiên thảo luận này đã thiếu khoảng 80 người, mặc dù đây là kỳ họp cuối và là những ngày đầu của kỳ họp. 

"Tính gương mẫu của QH, của các đại biểu QH chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân", GS. Dũng nói. Thậm chí, theo GS, "nhiều đại biểu đã ghi tên tham gia các Ủy ban nhưng cả khóa hầu như không đi họp". 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân bổ sung, Ủy ban Đối ngoại có 34 đại biểu, trong đó có 4 chuyên trách. Vậy mà đi họp từ đầu nhiệm kỳ được 18-19/34, cuối nhiệm kỳ còn 12-13 vị. Một số đại biểu được đề bạt lên chức vụ cao hơn, rút cuộc lại là không đi họp nữa. 

"Có thể nói 4-5 năm nay chúng tôi không có ngày thứ bảy, chủ nhật, ban đêm làm việc đến 11-12h", ông Trân nói. Ông đặt vấn đề, phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân của tồn tại này.

Hơn nữa, GS Dũng nói thẳng, có đại biểu tham dự đầy đủ nhưng không phát biểu. Sự có mặt của đại biểu đó, do vậy cũng rất hạn chế. Số đại biểu này chủ yếu trong ngành quân đội, công an, lãnh đạo hay đại biểu dân tộc ít người. 

Điều này dẫn đến một thực trạng, nói như ông Nguyễn Ngọc Trân, đó là sự dĩ hòa vi quý. Đó là tính chiến đấu của các đại biểu trong tranh luận chưa cao. Theo ông Trân, có tình trạng cài răng lược với nhau, người phát biểu ở đây thì chỗ khác lại hãm lại. Hiện tượng này dẫn tới chỗ đại biểu không dám phát biểu, bởi hễ phát biểu là đụng chạm, hễ đụng chạm thì như vậy có vấn đề quyền lợi trong này.

"Cần phải lựa chọn những đại biểu QH không phải do cơ cấu thuần tuý cho có mặt", ông Trân kiến nghị.

Ngoài ra, QH và các đại biểu QH cũng chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm. Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, hiện QH đang thừa rất nhiều tài liệu mà không có chỗ để xếp. Đó là các tập Kỷ yếu rất dày, những công báo mà nhiều đại biểu thấy không cần thiết, rồi những dự thảo luật. Mà lẽ ra, QH phải gương mẫu, đi tiên phong trong việc ứng dụng tin học. 

"Tôi đề nghị phải nối mạng với các đại biểu QH. Các đại biểu có trách nhiệm phải học tin học để có thể tiếp nhận được các văn bản gửi đến qua hệ thông nối mạng. Chúng ta không yêu cầu mỗi đại biểu ở trước mặt phải có 1 máy tính, nhưng ít nhất cũng phải có chỗ cắm điện để đại biểu QH có thể mang máy tính đến, để tìm tài liệu trong khi họp QH", ông Dũng đề xuất. Đó chính là góp phần cho việc xây dựng một QH điện tử. 

Đại biểu giám sát, địa phương không nghe

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng nói, yêu cầu giám sát rất lớn nhưng vấn đề này còn quá nhiều tồn tại. Nhiều ý kiến rất quan trọng của đoàn giám sát, nhưng địa phương hầu như chẳng nghe. Ông Dũng thắc mắc, có khi địa phương chỉ quan tâm đến ý kiến của Chính phủ, của Đảng, còn ý kiến của QH thì tham khảo để đấy. Hiện QH cũng không có cách gì kiểm tra lại xem ý kiến của đoàn giám sát có được thực hiện hay không? 

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phú (Thái Nguyên), khi giám sát, đại biểu QH nhận được rất nhiều đơn thư. Nhưng đơn cứ chuyển lòng vòng. Nhiều đại biểu QH khi tiếp xúc cử tri cảm thấy xấu hổ vì không đủ thẩm quyền giải quyết việc cử tri kiến nghị, nhưng cũng không theo dõi tiếp để trả lời cho cử tri rằng điều đó là đúng hay sai, do cơ quan nào giải quyết?

Theo GS. Dũng, đó là do trách nhiệm của đại biểu QH chưa đầy đủ. 

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, cũng có thể do bộ máy dân cử ở cơ sở HĐND đã chưa phát huy hết vai trò của mình. Kinh nghiệm từ thực tiễn ở Đồng Nai cho thấy, khi tiếp xúc cử tri, lãnh đạo của tỉnh đã cử cán bộ, lãnh đạo của các Sở, ngành liên quan để giải quyết thắc mắc của bà con. Và 70-80% khiếu nại của cử tri đã được giải quyết tại chỗ.

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,