221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
862678
Nước chủ nhà đã sẵn sàng đón khách APEC
1
Article
null
Nước chủ nhà đã sẵn sàng đón khách APEC
,

(VietNamNet) - Sẽ có khoảng 10 ngàn người tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, gồm hơn 7.500 khách quốc tế trong đó có trên 5.000 đại biểu chính thức và tuỳ tùng, gần 1.000 đại biểu doanh nghiệp và 2000 phóng viên. Thông tin trên được Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng cho biết chiều 9/11.

Nước chủ nhà đang nỗ lực hết sức mình cho một APEC thành công và mang đậm dấu ấn Việt Nam: thanh bình, năng động và mến khách.

Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra từ 12-19/11 gồm 17 sự kiện chính trong đó có các Hội nghị quan trọng như Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 18; Hội nghị các Quan chức Cao cấp phiên tổng kết; Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng Giám đốc Doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao còn có nhiều hoạt động quan trọng khác như Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam với quy mô lớn chưa từng có khi có tới sự tham gia của hơn 700 doanh nghiệp hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương...

Tuần lễ Cấp cao là sự kiện quốc tế quan trọng và quy mô nhất mà Việt Nam từng tổ chức.Thứ trưởng Lê Công Phụng khẳng định, tính đến thời điểm này, tất cả công tác chuẩn bị của Việt Nam cho hội nghị cấp cao đã sẵn sàng kể cả về nội dung, công tác lễ tân, hậu cần...

Về nội dung, sau gần một năm, VN đã điều hành và chuẩn bị tốt về mặt nội dung cho các hội nghị trong khuôn khổ APEC 2006 đặc biệt là hội nghị bộ trưởng, hội nghị SOM. Hiện nay, phía Việt Nam nói chung và Ban thư ký APEC Việt Nam nói riêng đang liên hệ với đối tác thành viên để hoàn thiện các văn kiện cho hội nghị cấp cao.

Về công tác lễ tân, hậu cần và an ninh, các tiểu ban đã xây dựng và trình Chủ tịch uỷ ban quốc gia APEC 2006 đề án về các vấn đề liên quan như đề án tổ chức tuyên truyền, đề án lễ tân, đề án vật chất hậu cần, kịch bản chi tiết cho từng hoạt động...

Ngoài ra, ban tổ chức đã có kế hoạch chi tiết về bảo vệ an ninh cho các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên thủ các nền kinh tế thành viên, các địa điểm họp, sân bay khách sạn, đảm bảo y tế, an ninh thực phẩm, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC.

Công tác chuẩn bị cho hoạt động báo chí trong thời gian hội nghị cấp cao cũng đã hoàn tất. Cho tới nay đã có 500 phóng viên Việt Nam và 1.500 phóng viên nước ngoài đăng ký tham gia đưa tin về hội nghị cấp cao.

Theo Thứ trưởng Lê Công Phụng, có ba dấu ấn về hình ảnh Việt Nam để lại rõ nét sau APEC 2006 đó là:

''Việt Nam đưa ra chủ đề năm APEC 2006 và được các nền kinh tế đánh giá rất cao, đưa ra nhiều sáng kiến, nội dung quan trọng trong đó nổi lên là Kế hoạch hành động Hà Nội. Kế hoạch này kéo dài từ nay tới 2020. Kế hoạch hành động Hà Nội là định hướng cụ thể để triển khai mục tiêu Bogo, và có nghĩa là từ nay tới 2020 các nền kinh tế sẽ thường xuyên nhắc tới Việt Nam, nhắc tới Kế hoạch hành động Hà Nội.

Thứ hai là chiến dịch cải cách APEC. Chỉ đến 2006, VN mới đưa ra những chủ định, chủ hướng tiến hành cải cách APEC: cải cách để hiệu quả hơn, năng động hơn, nâng tính liên kết hơn. Hầu hết các nền kinh tế thành viên đều cho rằng, năm APEC VN 2006 là năm cải cách APEC. Dấu ấn thứ ba là tình cảm, lòng mến khách, tính nhân văn của người Việt Nam thông qua cách đón tiếp, tổ chức, điều hành hội nghị kể cả về mặt nội dung và hình thức''.

Chủ đề chính mà các nhà lãnh đạo APEC tập trung bàn thảo là: ''Đẩy mạnh Thương mại, Đầu tư trong một thế giới đang thay đổi'' và ''Những nhân tố cơ bản đảm bảo tính năng động, tăng trưởng và phát triển bền vững trong APEC''.

Nhân dịp Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC 14, lãnh đạo cấp cao của năm nền kinh tế sẽ kết hợp thăm chính thức hữu nghị Việt Nam. Đó là các chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào (15-17/11); Tổng thống Cộng hoà Chi-le Michelle Bachelet Jeria (17/11), Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush (17-20/11), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (19-20/11) và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin (20/11).

Trả lời câu hỏi về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bush, Thứ trưởng Lê Công Phụng cho biết: ''Cả Mỹ và Việt Nam đều đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm này, hai nước rất coi trọng và đánh giá cao các cuộc  trao đổi sắp tới giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với Tổng thống Mỹ Bush. Ông Bush sẽ có các cuộc hội đàm với các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và  Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Hai bên sẽ cùng nhau nhìn lại những bước phát triển trong quan hệ hai nước trong thời gian qua. Đồng thời bàn thảo thương lượng về các mục tiêu trong tương lai quan hệ hai nước, các bước đi cần thiết  để thúc đẩy quan hệ Việt Mỹ trên nhiều lĩnh vực kể cả lĩnh vực an ninh, kinh tế, đầu tư, thương mại''...

Thứ trưởng Lê Công Phụng cũng khẳng định, dù Quốc hội Mỹ có hay không thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam trước khi Tổng thống Mỹ Bush thăm Việt Nam, phía Việt Nam cũng làm hết sức mình để chuyến thăm của Tổng thống Mỹ thành công tốt đẹp.

  • Kỳ Thư

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,