221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
798200
Ba câu chuyện '"chọn người theo việc" của Hồ Chủ tịch
1
Article
null
Ba câu chuyện ''chọn người theo việc' của Hồ Chủ tịch
,

(VietNamNet) - Ba con người với số phận, vị trí xã hội khác nhau nhưng đều đem đến cho chúng ta ấn tượng đặc biệt về cách "chọn người theo việc" của Chủ tịch  Hồ Chí Minh. Họ là: ông Nguyễn Hữu Đang - trưởng ban tổ chức Lễ mít tinh độc lập 2.9.1945; nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện - thư ký của Bác Hồ trong chuyên đi Pháp năm 1946; người cuối cùng là cố Tổng bí thư Lê Duẩn.

 

Bác Hồ tiếp thanh niên dân chủ Pháp tại Paris 1946, người bên cạnh Bác bên trái là ông Đỗ Đình Thiện. (Ảnh tư liệu của gia đình ông Đỗ Long Vân).

"Có khó mới cần đến chú"

Cho đến hơn 50 năm trôi qua, ông Nguyễn Hữu Đang, nguyên Trưởng ban tổ chức Lễ độc lập năm 1945 vẫn không hết bồi hồi khi nhớ lại cái giây phút nhận nhiệm vụ từ Bác Hồ...

Cuối tháng 8 năm1945, Thường vụ TƯ họp (lúc đó chưa có Bộ chính trị - Thường vụ là những người chủ chốt trong Đảng được Bác hồ chỉ định tạm thời )để bàn một việc cấp thiết là Chính phủ lâm thời phải ra mắt quốc dân. Trong cuộc họp đó có các vị Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp nhưng lại thiếu ông Trường Chinh vì bận công tác đột xuất.Hai ông Trần Huy Liệu và Xuân Thuỷ được cử lo tổ chức lễ mít tinh trong ngày ra mắt Chính phủ lâm thời ngày 2/9/1945. Nhưng sau đó ông Trường Chinh về và đã không đồng ý đề cử này vì sợ rằng hai ông Xuân Thuỷ và Trần Huy Liệu không quen biết các giới, các đoàn thể thì công việc khó mà suôn sẻ. Khi có người tiến cử ông Nguyễn Hữu Đang, là Uỷ viên BCH Hội văn hoá cứu quốc, thành viên Ban trị sự  Hội truyền bá quốc ngữ, lại quen biết nhiều giới và có khả năng tổ chức lễ lạt, ông Trường Chinh liền đề đạt lên Bác Hồ...

Ông Đang kể lại..

... Lúc đó tôi vừa đi dự Hội nghị ở Tân Trào về. Vừa đến Bắc bộ phủ thì ông Nguyễn Khang (Nguyên là Bí thư xứ uỷ Bắc Kỳ, Chủ tịch UBND TP.HN) bảo tôi: " Anh Đang này, anh có chân trong Chính phủ lâm thời mở rộng đấy, dự kiến sẽ là chỉ định làm thứ trưởng Bộ tuyên truyền...Tối đến họp nhé!"... Tối hôm đó, khi ông Nguyễn Văn Tố (nguyên Bộ trưởng Bộ cứu tế xã hội lâm thời) là bạn thân, đồng chí cùng hoạt động lôi xềnh xệch tôi đến  trước một cụ già mặc bộ áo chàm của người dân tộc đang ngồi trên ghế và bảo: 'Thưa Cụ, đây là ông Nguyễn Hữu Đang..." thì tôi đoán ra ngay ông cụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông cụ hỏi: " Chú là Nguyễn Hữu Đang đấy hả?". Tôi cúi đầu đáp: "Thưa Cụ vì tôi đến chậm". "Đến chậm vì mải chơi thì có lỗi chứ vì công việc thì không có lỗi". Thế này, Chính phủ giao chú làm trưởng ban tổ chức buổi lễ mít tinh ra mắt quốc dân 2/9. Chú chuẩn bị có kịp không?".

Không biết cái thế cần kíp khẩn cấp của ngày tuyên bố Tuyên ngôn độc lập, tôi chần chừ: "Dạ, thưa Cụ, bây giờ đã là ngày 28. Trong bốn ngày mà lo một việc lớn như thế không biết có khó khăn gì không...". Ông cụ nghiệm nghị nhìn tôi, cái nhìn như ngầm quở trách và bảo: "Có khó mới cần đến chú chứ". Nghe câu nói như Khổng Minh khích tướng  ấy, tôi rất làm tự hào về vai trò của mình, tôi đáp ngay: 'Thưa Cụ, con xin cố gắng".

(Sau này, tôi vẫn nói đùa với bạn bè: "Đó là câu nói quan trọng nhất trong đời tôi. Là Huân chương Nguyễn Ái Quốc của tôi đấy")

Rồi ông Cụ giục tôi: "Chú Đang về ngay đi, chuẩn bị không thì không kịp". Ra đến cửa, tôi chợt nghĩ ra, quay lại báo cáo với Bác: "Thưa Cụ, con xin nhận nhưng Cụ cho con một cái quyền". "Quyền gi?" Chú muốn quyền gì?".."Lúc nào khó khăn gì, có ai không nhận giúp đỡ, hưởng ứng thì con được nói "đây là lệnh của Cụ Hồ". Ông cụ đồng ý.

Nhưng thật ra lúc đó tinh thần khởi nghĩa 1945 nô nức lắm. Không một ai từ chối giúp đỡ. Tôi chưa hề phải sử dụng câu nói "bửu bối" ấy.

 Thế là mọi việc diễn ra tốt đẹp trong Ngày độc lập như mọi người đã biết...

"Nếu anh có thể tìm được người tin cậy hơn"

..Gia tộc Đỗ Đình Thiện rất nổi tiếng ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ trước. Cụ ông Đỗ Đình Thiện khi còn đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Canh nông đã vì tham gia tổ chức cách mạng mà bị trục xuất khỏi nước Pháp; cụ bà Trịnh Thị Điền là cán bộ hoạt động bí mật từ những năm ba mươi,  lại trở thành nhà đại tư sản những năm 40 (Thế kỷ 20). Căn nhà 54 Hàng Gai của hai cụ trước đây là nơi đi lại của những lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Nguyễn Tạo... Sau thời đầu của chính quyền cách mạng, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng nơi đây để tiếp khách nước ngoài và những nhân sĩ trí thức như cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Trong Tuần lễ vàng và Quỹ Độc Lập, gia đình này đã đóng góp đến gần chục kilogram vàng, là người đóng góp gần nửa cổ phần của Việt Nam công thương Ngân hàng. Đồn điền Chinê (Nông trường Sông Bôi - Hòa Bình bây giờ- TG) của các cụ mua với giá 2000 lạng vàng thời đó cũng được đặt làm cơ sở in tiền đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

"Cha tôi là người thấp bé nhưng phong cách rất đàng hoàng, lịch lãm. Điều đó có lẽ không hẳn chỉ vì ông đã từng ở Pháp nhiều năm. Tính ra, thời gian tôi ở châu Âu - đặc biệt là ở Pháp hơn ông cụ rất nhiều nhưng tôi biết mình thua xa cha mình về điểm này.

Tôi vẫn nhớ ông cụ dạy con từ những chi tiết nhỏ để mong các con mình trở thành người lịch lãm: đi vào nhà thì phải bỏ mũ; rằng là khi nói chuyện với ai thì phải nhìn thẳng vào mắt người ta, không được nhìn xuống hoặc nhìn đi chỗ khác; vào nhà rồi thì phải bỏ mũ; không thấy ai có cái gì mà mình thích cũng không được thèm muốn và không được xin. (Nếu ta dạy trẻ con điều này thì chắc cũng bớt tham nhũng).

Tôi vẫn nhớ, hồi ở chiến khu Việt Bắc, ông là Giám đốc Nhà máy may Trần Hưng Đạo, có lần có người vào văn phòng vẫn đội mũ, ông cười rất hóm rồi bảo mọi người xung quanh: "Anh em ơi, ai có mũ thì đội vào". Mọi người nghe thế đều cười, còn người kia, cũng cười, rồi bỏ mũ ra ngay" - TS Đỗ Long Vân kể về cha mình.

Đỗ Đình Thiện từng là một trong hai người tháp tùng Bác Hồ trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Fontainebleau (Pháp) từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1946. Là thư ký riêng, ông đã có một cuốn nhật ký tỉ mỉ về hành trình, làm việc của Bác tại nước Pháp trong chuyến đi đó.

TS Toán học Đỗ Long Vân kể: " Vì sao cha tôi được chọn trong chuyến đi đặc biệt ấy ư? Cha tôi kể lại rằng, lúc đó ông Nguyễn Lương Bằng đến nói với ông: " Bác muốn anh tháp tùng Bác đi Pháp?". Cha tôi, vốn là người ngang nghạnh, và rất e ngại việc tham dự những việc chính trị quan trọng nên hỏi lại: "Tôi có thể không đi được không?". Ông Bằng nói: "Nếu anh tìm được người thay thế thì anh có thể ở lại...". Thế là cha tôi trở thành thư ký của Bác Hồ trong chuyến đi đó, ông Vũ Đình Huỳnh là đại tá cận vệ.

Có thể đặt câu hỏi: Tại sao Bác lại chọn ông Đỗ Đình Thiện chứ không phải là ai khác làm thư ký cho mình trong chuyến đi quan trọng này sang Pháp?

Ngoài giỏi tiếng Pháp, lịch lãm sang trọng, giàu có đủ lo cho cả chuyến đi, nhà tư sản Đỗ Đình Thiện lúc đó còn là một người có uy tín với nhiều giới ở Hà Nội, một người Việt Nam được giới thượng lưu ở Pháp biết đến; và dù là Đảng viên Đảng cộng sản Pháp nhưng ông lại không phải là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam (có một số cứ liệu khẳng định,trong thời điểm này, vì muốn kêu gọi được sự ủng hộ của đông đảo người Pháp, Hồ Chí Minh chưa muốn công khai đường lối cộng sản của mình)

Chuyến đi  đã ghi được dấu ấn tốt đẹp của Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam mới với người Pháp và Việt Kiều tại Pháp, trong đó không thể không kể đến công lao của hai người tháp tùng là ông Vũ Đình Huỳnh và Đỗ Đình Thiện.

"Non sông đất nước này biết ơn Người"

...Tháng 5 năm1954. Sau hiệp định Giơ ne vơ. Có những chuyến tàu thủy vào Nam, ra Bắc đem theo những  cuộc chia ly, nhưng trên gương mặt không nhiều lắm nỗi buồn bởi họ tin: Hai năm chỉ là một cái chớp mắt... Nhưng, ít nhất có một người không nghĩ như vậy, đó là Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư TƯ Cục miền Nam, Lê Duẩn - người sau này là Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam. Lúc đó thấy đồng bào giơ hai ngón tay ý nói hai năm gặp lại, như được kể lại, ông khóc ròng.

Và rồi ông đã để vợ mình ra Bắc cùng đứa con đang nằm trong bụng rồi nói với một người đồng chí thân thiết: "Anh ra nói với Bác có lẽ 20 năm nữa, tôi mới gặp được Người". Có nghĩa là ông đã chuẩn bị tất cả mọi tâm thế và ý chí để ở lại chiến đấu lâu dài. Lúc này, ông là người có chức vụ cao nhất trong Đảng không tập kết, ở lại miền Nam.

Có thể ông không ngờ rằng, ba năm sau, năm 1957, Hồ Chủ tịch đã có một quyết định hết sức đột ngột là “điều đồng chí Lê Duẩn ra nhận nhiệm vụ quan trọng”.

Theo một nguồn tin, sau ngày miền Bắc sai lầm trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ đã kiên quyết gọi ông Lê Duẩn ra để giao trọng trách Tổng Bí thư. Đó là điều khiến nhiều người và cả người trong cuộc ngạc nhiên bởi khi đó chỉ có mình Lê Duẩn là ủy viên TƯ ở miền Nam và không phải là người gần Bác nhiều. Ở miền Bắc lúc đó, ngoài người vừa từ chức sau những sai lầm của cải cách ruộng đất thì vẫn còn một số người từng gần gũi với Bác nhiều năm...

Anh Lê Kiên Thành, con trai ông Lê Duẩn kể lại: "Cha tôi kể là ông gặp Bác lần đầu tiên vào năm 1945, khi mới ở tù Côn Đảo về. Lúc đó, ông đã trình bày rất thẳng thắn quan điểm của mình về Cách mạng dân tộc, dân chủ ở Việt Nam. Bác tỏ ra rất ấn tượng với sự thẳng thắn của ông. Lần thứ hai, năm 1952 ông nói chuyện với Bác về cải cách ruộng đất. Ở miền Nam, lúc này đã bắt đầu tiến hành cải cách ruộng đất tương đối hiệu quả - không giống với cải cách ruộng đất ở miền Bắc năm 1956. Lúc đó, ông đã nói với Bác: Cải cách ruộng đất là để cho người nông dân thấy được họ được cái gì khi đi theo cách mạng...

Sau cải cách ruộng đất, khi đang cần một người lãnh đạo kế cận thích hợp với yêu cầu Cách mạng mới, có những người từng làm việc lâu với cha tôi như ông Lê Đức Thọ, Phạm Hùng trong thời gian ra Bắc đã nói với Bác: 'Một trong những người xứng đáng là ông Lê Duẩn"...

Vì những tác động đó mà Người nhìn thấy cha tôi là một con người có khả năng, đồng thời nhận định rằng việc quan trọng nhất của giai đoạn sắp tới là cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam nên đã đề nghị cha tôi ra để đặt vào vị trí Tổng bí thư".

Năm 1969, chính Tổng bí thư Lê Duẩn là người thay mặt dân tộc đọc Diễn văn  trước linh cữu Hồ Chủ tịch với những lời thấm tận ruột gan mỗi chúng ta cho tới hôm nay: " Dân tộc ta, nhân dân ta, nong sông đất nước ta đã sinh ra Người, Chủ tịch Hồ Chí  minh vĩ đại.  Và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta...". Và cuối cùng, chính Tổng bí thư Lê Duẩn đã cùng đồng bào mình thực hiện lời thề thiêng liêng với Bác là thống nhất đất nước trọn vẹn.

Lịch sử dân tộc không thể phủ nhận vị trí của Tổng bí thư Lê Duẩn trong cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ từ 1957 đến 1975, ông đã thể hiện là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc trong Cách mạng dân tộc dân chủ. Thế nhưng, Lê Duẩn sẽ không có được chỗ đứng như thế trong lịch sử nếu không được Hồ Chủ tịch nhìn đúng để đặt vào vị trí thích hợp. Điều vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết khi chọn từng người  vào vị trí quan trọng.

Ba con người với số phận, vị trí xã hội khác nhau nhưng đều đem đến cho chúng ta ấn tượng đặc biệt về cách "chọn người theo việc" của Chủ tịch  Hồ Chí Minh. 

  • An Nhi 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,