221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
710040
WTO: Cái đích vẫn còn xa với VN
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
WTO: Cái đích vẫn còn xa với VN
,

(VietNamNet) – Phiên đàm phán đa phương thứ 10 về vấn đề gia nhập WTO của VN vừa kết thúc, nhưng có vẻ khối lượng công việc còn lại của VN vẫn ngổn ngang.  Phía VN cũng không còn đề cập đến mục tiêu gia nhập WTO...

Soạn: AM -151126 gửi đến 996 để nhận ảnh này
VN không đề cập đến mong muốn ban đầu là gia nhập WTO tại Hội nghị Bộ trưởng tại Hongkong tháng 12 năm nay.
Tại phiên đàm phán diễn ra từ ngày 15/9, VN và các nước thành viên đã cùng thảo luận và kiểm tra từng điểm một trong bản dự thảo lần 1 báo cáo gia nhập của Ban Công tác. Đây được coi là một bước tiến mới trong tiến trình 10 năm đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của VN.

Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại khá đồ sộ. Các thành viên nói rằng, nhiều vấn đề vẫn cần được làm sáng tỏ, đặc biệt là thương quyền, chức năng và vị trí của các doanh nghiệp thương mại quốc doanh.

Tại phiên đa phương lần này, VN đã không đề cập đến mong muốn ban đầu là gia nhập WTO tại Hội nghị Bộ trưởng tại Hongkong tháng 12 năm nay.

Chủ tịch Ban Công tác, Đại sứ Na uy Eirik Glenne cho rằng, “chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”. Ông Glenne cũng để ngỏ thời gian biểu cho phiên họp đa phương tiếp theo với lý do phải có sự tham vấn ý kiến giữa các nước và Ban Thư ký.

Tại phiên họp lần này, VN đã đệ trình lên Ban Công tác một số văn bản để ban xem xét, bao gồm bản trả lời những câu hỏi thêm trong nhiều lĩnh vực mà các nước thành viên quan tâm; các thông tin cập nhật về tình hình thực thi Hiệp định Trị giá Hải quan và các chi tiết về những bộ luật mới được ban hành hoặc sửa đổi. Bản câu hỏi mới về cấp phép nhập khẩu và trợ cấp nhà nước trong nông nghiệp cũng được đề cập.  

Song phương: khoảng cách vẫn còn

Kể từ phiên đàm phán đa phương trù bị hồi tháng 5, VN đã tích cực tiến hành thương thảo song phương với nhiều nước và đạt được thỏa thuận với một số đối tác quan trọng như Nhật Bản, Trung Quốc. Biên bản của 10 thỏa thuận song phương đã được gửi tới Ban Thư ký.

Hiện còn 6 đối tác mà VN chưa hoàn tất được đàm phán là Hoa Kỳ, Australia, Honduras, CH Dominica, Mehico, New Zealand.

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán kêu gọi một số thành viên WTO linh hoạt hơn để có thể đạt được thỏa thuận song phương.

”Chúng tôi hết sức mong muốn các thành viên không ép VN thực hiện các nghĩa vụ WTO cộng hoặc các chuẩn mực kép bởi những yêu cầu này quá cao, nền kinh tế của chúng tôi không có khả năng thực hiện”, ông Tự nói.

“Nhân dịp này, tôi hy vọng các thành viên còn lại xem xét những khó khăn của VN và đưa ra những yêu cầu hợp lý, linh hoạt nhằm kết thúc đàm phán”, ông Tự kêu gọi.

Asean, Cuba và Ấn Độ cũng lên tiếng yêu cầu các nước khác không đặt ra những đòi hỏi quá sức đối với VN.

Tuy nhiên, một số nước nói rằng đàm phán “vẫn còn khoảng cách phải vượt qua”. Họ cho rằng, những lợi ích cơ bản của họ vẫn chưa được đáp ứng.

Bên lề phiên họp tại Geneve lần này, đoàn đàm phán VN cũng đã có cuộc gặp với đoàn đàm phán Hoa Kỳ. Song, các chỉ dấu cho thấy, cuộc gặp không đạt được tiến bộ nhiều.

Trong một lần trình bày tại phiên họp Thường vụ Quốc hội vừa qua, Trưởng đoàn đàm phán Lương Văn Tự nói rằng, nhiều khả năng VN sẽ gia nhập WTO vào năm 2006.

Đàm phán VN - Hoa Kỳ đang ở thời điểm khó khăn nhất

Trong cuộc họp báo chiều qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại VN, Michael Marine cho biết: "Về thuế quan, hai bên đã hoàn tất đàm phán được hàng ngàn dòng thuế. Trong lĩnh vực dịch vụ, các ngành viễn thông, tài chính, năng lượng đều đã được đồng thuận. Trên bình diện các vấn đề đa phương như thương quyền, qui định xuất nhập khẩu, vấn đề trợ giá, nền kinh tế phi thị trường..., hai bên cũng đã thảo luận rộng rãi. Tuy nhiên, phải nói rằng đàm phán hiện đang ở giai đoạn khó khăn nhất.

Ví dụ đối với các dòng thuế, chúng tôi rất quan tâm tới thuế đánh vào thịt bò và thịt lợn nhập khẩu trong khi VN có những mối quan tâm quan trọng của riêng mình. Hai bên đang xác định những gì là ưu tiên nhất để tìm cách dung hòa.

Trong hai tuần tới, hai bên xác định thời điểm tiến hành phiên họp tiếp theo, đó là phiên họp rất quan trọng. Chúng tôi ủng hộ VN gia nhập WTO càng sớm càng tốt, nhưng vấn đề thời điểm gia nhập WTO có tính chất sống còn đối với VN hơn là với Mỹ"

Ông Marine cũng cho biết, về mặt thủ tục, sau khi hoàn tất đàm phán song phương VN - Hoa Kỳ, Mỹ phải gom cả thỏa thuận song phương và báo cáo của nhóm công tác về VN gia nhập WTO thành một gói với sự ủng hộ của giới công thương Mỹ để đệ trình lên Quốc hội Mỹ. Quốc hội Mỹ sẽ đứng trước cuộc bỏ phiếu thông qua việc trao Qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho VN. Theo ông, "không có viễn cảnh nào về một cuộc bỏ phiếu trao PNTR cho VN trong năm nay vì kỳ họp Quốc hội Mỹ sắp tới bận rộn với rất nhiều công việc".

Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa với khả năng VN không thể gia nhập WTO trong năm nay như mục tiêu ban đầu.

·         Việt Lâm

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,