221
10701
Bảo vệ Người tiêu dùng bằng Thông tin
bvkh
/bvkh/
1161554
Bán hàng, "khuyến mại"... chửi!
1
Article
null
Bán hàng, 'khuyến mại'... chửi!
,

- "Can tội" mặc cả thấp, khách bị chủ hàng ném hàng vào mặt, túm tóc, giữ chặt tay không cho đi. Sờ vào hàng cũng bị đốt lửa giải vía, thử hàng mà không mua thì phải hứng cả "rổ chửi".

"Thiên lôi" ở "chợ chửi"

Chợ Ngã Tư Sở đã trở nên nổi tiếng, đặc biệt với giới sinh viên bởi các loại mặt hàng đa dạng từ quần áo, mũ túi tới dây lưng... với đủ kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc, thậm chí có các kiểu dáng y chang hàng hiệu mà giá rẻ. Tuy nhiên không ít các khách hàng đến đây phát hoảng vì cách làm ăn chộp giật, gây ức chế với thái độ phục vụ, cách hành xử thiếu văn hóa, thậm chí mang dáng dấp "côn đồ" của nhiều chủ hàng.

Nếu trả giá mà không mua dễ bị chủ hàng mỉa mai, khích bác. Ảnh: B.D

Đến khảo sát tại khu vực chợ này, không khó để PV bắt gặp cảnh chèo kéo khách mua hàng của các chủ cửa hàng; chuyện dùng đủ chiêu "bạo lực" để ép khách mua hàng bằng được cũng xảy ra như cơm bữa.

Trưa 16/2, đập vào mắt PV là hình ảnh một bà chủ miệng xoen xoét chửi khách hàng, tay khua khua giấy đốt vía qua đũng quần của bà.

Tại một quầy quần áo, một khách bị chủ hàng túm tóc, nắm chặt tay không cho đi vì chưa "mở hàng, mặc cả rồi thì phải lấy!". Hỏi ra, mới biết giá nói thách của chiếc áo là 300.000 đồng, khách chỉ trả 100.000 đồng. Thấy khách đi chợ tò mò đứng lại xem, bà chủ hàng đành buông tay giữ khách, tay kia quăng cái áo vào mặt khách, miệng không ngớt ném theo sau "thượng đế"những câu chửi tục tĩu.

Chứng kiến cảnh này, một khách hàng rùng mình, thì thào: "Dân bán hàng ở đây dữ như quỷ ấy, không cẩn thận là bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ngay".

Chị Phương Thuận (Kim Mã, Hà Nội) thì cho biết: Mua ở chợ này dễ ăn chửi lắm. Vì chủ hàng thường "hét" giá gấp 3 - gấp 5. Khi mình vào quầy, người bán ngọt nhạt, xởi lởi: "Em ưng chưa?", "Có thích không?", "Chị nói giá để bán thôi".... Ai bạo miệng, trả thấp thì mua được vừa giá, trả cao thì bị "hớ", nếu trả giá mà không mua thì dễ bị mỉa mai, khích bác - chuyện này dễ gặp nhất là với cánh sinh viên.

Thuận bức xúc kể về một lần mua áo: "Vào cửa hàng quần áo, chọn mãi mới được một kiểu vừa mắt. Tôi mặc thử, mấy chị bán hàng tấm tắc khen đẹp, hợp dáng. Áo hơi rộng nên tôi không mua, nào ngờ vừa bước chân ra khỏi cửa hàng đã bị chị bán hàng quát thẳng vào mặt: "Đồ con điên", xấu như Thị Nở còn bon chen áo xống!".

Tại một cửa hàng quần áo cạnh đó, bà chủ hàng đồng ý cho một khách mặc thử một chiếc quần bò. Sau khi thử, khách tỏ ý hài lòng nhưng khi nghe bà chủ "hét" giá 320.000 đồng, cô bỏ ngay ý định mua. Mè nheo ép khách mặc cả không thành, bà chủ liếc xéo, gằn giọng: "Khố rách áo ôm, một xu không dính túi thì đừng có sờ vào hàng người ta, hãm tài cả ngày!". 

Cảnh chèo kéo, chửi bới khách xem hàng rồi không mua, không chỉ đầy rẫy ở chợ Ngã Tư Sở mà còn "thường như cơm bữa" ở nhiều cửa hàng, chợ Hà Nội.

Nhiều chủ hàng "xem mặt bắt hình dong" nên khách hàng phải tỏ ra sành sỏi - Ảnh: B.D

Ứng biến chống chửi

Theo ý kiến một số khách hàng, các chủ cửa hàng thường "xem mặt bắt hình dong", nhìn người để "báo giá". Nên trước khi đi chợ, chị em thường truyền tai nhau kinh nghiệm mua bán. Theo họ, nếu biết ứng biến, khéo mua, khéo chọn thì không lo bị ép, bị nói thách quá đáng, hay bị đối xử "tàn nhẫn".

Chị Thanh (Tây Sơn, Hà Nội) chia sẻ: "Ban đầu tôi chỉ dám vào hàng của người nào nhìn hiền hiền, hoặc hàng quen, nhưng giờ thì không ngại vào những quầy hàng lạ. Cứ tỏ ra sành điệu, biết giá thì không bị ép, không bị khinh. Nhưng để tránh chuốc bực mình vào thân, tốt nhất nếu quyết tâm mua thì hẵng thử hàng và mặc cả".

Nhiều khách hàng khuyến cáo: Cách chống bị chửi tốt nhất là lánh xa những bà hàng liên tục thông báo vừa mở hàng khi trời đã về chiều. Đây là cớ để người bán vin vào, ép khách "mở hàng" với giá cắt cổ và "chịu trận" bão miệng nếu từ chối mua.

Và một cách nữa là liên tục dặn lòng: Ra chợ, hãy quên mình là "thượng đế"! 

Vì sao có thói bán hàng kiểu xã hội đen?

Theo TS.Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học Việt Nam), bán hàng kèm chửi bắt nguồn từ thời kỳ bao cấp, khách hàng không được tôn vinh là thượng đế. Khi ấy, sản xuất hàng hóa không đủ mạnh để cung ứng đủ nhu cầu xã hội, các "thượng đế tội nghiệp" phải chạy theo người bán, chứ không được quyền đòi hỏi.

Chuyển sang thời kỳ cơ chế thị trường, lượng hàng hóa nhiều hơn, khách hàng có nhiều sự lựa chọn, cùng đó văn minh bán hàng cũng thích nghi với mô hình phát triển của xã hội mới. Tuy nhiên thói bán hàng cửa quyền, ban ơn vẫn rơi rớt lại, và còn bị biến thái thành một loại hình mới là kiểu bán hàng "xã hội đen".

Điều này xuất phát từ tâm lý tiêu dùng kiểu đông, manh mún, phụ thuộc, may rủi của khách hàng. Người có quyền lựa chọn không được thể hiện sự "thông thái", dần dần trở thành một thói quen. Tâm lý Á Đông "chín bỏ làm mười" ,"một điều nhịn chín điều lành" thể hiện rất rõ ở miền Bắc càng khuyến khích tinh thần chộp giật, đe nạt khách hàng của người bán.

Một bộ phận lớn khách hàng, nhất là nhóm khách hàng yếu thế chịu nhẫn nhịn vì các cửa hàng làm ăn chộp giật, xã hội đen đánh vào thị hiếu ham rẻ, mong chờ sự may rủi của khách hàng. Tuy nhiên nhiều khách hàng ở phẩm cấp cao sẽ không chấp nhận lối làm ăn lôi kéo, xô đẩy như vậy!

  • Bình Dương

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
Email:
bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,