221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
766490
Sức bật nào cho giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ?
1
Article
null
Sức bật nào cho giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ?
,

Phát triển giáo dục không thể tách rời với tốc độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài nếu không có một nền giáo dục phát triển thì không thể tạo ra được những bước nhảy vọt về kinh tế, đặc biệt là trong thời đại kinh tế trí thức.

(Bài tham gia Diễn đàn :Đổi mới II- Phải đổi mới thế nào?)

Thực trạng giáo dục và những tồn tại

Soạn: AM 709051 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Chúng ta có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nổi bật nhất là các mặt sau đây:

Dân tộc ta là dân tộc hiếu học và có truyền thống Tôn sư Trọng đạo. Mọi gia đình đều có tinh thần dành mọi ưu ái cho việc học hành của con cái.

Trí tuệ thanh thiếu niên Việt Nam chẳng thua kém gì so với các nước khác nếu được đưa vào cùng một điều kiện học tập như nhau. Hiện nay, rất nhiều trí thức trẻ tiếp cận được với mặt bằng giáo dục quốc tế.

Từ năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục và hiện đã có 30 tỉnh và thành phố hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở.

Đội ngũ gần 900 nghìn thầy cô giáo từ bậc tiền học đường đến bậc sau đại học với khoảng 400 nghìn người có trình độ đại học và trên đại học không chỉ là một lực lượng hùng hậu mà đại bộ phận còn là những người đầy nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục.

Cơ sở vật chất tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng đã là một tiến bộ vượt bậc so với trước thời kỳ Đổi mới. Trường học khang trang chính là một trong những niềm tự hào của quê hương mỗi người và là niềm hạnh phúc của cả cộng đồng.

Thành tựu của 20 năm Đổi mới không thể tách rời với đội ngũ đông đảo trí thức và những người lao động đã qua đào tạo.

Tuy nhiên, trước đòi hỏi của tình hình mới, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế, chúng ta phải thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong giáo dục hiện nay.

Học sinh phổ thông có chất lượng học tập rất không đồng đều. Số quyết tâm học và không quá khó khăn về kinh tế có trình độ không thua kém học sinh nước ngoài. Tuy nhiên, một số không nhỏ đã không học các môn mà các em không định hướng theo học sau khi tốt nghiệp bậc trung học. Mọi cố gắng về cải tiến chương trình, sách giáo khoa, cải tiến phương pháp giảng dạy trở nên vô ích khi học sinh không muốn học và thực tế đã không học các môn này (!).

Học sinh không đạt trình độ mà vẫn tốt nghiệp các cấp học ở bậc phổ thông là do bệnh thành tích rất phổ biến trong ngành giáo dục. Không khắc phục triệt để được tình trạng này thì với các môn ngoài Toán, Lý, Hóa, không có cách gì đem lại kiến thức hữu ích cho cuộc đời của thanh thiếu niên. Tự nhiên mọi cố gắng trở thành những nguồn lãng phí hết sức lớn cho toàn xã hội.

Những vùng dân cư thưa thớt và trình độ kinh tế thấp còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giáo dục. Mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng chênh lệch rõ rệt về giáo dục giữa các vùng miền trong cả nước.

Chương trình và sách giáo khoa chậm được ổn định, gây xáo trộn và lãng phí không nhỏ. Không ít môn học có chương trình và nội dung giảng dạy chênh lệch khá nhiều so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực.

Số giáo viên chưa được chuẩn hóa còn khá nhiều. Nhiều giáo viên chưa tạo được hứng thú học tập cho học sinh, một số giáo viên tìm cách áp đặt học sinh trong việc học thêm tràn lan.

Số giờ thực học của học sinh thấp hơn rõ rệt so với phần lớn các nước khác, một phần vì thiếu thốn cơ sở vật chất, một phần vì học sinh nghèo phải lao động thêm để giúp đỡ gia đình.

Tỷ lệ học sinh được học lên Cao đẳng, Đại học quá thấp so với nguyện vọng của học sinh và phụ huynh học sinh. Từ đó dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan gây bất bình cho xã hội, tổn hại sức khỏe và hao mòn tinh lực của cả một thế hệ trẻ.

Chất lượng đào tạo Đại học nói chung còn thấp. Sinh viên ra trường chưa có tay nghề vững vàng nên không dễ tìm được việc làm và hầu hết phải qua quá trình đào tạo lại. Vì hạn chế về định biên mà sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm không có chỗ dạy học, kể cả xung phong lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa (các địa phương giữ chỗ cho con em mình).

Thiếu các trường Đại học đẳng cấp quốc tế dẫn đến việc đi du học tự túc quá đông và quá tốn kém, trong khi đó phần lớn đâu có vào học được các trường có chất lượng thực sự cao.

Việc tách rời các Viện nghiên cứu với các Trường Đại học kể cả các Đại học Quốc gia, Đại học trọng điểm là một lãng phí rất lớn về chất xám và làm giảm sút rõ rệt chất lượng bồi dưỡng giảng viên và đào tạo sinh viên.

Trình độ giảng viên đại học còn chênh lệch quá lớn. Nhiều giảng viên chưa thông thạo ngoại ngữ và không biết cập nhật kiến thức qua Internet cho nên chưa có uy tín cao với sinh viên. Nhiều trường hẫng hụt cán bộ khi lớp cán bộ giỏi đến tuổi về hưu. Nhiều thầy cô giáo giảng dạy bằng các giáo trình rất cũ thậm chí không có giáo trình cho sinh viên học. Bậc Cao đẳng, Đại học mà vẫn còn tình trạng thày đọc-trò ghi (!)

Số giờ thực hành rất chênh lệch với số giờ lý thuyết cả ở các bậc học. Chất lượng các phòng thí nghiệm ở bậc Đại học nhiều nơi còn rất thấp kém và lạc hậu .

Đòn bẩy nào để đổi mới sự nghiệp Giáo dục?

Phát triển giáo dục không thể tách rời với tốc độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài nếu không có một nền giáo dục phát triển thì không thể tạo ra được những bước nhảy vọt về kinh tế, đặc biệt là trong thời đại kinh tế trí thức.

Trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, chúng ta không thể mong muốn có một sự thay đổi quá nhanh tuy nhiên, cần có một tinh thần cách mạng để không bị lạc hậu quá xa so với các nước khác, ít nhất là đối với các nước trong khu vực.

Những việc cần làm ngay theo tôi là:

1. Xây dựng tinh thần thực học, thực nghiệp trong toàn xã hội. Chống lại tư duy thành tích, tư duy khoa bảng, tư duy danh vị. Cụ thể là lập lại trật tự thi cử ở mọi cấp. Trường tiên tiến là trường dám trung thực trong thi cử chứ không phải trường có tỷ lệ học sinh đỗ cao. Chấp nhận trong một thời gian có tỷ lệ học sinh lưu ban đúng thực trạng, dù có cao bao nhiêu cũng dám thừa nhận. Chỉ có cách này mới thực sự làm đổi mới được thực trạng giáo dục.

2. Xem xét lại nghiêm túc chương trình và sách giáo khoa của cả hệ thống giáo dục phổ thông với tiêu chí Dân tộc - Khoa học - Đại chúng và trong tiêu chí Khoa học, phải đối chiếu với mặt bằng chung của thế giới. Cố gắng xây dựng một chương trình và một bộ sách giáo khoa có thể sử dụng được trong khoảng 10 năm liên tục. Tận dụng sự hợp tác của tất cả các Hội Khoa học chuyên ngành trong việc thẩm định nội dung chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

3. Dành ưu tiên kinh phí đồng thời coi trọng sự nghiệp xã hội hóa giáo dục để thực hiện việc kiên cố hóa trường học, khắc phục tình trạng các trường sở tranh, tre, nứa, lá và cần có đủ phòng thực hành để bảo quản các trang thiết bị thí nghiệm. Cần có định biên về kỹ thuật viên hướng dẫn thực hành tại trường phổ thông.

4. Thực hiện việc học hai buổi trong tất cả các trường tiểu học và mở rộng dần ra các trường Trung học cơ sở.

5. Mở rộng cánh cửa Đại học về các ngành nghề có nhu cầu xã hội và có khả năng đào tạo. Không đào tạo các ngành nghề thiếu giảng viên chuyên sâu, thiếu sách giáo khoa, thiếu phòng thí nghiệm và không phù hợp với nhu cầu xã hội. Nên mở rộng việc đào tạo khoa học cơ bản và ngoại ngữ vì có thể đáp ứng cho số đông người học và tạo điều kiện cho việc tự đào tạo sau này.

6. Xây dựng các trường Đại học chất lượng cao, trước hết là hai Đại học Quốc gia và các trường Đại học trọng điểm. Mạnh dạn đưa các Viện nghiên cứu, nhất là các lĩnh vực khoa học cơ bản, về các trường Đại học như xu thế chung của cả thế giới. Biện pháp này đâu có khó nhưng vừa đẩy mạnh được nghiên cứu vừa nâng cao được chất lượng đào tạo, lại tiết kiệm được rất nhiều kinh phí mua sắm thiết bị trùng lặp.

7. Dành kinh phí thỏa đáng cho việc gửi lưu học sinh và nghiên cứu sinh tới các nước phát triển, ít ra cũng bằng số lượng như trước đây gửi đi đào tạo tại Liên Xô và các nước XHCN khác. Bồi dưỡng đội ngũ giáo sư đầu đàn và tạo điều kiện để các giáo sư này phát huy được hết trí lực của mình trong việc bồi dưỡng các thế hệ kế cận.

Thực trạng về Khoa học và Công nghệ

Soạn: AM 709057 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ khoa học không thể coi là nhỏ với trên 14.000 tiến sĩ và trên 21.000 thạc sĩ và trên 2 triệu kỹ sư thuộc hầu hết các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Kinh phí đầu tư cho Khoa học và Công nghệ tuy không nhiều như các nước khác nhưng cũng là những con số không nhỏ, khoảng 300 triệu USD. Chúng ta có 144 cơ sở đào tạo sau đại học và hàng trăm Viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, trung tâm khảo nghiệm. Số đề tài nghiên cứu được công bố hàng năm không phải là ít và cũng có nhiều đề tài thiết thực góp phần vào sản xuất công, nông nghiệp, quốc phòng, y dược học... Những thành tựu đó góp phần không nhỏ vào thành tựu của 20 năm đổi mới.

Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật khi đặt ra và trả lời các câu hỏi sau đây:

Chúng ta có thể có đủ cán bộ để đánh giá tài nguyên trên đất nước ta hay chưa? Có bao nhiêu cán bộ đủ sức phân loại đến loài mọi tài nguyên thực vật, động vật và vi sinh vật, đủ sức điều tra các nguồn địa chất, khoáng sản, các nguồn dược liệu bản địa? Hàng năm công bố được bao nhiêu loài mới về khoa học trên các tạp chí quốc tế và được thế giới công nhận?

Chúng ta đã làm chủ được những ngành khoa học nào, những công nghệ nào?

Chúng ta có đủ sức giải đáp các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn sản xuất hay chưa?

Chúng ta đã làm ra được bao nhiêu dược phẩm thay thế cho nhập khẩu thuốc và nguyên liệu bào chế?

Chúng ta đã làm gì để không phải xuất khẩu thô nông phẩm và nhiên liệu?

Chúng ta đã làm gì để không phải nhập khẩu quá nhiều hàng tiêu dùng, kể cả các hàng hóa rất đơn giản?

Chúng ta còn phụ thuộc bao nhiêu phần trăm về giống lúa lai nhập từ nước ngoài?

Chúng ta có bao nhiêu Viện nghiên cứu hoặc phòng thí nghiệm đạt trình độ quốc tế?

Có bao nhiêu cán bộ khoa học chưa hề có công trình nào công bố trên các tạp chí quốc tế hoặc chưa có sản phẩm khoa học nào được ứng dụng vào thực tiễn...?

Lực lượng khoa học (nhân lực và thiết bị nghiên cứu, cơ sở sản xuất pilot) về mặt nào vượt qua được các nước trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Malaysia...)?

Có bao nhiêu đề tài nghiên cứu sử dụng kinh phí Nhà nước mà kết quả thu được chỉ là lặp lại những điều đã biết trên thế giới và không đưa lại một lợi ích gì cho thực tiễn?

Nghiêm chỉnh trả lời các câu hỏi trên, chúng ta sẽ thấy đang có khoảng cách đáng lo ngại về trình độ khoa học và công nghệ của chúng ta với thế giới và ngay cả với nhiều nước trong khu vực. Đấy là chưa kể đến những tiêu cực trong hoạt động khoa học như báo cáo thiếu trung thực, móc ngoặc trong đấu thầu đề tài, đấu thầu thiết bị, lãng phí trong việc sử dụng trang thiết bị và hóa chất thí nghiệm, sử dụng sai mục đích kinh phí nghiên cứu...

Đòn bẩy nào nào để đổi mới sự nghiệp phát triển Khoa học và Công nghệ?

Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta và cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Từ nay đến thời điểm đó chỉ còn gần 15 năm, một chặng đường hết sức ngắn. Không làm chủ được khoa học và công nghệ không thể trở thành nước công nghiệp.

Cần có những biện pháp rất thông minh, rất mạnh dạn và rất kiên quyết để đổi mới sự nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ. Nên học tập các nước mà cách đây không xa có điều kiện không khác gì ta nhưng nay đã làm chủ được nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ tiền tiến.

Nên phát huy dân chủ để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả đội ngũ khoa học và công nghệ trong nước và trí thức Việt kiều (khoảng 400.000 người) đang làm việc tại nước ngoài.

Theo tôi có những việc có thể làm ngay như sau:

1. Sắp xếp lại mạng lưới nghiên cứu khoa học sao cho có đủ lực lượng chuyên sâu và không trùng lặp. Ví dụ, trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, cần có các Viện nghiên cứu cơ bản về tài nguyên động vật, thực vật, vi sinh vật bên cạnh các Viện nghiên cứu công nghệ về Kỹ thuật di truyền, về Công nghệ tế bào, về Công nghệ Enzim và Protein, về Công nghệ lên men, về Công nghệ môi trường... Với các ngành khoa học khác, sẽ có các chuyên gia đề xuất nên có những Viện nghiên cứu nào và nên đặt ở đâu.

2. Các Viện nghiên cứu đầu ngành phải có đủ trang thiết bị tối thiểu để có thể làm chủ được công nghệ, giải quyết được các vấn đề của đất nước và khi đã có sản phẩm nghiên cứu trở thành hàng hóa thì bắt đầu thực hiện hạch toán kinh tế độc lập như một doanh nghiệp.

3. Phải khuyến khích các doanh nghiệp lập các Viện hoặc các Phòng nghiên cứu ứng dụng. Các đơn vị khoa học này sẽ đem lại công nghệ mới cho doanh nghiệp và làm giàu cho doanh nghiệp.

4. Cần có chủ trương dứt khoát và kiên quyết trong việc gắn phần lớn các Viện nghiên cứu với các trường Đại học trọng điểm như ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Không nên lãng phí chất xám, lãng phí thiết bị, lăng phí thời gian như kiểu tách rời các Viện nghiên cứu với các trường Đại học như thực trạng hiện nay. Đó là ảnh hưởng của hệ thống các viện nghiên cứu thuộc Liên Xô trước đây và không phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Cần vì lợi ích lâu dài của đất nước mà vượt qua các khó khăn về bộ máy tổ chức hiện hành.

5. Trong việc đấu thầu đề tài thì khâu quan trọng là xác định được các nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà đất nước cần giải quyết sau đó đấu thầu việc giao nhiệm vụ cho người chủ trì, người đó sẽ tập hợp lực lượng để giải quyết trọn gói đề tài được giao. Không nên quá câu nệ vào các Viện lớn mà không chú ý đến các nhà khoa học có thực tài.

6. Với thực trạng kinh tế của đất nước, không nên dàn trải mọi lĩnh vực đều phải nghiên cứu, mọi sản phẩm đều phải sản xuất. Nên dành ưu tiên cho việc nghiên cứu tận dụng tài nguyên thiên thiên và coi trọng các sản phẩm có giá trị xuất khẩu.

7. Với các đề tài ứng dụng, nên thay thế việc cấp phát kinh phí nghiên cứu bằng việc cho vay kinh phí triển khai. Nếu thành công thì kinh phí cho vay được coi là cấp vốn, ngoài ra còn được thưởng thêm tùy thuộc vào giá trị của công trình. Nếu không hoàn thành thì coi như Nhà nước đã cho vay ưu đãi không lãi, cần xuất toán 100% để thu hồi kinh phí dành cho các đề tài ứng dụng khác.

Tôi đã đề xuất tại Quốc hội phương án này và đă được Bộ trưởng Bộ Tài chính ủng hộ. Tôi tin rằng chỉ riêng với phương án này cũng đủ làm xuất hiện rất nhiều sáng kiến, cải tiến có tác dụng đổi mới năng suất nhiều ngành sản xuất công nông nghiệp, tiết kiệm được nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và sức lao động. Nông dân còn có thể được vay theo tín chấp, nhẽ nào các nhà khoa học và tổ chức khoa học không đáng được tin cậy?

Là một cán bộ đă có 50 năm tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tôi coi các ý kiến trên đây là các kiến nghị tâm huyết gửi đến Đại hội X của Đảng. Mong sao sẽ được xem xét và nếu ý kiến nào là đúng mong được biến thành các chủ trương và biện pháp cụ thể.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X phải trở thành sức mạnh cụ thể, hướng dẫn toàn dân ta trong công cuộc phấn đấu cho mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong Nghị quyết Đại hội, nên bớt đi các mệnh đề ít thông tin và cần tăng thêm các mục tiêu và các biện pháp cụ thể, khả thi, dễ đôn đốc, kiểm tra. Không nên quên lời căn dặn của Bác Hồ từ cách đây 59 năm: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin của nhân dân đới với Đảng” (HCM toàn tập, T.5, 1995, tr.250).

  • GS Nguyễn Lân Dũng, Đại biểu Quốc hội

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,